Đạo nghĩa thầy – trò thời nay

Thứ Bảy, 11/11/2023, 09:00

Người ta bảo: “Trẻ không học, già đổ đốn”. Không! Chẳng cần chờ đến già mới đổ đốn đâu, mà đổ đốn, mất nết ngay lúc trẻ nếu không chịu học hành. Vì thế, bất cứ xã hội nào, thể chế nào, quốc gia nào thì giáo dục cũng là quốc sách.

Tổng thống Nam Phi, ngài Nelson Mandela nói rằng: “Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta thay đổi thế giới” và “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kì thi của sinh viên...”.

1. Dân tộc ta là một dân tộc hiếu học và có truyền thống “tôn sư trọng đạo”. Sư là thầy. Dưới chế độ phong kiến “quân - sư - phụ”, thầy chỉ đứng sau vua và trước cả cha mẹ. Người thầy có giá trị và quyền lực tinh thần bao trùm cả đạo đức, phát ngôn, hành động, là khuôn vàng thước ngọc. Đạo được hiểu ở ý nghĩa giản dị, gần gũi là những đạo lý, đạo nghĩa và tri thức, lý lẽ thầy truyền dạy. Tôn sư trọng đạo là kính trọng, tôn quý thầy, là trân trọng và thực hành những đạo lý, đạo nghĩa thầy dạy. Tôn sư trọng đạo mang tính mô phạm, chuẩn mực.

Viết đến đây tôi chợt nhớ cứ đến Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) hằng năm, không hiểu sao trong lòng lại rưng rưng nhớ đến cái mộ cụ đồ ở gò Miếu làng tôi. Gò Miếu rộng mênh mông, không biết bao nhiêu mộ đất, chỉ riêng mộ cụ đồ là mộ xây. Mộ vuông, trên là cỏ xanh, xung quanh xây bằng gạch đặc màu gan gà.

Cha tôi kể: Cụ là thầy đồ ngày xưa dạy học ở làng tôi. Dĩ nhiên là dạy chữ Nho, đến năm 1919 là khoa thi Nho học cuối cùng, tưởng là thầy đồ mất nghề, nhưng còn học trò muốn học là thầy còn dạy. Các lớp học chữ Nho rơi rớt kéo dài cả chục năm sau mới hết sạch người muốn học, thầy đồ chuyển sang dạy chữ quốc ngữ.

Khi cụ đồ mất, bạn đồng môn các lớp có người đã cháu nội cháu ngoại, người mới trưởng thành báo tin cho nhau đến chịu tang. Đám tang cụ kéo dài đến nửa cây số, đi chật đường, người làng và học trò nườm nượp đến đưa tiễn thầy về nơi an nghỉ cuối cùng. Cờ phướn và linh cữu cụ Đồ khiêng ra tận gò Miếu mà những người đi đưa cuối cùng vẫn chưa ra được khỏi nhà. Mãn tang thầy, bạn đồng môn họp rồi bảo nhau mỗi người góp một viên gạch cùng gia đình xây mộ cụ. Ngôi mộ xây duy nhất ở gò Miếu làng Côi Trì ngày ấy. Bây giờ, đi xa làng gần nửa thế kỉ, mỗi khi gặp lại nhau, nói chuyện quê hương, chúng tôi không quên nhắc đến kỉ niệm thiếu thời xung quang mộ cụ đồ. Chúng tôi, dĩ nhiên là không được học cụ, càng không biết mặt cụ, bởi cụ mất từ lâu. Nhưng, bao nhiêu thế hệ sinh ra, lớn lên ở làng thì ai cũng biết chuyện cụ đồ dạy học, ai cũng biết đám tang và chuyện xây mộ cụ.

Cụ đồ chỉ là biểu tượng “tôn sư trọng đạo” của làng tôi, nhưng nhiều làng quê nước ta có những người thầy mang tầm vóc quốc gia. Thầy Chu Văn An dạy thái tử đã dâng “Thất trảm sớ” xin vua chém lũ gian thần, cáo quan về ở ẩn dạy học cho đến cuối đời. Sở dĩ tại sao những làng quê nhỏ bé và hẻo lánh mà hình tượng người thầy cứ đi vào tâm thức dân gian từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi xã hội có một bầu sinh quyển “tôn sư trọng đạo”.

Đạo nghĩa thầy – trò thời nay -0

2. Thời đại mới, hoàn cảnh mới, triết lý giáo dục mới, giáo dục cho mọi nhà mọi người vừa nâng cao dân trí, vừa phát triển đỉnh cao. Xã hội thay đổi thì con người cũng đổi thay và “tôn sư trọng đạo” mang nội dung, hình thức biểu hiện mới. Chẳng hạn, bây giờ quan hệ thầy trò dân chủ, tiến bộ, gần gũi, thân mật hơn, khoảng cách thầy trò không quá xa cách và nghiêm khắc đến nghiệt ngã như thời xưa. Lễ nghĩa cũng được tối giản mà vẫn giữ được đạo. Có những thầy cô và học trò đi dã ngoại, đi cùng xe, vui cùng hội, đốt lửa trại, tạo dáng chụp ảnh. Ở trường nội trú, thầy cô xuống căng-tin ăn cơm cùng học trò. Các dịp lễ, thầy cùng đá bóng với đội bóng nam của nhà trường, cô cùng lên sân khấu hát tốp ca với học sinh. Ngoài giờ học, cô giáo còn tư vấn cho nữ sinh các kiểu tóc, cách trang điểm làm đẹp...

Trong khi ở thành phố, sự học và sự dạy có nhiều thuận lợi thì ở vùng sâu vùng xa còn nhiều thầy cô cắm bản, đứng lớp ở những điểm trường xa xôi, hẻo lánh. Có buổi lên lớp vắng học trò, cô phải đi bộ đến nhà gặp phụ huynh, đi lên nương vận động học trò đến lớp. Tôi đã từng đến Tả Phời - Lào Cai gặp các thầy cô cắm bản, đến cầu Hai Cô trầm ngâm nhìn xuống dòng suối mùa cạn rồi nghĩ đến cái chết của hai cô giáo vượt suối mùa lũ đến lớp dạy chữ cho học sinh người Dao. Lũ lớn cuốn hai cô mấy ngày sau mới trôi về cầu Cóc, vớt lên đôi mắt vẫn nhắm hờ, mà thân thể vẫn tươi nguyên. Người Dao ở Tả Phời thương giáo viên cắm bản mang chữ đến làm sáng cái đầu con em mình, không may chết thảm, bỏ tên cầu cũ, đặt tên cầu mới là cầu Hai Cô. Cái chết của hai cô giáo đã thành huyền thoại và đi vào đời sống dân gian.

Còn bao nhiêu giáo viên ở biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa đã sống cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời vì sự học của thế hệ trẻ mà không nề hà, kêu ca.

3. Nhưng, giáo dục thời nay cũng có nhiều chuyện buồn, mối quan hệ thầy trò bị chi phối bởi chủ nghĩa vật chất, thói thụ hưởng vô lối và kiểu hành xử thầy không ra thầy, trò không ra trò.

Đó đây, chúng ta vẫn bắt gặp chuyện buồn nhức nhối khi giở bất cứ tờ báo nào, trang mạng xã hội nào. Đó là chuyện cô giáo bắt nữ học sinh nói chuyện riêng với bạn trong giờ học phải uống nước giặt giẻ lau bảng. Là chuyện một em học sinh nói tục bị đội cờ đỏ ghi sổ, cô giáo tập trung 23 học sinh trong lớp lại và quy định mỗi em tát học sinh ấy 10 cái, nếu không tát mạnh thì bị phạt ngược lại. Bị các bạn tát đau quá, em học sinh buột miệng văng tục, bị cô giáo tát thêm một cái, tổng cộng bị tát 231 cái. Gương mặt nữ sinh non nớt bị hơn hai trăm cái tát thì thương tích lắm, đau lắm, nhưng đau xót hơn là “dàn giao hưởng cái tát” sẽ đi suốt tuổi thơ, sẽ ám ảnh đến tận cuối đời. Cô giáo sau đó đã bị khởi tố vì hành vi “Hành hạ và làm nhục người khác”. Nhưng, không biết em học sinh ấy về sau có bỏ qua cho cô giáo không và cái tình thầy trò ở cái lớp 23 học sinh ấy ra sao, tôi cũng không hình dung nổi.

Gần đây, dư luận xôn xao bởi chỉ vì em học sinh lớp 12 không mua bánh sinh nhật đúng cửa hàng cô giáo yêu cầu mà bị cô mời ra khỏi lớp học, khiến em này phải quỳ lạy đến kiệt sức, rồi cô túm cổ áo, kéo lê học sinh này vào lớp và có những lời bất nhã. Càng nóng hơn là vụ thầy giáo tiếng Anh xưng “bố mày”, bảo học sinh là con chó... Thầy xúc phạm học sinh ngay trên bục giảng trước mắt bao nhiêu học sinh. Các hành vi mang tính bạo lực thân thể, bao lực tinh thần, ngược đãi, lăng mạ và sỉ nhục danh dự, nhân phẩm ấy sẽ gây tác hại xấu đến sức khỏe các em đang lớn. Vết sẹo tâm hồn sẽ còn nhức nhối biết đến bao giờ mới lên “da non”.

Không thể viện dẫn tính nóng nảy để ngụy biện cho cái đạo làm thầy xuống cấp và chạy trốn áp lực dư luận lên án. Còn bao nhiêu những ca thán, ì xèo về thầy cô như gợi ý, gây sức ép buộc học trò phải học thêm. Không học thêm sẽ bị điểm thấp hoặc gặp nhau trên lớp thì thầy cô “đá thúng đụng nia, mặt nặng mày nhẹ”. Không khí lớp học căng thẳng, làm sao mà tiếp thu nổi bài học. Đau lòng hơn là có ông hiệu trưởng ở huyện miền núi mua dâm học sinh bị kết án 9 năm tù. Đó đây, vẫn xảy ra các vụ thầy giáo dâm ô học sinh nam, học sinh nữ cũng làm cho những người quan tâm đến giáo dục nước nhà đau lòng lắm.

4. Con người là sản phẩm của gia đình, xã hội, nhà trường. Thầy không ra thầy thì trò cũng sẽ không ra trò. Thời kinh tế thị trường, nhiều trường lớp thu thêm các khoản phí, có thầy cô mở lớp dạy thêm. Ở chiều ngược lại, có phụ huynh và học trò coi việc học đã được đóng học phí, “tiền trao cháo múc”, mất tiền để đi học chứ không phải miễn phí. Áp lực căng thẳng, thầy cô đi dạy phải dỗ, phải nịnh học sinh. Cứ thử sơ ý phạt học trò quá tay mà xem, phụ huynh làm đơn kiện tận hiệu trưởng. Cho nên, mới có chuyện học sinh cãi lại thầy cô, nói xấu thầy cô, có học sinh lớp 8 dám bóp cổ cô giáo, có học sinh bị thầy nhắc nhở đã chặn đường đánh thầy..., các hành vi vô lễ ấy không phải chuyện hiếm hoi ở học đường. Rồi anh trai học sinh đánh thầy giáo gãy sống mũi...

Đôi khi chúng ta đổ lỗi cho mặt trái của cơ chế thị trường, nhưng chúng ta quên rằng sự giáo dục bắt đầu từ gia đình. Cha mẹ là người thầy đầu tiên. Chính phụ huynh làm làm cho tính “tôn sư trọng đạo” bị biến đổi, bị xô lệch, méo mó. Vào trường chuyên lớp chọn, xin nâng điểm, làm đẹp học bạ là do phụ huynh lo lót, chạy chọt, chứ học sinh đâu làm nổi việc đó. Ngày trước, cha mẹ đến với thầy bằng tự giác, tự nguyện. Quà tặng giản dị là cái nón, gói chè hoặc những bông hoa dại vặt vội ở vạt rừng mang đến tặng thầy cô với tấm lòng ấm áp, trong trắng. Bây giờ, nhân ngày lễ tết, cha mẹ đi thay con đến nhà thầy cô bằng phong bì đựng tiền, bằng lẵng hoa hồng ngoại đắt hơn tiền học phí.

Cần có những cải cách triệt để để chấn hưng giáo dục, giữ gìn tôn sư trọng đạo. Chế độ thi cử phải khoa học, khách quan, công bằng chọn được người giỏi thì sự học cũng biến chuyển tích cực theo. Chế độ lương của thầy cô cũng cần phải bảo đảm sống được bằng lao động sư phạm thì phong bao, chạy chọt, gian lận bị chối từ.

Tôi vẫn tin lương tâm trong sáng, thánh thiện ở con người, đặc biệt là những người thầy chưa hẳn đã mất đi, nó chỉ tạm thời bị chuyện cơm áo gạo tiền che khuất. Chính sách giáo dục phù hợp, cộng với ý thức người thầy và môi trường sư phạm tốt thì “tôn sư trọng đạo”. Nói thì dễ, làm thực khó. Khó cho nên Chủ tịch Hồ Chí Minh mới nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Khó, nhưng không thể không làm!

Nguyễn Yên Mô
.
.