Chiếc mũ giáp 2.400 năm tuổi và chuyện về người Celt cổ đại
Các nhà khoa học Ba Lan vừa phát hiện một chiếc mũ giáp cổ đại quý hiếm có niên đại 2.400 năm. Chiếc mũ này được cho là thuộc nền văn hóa La Tène cuối Thời kỳ đồ sắt, phổ biến ở châu Âu từ thế kỷ V - thế kỷ III trước Công nguyên, là minh chứng cho kỹ thuật luyện kim tiên tiến của người Celt cổ đại.
Những dấu tích cổ
Chiếc mũ giáp được tìm thấy cùng gần 300 hiện vật khác tại địa điểm khảo cổ Lysa Góra ở vùng Mazovia của Ba Lan. Ban đầu, các nhà khảo cổ tưởng đó là một chiếc bình cổ bằng đồng, nhưng sau đó nhận ra đặc điểm của một chiếc mũ giáp qua chi tiết tấm cổ cong đặc trưng.
Trưởng nhóm khai quật Bartlomiej Kaczynski cho hay, chiếc mũ này là minh chứng cho kỹ thuật luyện kim tiên tiến của người Celt cổ đại. Các chuyên gia ước tính, nó có niên đại từ thế kỷ IV đến thế kỷ III trước Công nguyên.
Theo các ghi chép lịch sử, người Celt đầu tiên đến Ba Lan từ Bohemia và Moravia vào khoảng hoặc sau năm 400 trước Công nguyên. Người Celt đã hình thành một số vùng đất bao quanh chủ yếu ở phía Nam Ba Lan, trong cộng đồng Pomeranian hoặc Lusatian hoặc ở những khu vực bị những người dân đó bỏ hoang. Các nền văn hóa hoặc nhóm người Celt hoặc có yếu tố Celt (hỗn hợp giữa người Celt và người bản địa) tồn tại ở mức độ xa nhất cho đến năm 170 sau Công nguyên (nền văn hóa Púchov). Trong khi đó, tại Thụy Sĩ, các nghiên cứu về bộ xương 2.000 năm tuổi được tìm thấy ở miền Tây nước này lại khẳng định rằng, đây là bộ xương của một người Celt và bị tử vong do sóng thần hoặc bị hành quyết theo nghi lễ.
Nó cũng chứng minh trên mảnh đất Thụy Sĩ ngày nay, vào năm 450 trước Công nguyên, người Celt là một dân tộc có trình độ học vấn cao. Họ chiếm đóng khu vực quần đảo Anh, Pháp, Bắc Tây Ban Nha và từ Trung Âu đến phía Tây Hungary, Slovenia và Bắc Croatia và được cho là nền văn minh tiên tiến đầu tiên của châu Âu. Vì lý do văn hóa, họ chỉ tin vào truyền thống truyền miệng và do đó, các tài liệu viết duy nhất về họ lại đến từ kẻ thù, cụ thể là người Hy Lạp và người La Mã. Hầu hết các nghiên cứu về người Celt đều dựa trên các phát hiện khảo cổ học, trong đó có một số đáng chú ý được thực hiện ở Thụy Sĩ.
Câu chuyện về người Celt
Người Celt lần đầu tiên được các tác giả Hy Lạp nhắc đến vào khoảng năm 540 đến năm 424 trước Công nguyên. Người Hy Lạp cho rằng người Celt đến từ Tây Âu và cũng chiếm đóng vùng đất gần thượng nguồn sông Danube. Lãnh thổ quê hương của người Celt thường được truy tìm đến miền Trung và miền Đông nước Pháp, trải dài qua miền Nam nước Đức và vào Cộng hoà Czech.
Năm 279 trước Công nguyên, người Celt được biết đến là đã cướp bóc Delphi, địa điểm linh thiêng của Hy Lạp. Nhà địa lý Strabo đã ghi lại một cuộc gặp giữa người Celt và Alexander Đại đế vào năm 335 trước Công nguyên tại Balkan. Các nhà văn cổ điển cũng ghi lại một cuộc di cư quy mô lớn của người Celt ngay sau năm 400 trước Công nguyên, đưa người Celt từ Trung Âu đến Bắc Ý và Đông Âu.
Còn người La Mã lại tin rằng người Celt là một tập hợp các bộ lạc có nguồn gốc từ Trung Âu. Mặc dù là những bộ lạc riêng biệt, nhưng họ có nền văn hóa, truyền thống, tín ngưỡng tôn giáo và ngôn ngữ chung tương tự nhau. Người Celt được cho là đã đến bờ biển Anh vào khoảng năm 1.000 trước Công nguyên và sống ở đó trong Thời đại đồ sắt, Thời đại La Mã và Thời kỳ hậu La Mã. Di sản của họ vẫn tiếp tục cho đến ngày nay, nơi mà các chứng tích về ngôn ngữ, văn hóa và truyền thống liên tục được phát hiện
Xem lại các bản ghi chép trong văn học La Mã, người Celt được mô tả là mặc quần áo nhiều màu sắc, một số người sử dụng thuốc nhuộm màu xanh từ cây woad để vẽ các họa tiết trên cơ thể. Họ nổi tiếng với trang phục len nhiều màu sắc và sau này là vải tartan của Scotland. Trang phục mà người Celt mặc thể hiện địa vị và tầm quan trọng trong bộ tộc. Trang phục thông thường của người Celt bao gồm áo dài và thắt lưng, cũng như áo choàng dài và quần dài được buộc bằng “fibulae”.
Trên thực tế, nhiều nhà sử học đã lưu ý rằng người Celt là một trong những người đầu tiên ở châu Âu mặc quần dài, “fibulae” là móc cài, được sử dụng để buộc quần dài của họ. Do các tài liệu về người Celt khá lẫn lộn nên việc theo dõi nguồn gốc của ngôn ngữ Celt cũng gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các nhà nghiên cứu cho rằng, ngôn ngữ Celt bắt nguồn từ một ngôn ngữ trước đó được gọi là “tiền Ấn-Âu”.
Ngôn ngữ này có thể đã đến Tây Âu thông qua sự di chuyển của các dân tộc từ Trung Á trong khoảng từ năm 6.000 đến năm 2.000 trước Công nguyên. Những dòng chữ khắc sớm nhất được biết đến bằng ngôn ngữ Celt được tìm thấy ở miền Bắc Italia và có niên đại từ thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. George Buchanon, một học giả ở thế kỷ 16 cho rằng, người dân lục địa châu Âu đã từng nói một nhóm ngôn ngữ Gallic có liên quan với người Celt.
Một nghiên cứu tiên phong của Edward Lhuyd vào năm 1707 đã công nhận hai nhóm ngôn ngữ Celtic, P-Celtic hoặc Brythonic (tiếng Wales, tiếng Breton, tiếng Cornwall) và Q-Celtic hoặc Goidelic (tiếng Ireland, tiếng Scotland Gaelic, tiếng Manx). Người ta cho rằng các ngôn ngữ Brythonic bắt nguồn từ Gaul (Pháp), trong khi các ngôn ngữ Goidelic có nguồn gốc từ Iberia (Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha).
Văn hóa kim loại
Nghệ thuật của người Celt được các học giả người Anh công nhận và đặt tên là nghệ thuật Celtic vào giữa thế kỷ 19. Tuy nhiên, mãi đến năm 1910-1914, những đồ vật đầu tiên được trang trí theo phong cách này mới được tìm thấy ở một khu vực văn hóa chung tại Đông Bắc nước Pháp, miền Nam nước Đức và Cộng hòa Czech. Nền văn hóa này sau đó được đặt tên là nền văn hóa La Tène, theo tên một bộ sưu tập đồ kim loại trang trí quan trọng được phát hiện tại một địa điểm bên bờ hồ Neuchâtel, Thụy Sĩ.
Nghiên cứu của các nhà sử học cũng chỉ ra rằng, người Celt ưa chuộng trang trí hình học hơn là các chủ đề tượng hình. Các sản phẩm của họ thường có hình tròn năng động, triskele và xoắn ốc là đặc trưng với vật liệu là kim loại quý. Người Celt cũng có thể tạo ra các nhạc cụ phát triển như carnyces, những chiếc kèn chiến nổi tiếng được sử dụng trước trận chiến để dọa kẻ thù, là loại được bảo quản tốt nhất được tìm thấy ở Tintignac (Gaul) vào năm 2004 và được trang trí bằng đầu lợn rừng hoặc đầu rắn…
Đặc biệt, người Celt nổi tiếng là những kẻ săn đầu người. Paul Jacobsthal, học giả người Đức chuyên nghiên cứu về nghệ thuật Celtic nói: "Đối với người Celt, đầu người được tôn kính hơn tất cả mọi thứ khác, vì đầu là linh hồn, trung tâm của cảm xúc cũng như của chính cuộc sống, là biểu tượng của thần thánh và sức mạnh của thế giới bên kia”. Chính vì thế mà trong nhiều tài liệu, các nhà sử học Hy Lạp Posidonius và Diodorus Siculus từng cho hay, các chiến binh Celt chặt đầu kẻ thù bị giết trong trận chiến, treo chúng lên cổ ngựa của họ, sau đó đóng đinh chúng bên ngoài nhà. Có nhiều chiến binh Celt còn thích ướp xác đầu của những kẻ thù lớn nhất của họ trong dầu tuyết tùng rồi trưng bày chúng.
Các nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy bằng chứng cho thấy những chiếc đầu đã được ướp và trưng bày ở vùng Gaul (nay là Pháp, Bỉ, Luxembourg và một phần của Thụy Sĩ, Hà Lan, Đức, Bắc Italia). Hay như ở Entremont, một địa điểm ở phía Nam vùng Gaul, một cây cột được chạm khắc bằng đầu lâu, bên trong có các hốc để lưu giữ hộp sọ người, đóng đinh vào đúng vị trí đã được tìm thấy…
Một điểm đáng chú ý nữa là, giống như các xã hội thời kỳ đồ sắt khác ở châu Âu, người Celt theo tôn giáo đa thần và tin vào thế giới bên kia. Bằng chứng về tôn giáo của họ được thu thập từ các tài liệu khảo cổ học, các tài liệu Hy Lạp-La Mã và văn học từ thời kỳ đầu của Cơ đốc giáo. Cho đến nay, tên của hơn 200 vị thần của người Celt vẫn còn tồn tại, mặc dù có khả năng nhiều vị trong số này là tên thay thế, tên khu vực hoặc danh hiệu cho cùng một vị thần. Một số vị thần chỉ được tôn kính ở một khu vực, nhưng một số vị thần khác được biết đến rộng rãi hơn.
Theo Miranda Aldhouse-Green, người Celt cũng theo thuyết vật linh, tin rằng mọi bộ phận của thế giới tự nhiên đều có linh hồn. Người Celt có một vị thần cha, thường là vị thần của bộ lạc và người chết và một nữ thần mẹ gắn liền với đất đai, trái đất và khả năng sinh sản. Nữ thần mẹ cũng có thể mang hình dạng của một nữ thần chiến tranh để bảo vệ bộ lạc và vùng đất của mình. Ngoài ra, người Celt còn có các vị thần khác như: Taranis - gắn liền với sấm sét, bánh xe và bò đực; những vị thần về kỹ năng và nghề thủ công như thần Lugus và thần thợ rèn Gobannos; các vị thần chữa bệnh như Sirona và Borvo; thần có sừng Cernunnos; nữ thần ngựa và khả năng sinh sản Epona…
Các nghi lễ tôn giáo của người Celt được giám sát bởi các linh mục được gọi là người Druid, những người này còn đóng vai trò là thẩm phán, giáo viên và người giữ truyền thuyết. Các tầng lớp người Druid khác thực hiện các nghi lễ hiến tế vì lợi ích được cho là của cộng đồng. Các nghi lễ của người Celt thường được tổ chức trong các khu rừng thiêng và các đền thờ tự nhiên khác được gọi là nemetons. Người Celt thường thực hiện các lễ vật cầu nguyện: các vật phẩm quý giá được đặt trong nước và đất ngập nước, hoặc trong các giếng và giếng nghi lễ, thường ở cùng một nơi qua nhiều thế hệ.