COVID-19 và chủ nghĩa khắc kỷ
“Công việc tôi làm ở đây là để phục vụ cho hậu thế: bất cứ ai đọc cũng sẽ được hưởng lợi từ những thứ tôi viết. Tôi gửi gắm vào câu chữ những lời khuyên thật tâm, chẳng hạn như những công thức chữa lành tổn thương. Tự thân tôi thấy chúng hiệu quả và kể cả khi vết thương khó lành hẳn, nó cũng không tiến triển tệ hơn nữa. Con đường đúng đắn tôi tìm ra lúc cuối đời, khi đã mệt mỏi vì rong ruổi khắp nơi, giờ đây, tôi truyền lại cho mọi người”.
Đấy là những tự sự của triết gia thời cổ La Mã Seneca. Bạn đã nghe đến tên ông bao giờ chưa? Nếu chưa, có thể bạn đã nghe đến một cái tên có liên hệ mật thiết đến ông: hoàng đế Nero. Seneca chính là thầy dạy, là cố vấn của Nero và cuối đời trở thành nạn nhân của chính Nero.
Vì bị nghi ngờ gián tiếp tham gia vào một cuộc đảo chính lật đổ Nero mà cuối cùng Seneca bị ép phải tự tử. Và, ông tự tử bằng cách cắt những mạch máu trên cơ thể. Không biết có phải bị ảnh hưởng bởi cái chết của Socrates hay không mà nhiều người kể lại, Seneca đã thản nhiên diễn thuyết những chủ đề triết học khi máu vẫn chảy khỏi tĩnh mạch mình.
Tôi biết nhiều đến Seneca và những ý tưởng triết học của ông thông qua cuốn sách “Seneca - những bức thư đạo đức” của tác giả Andy Lương. Tác giả kể rằng, nhiều năm tháng sống và làm việc ở nước ngoài, đối diện với nỗi cô đơn của một người Việt xa xứ, tắm mình vào “chủ nghĩa khắc kỷ” nói chung và những ý tưởng khắc kỷ của Seneca nói riêng đã giúp mình dần tìm được trạng thái cân bằng. Không sống ở nước ngoài như Andy Lương nhưng quảng thời gian phải cách ly xã hội vì COVID-19 cũng khiến tôi gặp rất nhiều vấn đề về tinh thần. Bức bối, khó chịu, cô đơn, cục cằn, lo sợ thái quá - đó thực sự là những tổ hợp cảm xúc đã xảy ra với tôi trong quãng thời gian này.
Và, chính lúc đó, những tư tưởng của Seneca đã đi vào tôi, có thể chưa giúp tôi đạt được một trạng thái thư thả, cân bằng như tác giả Andy Lương nhưng ít nhất cũng khiến tôi bớt phần chống chếnh. Cũng giống những nhà khắc kỷ chủ nghĩa, điều cốt lõi nhất trong tư tưởng của Seneca là đề cao năng lực đạo đức và tự do bên trong mỗi con người.
Nhưng, Seneca diễn tả những ý tưởng đó dưới dạng những bức thư, với giọng thủ thỉ, tâm tình. Và, nghe đâu trước khi qua đời, ông kịp để lại trên 120 bức thư, với niềm tin “bất cứ ai đọc cũng sẽ được hưởng lợi từ những thứ tôi viết”. Đọc lại nhiều đoạn thư của ông trong bối cảnh xung quanh mình là sự bủa vây của COVID-19 và nhiều vấn đề khác của xã hội hiện đại, chúng ta rất dễ nảy lên nhiều ngẫm ngợi lý thú. Và quan trọng hơn, dễ tìm thấy một điểm tựa, một bài học, một bửu bối để thoát khỏi những hoàn cảnh gian nan.
Suốt quãng thời gian COVID-19, điều gì khiến chúng ta bị ám ảnh nhất? Nỗi sợ! Chắc chắn đấy là nỗi sợ. Có cả trăm lý do để sợ: từ chỗ sợ COVID-19 làm ảnh hưởng đến công việc, phá tan những cấu kết xã hội, đến chỗ sợ nó đi vào cơ thể của những người thân thiết, gần gũi mình và sợ nhất là việc nó có thể cướp đi tính mạng của chính mình. Cứ mỗi lúc mở báo mạng ra đọc, biết thêm về một biến chủng mới, nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn của COVID-19 là nỗi sợ trong mỗi chúng ta lại gia tăng.
Thì đây, từ thời La Mã xa xưa, Seneca đã chỉ ra một cách ứng xử với nỗi sợ: “Hãy nhớ, trên hết đừng chấn động. Quan sát kỹ bản chất mọi thứ và bạn sẽ học được rằng: không có gì đáng sợ hãi về tình cảnh của bạn trừ chính nỗi sợ hãi. Bạn thấy đấy, với trẻ con, những người chúng quen biết, yêu quý, hay chơi cùng vẫn có thể dọa chúng mất mật chỉ bằng cách đeo mặt nạ. Chúng ta - những đứa trẻ to xác - cũng thế. Chỉ là với chúng ta, chiếc mặt nạ cần phải lột bỏ không chỉ từ người khác mà cả từ những sự kiện và bộ mặt của chúng sẽ lộ ra”.
Những dòng chia sẻ này có 2 điểm đáng ngẫm ngợi. Thứ nhất, cái mệnh đề “chúng ta - những đứa trẻ to xác” làm mỗi người đọc sực tỉnh rằng, dẫu có đi qua bao nhiêu đời sống, dấn thân vào bao nhiêu trải nghiệm thì trong mỗi người trưởng thành hình như vẫn luôn lởn vởn hình bóng của một đứa trẻ. Và, nếu không thể chế ngự nổi đứa trẻ ấy, chúng ta sẽ phải đối diện với chằng chịt những vấn đề trong thế giới tinh thần. Thứ hai, hình ảnh “chiếc mặt nạ” cần tháo bỏ quả là một hình ảnh đắc địa. COVID-19 là sự thật. Nhưng, những sự hãi thái quá từ COVID-19 mà chúng ta tự đeo vào mình thật giống với những chiếc mặt nạ được đeo vào mỗi đứa trẻ.
Không có năng lực cởi bỏ chiếc mặt nạ đó, chúng ta sẽ tạo ra hàng loạt kiểu chống dịch thái quá, cực đoan, thậm chí có những nơi, những lúc mang biểu hiện của sự “ngăn sông cấm chợ”. Tất nhiên, nhấn mạnh đến việc “không lo lắng thái quá” đồng thời phải đi liền với việc “không chủ quan thái quá”. Cởi bỏ mặt nạ để thiết lập một nhận thức đúng, một ứng xử trúng, một trạng thái cân bằng của tâm hồn, đó là điều cần vươn tới.
Bạn có sợ chết không? Chẳng phải tới khi COVID-19 xuất hiện, câu hỏi này có thể cũng đã lởn vởn đâu đó trong tâm trí bạn. COVID-19 có chăng chỉ gọi nó ra một cách rõ ràng, khoét vào nó một cách đậm đặc hơn. Lâu nay người ta vẫn tranh luận quanh câu hỏi: người trẻ hay người già sợ chết hơn? Có ý kiến thì bảo người trẻ, với lý do người trẻ với sự vạm vỡ của thể chất và tinh thần đang thấy mình có quá nhiều thứ để mất. Nhưng, có ý kiến lại bảo là người già, với lý do càng gần thần chết người ta càng dễ ám thị về gương mặt gớm ghiếc của vị thần này.
Còn đây là quan điểm của Seneca: “Giả dụ bạn rơi vào tay kẻ thù và chúng ra lệnh giết bạn. Thực ra cũng đâu có gì khác biệt, vì đằng nào cuộc đời cũng hướng đến điểm cuối cùng là cái chết thôi mà. Tại sao bạn phải lừa gạt bản thân mình? Hãy thẳng thắn nhìn vào sự thật này: Kể từ giờ phút được sinh ra, cuộc đời bạn, từng giây, từng phút luôn đưa bạn đến gần hơn điểm cuối cùng ấy. Những suy nghĩ như thế sẽ đem lại cho bạn sự bình thản trong tâm tưởng để chờ đợi cái chết. Vì sợ chết chính là lý do khiến thời gian quý báu của ta bị mất đi giá trị” - bức thư số 4, đối mặt với cái chết, vẫn theo bản dịch của Andy Lương.
Những quan điểm này lột tả chính xác tư tưởng cốt lõi của chủ nghĩa khắc kỷ: năng lực đạo đức và tự do bên trong là thứ tối cao. Nó cao hơn quyền lực, danh dự, tiền bạc, vợ con, bạn bè và thể xác của chính mình. Tu luyện cho trạng thái tự do tối cao bên trong nên các nhà khắc kỷ chủ nghĩa không đặt ra vấn đề đấu tranh xã hội hay đấu tranh giai cấp - những thứ diễn ra bên ngoài thể xác.
Ở thời đại của mình, Seneca kêu gọi chủ nô không đánh đập, và đối xử bất công với nô lệ nhưng lại không kêu gọi phải thay đổi thể chế nô lệ. Việc tuyệt đối hóa con người bên trong một cách liên tục, xuyên suốt, bất chấp không gian, thời gian, hoàn cảnh bên ngoài có thể là một hạn chế của những nhà khắc kỷ chăng?
Dẫu vậy, trong những thời điểm phải đối diện với những bài toán chưa từng xảy ra và phải đi tìm những lời giải chưa từng có, việc nghiêng mình vào chủ nghĩa khắc kỷ ít nhất cũng giúp chúng ta có thể xác lập một trạng thái bình tĩnh - điều kiện tối quan trọng để giải quyết vấn đề.
Nên ngẫm ngợi những bức thư của Seneca trong bối cảnh COVID-19 đang hiển hiện quanh mình là vì thế!