Cuộc đua quyền lực trên Mặt Trăng
Năm 2023 đánh dấu bước chuyển của các cường quốc trên thế giới khi tất cả đều hướng tới mục tiêu xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng. Trung tuần tháng 4, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng, Bắc Kinh có kế hoạch xây dựng một căn cứ trên Mặt Trăng bằng cách sử dụng đất từ Mặt Trăng trong 5 năm tới. Tuyên bố này được đánh giá là có thể làm trỗi dậy cuộc chạy đua mới vào không gian.
Tiến bộ đáng kinh ngạc của Trung Quốc
Báo chí Trung Quốc hồi tháng 4 đưa tin, tại Hội nghị xây dựng ngoài Trái Đất được tổ chức tại Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong ở Vũ Hán, hơn 100 nhà khoa học, nhà nghiên cứu và nhà thầu không gian Trung Quốc đã cùng nhau thảo luận về cách xây dựng cơ sở hạ tầng trên Mặt Trăng.
Ding Lieyun, một chuyên gia từ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc tiết lộ, một nhóm đang thiết kế robot có tên “Super Masons Trung Quốc” để làm gạch từ đất lấy trên Mặt Trăng. “Việc xây dựng một môi trường sống trên Mặt Trăng là cần thiết cho các chuyến thám hiểm Mặt Trăng dài hạn và chắc chắn sẽ được hiện thực hóa trong tương lai”, ông Ding nói và khẳng định, chính phủ Trung Quốc cũng hiểu những khó khăn trong việc hoàn thành được sứ mệnh trong thời gian ngắn. Theo kế hoạch, Bắc Kinh dự định có căn cứ đầu tiên trên Mặt Trăng trong vòng 5 năm tới. Tờ South China Morning Post cho hay, Trung Quốc dự định xây dựng căn cứ trước và gửi con người đến sau.
Một số nguồn tin khác cho hay, các kiến trúc sư vũ trụ của Trung Quốc đang thiết kế một căn cứ Mặt Trăng từ hang động núi lửa để phi hành gia ở lâu dài sau năm 2035. Căn cứ này được gọi dưới cái tên “Laurel Tree” và có cấu trúc hình kim tự tháp. Phía trên của kim tự tháp nhỏ để làm lối vào, phía dưới phình to để chia thành các cabin cụ thể như cabin trung tâm, cabin làm việc, cabin sinh hoạt, cabin trang thiết bị… Về các chất liệu xây dựng, các nhà nghiên cứu của Trung Quốc dự định sử dụng những ống dung nham dưới lòng đất hình thành từ đá nóng chảy trong vụ phun trào núi lửa cổ đại. Những ống dung nham này có thể dài vài km, rộng hàng chục mét và có sẵn ở khắp Mặt Trăng, đặc biệt là ở cực Nam, nơi được cho là chứa băng nước dồi dào. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng tính đến việc sản xuất bê tông từ đá và bụi trên Mặt Trăng cùng với các phụ gia khác mang lên từ Trái Đất.
Trên thực tế, Trung Quốc đã có lộ trình cụ thể cho việc khám phá Mặt Trăng mà đầu tiên là việc phóng tàu Hằng Nga-6 lên Mặt Trăng vào năm 2025 với sứ mệnh lấy mẫu trên phần tối của Mặt Trăng và mang trở lại Trái Đất. Tàu Hằng Nga-7 sẽ phóng vào khoảng năm 2026 với nhiệm vụ thăm dò tài nguyên và môi trường ở cực Nam Mặt Trăng và đặt nền móng cho việc xây dựng trạm nghiên cứu khoa học Mặt Trăng quốc tế. Tàu Hằng Nga-8 sẽ được phóng vào khoảng năm 2028. Trong đó, tàu Hằng Nga-7 và 8 sẽ tạo nên định hình cơ bản của trạm nghiên cứu khoa học ở cực Nam Mặt Trăng.
Năm 2021, Bắc Kinh đã chính thức công bố kế hoạch xây dựng Trạm nghiên cứu Mặt Trăng quốc tế với sự hợp tác của Nga. Nhưng nay thì Trung Quốc đã lần đầu tiên hạ cánh một chiếc xe tự hành ở phía xa của Mặt Trăng; đưa những chiếc xe tự hành, tàu đổ bộ và tàu quỹ đạo lên sao Hỏa và xây dựng trạm vũ trụ của riêng mình trên quỹ đạo Trái Đất. Trung tướng Nina Armagno thuộc Lực lượng Không gian của Mỹ trong lần trả lời phỏng vấn hãng Reuters đầu năm 2023 phải thừa nhận: “Tôi nghĩ, hoàn toàn có khả năng họ (Trung Quốc) có thể bắt kịp và vượt qua chúng tôi”.
“Đòn phản kích” của NASA
Thông tin về kế hoạch xây dựng căn cứ đầu tiên của Trung Quốc trên Mặt Trăng được đưa ra chỉ vài tháng sau khi Trưởng quản lý của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), cựu Thượng nghị sĩ và phi hành gia Bill Nelson cảnh báo rằng, Bắc Kinh có thể muốn chiếm lấy các khu vực giàu tài nguyên trên Mặt Trăng cho riêng mình. Ông Bill Nelson cũng đang nỗ lực thúc đẩy kế hoạch xây dựng một căn cứ lâu dài của NASA ở cực Nam của Mặt Trăng. NASA còn có kế hoạch khai thác các nguồn tài nguyên như nước đá trên Mặt Trăng để tạo ra nhiên liệu, nước và thậm chí cả ôxy cung cấp tại chỗ. Tuy nhiên, NASA lại chưa đưa ra mốc thời gian rõ ràng để xây dựng căn cứ đó và còn đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là hạ cánh các phi hành gia trên bề mặt Mặt Trăng vào năm 2025.
Từ đầu năm 2020, NASA đã có báo cáo chi tiết về kế hoạch “Chương trình Artemis” với mức kinh phí 93 tỷ USD, nhằm lập căn cứ trên Mặt Trăng để từ đó đưa các nhà du hành đến thám hiểm sao Hỏa. Ba chiến lược thám hiểm chủ đạo của “Chương trình Artemis” với 3 mục tiêu gồm: quỹ đạo Trái Đất tầm thấp, Mặt Trăng và sao Hỏa. Mục tiêu tiếp theo sẽ là dùng robot khám phá Mặt Trăng, ví dụ như dùng xe tự hành VIPER tìm kiếm nước, sau đó sẽ là đưa các nhà du hành lên Mặt Trăng, rồi mở rộng hoạt động của con người trên Mặt Trăng, tạo ra một bệ phóng khám phá sao Hỏa và sau đó sẽ là dùng robot thám hiểm sao Hỏa, chuẩn bị cho con người đặt chân lên hành tinh Đỏ này.
Tháng 11/2022, dự án xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng đã chính thức được NASA khởi động bằng sứ mệnh Artemis 1, phóng tàu con thoi Orion lên Mặt Trăng. Từ Cape Canaveral, Florida (Mỹ), tàu con thoi Orion đã di chuyển quãng đường 2 triệu km trong 25 ngày để đến Mặt Trăng, trước khi quay trở lại Trái Đất. Nhiệm vụ của Artemis 1 thành công, NASA sẽ tiếp tục triển khai sứ mệnh Artemis 2 dự kiến diễn ra tháng 5/2024, đưa các phi hành gia vào không gian để thử nghiệm các thiết bị và hệ thống duy trì sự sống sử dụng trong các chuyến thám hiểm trong tương lai. Một năm sau (tức năm 2026), sứ mệnh Artemis 3 sẽ được triển khai, đưa con người trở lại Mặt Trăng lần đầu tiên kể từ năm 1972.
Cuối tháng 12/2022, NASA đã trao một hợp đồng trị giá 57,2 triệu USD cho Công ty ICON (một công ty công nghệ xây dựng có trụ sở tại Texas, được biết đến với việc tạo ra ngôi nhà in 3D có thể ở được đầu tiên tại Mỹ vào năm 2018), để phát triển công nghệ xây dựng trên Mặt Trăng. Theo đó, ICON có trách nhiệm phát triển công nghệ in 3D giúp xây dựng đường xá, bệ phóng và nhà ở trên bề mặt Mặt Trăng.
Cuộc đua không có hồi kết
Dù làm khoa học trên Mặt Trăng tốn kém rất nhiều so với trên Trái Đất nhưng rõ ràng, ngày càng có nhiều quốc gia tham gia cuộc đua này. Nhà khoa học người Đức Dirk Schulze-Makuch lý giải rằng, việc xây dựng một căn cứ có người ở trên Mặt Trăng sẽ thúc đẩy nhân loại có những bước tiến xa. Mới đây, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng quyết định xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng từ những thứ có sẵn, kể cả chất thải.
Các nhà khoa học của ESA ước tính, chi phí chuyển vật liệu từ Trái Đất lên Mặt Trăng rất tốn kém, ước tính 1kg vật liệu là 20.000 USD. Vì vậy, ESA và NASA đang hợp tác với một công ty nghiên cứu sử dụng chất urê (thành phần chính trong nước tiểu người), kết hợp với loại đất regolith có sẵn trên Mặt Trăng tạo thành bêtông tươi có độ dẻo dễ uốn nắn trước khi đông cứng. Nếu nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học từ Tây Ban Nha, Na Uy, Italia , Hà Lan… thực hiện thành công thí nghiệm, rất có thể, cả NASA và ESA sẽ sử dụng vật liệu này cùng phương pháp 3D để xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng.
Trong khi đó, Nga cũng đang quyết tâm đưa chương trình thám hiểm vũ trụ quay trở lại thời hoàng kim giống như Liên Xô. Từ năm 2014, Nga công bố chương trình nghiên cứu mới, trong đó đặt ra mục tiêu đưa các phi hành gia đổ bộ lên Mặt Trăng vào năm 2030 và đến giữa thế kỷ này thiết lập được một căn cứ có thể sinh sống được trên hành tinh này. Tàu đổ bộ Luna-25 bị phóng hụt hồi năm ngoái, dự kiến sẽ được phóng lên Mặt Trăng trong năm nay, đánh dấu sự trở lại sứ mệnh Mặt Trăng đầu tiên của Nga sau hơn 45 năm. Các tàu Luna-26, Luna-27, Luna-28 cũng đã được lên kế hoạch phóng lên Mặt Trăng trước năm 2028.
Các quốc gia khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ cũng vậy. Tháng 8/2022, Hàn Quốc đã phóng tàu thăm dò Mặt Trăng đầu tiên của nước này mang tên Danuri lên quỹ đạo của Mặt Trăng. Năm nay, Nhật Bản và Ấn Độ đang hợp tác trong một kế hoạch khởi động sứ mệnh khám phá Mặt Trăng, nhất là khu vực cực Nam. Nhà nghiên cứu Svetla Ben-Itzhak thuộc Đại học Hàng không của Mỹ trong một bài báo trên tờ Conversation, khẳng định, một cuộc chạy đua mới vào không gian đang trỗi dậy giữa các cường quốc. Một mặt cạnh tranh lẫn nhau, song các nước cũng thúc đẩy hợp tác trong các sứ mệnh chinh phục Mặt Trăng.