Đội tàu phá băng nới rộng ảnh hưởng của Nga ở Bắc Cực

Thứ Bảy, 18/01/2025, 09:49

Trong suốt lịch sử chinh phục vùng cực Bắc địa cầu, Nga luôn thể hiện vị thế dẫn đầu. Đế chế Nga là nước đầu tiên có tàu phá băng hạng nặng Yermak có thể nghiền vụn lớp băng dày từ năm 1898.

Giữa thế kỷ 20, Liên Xô khiến thế giới sửng sốt vì đưa thành công lò phản ứng hạt nhân lên tàu phá băng dân sự. Khi đối thủ vẫn loay hoay vạch chiến lược, đội tàu phá băng hạt nhân của Nga từng ngày lớn mạnh.

Chìa khóa mở kho báu Bắc Cực

Căng thẳng leo thang xung quanh cuộc xung đột Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến ngành công nghiệp chế tạo của Nga đứng trước rất nhiều thách thức, nhưng có một lĩnh vực Nga làm chủ toàn bộ bí quyết và gần như không chịu tác động nào, đồng thời được Điện Kremlin dành mọi nguồn lực ưu tiên: đóng tàu phá băng hạt nhân để mở rộng hiện diện ở Bắc Cực.

pha bang 1.jpg -0
Tàu Yakutiya có kích thước bằng một chiến hạm lớn. Ảnh: ShipSpotting.

Cuối tháng 12/2024, đội tàu được quản lý bởi tập đoàn nhà nước Nga Rosatomflot tiếp nhận thêm một tàu mới thuộc Đề án 22220 mang tên Yakutiya, đặt theo vùng lãnh thổ lạnh giá ở Siberia mà nhiệt độ mùa đông có khi xuống dưới -70 độ C. Với kích thước tương tự một chiến hạm cỡ lớn (dài 173m, rộng 34m, cao 15m từ mép nước), Yakutiya nặng khoảng 34.000 tấn, đủ sức phá vụn lớp băng dày 3m để mở đường cho các tàu chở dầu trọng tải 100.000 tấn đi qua vùng biển đóng băng quanh năm ở Bắc Cực. Tàu dự kiến hoạt động ít nhất 40 năm, được vận hành bởi thủy thủ đoàn 53 người.

Để cỗ máy khổng lồ ấy di chuyển được ở vận tốc 22 hải lý/giờ, Nga đã lắp trên đó 2 lò phản ứng hạt nhân RITM-200, mỗi lò công suất 175 MW, tương đương một nhà máy thủy điện nhỏ. Các lò phản ứng RITM-200 là loại được cải tiến riêng cho tàu phá băng Đề án 22220 và hiện đã có 3 tàu đang họat động là Arktika, Sibir và Ural. Thông tấn Nga TASS mô tả tàu Đề án 22220 hiện nay là loại lớn và mạnh nhất thế giới.

Sự kiện biên chế tàu Yakutiya cho đội tàu Rosatomflot mang ý nghĩa đặc biệt, bởi có thiết kế cải tiến hơn các thế hệ tiền nhiệm và được chế tạo gần như toàn bộ bằng linh kiện nội. Yakutiya khởi đóng tháng 5/2020 tại St Petersburg, hạ thủy tháng 11/2022 và hoàn tất thử nghiệm cách đây 3 tuần. Một tháng trước khi Yakutiya được bàn giao cho Rosatomflot, Nga đã hạ thủy tàu phá băng thứ 5 thuộc Đề án 22220 mang tên Chukotka để thử nghiệm và dự kiến biên chế năm 2026. Hai tàu khác là Leningrad và Stalingrad cũng đã được khởi đóng, dự kiến bàn giao năm 2028 và 2030. Đến cuối thập niên này, Nga sẽ có tổng cộng 7 tàu Đề án 22220 hoạt động thường trực ở Bắc Cực.

Nga cũng đang chế tạo tàu phá băng Đề án 10510 với chiếc đầu tiên mang tên Rossiya, tức "nước Nga". Tàu này lớn hơn tàu thuộc Đề án 22220, nặng 69.700 tấn, dài 210m, rộng gần 48m và cao 19m từ mép nước. Tàu sẽ được trạng bị 2 lò phản ứng RITM-400, mỗi lò công suất 315 MW, giúp tàu di chuyển ở vận tốc tối đa 23 hải lý/giờ, phá lớp băng dày tới 4,3m và mở một kênh tạm rộng 50m tại các vùng biển đóng băng để tàu bè thương mại cỡ lớn có thể di chuyển an toàn. Ngoài nhóm tàu Đề án 22220, Rosatomflot có 4 tàu phá băng hạt nhân khác đang hoạt động là tàu Taymyr, Vaygach thuộc Đề án 10580; tàu Yamal và 50 Let Pobedy thuộc Đề án 10521. Moscow cũng sở hữu một đội tàu phá băng chạy bằng diesel hơn 30 chiếc, gồm tàu Ivan Papanin có thể mang tên lửa.

Nếu Bắc Cực là một kho báu khổng lồ, Nga coi đội tàu phá băng hạt nhân là chìa khóa mở kho báu đó. Kể từ khi tàu phá băng hạt nhân đầu tiên Lenin, hạ thủy năm 1959, các thế hệ tàu phá băng Nga đã mở ra một chân trời mới ở Bắc Cực, bởi nó giúp khai thông những tuyến đường xa xôi nhất mà không bị giới hạn bởi thời gian đi đường và nhiên liệu. Nửa thế kỉ qua, các con tàu đã giải cứu, hộ tống và mở đường cho hàng vạn tàu hàng, tàu dầu, tàu nghiên cứu di chuyển thông suốt ở Bắc Cực, qua đó mở rộng khảo sát địa chất, cải thiện hợp tác chống biến đổi khí hậu, khai khoáng. Chúng cũng đảm bảo tiếp tế các cơ sở quân sự tối quan trọng của Nga ở vùng cực, bao gồm một số cơ sở răn đe hạt nhân.

Trong thông điệp gửi tới lễ thượng cờ tàu Yakutiya, Tổng thống Nga Vladimir Putin mô tả việc tăng cường đội tàu phá băng quốc gia có vai trò then chốt với các kế hoạch phát triển của Nga ở Bắc Cực và thúc đẩy vận chuyển hàng hóa trên Tuyến đường biển phía Bắc (NSR)" dài 5.600 km. Đội tàu phá băng Nga sẽ biến NSR thành tuyến hàng hải có vai trò then chốt trong thế kỷ 21 này, nhất là trong bối cảnh tình hình địa chính trị toàn cầu biến động.

Để so sánh, tuyến đường biển từ châu Âu tới Nhật Bản qua NSR chỉ dài hơn 9.000 km, còn tuyến đường đi qua kênh đào Suez dài tới 20.000 km. NSR gần đây đã ghi nhận một kỷ lục mới về khối lượng hàng hóa được trung chuyển năm 2024, ước tính lên đến 38 triệu tấn, tăng hơn 10 lần so với mức 3,7 triệu tấn vào năm 2014.

Biểu trưng sức mạnh của nước Nga trên biển

Nga không phải nước duy nhất đang cố gắng mở rộng hiện diện ở Bắc Cực. Mỹ, Canada, Đan Mạch và Na Uy đang tham gia nỗ lực đó. Trung Quốc, một người chơi mới, đã thể hiện sự quan tâm và mô tả mình là "cường quốc gần Bắc Cực". Tuy nhiên, không quốc gia nào có lợi ích sống còn ở đó như với Nga, nước có phần lãnh thổ rộng lớn trên vùng Bắc Cực cùng đường bờ biển phương Bắc trải dài hàng ngàn km.

Theo Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, vùng lãnh thổ thưa dân của Nga ở Bắc Cực chiếm 10% tổng GDP, 20% kim ngạch xuất khẩu. Khoảng 1/3 số cá đánh bắt được ở Nga đến từ biển ở Bắc Cực, biến đây trở thành nguồn thực phẩm chính. Trong Chiến lược Bắc Cực mới, Tổng thống Nga Putin gọi vùng lãnh thổ đó là nền tảng an ninh quốc gia. Kết quả thăm dò cho thấy Bắc Cực chứa 1/4 tổng trữ lượng dầu và khí tự nhiên chưa khai thác. Tổng thống Putin từng nói giá trị khoáng sản Bắc cực ước tính vào khoảng hơn 30.000 tỷ USD.

Kể từ khi Sa hoàng cho đóng tàu phá băng hạng nặng đầu tiên hồi cuối thế kỷ 19, tàu Yermak (dài gần 100m, độ choán nước 9.000 tấn và phá được lớp băng dày gần 2m), chưa có giai đoạn nào mà Nga bị thua thiệt về phương tiện hiện diện ở  vùng cực. Sau sự xuất hiện của tàu hạt nhân Lenin, Nga vượt xa mọi đối thủ.

Theo các chuyên gia, việc đưa lò phản ứng hạt nhân lên tàu luôn là thách thức lớn của các cường quốc và hiện chúng chủ yếu được ứng dụng trên tàu sân bay hoặc tàu ngầm quân sự cỡ lớn. Trung Quốc hiện có 4 tàu phá băng vùng cực, chủ yếu phục vụ nghiên cứu khoa học và khả năng phá băng dày khoảng trên dưới 1m. Tờ The Diplomat năm 2023 cho biết, Bắc Kinh đang phát triển một tàu phá bằng chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng chưa rõ tiến triển.

Mỹ, siêu cường quân sự có bờ biển dài, chỉ sở hữu 2 tàu phá băng vùng cực là tàu Polar Star và Healy chạy bằng diesel, hoạt động từ năm 1976 và 1999, kích thước bằng 2/3 tàu Yakutiya. Canada, quốc gia có đường biên giới sát Bắc Cực, dự kiến biên chế 2 tàu diesel Arpatuuq và Imnaryuaq vào năm 2030, trễ hạn 13 năm so với kế hoạch ban đầu.

Nhờ đội tàu phá băng Rosatomflot, Nga đang cải thiện hạ tầng ở Bắc Cực nhanh hơn bất cứ nước nào. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu khiến băng tan nhanh (tốc độ nóng lên ở Bắc Cực cao gấp 4 lần trung bình toàn cầu) và mở triển vọng kinh tế mới ở Bắc Cực, Nga nỗ lực "đón đầu" các cơ hội bằng cách đầu tư nhiều nguồn lực để hiện đại hóa các cơ sở từ thời Liên Xô. Các trạm dầu, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lần lượt được xây dựng mới để Nga mở rộng bán năng lượng cho khách hàng châu Á.

Căn cứ quân sự trên đảo Kotelny nằm ở trên NSR bị lãng quên sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, nhưng nay đã thay thế bằng một cở sở mới, hiện đại. Theo lời Tổng thống Putin, nhóm tàu phá băng hiện đại không chỉ "giải quyết những thách thức đa dạng quan trọng mà nền kinh tế đang phải đối mặt mà còn củng cố thêm vị thế của Nga như một cường quốc hải quân", trở thành một trong những biểu tượng của sức mạnh Nga trên biển.

Giới quan sát đánh giá, việc Nga đảm bảo ưu thế ở vùng Bắc Cực giúp Moscow cải thiện năng lực răn đe và đảm bảo thế cân bằng chiến lược ở châu Âu giữa lúc căng thẳng leo thang. Phương Tây phàn nàn sự hiện diện của Nga ở Bắc Cực, nhưng không có nhiều công cụ để can dự. Theo Quỹ Carnerie, sau sự kiện Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, 7 thành viên phương Tây của Hội đồng Bắc Cực (Canada, Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thụy Điển và Mỹ) ra tuyên bố chung đình chỉ hợp tác với Nga. Reuters đánh giá hoạt động của Hội đồng Bắc Cực từng là một ví dụ thành công về hợp tác hậu Chiến tranh Lạnh giữa Nga và phương Tây, nên việc cơ quan này có nguy cơ sụp đổ khiến các nỗ lực hợp tác bảo vệ hệ sinh thái gặp khó khăn.

Tháng 11/2024, Mỹ cùng 2 đồng minh Canada, Phần Lan đã kí kết "Hiệp ước Băng giá" để chế tạo đội tàu phá băng vùng cực nhằm đối trọng với đội tàu Nga. Việc phát triển và đóng mới tàu phá băng hạt nhân hạng nặng sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD cùng khoảng thời gian ít nhất 10-12 năm. Chuyên gia Elizabeth Buchanan của tờ WarontheRocks mô tả, trong trường hợp xảy ra xung đột trong tương lai gần, Nga là nước không có đối thủ về khả năng hoạt động ở Bắc Cực.

Nguyễn Viết
.
.