Đời là bể khổ - Có thật không?

Thứ Ba, 12/07/2022, 20:29

Câu hỏi ấy đã vang lên trong tôi một vài lần, mà lần gần nhất cách đây chừng 10 năm. Đấy là lần một người bạn “Alo” gấp: “Rảnh không? Vào viện nhanh đi, giúp tôi cái”. Anh muốn tôi đón tay đứa con đầu lòng của anh, đứa con mà hai anh chị mong ngóng, chờ đợi sau bao ngày long đong chữa chạy. Tôi vẫn nhớ mãi khoảnh khắc bác sĩ bế thiên thần bé nhỏ ấy ra, trao cho tôi.

Một cảm giác hân hoan kỳ lạ ngập tràn tâm hồn tôi. Rồi tôi chuyển lại thiên thần cho anh bạn. Thiên thần nằm lim dim trong vòng tay bố. Tôi nhìn kỹ những ngón tay của thiên thần. Chúng nhỏ, xinh, đáng yêu quá đỗi. Hai má thiên thần phúng phính, hồng hồng và có những phủ mịn trăng trắng. Lúc ấy, với tâm thế của người “chưa từng có con”, tôi còn tưởng các bác sĩ vừa phẩy nhẹ một ít phấn lên má thiên thần. Sau này tôi mới biết, nhiều em bé sơ sinh đều tự nhiên như vậy. Cái tay nhỏ xinh, cái má phúng phính, cái mắt lim dim, cái mồm chúm chím..., yêu quá là yêu.

Đấy là lần đầu tiên tôi được chạm vào một sinh linh vừa chính thức thành người. Đấy là lần đầu tiên tôi được chứng kiến cái cảnh một ông bố hân hoan vui sướng ôm đứa con mình chờ đợi bao năm tháng vào lòng. Rồi ông bà, cô chú của em bé ấy nữa, nhìn vào sắc thái của họ, không khó nhận ra tất cả đều đang sóng sánh trong một bến bờ vui. Trời ơi, cuộc đời hóa ra có những khoảnh khắc thiêng liêng, đẹp đẽ thế này đây, tôi nghĩ. Và, chính cái lúc ý nghĩ ấy bị đẩy lên đến cao trào lại là lúc tôi hồ nghi đức Phật. Nếu đời vui như thế này, tại sao đức Phật lại bảo “đời là bổ khổ?”. Câu hỏi này truy kích con người bên trong của tôi trong suốt một thời gian dài, mỗi lúc tôi lại trả lời một chút, và mỗi lúc, nhận thức trong tôi lại dày thêm một chút.

_108108691_2c779b88_7838_470a_aa-1657600217706.jpg
Ảnh: S.t

Cuộc đời có thật là “bể khổ” không, theo bạn?

Tôi đã nghiền ngẫm rất kỹ tư tưởng “tứ diệu đế” của Phật giáo, đặc biệt là “khổ đế” và tôi thấy về cơ bản đức Phật chỉ ra 8 nỗi khổ của một đời người.

1. Khổ vì mình được/bị sinh ra.

2. Khổ vì theo năm tháng mình sẽ già đi.

3. Khổ vì trước sau, ít nhiều mình cũng phải đối diện với bệnh tật.

4. Khổ vì cuối cùng ai rồi cũng phải chết.

5. Khổ vì yêu nhau nhưng phải xa nhau.

6. Khổ vì ghét nhau nhưng phải gần nhau

7. Khổ vì muốn mà không thành, không được.

8. Khổ vì chấp vào ngũ ẩn: Sắc -thọ - tưởng - hành - thức, 5 yếu tố tạo nên thân và tâm con người, theo quan điểm Phật giáo.

Đã có rất nhiều bậc tu hành trí giả giảng giải kỹ lưỡng về 8 nỗi khổ này. Bạn có thể mở sách ra đọc, hoặc bật YouTube lên nghe một cách dễ dàng. Với mình, sau nhiều năm nghiền ngẫm và phân loại, tôi nghĩ có thể chia 8 nỗi khổ này ra thành 2 loại. Loại 1: khổ vì yếu tố khách quan, đó chính là “khổ vì được/bị sinh ra”. Chúng ta không được hỏi ý kiến trước khi được/bị sinh ra. Cho nên, việc được/bị sinh ra nằm ngoài thế giới chủ quan của ta. Nó hoàn toàn là câu chuyện của bố ta và mẹ ta. Ta tuyệt nhiên, tuyệt đối không thể can dự vào quá trình đi tới quyết định mình có được/bị sinh ra hay không. Loại 2: Khổ vì phải đối diện với những hoàn cảnh không như ý mình, bao gồm toàn bộ 7 nỗi khổ còn lại. Ta muốn mình được trẻ mãi nhưng rồi ta vẫn phải già. Ta muốn mình được khỏe mãi nhưng rồi ta vẫn phải bệnh. Ta muốn mình trường sinh bất tử nhưng rồi ta vẫn phải chết. Ta muốn mãi mãi được ở gần người mình yêu và ở xa người mình ghét nhưng rồi vẫn phải đối diện với hoàn cảnh ngược lại. Ta muốn tâm thần mình vững chãi, an lạc nhưng tâm thân cũng luân chuyển vô thường. Như vậy, ta khổ vì ta muốn quá nhiều đấy chứ. Cuộc đời bản thân nó đâu có làm ta khổ, chính những ham muốn mới làm ta khổ.

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.

Ham muốn trong ta ghê gớm, khủng khiếp thế cơ mà! Cho nên, nếu nói “đời là bể khổ” thì có lẽ nó chỉ ứng nhiệm với cái khổ đầu tiên (khổ vì được/bị sinh ra). Với 7 nỗi khổ còn lại, nó đến hoàn toàn từ những ham muốn của ta đấy chứ. Cái khổ đầu tiên thì như đã nói, chúng ta không can thiệp được, nhưng 7 cái khổ còn lại hoàn toàn nằm trong vùng điều chỉnh của chúng ta. Vì thế, khi nói về nguồn gốc của nỗi khổ, thực ra đức Phật nghiêng hẳn về việc lý giải 7 cái khổ còn lại. Ngài bảo chúng ta khổ vì “tham” (tham lam, vơ vét, mong cầu...), “sân” (so sánh, đố kỵ, sân hận...), và “si” (si mê, lầm lạc, u tối...). Điều chỉnh về tham - sân - si chính là điều chỉnh mức độ ham muốn trong một con người. Điều chỉnh mức độ ham muốn trong một con người là để giải quyết bài toán khổ đau.

Đời là bể khổ - Có thật không? -0

Vậy thì thay vì dịch “đời là bể khổ”, chúng ta nên dịch thành “ham muốn là bể khổ” được chăng? Dịch như thế sẽ trúng vấn đề hơn và gần với tư tưởng gốc của đức Phật hơn chăng? Khi đặt ra hai câu hỏi này, tôi luôn ý thức mình vẫn đang là một con người u tối. Vẫn phải tiếp tục nghiền ngẫm, quan sát, ứng dụng, chia sẻ nhiều hơn nữa, để có thể đưa ra những góc nhìn chân xác hơn nữa. Thành thử, nếu có chỗ nào chưa chuẩn (dẫu chỉ là cái “chuẩn” trong quan điểm của bạn) thì mong bạn lượng thứ và chỉ giáo thêm. Nhưng, những trăn trở trên đây là sự thực và tôi nghĩ, việc không ngừng chia sẻ những trăn trở với nhau sẽ giúp chúng ta dễ “vỡ”, dễ “ngộ” hơn rất nhiều.

Trở lại với câu chuyện về sự ra đời của thiên thần bé nhỏ mà tôi kể ở đầu bài viết. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy, sự ra đời ấy đáp ứng mong muốn bấy lâu của một ông bố, một bà mẹ, một gia đình nên năng lượng an vui tràn ngập. Nhưng, trong những trường hợp khác, nếu đứa bé ra đời không đáp ứng mong muốn vốn có của gia đình thì xung quanh sự ra đời đó có thể lại là một năng lượng hoàn toàn khác. Giả dụ, gia đình mong sinh ra một bé trai nhưng cuối cùng đấy là bé gái. Giả dụ gia đình mong sinh ra một em bé lành lặn nhưng chẳng may sinh linh mới ra đời lại có điểm nọ, điểm kia chưa lành lặn. Giả dụ, gia đình mong em bé cất tiếng khóc chào đời vào đúng khung giờ A nhưng cuối cùng nó lại rơi vào khung giờ B. Tức là, ngay trong một câu chuyện có thể coi là điển hình nhất của niềm vui thì chưa chắc bản thân câu chuyện ấy đã đem đến niềm vui, mà vì những yếu tố ham muốn trong câu chuyện ấy được thỏa mãn nên người ta vui.

Phải diệt bỏ ham muốn, đấy là cốt lõi tu tập của Phật giáo. Khi nào diệt hết được các ham muốn, người ta tự nhiên sẽ thành phật. Phật theo nghĩa là “người giác ngộ”, người hiểu rõ quy luật của vũ trụ, chứ không phải là người có phép lạ như thần thánh. Nhưng, trên trái đất này, chắc chắn chỉ có một số lượng vô cùng hiếm hoi những người có thể diệt bỏ toàn bộ ham muốn để thành phật. Mà, nếu gần 8 tỉ người trên trái đất đều có thể diệt bỏ toàn bộ ham muốn của mình để trở thành gần 8 tỉ “đấng giác ngộ” thì trái đất cũng chẳng còn là trái đất. Những động vật bậc cao trên trái đất được thiết kế dựa trên các cơ chế ham muốn. Ở góc độ sinh học: cái mồm có ham muốn ăn. Cái tai có ham muốn nghe. Cái mắt có ham muốn nhìn. Ở góc độ xã hội: Người này có ham muốn thành đạt hơn người kia. Người này có ham muốn chi phối người kia. Rồi quốc gia này, quốc gia kia cũng luôn có ham muốn chèn ép, thôn tính, tạo tầm ảnh hưởng tới những quốc gia còn lại. Diệt trừ ham muốn là diệt trừa cái mà động vật bậc cao vốn thuộc về. Cho nên, ngoại trừ một số rất hiếm hoi, ít ỏi những bậc chân tu, đòi hỏi phần đông nhân loại phải diệt bỏ ham muốn là điều không tưởng.

Với phần đông nhân loại, điều thực tế hơn cả là phải điều hòa các ham muốn. Trong mỗi chúng ta luôn có cái tham, vậy thì chúng ta phải điều hòa, tiết chế cái tham. Trong mỗi chúng ta luôn có cái sân, cái si thì phải tiết chế, điều hòa làm sao để ngày hôm nay ít sân/si hơn ngày hôm qua. Và, phải hướng tới việc làm sao để biểu đồ tham - sân - si của mình không ảnh hưởng tiêu cực tới những người xung quanh. Làm được như thế, sự khổ đau đã giảm đi rất nhiều.

Không! Đức Phật không nhầm khi nói về “khổ đế”, càng không nhầm khi đặt “khổ đế” là yếu tố đầu tiên trong 4 yếu tố tạo nên “tứ diệu đế” (khổ đế - tập đế - diệt đế - đạo đế). Nhưng, để gần với tư tưởng của đức Phật hơn và cũng để nhắc nhở mình thường trực, sát sườn hơn, phải chăng thay vì nói “đời là bể khổ”, chúng ta hãy thành thực nói với nhau “ham muốn là bể khổ”.

“Đời”, suy cho cùng chỉ là nơi chứa đựng những ham muốn trong lòng chúng ta. Khi chúng ta điều chỉnh được các ham muốn một cách tốt nhất thì “đời” cũng đâu còn khổ nữa! 

Vương Trọng Tín
.
.