Chuyện lộ đề thi thời xưa

Thứ Năm, 27/07/2023, 20:05

Thi cử là chuyện trọng đại của quốc gia, ngay từ thời còn thi cử “lều chõng”, đề thi luôn nằm trong danh sách những thứ cần bảo mật chặt chẽ nhất, ai xâm phạm, làm lộ đều bị xử ở mức rất nặng.

Trong thời phong kiến cực thịnh, sử sách cho thấy hiếm khi có chuyện đề thi bị lộ. Như theo bộ sử “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, cho biết vào tháng 10 năm 1711, đời Vua Lê Dụ Tông (thực tế do chúa Trịnh Cương trị vì), triều đình vua Lê, chúa Trịnh “Chỉnh đốn lại thể thức văn bài trong khoa thi Hương”.

leu_chong_di_thi_tai_nam_dinh_1897_02.jpeg -0
Một lớp học thời xưa.

Đoạn sử chép trong “Cương mục” cho biết kỳ thi Hương cuối thời Lê là do các quan trường ra đầu bài: “Trước đây, các quan trường thi Hương, nghĩ soạn đầu bài, thể văn tứ lục chẳng qua chỉ soạn độ 10 đầu bài; về thể phú chẳng qua độ 4-5 đầu bài, không thay đổi gì, gọi là bản mẫu mực (sáo bản). Những người học giỏi phần nhiều làm sẵn thành văn, học trò đi thi đều đọc thuộc lòng từ trước, khi vào trường thi cứ chép nguyên văn. Quan trường tùy ý phê duyệt lấy đỗ, không câu nệ gì về sự trùng kiến, cho nên những người trúng tuyển phần nhiều không phải người thực học”. Do đó, từ kỳ thi năm này, chúa Trịnh Cương mới hạ lệnh cho quan chấm thi tùy ý ra đầu đề, không được rập theo sáo cũ. Do đấy, tập tục hủ lậu về lối văn khoa dần dần thay đổi.

Năm 1720, cũng dưới thời Vua Lê Dụ Tông, việc ra đề thi Hương mới được tập trung về cho chính quyền trung ương, mà thực tế là ở phủ chúa, sau đó niêm phong chuyển về địa phương. Bộ sử “Cương mục” viết rằng: “Theo chế độ cũ, trường thi Hương ở các trấn đều do quan trường ra đầu bài. Nay Trịnh Cương lấy cớ rằng việc quyết định khoa danh của học trò là ở hai kỳ đệ tam và đệ tứ, bèn hạ lệnh cho bầy tôi có văn học nghĩa soạn đầu bài thi ở trong phủ, rồi cho chạy trạm phân phát cho các trường. Còn hai trường thi Thanh và Nghệ vì địa thế xa, nên vẫn theo chế độ cũ. Việc này định thành thể lệ”.

Tuy nhiên, từ khi việc ra đề thi tập trung về phủ chúa, mới có những câu chuyện về việc đề thi bị lọt ra ngoài và có người được hưởng lợi. Dù các câu chuyện này có chép trong sách, nhưng không phải chính sử, như trong tập ký sự “Vũ trung tùy bút” của danh sĩ cuối thời Lê là Phạm Đình Hổ (1768-1839), nên cũng chưa chắc đã chuẩn xác. Dù vậy, những câu chuyện này cũng phản ánh dư luận đương thời để thời sau có thể tìm hiểu.

Như trong câu chuyện “Phép thi nghiêm mật” trong bộ "Vũ trung tùy bút", Phạm Đình Hổ kể lại câu chuyện (giai thoại) về việc thi đỗ của tiến sĩ Nguyễn Hoãn (hay Nguyễn Hoàn), là nhờ ảnh hưởng của cha ông, Tham tụng Phong quận công Nguyễn Hiệu.

Theo câu chuyện này, thời đó, có một ông quan ở Quán các bị khiển trách, phải về nhàn tản. Một hôm Phong quận công triệu vào tướng phủ, ông ấy ngồi đợi mãi lâu không được yết kiến. Ngồi mãi thấy trên kỷ để một đầu đề văn sách, ông quan mở ra xem đi xem lại thuộc hết cả. Suốt ngày hôm đó, kẻ nha dịch hầu hạ khoản đãi rất tử tế, đến chiều thì cho ra về, ông không biết tình ý ra sao. Đến khi chúa Trịnh triệu tập các quan văn thần vào bàn soạn ngự đề để ra thi, ông quan ấy cũng được triệu vào, liền ra ngay cái đầu đề văn sách nọ. Bởi vậy, con trai Tham tụng Nguyễn Hiệu là Nguyễn Hoàn mới đỗ hội nguyên. Tuy nhiên, Phạm Đình Hổ chép chuyện này như vẫn chua thêm rằng "ý chừng kẻ hiếu sự bịa đặt ra đó mà thôi".

Còn thực tế thì Nguyễn Hoàn đã thi đậu Tam trường năm 1732 và sau đó đi thi tiếp năm 1743, đỗ Hội nguyên, sau đó vào thi Đình đỗ tiến sĩ. Nhiều tập sách của các tác giả khác cho biết ông từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, hiếu học, được các thầy khen là bậc kỳ tài.

Hoặc, trong chuyện "Việc thi cử", Phạm Đình Hổ cũng ghi lại giai thoại rằng: “Khoa thi Hội năm Giáp Ngọ (1774), hai ông Ninh Tốn (biệt hiệu là Mẫn Hiên, còn có hiệu là Chuyết Sơn) và ông Đặng Điền Phạm Nguyễn Du chơi cùng nhau rất tương đắc. Kỳ thi Hội năm đó, ông Mẫn Hiên được vào trúng cách mà ông Đặng Điền thì không được vào. Khi đã yết bảng kỳ đệ tam rồi, Phạm Nguyễn Du có đi võng qua nhà trọ ông Ninh Tốn, ông Ninh Tốn biết ông ấy vào hầu trong phủ chúa Trịnh để ra đầu đề nên cứ đứng đón ở cửa. Đến khi ông Phạm Nguyễn Du trở về, ông Ninh Tốn cứ trông theo vào võng ông Phạm, hai ông không nói một câu gì cả. Ông Phạm chỉ đọc bài tiểu chú trong sách “Luận ngữ” về đoạn "tam trần cửu quái chung tư tốn dĩ hành quyền nhi dĩ". Ông Ninh Tốn biết ý, sớm hôm sau sắp vào kỳ đệ tứ, bèn xé 2 trang về đoạn sách "Tam trần cửu quái" trong "Kinh Dịch hệ từ" giắt đem vào trường. Đầu bài văn sách yết ra, học trò không mấy người nhớ thuộc được hết. Chấm xong, được 5 quyển dâng lên chúa Trịnh xem thì quyển đầu là của An Vĩ Nguyễn Lượng, cổ văn đều hơn cả, nhưng kim văn không chuẩn. Chúa Trịnh cười mà rằng "Quyển này, học vấn thì đầy đủ, nhưng về thời cuộc thì không được am hiểu, hãy đánh hỏng đi để cho tài trí được già dặn". Quyển ông Ninh Tốn thì kim văn am luyện, cổ văn có đoạn trên "Tam trần cửu quái" rất đầy đủ, duy đoạn dưới lại sót mất quẻ Càn không nói đến, không được tường nghĩa sách. Đó là vì xé 2 trang mà hụt mất đoạn dưới. Sau Ninh Tốn đỗ Hội nguyên, ông Phạm Nguyễn Du có mừng câu thơ Nôm bỡn bạn rằng: “Sinh đồ ba chuôi nhờ hòn đất. Tiến sĩ nửa câu cậy bảng trời”, là có ý ám chỉ chuyện nói trên.

leu_chong_di_thi_tai_nam_dinh_1897_07.jpeg -0
Học trò xưa lều chõng đi thi.

Ông Phạm Đình Hổ kể tiếp rằng từ đời Lê Trung hưng trở về sau, phép thi càng thiên lệch mãi đi. Những đầu bài văn sách thi Hội, thi Hương đều từ trong Súy phủ (phủ chúa Trịnh) đưa ra. Theo "Cương mục" thì từ đời Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 12 (1751), có sự kiện "Ngô Đình Oánh và Trần Huy Mật vào hầu chúa Trịnh để ra đầu bài", nhưng Tham tụng Nhữ Đình Toản không ưa đề văn sách có quá nhiều mục của Ngô Đình Oánh, bèn xin chỉ chuẩn ấn định: Văn sách về cổ văn thì hỏi đại lược việc phải việc trái; về kim văn thì hỏi công việc hiện thời. Thi Hương, thi Hội và thi Đình đều theo thể văn đời Hồng Đức. Trịnh Doanh y theo.

Còn Phạm Đình Hổ tả việc soạn đề như sau: “Nguyên trong Súy phủ phải mật triệu vài quan văn thần vào phụng soạn, gọi là ngự đề; các quan soạn đề thì chỉ ra những câu hiểm hóc để làm cho khó. Bài văn chế sách Đình đối thì sai quan Đồng Tiến sĩ phụng soạn. Quan soạn đề nguyên đã đỗ cuối hàng tam giáp thì không muốn cho ai hơn mình, nên ra đầu đề thường rất hiểm hóc. Bởi vậy, hàng tam khôi là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa thường không lấy được đủ, có khi chỉ lấy đỗ được đến Nhị giáp hoặc Tam giáp mà thôi”. Chép đến đây, tác giả “Vũ Trung tùy bút” phải than rằng: “Ôi! Cái tệ khoa cử đến thế là cùng! Văn vận với thế đạo càng ngày càng kém, thực đáng than thay!”.

Triều Nguyễn, phải đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822), mới tổ chức kỳ thi Hội đầu tiên. Vua Minh Mạng cũng không thích việc ra đề khó, đánh đố thí sinh. Năm 1834, nhà vua từng bảo quan Nội các là Hà Tông Quyền và Hoàng Quýnh rằng: “Ta muốn lấy kinh thành làm đầu đề, sai các sĩ tử làm một bài phú để xem thử, nhưng nghĩ sĩ tử ngày thường chỉ chuyên học sách vở, nhớ được 1-2 việc đời xưa thôi. Còn sự thể triều đình và thể chế về điện, các, lâu đài ở kinh thành, chưa từng am hiểu, sợ không làm được nên văn! Ta xem khoa thi Hương năm nay, những quyển lấy đỗ, phần nhiều lời lẽ quê kệch, mà câu kết phần nhiều hay dùng lời tán tụng, rập theo sáo cũ mà thôi. Ta xem sĩ tử nhà Thanh, học hành rộng rãi, phàm điển chương pháp độ của triều đình và điện, các, lâu đài đại lược phần nhiều nhớ cả. Những quyển văn đỗ đều đáng xem. Sĩ tử nước ta, kiến văn hẹp hòi nên lời văn chỉ được thế thôi. Song, không những sĩ tử như thế mà cả đến những người dự hàng học quan và các quan trường chấm thi cũng ít người học rộng! Trong quyển thi có 1-2 câu hợp lối mới, lại bị quan trường sổ toẹt thì sĩ tử trông vào đâu để làm khuôn mẫu? Vả lại, việc trường thi chỉ chọn những người văn học khoa mục sung vào mà còn như thế thì nay biết chọn đâu được!”.

Vua Minh Mạng nói ra những điều này, sau khi tham khảo đề thi của nhà Thanh. Bộ chính sử triều Nguyễn “Đại Nam thực lục” chép rằng: “Vua, những khi rỗi việc triều chính, sai Nội các Hà Tông Quyền đọc cho nghe những đầu bài văn sách thi Hương của triều nhà Thanh. Vua nói: “Đầu bài thi, hà tất phải hỏi hiểm hóc những điều lạ lùng bí ẩn như thế! Hỏi những chữ nghĩa kỳ lạ, oái oăm thì kẻ đọc nhiều, nhớ nhiều tự khắc trả lời được. Lấy người bằng cách ấy, phỏng có ích gì?”.

Đặc biệt, thời Nguyễn, có một sự cố thi cử liên quan đến đề thi. Đó là chuyện xảy ra tháng 7 năm Tự Đức thứ 20 (1867), tại trường thi Hương tỉnh Nghệ An. Đúng vào ngày hôm thi kỳ đệ nhất khoa thi Hương thì bão to, học trò bị tường đổ đè chết 9 người, (1 tú tài, 8 học trò), quan trường và quan tỉnh đều cấp cho tiền tuất, hoãn ngày thi lại. Đến hôm thi lại, sau khi ra đầu bài, học trò nói huyên náo rằng đầu bài ra trước, không chịu làm bài, cùng nhau nhổ lều ra khỏi trường.

Việc ấy tâu lên, Vua Tự Đức ra dụ bảo rằng: “Học trò Nghệ An, Hà Tĩnh có tính thuần phác, vốn chăm học tập, việc ấy chỉ một vài đứa không học, trộm đem ý riêng xướng suất, lừa dối người lương thiện, để cho hỗn loạn, bôi nhọ lây đến người khác mà thôi, sai xét lấy 1-2 tên thủ xướng nghiêm trị để răn người khác, còn đều tha cả. Vua chuẩn cho lại hoãn ngày vào trường, sau xét ra tú tài là Ngô Đắc Tuấn, học trò là Trương Đình Du, Đỗ Quang Vinh là những người thủ xướng, đều bị xử tội đồ và đánh trượng có bậc. Nguời viết giấy niêm yết là Ngô Đắc Tuấn bị cách tú tài, đánh 100 trượng và tội đồ 3 năm; Trương Đình Du nhẹ dạ nghe lời nói không đâu theo người làm hỗn loạn, phạt 100 trượng, tha cho về; Đỗ Quang Vinh theo lời nói, nhận xét nông nổi, để làm cho người ngờ, bị đánh 80 trượng.

Lê Tiên Long
.
.