Chiến thuật pháo binh thời Nguyễn

Chủ Nhật, 30/03/2025, 08:29

Nói đến pháo binh hiện đại, chúng ta đã quen với các thuật ngữ “bảng bắn”, “kế toán pháo”... Thời xưa, đa số đại bác đều bắn trực xạ, nhưng từ khi thuốc súng được cải tiến, tầm bắn xa hơn, đại bác đã bắn cầu vồng, thì thước bắn cũng ra đời.

Theo bộ sử triều Nguyễn “Đại Nam thực lục” thì từ mùa thu năm Minh Mạng thứ 14 (1833), nhà vua đã “sai Bộ Binh lấy ra 5 thứ thước đo bắn đại bác mới chế và bản ghi chép bắn theo thước đo bắn súng do vua làm ra, phái thự Phó vệ úy ở vệ Loan giá là bọn Tôn Thất Tiềm mang đến giao cho quân thứ Gia Định, truyền dạy các pháo thủ học tập, để ứng dụng làm chuẩn đích trong khi bắn”. Nói “do vua làm ra” chứ chắc rằng nhà vua có bộ phận tham mưu, học tập từ kinh nghiệm làm “bảng bắn” của pháo binh phương Tây giúp công việc này.

Ngoài ra, bộ sử này cũng cho biết, cùng lúc đó, Vua Minh Mạng còn ban cấp ống nhòm (thời đó gọi là “thiên lý kính loại to”, cho các quân. Vua sai các tướng quân và tham tán liệu tính, ở ngoài lũy, làm chòi vọng địch (chòi quan sát), cao độ 3 trượng (khoảng 12 m), cách thành 5-6 trượng hoặc 1.000 trượng; còn ụ đất đặt pháo thì cao hơn 10 thước. Chiến thuật pháo binh thời ấy được mô tả như sau: “Sai người tài ngắm mang kính ấy lên chòi vọng địch, trông ngắm vào trong thành xem chỗ nào giặc tụ đông và ở đâu là nhà kho thuốc đạn thì chỉ ngay cho pháo thủ đối chiếu phương hướng để bắn, cốt sao cho trúng”.

sung-than-cong.jpg -1
Các cỗ thần công đúc thời Vua Minh Mạng.

Năm đó, ở Biên Hòa có lực lượng Hoa kiều cư ngụ ở nước ta nổi lên chống lại triều đình, kéo xuống Kiên Giang lập lũy, quân triều đình vây đánh mãi không được. Các tướng quân và Tham tán ở quân thứ Gia Định tâu nói về tình hình trong quân: “Gần đây bọn giặc liều chết giữ thành. Bọn thần đã sức cho biền binh ở bốn mặt ngoài, giữ trên ụ đất cao, đều bắn đại bác vào. Giặc bị thương và chết nhiều, sợ hãi phải nép ở mặt trong thành, dọc theo chân thành đào hầm, đắp đất, che ván, để đề phòng súng bắn, 8 cửa thành đều xếp đá ong thành đống, xây chèn bằng đất, hình thế rất vững bền. Còn như việc hỏa công vẫn chưa thi hành”.

Tờ tư của Biên Hòa gửi về triều, Vua Minh Mạng đưa ra kế sách: “Bọn nghịch tặc nay đã thế cùng, đóng cửa thành, liều chết cố giữ, tạm kéo dài kể từng ngày thôi. Việc đánh vào thành chớ nên nóng vội, hãy tạm nghỉ ngơi để bớt sức nhọc cho quân, nhưng đắp thêm ụ đất cho thêm cao, thêm rộng, cốt nhòm được vào trong thành để tiện chiếu bắn, thì giặc không còn trốn vào đâu được nữa, tất phải chết hết, bấy giờ quan quân ta càng dễ hoạt động”.

Nhà vua còn tỏ ra thông thạo chiến thuật vây thành, khi chỉ đạo rằng: “Vả lại, bốn phía ở trong thành, chỗ nào có mặt thẳng thì giặc đắp đất che ván, chỉ có thể giữ được đánh tạt ngang; ví phỏng từ mặt thẳng ấy bắn vào thì trốn vào đâu? Nay ở bốn góc ngoài thành, ngay chỗ mặt thẳng giặc vẫn núp, đắp một ụ đất ở hai đầu mỗi mặt, vận chuyển đại bác, nhằm mặt thẳng phía trong thành, bắn vào trong hầm, thì bọn giặc hết đường sống thoát”.

Khi đó, Thảo nghịch Tả tướng quân Tống Phước Lương và Tham tán Nguyên Xuân tâu rằng: “Các hạng súng đại bác, trong đó có thứ súng xung tiêu bắn bằng đạn chấn địa lôi thì giặc ở trong thành đều tan tác, đào hầm náu mình, sợ hãi hơn hết. Duy số đạn chấn địa lôi lĩnh trước thì ít, không đủ để bắn. Vả lại, thần là Tống Phước Lương này biết qua phép chế tạo, lại có Chánh đội trưởng ở đội Cảnh tất là Tống Văn Bình cũng đã tự tay làm được. Vậy, xin cho thu mua dược liệu, gọi thợ đúc đến, đem những súng gang đã cũ hỏng, chế ra đạn ấy để dùng cho việc quân”.

Vua đồng ý, lại phái thợ đúc là Dương Ngọc Dưỡng đến hợp cùng Tống Văn Bình chỉ bảo phép đúc. Vua dụ sai mua nhiều nồi gang nát của dân và đem những đạn gang hỏng để làm.

Nhà vua còn dặn thêm rằng: Chấn địa lôi ấy thực là lợi khí đánh thành. Nếu ở trong quân có thể làm ra, để khi cần dùng được đầy đủ thì càng tốt. Nhưng, cách làm ngòi thuốc cốt phải cẩn thận, giữ kín đừng để cho người khác bắt chước mới được. Các hạng đại bác bắn ra, viên đạn còn nhặt lấy để dùng được, duy phóng chấn địa lôi thì đắc lực hơn hết, vì đã giết được giặc, mà giặc lại không thể nhặt để dùng được nữa.

Khi quân nhà Nguyễn được đưa vào dẹp cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (1833-1835), Vua Minh Mạng tỏ ra thông hiểu về việc bảo mật thông tin và sự nguy hại của nội gián, khi truyền dụ cho bọn tướng quân, Tham tán ở quân thứ Gia Định: “Mấy lần căn cứ vào lời người phái đi tâu trình và công việc đánh thành, thì hình như có người ngầm thông tin với giặc, như tháng trước, ta định đánh phá thành thì giặc đã biết trước để phòng bị; gần đây, định đốt lửa để phá thành thì giặc lại biết được, lập tức chất đống đất và đá để lấp. Các việc như thế, nếu không có người ngầm thông tin tức, sao có thể biết được? Vậy, phải lập tức bí mật dò xem đích ai, tra bắt để trừng trị, không để cho bọn ấy ở trong tiết lậu ra, làm hỏng việc không phải là nhỏ”.

linhphao.jpg -0
Lính pháo thủ thời Nguyễn theo tranh vẽ của Henri Oger.

Về việc dùng đại bác bắn vào thành, Vua Minh Mạng cũng có những chỉ đạo rất sâu sát: “Các hạng súng chỉ bắn thường thì đành rằng nên từ trên cao bắn xuống. Còn như súng “xung tiêu” vốn có thể bắn vọt bay cao, nếu ở chỗ đất phẳng, cũng không lo không lọt vào thành được, huống chi tiếng nổ lại rất dữ dội. Cần nên đặt ở đất phẳng hoặc đắp bệ súng chỉ cao dăm ba thước, cốt được bình ổn để khỏi đổ nhào, chứ không nên mang để trên núi. Núi đất lại thấy chưa tiện đâu. Lại nữa, ở trên núi đất, về phía hai bên khẩu súng, nên ken tre làm cái ụ, trong đổ đầy đất, để cho người bắn súng có chỗ ẩn nấp, không lo súng đạn bên địch thì yên tâm mà bắn, mới có thể giết được giặc”.

Sau đó, vua chỉ thị: “Nay, lại định thêm cách thưởng về việc đánh bằng bắn chấn địa lôi. Khi nào bắn thì sai người mang thiên lý kính lên chòi vọng địch để xem, viên đạn nào xịt, thuốc không nổ hoặc vỡ ở trong khoảng không mà rơi xuống thì đem người chế tạo và người điểm phóng ra trừng trị; viên đạn nào bắn vào thành, rơi xuống đất nổ ngay thì mỗi viên đạn được thưởng 1 đồng ngân tiền Phi long hạng lớn. Và, nếu có đốt phá được nhà cửa trong thành, làm giặc bị thương, sẽ tùy theo nhẹ nặng, chước lượng khen thưởng”.

Chiến thuật dùng pháo binh đánh thành Bát Quái của Lê Văn Khôi ở Phiên An được Vua Minh Mạng hoạch định như sau: “Đắp cao núi đất, đặt nhiều súng đại bác; ban ngày, sai người bắn giỏi thử bắn 1-2 phát ở mặt trước và mặt sau. Rồi đến mặt tả và mặt hữu thành ngước xem đạn bay xa, gần thế nào, lựa tính phân tấc, để đặt tầm súng cao hay thấp, nhất nhất ghi lấy, để đêm đến, tiện việc bắn phá. Đến đêm, sai biền binh ở mặt tả, hữu, xa chiếu đèn đuốc ở đầu nơi phụ quách. Bện hình người bằng cỏ, giả làm bộ dạng đang đánh phá hoặc đắp lũy. Quan quân thì ở trong lũy hò la ầm lên. Giặc tất tụ ở hai mặt tả, hữu trên thành để chống cự. Bấy giờ đại bác trên núi đất ở phía trước và phía sau cứ chiếu theo chuẩn đích đã ghi từ ban ngày, nhằm bắn vào đám giặc. Ngày khác, lại ở hai mặt tả, hữu, cứ theo phép ấy mà làm, thì tất giết được nhiều giặc”.

Một tờ dụ khác bổ sung thêm về chiến thuật của nhà vua: “Hiện nay đánh thành, bắn súng đại bác là kế hay nhất. Thứ đại bác xung tiêu và đạn đại chấn địa lôi ở kinh vận đến đã thấy nhiều lắm rồi. Song, phải bắn cho trúng đích, mới có thể giết được nhiều giặc. Bọn ngươi phải truyền bảo tướng, biền và pháo thủ ban ngày, dùng thứ thước mới chế để đo tầm súng đại bác, theo đúng phép; bắn thử 1-2 phát; rồi ghi lấy cái tầm xa gần của súng ấy để làm chuẩn đích. Đêm đến, chiếu theo bốn mặt, đồng thời cùng bắn, khí thế như sấm sét từ trời giáng xuống thì bọn giặc sẽ tan thành cám hết”.

Khi tướng quân và Tham tán quân thứ Gia Định báo cáo về triều, cho biết: “Đạn đại chấn địa lôi bắn vào trong thành, có 2 lần trúng vào nhà cửa trong thành do thuốc súng làm bốc cháy, trông thấy cháy to, khói ngùn ngụt, ván gỗ bay tung. Bọn giặc sợ hãi”. Vua Minh Mạng dụ rằng: “Thế mới biết đạn đại chấn địa lôi thực là một lợi khí đánh thành. Chỉ hiềm đạn ấy chửa bắn trúng vào nhà cửa, sào huyệt của nghịch Khôi ở và các kho thuốc súng, diêm tiêu, tiền, gạo ở trong thành, khiến bọn giặc không còn nhờ vào đâu mà đánh hay giữ được, để sớm bị chết, bị diệt, thì vẫn còn chưa hả lòng người ta thôi!”.

Sau đó, nhà vua ra lệnh: “Nay tướng quân và Tham tán nên lập tức truyền báo các tướng, biền: pháo thủ cứ theo phép thước đo tầm súng bắn mới ban ấy, đối chiếu vào kho thuốc súng ở mặt sau thành, kho diêm tiêu ở mặt tả thành, liệu tính độ số tấc thước mà bắn. Nếu núi đất để súng gần quá không tiện bắn thì hoặc liệu dời đắp ra chỗ khác, hoặc tính rút bớt thuốc súng đi, cất đúng với mức độ súng bắn, để mong trúng đích. Và, từ chỗ kho thuốc súng ở phía mặt sau, một loạt hướng về phía trước đều là sào huyệt nhà cửa của bọn giặc nối liền nhau. Nếu biết xét đoán đúng độ số thước tấc mà bắn vào thì không lẽ nào lại không trúng; mà bắn đã trúng, tất phải đổ nhà cửa, không lẽ nào không giết được giặc”.

Nhà vua cũng treo thưởng: “Người nào có thể bắn giết được nghịch Khôi và đốt cháy được các kho thuốc súng, diêm tiêu, cùng là đốt phá được sào huyệt của bọn nghịch Khôi đương ở thì lập tức theo lời dụ trước, thưởng cấp cho, lại liệu ban cho quan chức nữa; hoặc người nào bắn trúng nơi chứa thuốc súng khác của giặc, hiện trông thấy khói lửa bốc lên, cùng là bắn 1 phát chết 5-7 tên giặc, hiện có người đứng trông ở trên vòm, chính mắt nhìn thấy cũng chuẩn cho thưởng rất hậu. Lại nữa, người nào mà 2 lần bắn trúng nhà cửa của giặc, thuốc súng bùng nổ, chuẩn cho điều tra rõ ràng người bắn, sẽ thưởng 20 lạng bạc”.

Tuy nhiên, quân nổi loạn của Lê Văn Khôi do có thành vững, lương thảo vũ khí tích trữ đủ dùng nên dù bị thiệt hại nặng bởi chiến thuật kiềm chế bằng đại bác, bằng đạn “đại địa chấn lôi”, vẫn cố thủ, không hàng. Phải đến sau khi Lê Văn Khôi bị bệnh ốm chết đầu năm 1835 thì quân triều đình mới phá được thành. Sau đó, thành Bát Quái bị Vua Minh Mạng cho phá bỏ hoàn toàn, nay không còn dấu vết.

Lê Tiên Long
.
.