Đi tìm “căn tính Maori” của người New Zealand
Nando Tzanev, một anh chàng 18 tuổi gốc Maori, chưa bao giờ tỏ ra thiếu kiên nhẫn trong việc hướng dẫn các phóng viên quốc tế đến đưa tin về World Cup nữ 2023 phát âm thật chuẩn cụm từ "Tamaki Makaurau".
Không nhiều người đọc đúng trong vài lần đầu tiên, nhưng khi có ai đó thở dài: "Chẳng phải đọc là Auckland dễ hơn nhiều hay sao?", Nando Tzanev lại nhăn mặt trả lời đầy cương quyết: "Không, chúng tôi gọi vùng đất ấy là Tamaki Makaurau".
Những thành phố hai tên
Những thành phố có hai tên gọi là một trong những điều thú vị nhất đối với những người đến New Zealand lần đầu tiên. Mọi thành phố ở đây đều có hai cách gọi, một cách gọi quốc tế và một cách gọi theo ngôn ngữ Maori, những người bản địa của quốc gia ở Châu Đại Dương này. Auckland City là Tamaki Makaurau, Wellington là Te Whanganui-a-Tara…

Với những người chưa từng học qua tiếng Maori, việc phát âm chuẩn chỉ những cái tên này thật sự là việc cực kỳ khó khăn. Nhưng những tình nguyện viên như Nando Tzanev thì luôn luôn thừa sự nhiệt tình để hướng dẫn bất cứ ai quan tâm. Khi làm vậy, ánh mắt họ tràn ngập sự tự hào và hãnh diện. Nhờ World Cup 2023, văn hóa và ngôn ngữ Maori có một cơ hội rất tốt để quảng bá với toàn thế giới và những người gốc Maori ở New Zealand không thể bỏ qua cơ hội đó.
Những người Maori (có gốc gác từ người Polynesia ở Thái Bình Dương) đã lần đầu phát hiện New Zealand vào khoảng thế kỷ thứ X. Năm 1769, thuyền trưởng James Cook thuộc Hải quân Hoàng gia Anh đã tìm ra vùng đất này và biến New Zealand trở thành một vùng lãnh thổ của Vương quốc Anh. Ngay sau đó, những người châu Âu di cư đã biến người Maori trở thành dân tộc thiểu số trên chính mảnh đất quê hương của họ.
Cuộc đấu tranh của người Maori đem đến kết quả là sự thỏa hiệp với Hiệp định Waitangi được ký ngày 6/2/1840. Người Maori công nhận việc Hoàng gia Anh bảo hộ New Zealand; đổi lại Hoàng gia Anh thừa nhận quyền sở hữu đất đai cho người Maori. Nhưng Hiệp định Waitangi không đảm bảo những quyền lợi công bằng cho người bản địa.
Khi những người đến từ châu Âu trở nên áp đảo về dân số, người Maori và ngôn ngữ của họ bị gạt sang một bên và thậm chí phải chịu sự đàn áp. Vào cuối những năm 1980, trẻ em Maori có thể bị bắt nạt ở trường học nếu nói ngôn ngữ này, và nhiều người trưởng thành đã phải lựa chọn một cách rất đau đớn là không truyền lại ngôn ngữ bản địa cho những thế hệ sau của họ. Nando Tzanev kể rằng chính ông nội anh đã dùng rìu toki (loại rìu của người Maori) bổ vỡ đôi một cái bàn khi cha anh nói rằng việc lưu giữ tiếng Maori "chẳng mang lại gì cho tương lai".
Trên thực tế, Chính phủ New Zealand đã không đứng ngoài cuộc trong việc gìn giữ những giá trị bản địa. Ngay từ những năm 1970, phong trào phục hưng ngôn ngữ Maori đã dẫn đến việc ngôn ngữ này được chấp nhận là một trong hai ngôn ngữ chính thức của đất nước. New Zealand cũng thành lập gần 500 trường mầm non chỉ nói tiếng Maori. Nhiều người New Zealand không phải là người Maori đã chấp nhận sự thay đổi này và tham dự khóa học ngôn ngữ Maori một cách tự nguyện. Hiện nay, người Maori chiếm khoảng 15% dân số New Zealand, tuy nhiên chỉ có khoảng 3% người New Zealand có thể nói tiếng Maori. Chính phủ đặt mục tiêu có 1 triệu người New Zealand, khoảng 1/5 dân số, nói được tiếng Maori cơ bản vào năm 2040.
Năm 2018, nữ Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern thông báo đặt tên cho bé gái mới sinh của bà là Neve Te Aroha, một cái tên theo ngôn ngữ thổ dân Maori (Aroha là tiếng Maori có nghĩa là "tình yêu" và Te Aroha là một thị trấn nông thôn gần Morrinsville, quê hương của bà Ardern). Mới năm ngoái, một lá đơn kiến nghị thu thập đến 70.000 chữ ký đề xuất đổi tên quốc gia thành Aotearoa (vùng đất của những đám mây trắng dài) theo cách gọi cũ của người Maori đã được đệ trình lên Quốc hội. Một cách mạnh mẽ, người New Zealand đang tìm lại "căn tính gốc" của mình và World Cup 2023 chính là một sự kiện phản ánh rõ ràng nhất mong muốn đó. Trên khắp các những nẻo đường, lời chào của New Zealand với phóng viên, CĐV bóng đá đến từ khắp nơi trên thế giới được in ấn trên các bảng biểu cũng là "Kiara ora" - một lời chào giản dị chân thành theo ngôn ngữ Maori, chứ không phải một câu tiếng Anh đại loại như "Welcome to…".
Danh tính quốc gia
Khi nghe chúng tôi đặt câu hỏi về sự phục hưng của ngôn ngữ Maori, giáo sư Callum Surman, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ bản địa New Zealand ở Đại học Auckland, chỉ nói ngắn gọn: "Đó là một sự trở lại. Người New Zealand hiểu rằng văn hóa và ngôn ngữ Maori chính là phần độc đáo giúp quốc gia này trở thành độc nhất vô nhị trên thế giới".

Riêng về các địa danh, giáo sư Surman giải thích: "Những địa danh bằng tiếng Anh thường ít có tính liên quan mật thiết hoặc mang ý nghĩa đặc biệt với vùng đất được đặt tên". Ví dụ, Christchurch được đặt tên để gợi nhớ đến một trường đại học tại Đại học Oxford, trong khi tên Auckland được đặt như một lời tri ân tới George Eden, Bá tước Auckland. Eden là ông chủ cũ của cựu Thống đốc New Zealand, William Hobson, người đã chọn cái tên này. Bá tước Eden thậm chí còn chưa bao giờ đặt chân đến thành phố.
Ngược lại, các địa danh của người Maori phản ánh thông tin về địa điểm cụ thể, bao gồm những câu chuyện quan trọng hoặc đơn giản là nơi có thể tìm thấy thức ăn. Nando, anh chàng tình nguyện viên trẻ, giải nghĩa Thủ đô Wellington có tên tiếng Maori là Te Whanganui-a-Tara, được dịch là "bến cảng vĩ đại của Tara", được đặt tên theo Tara, con trai của nhà thám hiểm người Polynesia Whatonga. Tamaki Makaurau, tên tiếng Maori của Auckland, được dịch sơ lược là "Tamaki mà ai cũng khao khát". Nó xuất phát từ một câu chuyện cổ về Tamaki, một công chúa xinh đẹp và có rất nhiều người ngưỡng mộ.
Giáo sư Surman cũng không có cách giải thích nào thi vị hơn anh chàng Eden. Ông nói thêm: "Các bạn thấy đấy, những cái tên của người Maori kể cho chúng ta nghe những câu chuyện. Chúng nói về lịch sử của chúng tôi, về những sự kiện quan trọng. Chúng thực sự giống như những kho kiến thức được tích lũy qua nhiều thế hệ, đó là cách chúng ta truyền thông tin từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi những cái tên đó bị tước đi, thì hệ thống kiến thức đồ sộ của chúng ta cũng sẽ bị gián đoạn".
Tại World Cup 2023, mỗi thành phố sẽ tổ chức các trận đấu luôn được đề cập với tên tiếng Anh và tiếng bản địa. FIFA cũng thông báo sẽ treo cờ của các quốc gia tham dự và người Maori ở mọi sân vận động. Nỗ lực này được đưa ra sau khi các quan chức bóng đá và chính phủ của nước chủ nhà thúc đẩy một cách tiếp cận ngôn ngữ Maori toàn diện hơn, và tin rằng nó "sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với rất nhiều người". Nando và các thanh niên Maori như anh là những người nằm trong số đó.
Nỗ lực phục hưng tiếng Maori đã giúp thế hệ của Nando không trở thành "vùng trắng văn hóa bản địa". Nando nói rằng rất nhiều người bạn không phải người Maori cùng trang lứa với anh đã lựa chọn học tiếng Maori và nghiêm túc như theo học bất cứ một ngôn ngữ nào khác có thể đem đến cho họ những cơ hội việc làm hấp dẫn. Không có một cây cầu văn hóa nào vững chắc bằng ngôn ngữ, và cũng không có chất keo kết dính tinh thần quốc gia nào chắc chắn hơn việc tôn trọng bản sắc riêng của mọi dân tộc. Nando nói vui rằng ông nội anh, giờ đã ở tuổi 85, "không còn sức để chẻ đôi một cái bàn bằng rìu toki nữa", nhưng ông đã "bật khóc khi thấy những biển hiệu giao thông được trình bày cả bằng tiếng Anh và tiếng Maori" trên đường cao tốc. "Ông nội tôi luôn tin rằng ngôn ngữ Maori sẽ không bao giờ biến mất, và ông đã đúng".
Với những người trẻ tuổi và đầy năng lượng như Nando, ngôn ngữ Maori chắc chắn sẽ còn tồn tại qua rất nhiều thế hệ tiếp theo. Đó là một niềm tự hào được trao truyền qua dòng máu, thứ mà không một điều gì có thể ngăn cản được.
Cọ mũi thay vì bắt tay
Người Maori có văn hóa chào hỏi khá độc đáo gọi là "Hongi". Đó là cách chào hỏi bằng cách cọ mũi vào nhau và có thể kết thúc lời chào bằng cái nắm tay. Hành động này mang ý nghĩa là truyền cho nhau hơi thở của sự sống. Thông qua việc trao đổi lời chào này "manuhiri" - du khách, hòa quyện với "tangata khiua" - người dân bản xứ và tạo lập một kết nối giữa họ. Tuy nhiên vào thời điểm đại dịch COVID-19 diễn ra, các hội đồng bộ tộc Maori đã ra lệnh cấm nghi lễ chào hỏi này.
Một cách chào hỏi khác của người Maori có thể khiến du khách sợ hãi, đó là hành động trợn mắt, lè lưỡi của các thổ dân. Kết hợp cùng với hình xăm truyền thống trên mặt người Maori, hình ảnh này có thể dọa những người yếu bóng vía. Tuy nhiên trong văn hóa Maori, đây là cách thể hiện sự thân ái, niềm nở và chào đón các vị khách một cách nồng nhiệt.
Người Maori đặc biệt coi trọng phần đầu (tapu trong tiếng Maori), vì thế phải cẩn trọng với bất cứ hành vi nào tiếp xúc đến đầu, ví dụ như không được chạm tay vào đầu một người Maori nếu không được phép. Thậm chí mũ đội đầu cũng phải được giữ gìn cẩn thận và sẽ là rất bất kính nếu chuyền thức ăn qua đầu một người Maori.