Đi tìm cội nguồn bãi đá cổ Sa Pa
Cách đây đúng 100 năm, năm 1925, nhà khảo cổ học Pháp gốc Nga Victor Goloubew, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp, là người đầu tiên đến khảo sát, viết bài nghiên cứu với các hình ảnh, bản dập và hình vẽ từ các hình khắc trên bãi đá cổ tại thung lũng Mường Hoa, Sa Pa, Lào Cai.
Goloubew và bãi đá cổ Sa Pa
Theo Goloubew, bãi đá thực sự là một quần thể khoảng 30 tảng đá, thoạt nhìn không có giá trị khảo cổ học. Nhưng nhìn kĩ, bên trong sự rối rắm đan xen của các hình khắc dày đặc lại là một tổng thể có trật tự, có thể mang một ý nghĩa cụ thể, liên quan tới một tín ngưỡng cổ nào đó của người xưa. Ông cũng chỉ ra, các hình vẽ phân bố hầu hết hướng về phía Nam - Đông Nam, hướng nguồn nước và tạo thành một hình tam giác trông như kim tự tháp…

Ông cũng chỉ ra sự tương ứng giữa bố cục các hình khắc với sơ đồ cảnh quan Mường Hoa với những thửa ruộng bậc thang, ngôi nhà, con đường và dòng sông Mường Hoa, một hợp lưu của sông Hồng (nay đã hóa thành suối).
Ông đã liên hệ các hình khắc hoa văn hình học ở đây với các mô típ trên chiếc “trống cầu mưa” nổi tiếng ở Bảo tàng Hà Nội (tức trống Ngọc Lũ), so sánh hình người cách điệu cao có tư thế dạng chân phổ biến ở đây với các hình tương tự trên đồ thêu của người Dao, Thái, Lô Lô và trên một rìu đồng (Đông Sơn tìm thấy ở Hà Đông). Ông ngờ rằng hình người trên đầu có các tia sáng có lẽ thể hiện một pháp sư hay một ai đó có sức mạnh siêu nhiên. Cuối cùng ông gợi ý: việc nghiên cứu các hình có ý nghĩa ma thuật trên có thể chỉ ra nguồn gốc của chúng khi có đủ những hình cùng loại với xuất xứ dân tộc học chắc chắn…
Cảm nhận và phán đoán của Goloubew thật tài tình. Giờ đây, với những hình người trên tranh vách đá của người Lạc Việt thời Đông Sơn ở hai nơi cách Sa Pa không xa, chúng ta đã có thể tìm ra cội nguồn đích thực của bãi đá cổ đó.
Tranh vách đá Núi Hoa và tranh vách đá Thương Nguyên
Năm 2005, các nhà khảo cổ đã phát hiện được hơn 70 địa điểm có tranh vẽ trên vách núi ven các nhánh sông Tả tại 6 huyện ở Quảng Tây (Trung Quốc), cách biên giới Việt - Trung hiện tại khoảng 70 km. Trong đó, ấn tượng nhất là tập hợp 1.900 hình vẽ rộng gần 4.000 m2 ở Núi Hoa, quận Ninh Minh, hiện là tập hợp tranh vách đá lớn nhất thế giới. Năm 2016, tập hợp tranh đó đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Các hình vẽ được vẽ chủ yếu bằng đất đỏ chứa ôxít sắt trộn máu trâu bò. Chúng thể hiện cảnh một hội lễ với người, động vật, vũ khí, nhạc cụ (có nhiều trống đồng), thuyền giống các hình khắc trên đồ đồng Đông Sơn, vì thế các học giả nhất trí coi những bức tranh trên là của người Lạc Việt thời Đông Sơn, tổ tiên của người Việt, Tày, Choang... Điều này cũng phù hợp với niên đại khoảng thế kỷ 5 trước Công nguyên (TCN) đến thế kỷ 2, thời Văn hóa Đông Sơn, khi các vùng đất ở Quảng Tây vẫn thuộc về nước Văn Lang, sau đó là nước Âu Lạc.
Điều đáng chú ý là trên 85% hình vẽ ở đây là hình người ở tư thế dạng chân dang tay lên cao. Các tư liệu dân tộc học cho thấy đó là những người ở “tư thế ếch”, đang múa “điệu múa ếch”, một biểu hiện của tín ngưỡng vật tổ ếch. Các hình người cao lớn, lưng đeo kiếm thể hiện các thủ lĩnh kiêm pháp sư…
Tư liệu khảo cổ học cho thấy người Lạc Việt vào cuối thời Đông Sơn có tín ngưỡng vật tổ ếch, bằng chứng là tượng ếch nổi bật trên mặt các trống Đông Sơn muộn có cỡ cực lớn thường được gọi là trống sấm dùng trong các lễ cầu mưa; hình người - ếch trên cán các qua đồng tìm thấy ở Hà Đông (Hà Nội) và Gò De (Phú Thọ); hình người - ếch trên các nhà mồ minh khí ở Châu Can, Phú Lương (thường bị gọi nhầm là trâm cài đầu). Họ cũng đồng nhất ông tổ ếch đó với thần sấm - thần mưa - thần bảo hộ tộc người.
Ngày nay, người Choang, một nhóm con cháu người Lạc Việt vẫn coi Thần Ếch là Hoàng tử, con của Vua Trời - Thần Sấm và vẫn tổ chức Hội Ếch vào Tết Âm lịch với nghi lễ Múa Ếch, nói là để làm vui lòng Thần Sấm và cầu mưa thuận gió hòa. Người múa chủ yếu là các pháp sư với các động tác mô phỏng động tác của ếch, trong đó có tư thế giống hệt tư thế các hình người trên vách đá Hoa Sơn.
Như vậy, các hình vẽ trên vách Núi Hoa tái hiện một lễ cầu mưa của người Lạc Việt xưa. Nhìn chung, như các hình khắc vẽ trên đá trong nhiều nền văn hóa tiền sử trên khắp thế giới, chúng là một dạng ma thuật mô phỏng theo nguyên lý: cầu cái gì thì khắc vẽ cái đó rồi gửi chúng tới thần linh - vũ trụ. Núi Hoa, một điểm giao hòa giữa trời - đất và nước chính là nơi thích hợp nhất cho ma thuật này. Đó là ngọn núi duy nhất ở đây có hình tam giác vươn thẳng tới trời xanh bên dòng sông chảy bên các ruộng lúa. Gần 70% các hình vẽ ở các vách đá nằm bên các khúc cong của dòng sông, nơi được tin là chỗ trú ngụ của các vị thần sông nước. Các hình vẽ chính là một dạng lễ vật đặc biệt mà con người muốn dâng lên tổ tiên - thần linh…
Từ những năm 1960, các nhà khảo cổ học cũng phát hiện ra tại huyện tự trị Va Thương Nguyên, Vân Nam (Trung Quốc) 800 hình tranh vách đá tại 11 nơi có niên đại từ thế kỷ 1. Chúng được tạo ra với kỹ thuật, chất liệu về cơ bản tương tự với tranh vách đá ở Núi Hoa nhưng với nội dung phong phú hơn…
Nhiều hình vẽ ở Thương Nguyên cũng thấy trên các trống đồng Đông Sơn, đặc biệt là hình hai dạng nhà sàn mái sống võng có chim trên bờ mái, nhà sống lồi, hình người giã gạo bên nhà sàn, hình người trên đầu trang trí lông chim, hình các chiến binh nhảy múa cùng vũ khí, hình chim, rắn, trâu, bò, voi, lợn, hổ... Đặc biệt tại Thương Nguyên bên cạnh hình người ếch dạng chân, hai tay dang cao bắt đầu xuất hiện hình người ếch dang hai tay xuống dưới.


Các nhà dân tộc học xác định chủ nhân của tranh vách đá Thương Nguyên chính là tổ tiên của người Va ở đây bởi họ hiểu rất rõ nội dung và ý nghĩa của các hình vẽ trên. Cho đến những năm 1950, họ vẫn ở nhà sàn có hình chim gỗ trên hai đầu hồi, vẫn giã cối trong các hội lễ… như hình trên tranh. Họ cũng có các ngôi nhà làng mang các hình vẽ với phong cách tương tự. Rõ ràng, người Va vẫn bảo lưu một số phong tục và phong cách nghệ thuật của tổ tiên, những người đã tạo ra tranh vách đá xưa.
Các tư liệu khác lại cho thấy người Va Thương Nguyên chính là một nhóm Lạc Việt từ Quảng Tây thiên di bằng đường bộ về phía Tây Vân Nam vào thời Đông Hán (thế kỷ 1-2). Tên đầy đủ của họ là Lava, chính là tên gọi gốc của Lạc Việt...
Cội nguồn bãi đá cổ Sa Pa
Những tương đồng giữa các hình vẽ, khắc ở Núi Hoa, Thương Nguyên và Mường Hoa, đặc biệt hình người - ếch cho phép xác định chủ nhân đầu tiên của bãi đá cổ Sa Pa là một nhóm Lạc Việt ở thời cuối hay sau Đông Sơn (thế kỷ 2). Trong mỗi lễ cầu mưa, do vùng thung lũng không có các vách đá cao để vẽ bột son và máu các con vật hiến tế lên đá như tổ tiên xưa và nhờ có công cụ sắt, họ đã khắc các biểu tượng thiêng của tổ tiên - thần linh lên các tảng đá tạo thành hình một ngọn núi…
Do hình người ếch ở Mường Hoa có tư thế tay dang xuống dưới tương tự hình người ếch Thương Nguyên nên nhóm Lạc Việt Mường Hoa có liên hệ gần gũi với nhóm Lạc Việt Thương Nguyên. Họ chính là tổ tiên của một nhóm Tày cổ, những người đã đặt tên Mường Hoa cho thung lũng này (Mường là một từ Tày - Thái).
Người Mông, Dao ở Mường Hoa nay là hai nhóm di dân đến sau và có thể đã khắc thêm một số biểu tượng, ký hiệu riêng của họ...
Trong 100 năm qua, tính phức tạp, kỳ bí của các hình khắc ở bãi đá cổ Sa Pa đã khiến các học giả bối rối, mỗi người mỗi ý. Nhưng giờ đây, khi chúng ta đã có các tư liệu so sánh cần và đủ, thần thái Đông Sơn và nguồn gốc Lạc Việt của chúng đã sáng tỏ.
Cho đến nay, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nơi duy nhất không có tranh vẽ vách đá nhưng lại có các quần thể đá có hình khắc tại Sa Pa và một vài nơi khác. Vì sao? Đó lại là một câu hỏi cần giải đáp…