Chiến dịch Barkhane – vũng lầy thập kỷ

Thứ Tư, 30/11/2022, 12:49

“Tôi đã quyết định, một quyết định có sự tham vấn và phối hợp với các đối tác, rằng hôm nay, chúng ta chính thức đánh dấu việc hoàn tất chiến dịch Barkhane” - đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố ngày 9/11, khi những người lính Pháp cuối cùng lên máy bay rời Mali. Một kỷ nguyên đã khép lại, và nước Pháp cần những cách tiếp cận mới. Song, câu chuyện này đã bắt đầu như thế nào?

Sứ mệnh Sahen

Đó là ngày 13/7/2014. Trả lời một cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp khi ấy – Jean-Yves Le Drian thông báo: Paris sẽ điều 3.000 binh sĩ đến khu vực Sahel trong khuôn khổ chiến dịch mới chống khủng bố tại đây.

50f14ad_1668003369741-toulon.jpeg -0
Quyết định không thể nói là dễ dàng của đương kim Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Ông nêu rõ: Hoạt động quân sự của bính lính Pháp ở miền Bắc Mali, nhằm đánh bật phiến quân Hồi giáo cực đoan trong chiến dịch mang tên Serval (Mèo rừng) đã kết thúc, và sẽ được thay thế bằng chiến dịch mới mang tên Barkhane. Phối hợp với 5 nước ở vùng Sahel-Sahara, bao gồm Mauritania, Mali, Burkina Faso, Niger và Cộng hòa Chad, 3.000 binh sĩ Pháp được triển khai tại khu vực, cùng sự hỗ trợ của máy bay không người lái, máy bay trực thăng, máy bay tiêm kích và xe thiết giáp…, để trấn áp các phần tử khủng bố.

Theo nhận định của Bộ trưởng Jean-Yves Le Drian khi ấy, mối lo ngại an ninh ở châu Phi đang chuyển sang khu vực Sahel rộng lớn dọc theo vành đai phía Nam của sa mạc Sahara. Chiến dịch mới sẽ giúp đảm bảo rằng chủ nghĩa khủng bố không bùng phát tại đây, trong bối cảnh vẫn có nguy cơ cao các phần tử thánh chiến Hồi giáo gia tăng hoạt động ở khu vực kéo dài từ vùng Sừng châu Phi tới Guinea-Bissau.

Có lẽ cũng cần phải nhắc lại, vào quãng những năm 2013-2014 đó, lá cờ đen chết chóc cùng những vụ tấn công của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vẫn còn là một nỗi ám ảnh, gieo rắc kinh hoàng và khiếp đảm toàn cầu. Cho dù đã bắt đầu bị chặn đứng cũng như đẩy lùi ở Iraq hay Syria, thì mọi nhà phân tích quốc tế vẫn không ngừng nhấn mạnh nguy cơ tổ chức khủng bố ấy tái tổ chức lực lượng ở những khu vực “hẻo lánh” hơn của thế giới Hồi giáo, và sẵn sàng trở lại bằng nhiều hình thức – từ các đoàn quân đến các “con sói đơn độc”.

Trong khi đó, tiếp nhiệm năm 2012, cựu tổng thống Pháp Francois Hollande phải đối diện với không ít thách thức, kể cả về ngoại giao lẫn nội trị, theo nhiều tầng mức. Vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi những dư chấn của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008, lại là người lãnh đạo một trong hai cường quốc dẫn dắt Liên minh châu Âu (EU) cùng nước Đức, Tổng thống Pháp vừa phải chứng kiến các xáo trộn cũng như bức xúc do đời sống trở nên khó khăn trong nội bộ xã hội Pháp, vừa phải nỗ lực tính toán các vấn đề đe dọa đến sự gắn kết của toàn EU, như khủng hoảng cân bằng chiến lược, khủng hoảng người nhập cư, khủng hoảng nợ công…, chưa kể đến việc nước Anh bắt đầu công khai bày tỏ ý muốn thực hiện cuộc ly khai mang tên Brexit.

Ở tình thế ấy, nước Pháp nói chung và cựu Tổng thống Francois Hollande nói riêng đều cần những thành công trên phương diện đối ngoại, nhằm củng cố vị thế. Sahel – khu vực ảnh hưởng truyền thống đầy tiềm năng kinh tế của Pháp, nhưng ảnh hưởng ấy đã bị quấy phá và lũng đoạn bởi các nhóm Thánh chiến Hồi giáo cực đoan – rõ ràng là một lựa chọn hợp lý. Trong những năm đó, có rất nhiều vụ tấn công khủng bố giữa lòng nước Pháp được dự tính và thực hiện bởi những nhóm Hồi giáo cực đoan đến từ châu Phi.

Và, kế tục ngài Francois Hollande, ngay sau khi tiếp nhiệm cương vị Tổng thống Pháp hồi tháng 5/2017, song song với hàng loạt chuyến công du, đương kim Tổng thống Emmanuel Macron cũng tuyên bố: Nước Pháp sẵn sàng tăng cường hiện diện quân sự, để chiến đấu cùng quân đội các quốc gia châu Phi chống phiến quân Hồi giáo cực đoan.

csm_b13_be_tll_frankreich_scheitert_im_sahel_123401677_901523b3ca.jpg -0
Những người lính Pháp cuối cùng rời khỏi Sahel.

Trở lại điểm khởi đầu

Đánh giá một cách ngắn gọn về kết thúc của chiến dịch Barkhane kéo dài cả thập kỷ, tờ báo Đức SWP nhận xét: “Sự ra đi này không chỉ tượng trưng cho thất bại trong chính sách can thiệp của Pháp, mà còn phản ánh sự yếu kém trong chính sách đối ngoại của châu Âu. Tuy nhiên, đây cũng có thể là cơ hội để xây dựng một cách tiếp cận cân bằng và đáng tin cậy hơn đối với Sahel”. Nói cách khác, 10 năm quân đội Pháp hiện diện ở Sahel cũng có thể xem là một mô hình đồng dạng với việc quân đội Mỹ triệt thoái khỏi Iraq hay Afghanistan.

Từ năm 2013 đến năm 2021, tâm trạng xã hội ở Mali nói riêng và Sahel nói chung đối với nước Pháp đã có những thay đổi rõ rệt. Nếu như ban đầu, các đơn vị lính Pháp được ca ngợi là “những người giải phóng”, thì hiện tại, Paris phải đối mặt với chỉ trích về việc không nắm bắt được tình hình an ninh, và thậm chí còn có cả những cáo buộc duy trì mô hình phụ thuộc kiểu thực dân mới. Vào tháng 1/2022, tranh chấp với chính phủ quân sự Mali đã dẫn đến việc trục xuất đại sứ Pháp, sau đó là chấm dứt hợp tác quân sự song phương. Paris quyết định tự rút lui. Nhưng ngay cả sau đó, căng thẳng vẫn chưa có hồi kết.

Trong suốt gần 10 năm qua, xung đột ở Mali đã lan sang các nước láng giềng Burkina Faso và Niger, khiến hàng nghìn binh sĩ cũng như dân thường thiệt mạng và hai triệu người trên toàn khu vực Sahel phải di dời. Các nhóm thánh chiến thường băng qua các vùng biên giới kiểm soát lỏng lẻo, quấy nhiễu các lực lượng địa phương và quốc tế - vốn đã chi hàng tỷ USD nhằm loại bỏ mối đe dọa khủng bố. Các tay súng Hồi giáo đang ẩn náu rải rác trên những khu vực rộng lớn của Sahel là mối đe dọa tiềm ẩn cho an ninh khu vực. Các chuyên gia cho biết, lực lượng nổi dậy đã xâm nhập các quốc gia ven biển, trong đó có Benin và Côte d’Ivoire. Điều này cũng đe dọa các chiến dịch an ninh quốc tế và sự ổn định chiến lược của Côte dIvoire và Senegal.

Chưa đạt được mục tiêu đẩy lui hoàn toàn lực lượng thánh chiến Hồi giáo cực đoan tại đây, lại có thêm ngày càng nhiều lo ngại về nguy cơ nhánh phiến quân Hồi giáo từ Vịnh Guinea đang dần lớn mạnh và đe dọa khu vực. Quân đội các nước Tây Phi vốn chưa thật sự vững mạnh, giờ phải “lên tuyến đầu” trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thánh chiến Hồi giáo cực đoan. Điều này gây lo ngại rằng việc các lực lượng của Pháp và châu Âu rút đi càng làm gia tăng bất ổn trong khu vực.

Với giới quan sát quốc tế, Mali là một thất bại trong chính sách đối ngoại của nước Pháp, khi đến tận điểm cuối cùng, mục tiêu chính trị vẫn mơ hồ, và củng cố thêm ấn tượng về một khuynh hướng quân sự không có mục đích chiến lược. Ví dụ, hợp tác phát triển chỉ đóng vai trò thứ yếu trong chính sách ổn định khu vực của Pháp.

Các dòng viện trợ chủ yếu được coi là một công cụ hỗ trợ các biện pháp chống nổi dậy, và dường như chỉ mang lại tính hợp pháp cho hoạt động quân sự của Pháp. Mặc dù Paris tuyên bố Sahel là một ưu tiên, năm 2018, 5 quốc gia Sahel chỉ chiếm 10% trong tổng số viện trợ phát triển của Pháp cho châu Phi, mà riêng Mali chỉ nhận được 2,5%. Thực tế là mức này vẫn không thay đổi kể từ năm 2013, cho thấy sự khác biệt giữa các phát biểu trên lý thuyết với sự phân bổ kinh phí thực tế.

Những mâu thuẫn khác cũng làm tổn hại đến uy tín của chính sách Sahel của Pháp trong khu vực. Một ví dụ nổi bật là sự ủng hộ việc tiếp quản quyền lực (bị cho là vi hiến) ở Chad của chính quyền Mahamat Déby (2021). Ngược lại, Paris lại căng thẳng với chính phủ quân sự ở Bamako. Nhiều mâu thuẫn phổ biến trong cách tiếp cận của châu Âu đối với các cuộc khủng hoảng đã trở nên rõ ràng, khi EU thực thi các biện pháp trừng phạt đối với Mali, trong khi Pháp thấy không có vấn đề gì trong việc tiếp tục cuộc chiến chung chống khủng bố với cùng một chính phủ.

Thậm chí, tờ SWP thẳng thắn nhận định: “Ngày nay, đứng về phía Pháp có thể gây ra rủi ro về uy tín trong khu vực”, và: “Những sự kiện gần đây ở Mali đã làm lung lay đáng kể vị thế lâu đời của Pháp ở lục địa lớn thứ hai thế giới. Đây cũng có thể là cơ hội để Đức và các nước châu Âu khác đóng vai trò lớn hơn trước trong việc định hình chính sách của châu Âu đối với Sahel và Tây Phi nói tiếng Pháp”.

Trong bối cảnh này, tuyên bố của đương kim tổng thống Pháp Emmanuel Macron, rằng: “Sự ủng hộ về quân sự của Pháp đối với các nước châu Phi vẫn tiếp tục, nhưng phải tuân theo những nguyên tắc mới mà chúng tôi đã cùng họ vạch ra” là rất đáng chú ý.

Dĩ nhiên rồi, dù đã rút chân khỏi một vũng lầy, thì Điện Elysee cũng vẫn không muốn khoảng trống mà họ vừa để lại lập tức có những người thay thế. 

*Chiến dịch quân sự của Pháp mang tên Serval (Mèo rừng) bắt đầu vào tháng 1/2013, khi Pháp điều quân tới hỗ trợ binh lính Mali ngăn chặn các phần tử thuộc mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và các phần tử nổi loạn Tuareg tấn công vào miền Nam Mali, đồng thời tiến vào thủ đô Bamako. Theo kế hoạch ban đầu, Pháp sẽ kết thúc sứ mệnh Serval vào tháng 5/2013. 

*Nằm ở phía Nam sa mạc Sahara, khu vực Sahel là một "vành đai" vắt ngang miền Bắc châu Phi, từ Đại Tây Dương ở phía Tây sang Biển Đỏ ở phía Đông. Đây được coi là thiên đường của các nhóm Hồi giáo cực đoan và các phần tử thánh chiến, do có thể lợi dụng hoang mạc rộng lớn và sự buông lỏng quản lý biên giới giữa các quốc gia trong khu vực.

Thiên Phong
.
.