Đặng Huy Trứ - Người ươm mầm khai hóa

Thứ Bảy, 26/08/2023, 11:28

Là người đầu tiên đưa nghề nhiếp ảnh du nhập về nước ta, đến nay, trong các tài liệu chính thống đều ghi nhận danh nhân Đặng Huy Trứ (1825-1874) là “ông tổ” của nghề nhiếp ảnh Việt Nam.

Theo nghiên cứu của nhóm Trà Lĩnh đã được công bố, chí sĩ Phan Bội Châu đã coi ông “là một trong những người trồng mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam” còn Tùng Thiện Vương Miên Thẩm thấy ở ông “một tư chất thơm như hoa”.

Tư gia của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Mậu Hiệp - hậu duệ đời thứ 6 của danh nhân Đặng Huy Trứ - ở khu tập thể Kim Liên là nơi đang lưu giữ những kỷ vật, tài liệu quan trọng về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Đặng Huy Trứ. Ông Hiệp không giấu được niềm tự hào khi nhắc tới cụ Đặng Huy Trứ - một nhà Nho yêu nước, người khai sinh nghề nhiếp ảnh tại Việt Nam với hiệu ảnh đầu tiên có tên là Cảm Hiếu Đường. Không những thế, theo tài liệu mà thân phụ của ông Hiệp là cụ Phạm Tuấn Khánh (tên khai sinh là Đặng Khánh Côn) - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh - thu thập được và đã công bố trên báo chí, cụ Đặng Huy Trứ còn là chủ nhà in Trí Trung Đường, là nơi đã tổ chức in ấn nhiều sách vở, tài liệu quan trọng phục vụ giáo dục, canh tân và cứu quốc.

danh nhân đặng huy trứ.jpg -0
Danh nhân Đặng Huy Trứ.

Cụ Đặng Huy Trứ tự là Hoàng Trung, hiệu Vọng Tân, Tỉnh Trai, sinh ngày 16/5/1825 ở làng Thanh Lương, nay thuộc phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Cha cụ là Đặng Văn Trọng  - một thầy đồ có thâm niên, có chí tiến thủ nhưng 5 lần đi thi đều chỉ đỗ đến tú tài, được nhiều học trò yêu  kính. Chú ruột của cụ Đặng Huy Trứ là Đặng Văn Hòa, đỗ cử nhân từ năm 1813, ra làm quan sau đó 1 năm, đến năm 1831 đã cầm quân lên Lai Châu đánh lui quân nhà Thanh xâm phạm bờ cõi và lấy lại đồn Phong Thổ. Đặng Văn Hòa chính là vị quan cai trị đầu tiên của Hà Nội khi Bắc Thành đổi tên là tỉnh Hà Nội, sau ông làm Tổng đốc Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hưng Yên, Bình Định, Phú Yên, từng là Thượng thư Bộ Hình, Bộ Lễ, Bộ Binh, Bộ Hộ, Bộ Công, tham gia Viện Cơ mật và nhiều lần làm giám khảo các kỳ thi. Với cương vị phụ trách Viện Hàn lâm, ông đã chủ trì làm các bộ sách như “Nam thổ hoa anh lục”, “Tập vận trích yếu”, “Thiệu Trị văn quy”, “Đại Nam sự lệ hội điển”. Năm 1851, làm Kinh diện giảng quan, giảng sách cho Vua Tự Đức.

Được hưởng nền tảng giáo dục và truyền thống gia đình, cụ Đặng Huy Trứ đã trở thành một nhà Nho uyên bác, giàu lòng yêu nước và là một trong những nhà văn lớn trong thế kỷ 19, cùng thời với Nguyễn Siêu và được “thần Siêu” coi như “người bạn băng tuyết”. Năm 18 tuổi (1843) ông đã đỗ cử nhân, xếp thứ 3 trong trường thi hương Thừa Thiên, đến khoa thi tiến sĩ năm Đinh Mùi (1847) ông trúng cách nhưng sau phát hiện trong bài thi có câu phạm húy nên bị truất cả tiến sĩ lẫn cử nhân. Ngay năm sau ông thi lại kỳ thi hương và lại đỗ đầu. Trước khi ra làm quan, ông có nhiều năm tháng làm nghề dạy học, rồi lần lượt làm Tri huyện Quảng Xương (Thanh Hóa), Tri phủ Xuân Trường (Nam Định), quan Ngự sử triều đình Huế, quan phụ trách Ty Bình chuẩn. Năm 1865, ông được triều đình cử sang Hương Cảng (Hong Kong) để liên hệ buôn bán và xem xét tình hình người Tây nhìn nhận về nước ta. Trong chuyến đi này, ông được mở mang tầm mắt ở nhiều lĩnh vực, trong đó lần đầu tiên được tiếp xúc với kỹ thuật nhiếp ảnh do người Anh đem đến Hương Cảng lúc đó rất được ưa chuộng. Ngạc nhiên với kỹ thuật mới, ông đã chụp 2 tấm ảnh mang về nước (một bức mặc triều phục, một bức mặc thường phục) đồng thời vẽ lại 2 tấm ảnh này theo kỹ thuật vẽ thời bấy giờ để so sánh.

Khi về nước, ông được trao chức Bình chuẩn sứ và đến năm 1867, khi đi công cán ở Quảng Châu, Trung Quốc, ông đã nhờ một người nhà Thanh tên là Dương Khải Trí chọn mua giúp bộ đồ nghề chụp ảnh. Trở về nước sau 2 năm đi sứ và đã học hỏi được kỹ thuật chụp ảnh, ông mở hiệu ảnh đầu tiên của Việt Nam có tên Cảm Hiếu Đường tại phố Thanh Hà (nay được cho là thuộc khu vực Hàng Chiếu, Ô Quan Chưởng) - một trong 21 phố quan trọng bậc nhất của Hà Nội lúc bấy giờ. Hiệu ảnh được khai trương ngày 2 tháng 2, năm Kỷ Tỵ, tức 14/3/1869, sau đúng 30 năm kể từ khi nhiếp ảnh thế giới ra đời - một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc hòa nhập với sự phát triển của thế giới.

Để quảng cáo cho tiệm ảnh Cảm Hiếu Đường, cụ Đặng Huy Trứ treo 2 câu đối ở cửa hiệu đã được nhà thơ Khương Hữu Dụng dịch:

Câu đối 1:

Nhân yên trù mật Thanh Hà phố

Thiện niệm du hưng Cảm Hiếu Đường.

(Dịch: Thanh Hà phố ấy dân trù mật

Cảm Hiếu Đường đây khách nhiệt nồng).

Câu đối 2:

Hiếu dĩ sự thân nhân sở cộng

Ảnh giai tiêu tượng thế tương truyền.

(Dịch: Hiếu thờ cha mẹ người người muốn

Ảnh giống như người mãi mãi truyền).

Ngoài ra, hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường còn có bài quảng cáo để giãi bày và thu hút khách rất ấn tượng, lược trích như sau:

Trộm nghe:

Xưa nay không ai tái sinh được xương thịt. Tay ứng theo lòng, chụp ảnh tái hiện được tinh thần.

Muốn đi sâu vào ngọn nguồn, xin thử trình bày gốc ngọn của việc đó.

Từ thuở mới có trời đất, chỉ có con người là tinh anh. Và, trong cái đức tốt đẹp của đạo lý thì “hiếu” là đầu của trăm nết. Vì thân thể ta nhận được là của cha mẹ...

Nay, muốn sớm tối vui vẻ như trẻ được mặc áo hoa, ngoài nghìn dặm mà dưới như dưới gối, luôn luôn thấy mặt, trăm năm sau mà vẫn in trước mắt, khiến mọi người đều tỏ được tấm lòng thành hiếu thì chỉ có cách chụp ảnh là hay nhất...

Nay, cửa hiệu chúng tôi mở ra trong nước, ở những nơi tàu xe đi lại, chiêu hàng rộng rãi. Quý khách nếu có ý thích, động lòng hiếu thảo, trẻ thưa trình với các vị tôn trưởng, con em bẩm lên các vị phụ mẫu. Một tấm chân dung mà tỏ được tấc lòng ái mộ đậm sâu...”.

img_20230817_105235.jpg -0
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Mậu Hiệp - hậu duệ đời thứ 6 của danh nhân Đặng Huy Trứ - là người trông nom không gian lưu niệm Tổ nghề nhiếp ảnh Việt Nam tại Hà Nội.

Theo những tài liệu mà gia đình hậu duệ cụ Đặng Huy Trứ sưu tầm và lưu giữ được, ngoài hiệu ảnh Cảm Hiếu Đường, từ khi được giao phụ trách Ty Bình chuẩn chuyên lo các vấn đề về kinh tế - tài chính cho triều đình, ông còn lập nên nhiều cửa hàng trên phố Thanh Hà như Lạc Sinh Điếm, Lạc Đức Điếm, Lạc thanh Điếm, buôn bán sơn, củ nâu, muối... phục vụ cho việc xuất khẩu cũng như giao lưu tài hoa trong nước. Ngoài ra, năm 1868, sau khi đi sứ Trung Quốc lần thứ hai trở về, Đặng Huy Trứ đã làm bản tấu lên Vua Tự Đức về tình hình tự cường, tự trị của Nhật, Trung Quốc với mục đích canh tân đất nước có các nội dung như: Mở xưởng đúc gang thép; lập cục cơ khí; lập cục dạy nghề; đóng tàu thuyền lập đội chiến thuyền; mở trường dạy ngoại ngữ, toán học, thiên văn, đồ họa... mời người nước ngoài vào dạy, cử thanh niên sang châu Âu học; tổ chức đội tráng dũng (dân binh)... Những đề xuất và việc làm của Đặng Huy Trứ đã cho thấy nhãn quan nhạy bén, thức thời, đi trước thời đại của ông. Có lẽ chính vì thế, chí sĩ Phan Bội Châu sau này đã gọi ông là “một trong những người trồng mầm khai hóa đầu tiên ở Việt Nam”. Ông cũng là người sớm nhìn ra tính ưu việt của kỹ thuật phương Tây khi dựa vào sách của người Anh để viết tài liệu giới thiệu kỹ thuật máy hơi nước tàu thủy với người Việt Nam.

Không chỉ vậy, nhãn quan canh tân của nhà Nho Đặng Huy Trứ còn thể hiện ở việc cho ra đời nhà in Trí Trung Đường với mục đích phổ cập giáo dục, truyền bá tri thức, nâng cao dân trí. Nhà in Trí Trung Đường ngày đó đã cho ra đời 2 cuốn sách về quân sự quan trọng thể hiện tinh thần “kháng Pháp”, đứng về phe “chủ chiến” ngay từ đầu của ông, đó là cuốn “Kỷ sự tân biên” do Lương Huy Bích, quê ở Thanh Hóa viết thời Lê, đầu thời Nguyễn - Tây Sơn và một cuốn của người họ Trần, ông tổ của Trần Trí, Tổng đốc Quảng Nam. Trí Trung Đường cũng đã cho in cuốn “Nhị vị tập” do Bạch Thu Môi người Trung Quốc soạn, được Đặng Huy Trứ biên khảo để xuất bản.

Một số cuốn sách khác mà Trí Trung Đường đã in được lưu truyền nhiều trong đời sống bấy giờ như “Đại Nam quốc sử diễn ca” hay bộ “Đặng Hoàng Trung ngũ giới pháp thiếp” được Đặng Huy Trứ viết theo lối đơn giản để trẻ em tập viết cùng với những bài học ngắn gọn khuyên răn tránh xa thói hư tật xấu, cờ bạc, hút xách... Đặc biệt, nhà in Trí Trung Đường còn cho khắc in những tác phẩm của chủ nhân là nhà thơ Đặng Huy Trứ với bộ “Đặng Hoàng Trung văn sao” (4 quyển, trên 800 trang), “Đặng Hoàng Trung thi sao”, quyển 12 và cũng là quyển cuối cùng (11 quyển trước được in ở Trung Quốc). Nhờ thế, một gia tài văn chương lớn của cụ Đặng Huy Trứ đã được xuất bản và đến nay còn lưu trữ được ở Thư viện Hán Nôm để lại cho hậu thế học tập, nghiên cứu.

Tiếc là đến năm 1873, do tình hình chính trị thay đổi, Pháp chiếm Hà Nội nên mọi công việc kinh doanh của Ty Bình chuẩn do Đặng Huy Trứ quản lý bấy giờ như thương điếm, tiệm ảnh, nhà in đều bị đình trệ rồi mất dấu. Trước đó, bản thân cụ Đặng Huy Trứ cũng đã rời Hà Nội, rút lên căn cứ Đồn Vàng cùng Thống chế Hoàng Kế Viêm.

Ông qua đời tại Đồn Vàng năm Giáp Tuất 1874 khi mới 49 tuổi, sau được đem về an táng tại Huế. Lăng mộ nhà thơ  Đặng Huy Trứ ở Huế đã được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa năm 1992. 

Nguyệt Hà
.
.