Chuyện cô gái chân dài trên núi Chúa

Chủ Nhật, 29/01/2023, 08:57

Dãy núi Bà Nà (Hòa Vang-Đà Nẵng) luôn thu hút khách thập phương lên lễ chùa và vãn cảnh thác chảy, suối reo. Xưa có con đường độc đạo đi bộ dài chừng mười lăm cây số lên núi. Trên những đèo dốc có miếu thờ bà Thiên Yana. Rừng có nhiều cọp beo và đá tai mèo hiểm trở: "Nhất cọp Bà Bà. Nhì ma Phú Túc". Những di tích Chăm còn sót lại đánh dấu nơi đây nằm trong quần thể Mỹ Sơn hùng vĩ.

Chồng thấp vợ cao chân sào thắp lửa

Truyền thuyết về bà chúa thượng ngàn Bà Nà có nhiều giai thoại để lại. Có người nói bà con gái của Sơn Tinh - Mỵ Nương. Bà thay cha cai quản cả vùng núi non, hang động khắp vùng miền Trung nam bộ trên dãy núi Trường Sơn. Nhưng có lẽ câu chuyện được lưu truyền trong dân gian được kể lại là những nhân chứng xác thực về sự tích. Chuyện rằng, xưa đó có đôi vợ chồng trẻ sống rất hạnh phúc dưới chân núi.

8-những lâu đài trong làng pháp cổ.jpg -0
Những lâu đài trong làng Pháp cổ

Người vợ tên là Nà, còn chồng tên là Nỗng. Họ thường cùng nhau lên nương hay đi săn trong rừng sâu. Người vợ trẻ ở tuổi đôi mươi xinh đẹp nhất vùng. Gương mặt trái xoan cùng dáng vóc cao ráo của cô vợ làm bao chàng trai trong vùng mê mệt. Vậy mà cô gái lại lấy một người chồng xấu xí, thấp lùn, có đôi vai rộng. Cô Nà còn có đôi chân dài thong thả, dung nhan như đóa hoa tiên. Ai cũng nói họ không xứng đôi vừa lứa.  

Vậy nên cô Nà chân dài kia luôn bị các chàng trai trong bản ve vãn tán tỉnh. Họ chọc ghẹo nàng và còn chê Nỗng xấu trai. Có chàng trai còn hát để bày tỏ tình cảm mỗi khi nàng lên núi kiếm củi. Ban đầu nàng lắng nghe thích thú lắm. Lời ca rằng: "Ai kia! Ai kia! Đang ở phía xa/ Hỡi người tình. Người tình mà anh vẫn đợi, vẫn chờ hằng bao tháng năm…". (dân ca Chăm). Người vợ thấy vui về kể chuyện với chồng. Ai dè từ đó người chồng ghen tức, dốt vợ ở nhà không cho đi lên rừng kiếm củi hay xuống suối bắt cá nữa. Cô Nà ở nhà cuồng chân, làm hết mọi việc trong nhà và thổi cơm cho chồng ăn. Hàng rào cây thì cao. Cổng khóa chặt, cô vợ trẻ không thể ra ngoài. Ngày ngày người chồng yên tâm đi làm và không chút bận lòng về cô vợ xinh đẹp nữa.

Tình cờ một lần chàng Nỗng quên cuộn dây thừng dong thuyền đánh cá trên sông, bèn quay về nhà lấy. Thật bất ngờ anh ta thấy có một chàng trai trẻ lấp ló đầu hàng rào. Trên tay chàng trai là một chiếc mồi rơm vừa bện. Người chồng vội nấp phía sau một cây to theo dõi xem sao. Ngay lúc đó anh thấy vợ mình thấp thoáng bên hàng rào và xì xào với chàng trai kia điều gì đó. Một hình ảnh không thể tưởng tượng nổi khi anh ta thấy vợ mình thò bàn chân qua khe hàng rào với chiếc đóm châm lửa cặp ở hai ngón. Người chồng nín thở theo dõi tiếp. Chàng trai trẻ kia nói to chiếc đóm còn chưa ra hẳn ngoài. Thế là cô vợ nhiệt tình kéo quần lên đùi để thò hẳn chân ra ngoài đưa đóm lửa cho chàng trai nọ. Người chồng nghĩ mình đang mơ nhưng khi thấy chàng trai kia cứ đứng đực người ngắm đùi vợ mình thì sực tỉnh hét lên. Chàng trai vội bỏ chạy. Người vợ rụt chân lại may kịp khi chồng vừa mở cổng vào. Người chồng sôi máu vớ lấy con dao rượt vợ đòi chém chết. Cô Nà vừa chạy vừa thanh minh nhưng không sao hãm được cơn ghen cuồng nộ của chồng. Anh chồng nổi cơn dữ dằn quyết săn đuổi giết vợ. Khi dồn được vợ vào góc vườn, Nỗng vung tay dao nhưng không ngờ cô vợ nhảy vọt qua bờ rào thoát ra ngoài.

Người chồng lùn chạy không kịp vợ có đôi chân dài khỏe mạnh. Cô Nà chạy theo đường mòn lên núi vì thấy chồng vẫn giận dữ khôn cùng. Người chồng vừa đuổi vừa la hét. Cuộc đuổi bắt vượt lên núi cao khi đó mây đen kéo xuống. Đất trời mù mịt. Người vợ chạy mãi rồi không nghe thấy bước chân chồng đuổi theo nữa. Định quay xuống núi nhưng mây giăng kín mịt mờ không sao nhìn thấy đường đi nữa. Cô nàng đành đứng im một chỗ vì sợ rơi xuống vực. Bất chợt cô Nà lo chồng mình bị cọp rình bắt nên mới im lặng không gào thét nữa. Nhưng cô không dám nhúc nhích nửa bước. Lúc đó người chồng lạc đường chạy kiệt sức nằm bất tỉnh trên con dốc lưng chừng núi. Một ngọn gió độc đã quật ngã Nỗng chết lịm trong khi hốc mắt đổ lệ vì thương yêu vợ.

Sáng hôm sau từ trên đỉnh núi cô Nà mới đi xuống tìm chồng vì thấy tiếng quạ kêu rầm trời. Nhiều ngày thương nhớ, cô đi tìm chồng trên các đỉnh núi. Một  lần cô Nà bất ngờ nhìn thấy trên lưng núi phía xa có một tảng đá hình người đàn ông gác đầu lên chiếc gối mây như đang ngủ. Đàn quạ báo mộng cho cô đó chính là nấm mộ cô đơn trên đèo cao của chàng Nỗng. Cô vợ trẻ khóc thảm thiết vì đau khổ. Ngày ngày cô lên núi khóc than và hóa thành dòng thác bảy tầng từ trên đỉnh núi chảy xuống. Con thác suốt ngày đêm gầm thét như tiếng khóc than của người vợ muốn minh chứng cho sự trong sạch của mình. Đó chính là suối thác Tóc Tiên ngày nay. Nấm mộ của cô Nà ở gò đất trên cùng đỉnh núi cao 1.478 mét. Đây chính là bà chúa của ngọn núi điệp trùng kéo dài ra biển dậy sóng. Ngôi đền thờ bà Chúa thượng ngàn chính là bà chúa tình yêu trong ước vọng của bao đời nay (Lĩnh Chúa Linh Tự).

Cây cầu vàng tình yêu

Mới đây khu du lịch Bà Nà đã xuất hiện một cây cầu hạnh phúc. Người ta đặt tên là cầu Vàng hoặc cầu tình yêu. Những lứa đôi luôn lên đây để ngắm về thành phố Đà Nẵng với bao ước vọng cho tương lai và hạnh phúc. Cây cầu vàng được thiết kế có hai bàn tay khổng lồ làm trụ cầu treo lơ lửng giữa trời cao. Đây là một điểm nhấn bên cạnh ngôi chùa cổ. Cho dù tộc Chăm không còn tồn tại nơi đây nhưng các di vật còn lại thể hiện một bản sắc văn hóa được tôn vinh cùng ngôi chùa cổ kính với tượng Phật ngồi thiền lớn nhất (cao 27 mét).

9-vũ điệu chân dài 1.jpg -0

Bên cạnh đó  những biệt thự Pháp cổ tạo nên một sự hòa đồng rất kỳ thú trên dãy núi dằng dặc sương mù. Chiếc cầu vàng dài 150 mét vươn ra khoảng không gian bao la tạo nên nét mới lạ và điểm tô cho sự thách thức với thời gian. Sự mạo hiểm trên cao này càng làm cho tình yêu và hôn nhân của những lứa đôi thêm thi vị. Câu chuyện cổ của chàng Nỗng và cô Nà như đang hiện lên sống động trong cuộc chạy đua trên đỉnh núi cao chìm ngập trong mây bay gió lộng.

Chúng tôi lên Bà Nà bị lạc vào những cung đường cheo leo khác khi tới những ngôi biệt thự cổ còn sót lại nguyên vẹn trên vách núi. Những cây nến cổ như đang còn thắp lửa cùng hầm rượu Pháp được xây dựng từ những năm 1919. Nhìn từ xa, hàng trăm ngọn suối trên núi Bà Nà đổ xuống tạo nên những dòng sông Túy Loan, sông Lỗ Đông và sông Vàng.

Vùng khí hậu trên núi tựa như thời tiết của mùa xuân nước Pháp. Họ phát hiện ra miền đất rộng bát ngát trên núi Bà Nà từ năm 1901. Có lẽ bà Chúa Thượng ngàn đã ban cho con người một xứ sở kỳ ảo này. Chả thế nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết: "Ta vừa thấy bóng nàng trên cỏ biếc/ Suối tóc dài êm chảy giữa dòng trăng" (Mộng).

Bước nhảy của những người chân dài

Làng Pháp và công viên tình yêu mới đây đã được xây dựng trên tầng cao nhất trên đỉnh núi Bà Nà. Tập đoàn Sun Group đã kế thừa ý tưởng mới lạ khi tạo dựng một không gian văn hóa châu Âu khá bất ngờ cho những ai đặt chân lên đây. Với diện tích hơn 4,5ha, khu làng văn hóa Pháp hiện lên với nét rêu phong trầm sâu thấp thoáng trong mây bay.

Buổi sáng trên làng cổ là tiết xuân chớm về với hàng cây đào nở bừng cùng vườn hoa cẩm tú cầu. Một mùi hương gỗ thông mộc mạc bay lên từ các khu vườn và ngôi biệt thự ngủ trong rừng. Những lâu đài cùng cối xay gió cao vút trong sương tỏa lan dòng nhạc êm đềm. Giai điệu tình ca qua tiếng kèn làm xao xác lòng người.

Thật bất ngờ chúng tôi thấy xuất hiện trước mặt cặp đôi chân dài mà hai bạn trẻ đi cà kheo đang nhảy điệu Valse bên vườn hoa. Nhiều cô gái và chàng trai cùng nhảy theo trong vũ điệu mùa xuân. Họ say sưa trong bước nhảy tình yêu vời vợi nắng reo. Phía xa xa, ngôi tháp Chăm hiện lên trong làn mây trắng. Những chùm hoa đào chuông đã bắt đầu hé nở và như đang reo lên những âm thanh trong làn gió cuộn xoáy quanh sườn núi.

Bóng những thôn nữ mờ ảo hòa trong những bọt nước suối chín tầng. Họ múa và hát theo tiếng kèn Saranai réo rắt. Đó là những nàng tiên cùng múa vui hội nhập với nhịp điệu xuân về. Tôi chợt nghe những câu thơ của thi sĩ Inrasara đâu đó vang lên trong miền hoang Bà Nà cổ xưa: "Ngủ quên trong kiếp đá/ Bàn tay người nghệ sĩ hoài thai/ Trăm năm một thuở/ Nỗi mơ nung nấu ngàn đời khôn nguôi/ Cựa mình trong lòng đá/ Nụ cười phiêu lãng trên môi" (Apsara).

Vương Tâm
.
.