“Bóng ma” từ nấm mồ hạt nhân Runit Dome

Thứ Hai, 14/08/2023, 09:01

Quần đảo thiên đường nhiệt đới Marshall ở Thái Bình Dương với làn nước biển trong xanh và bờ cát trắng, nhưng lại là nơi nhiễm xạ nặng nề, tiềm ẩn những mối nguy mà không ai muốn nghĩ tới. Chịu ảnh hưởng từ chương trình thử nghiệm hạt nhân của Mỹ, một số hòn đảo tại đây từng được coi là nơi ô nhiễm nhất trên Trái Đất. Không có báo cáo cụ thể về số nạn nhân trực tiếp của các vụ nổ hạt nhân từ 1946-1958 song các dữ liệu cho thấy nhiều người đã chịu các di chứng và bệnh tật nghiêm trọng.

Vùng đất ô nhiễm

Nhìn từ trên cao, người ta có thể thấy những phá nước xanh biếc tại đảo san hô vòng Enewetak, song thực chất đây là những hố nước được tạo ra sau các cuộc thử nghiệm hạt nhân. Mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu và thời gian xói mòn công trình được xây dựng để "chôn" chất thải hạt nhân, trở thành tác nhân khiến các chất độc như plutonium rò rỉ xuống Thái Bình Dương, với độc tố lan rộng và xa. Plutonium là một trong những chất độc nhất và dễ gây ung thư nhất trên Trái Đất.

“Bóng ma” từ nấm mồ hạt nhân  Runit Dome -0
Runit Dome nhìn từ trên cao.

Trong giai đoạn 1946 - 1958, Mỹ đã cho nổ 67 quả bom hạt nhân và bom khí quyển trên đảo san hô vòng Enewetak và Bikini ở Quần đảo Marshall, tạo nên các hố sâu và làm biến mất nhiều hòn đảo. Để tìm cách giành lợi thế trước Liên Xô trong Chiến tranh lạnh, Mỹ đã sử dụng hòn đảo này làm địa điểm thử nghiệm không chỉ bom hạt nhân mà còn cả vũ khí sinh học.

Quần đảo Marshall nằm ở Thái Bình Dương, giữa Hawaii và Philippines, được chọn làm nơi thử vũ khí hạt nhân do mật độ dân cư thưa thớt, khoảng cách tới các quốc gia và tuyến đường vận chuyển khác được cho là phù hợp.

Năm 1946, Mỹ thử nghiệm quả bom hạt nhân đầu tiên. Trong 5 năm tiếp theo, Mỹ thử nghiệm thêm 8 quả bom hạt nhân khác, với sức công phá từ 23-225 kiloton, tại đảo san hô vòng Enewetak và Bikini.

Năm 1952, Chính phủ Mỹ bắt đầu thử nghiệm vũ khí quy mô hơn. Trong 4 năm sau đó, Mỹ đã thử nghiệm 25 quả bom hạt nhân, trong đó có quả bom mang tên Castle Bravo mạnh gấp 1.000 lần quả bom ném xuống Hiroshima và Nagasaki. Được thử nghiệm vào ngày 1/3/1954, đây được coi là quả bom khinh khí mạnh nhất từng được Mỹ cho kích nổ. Ánh sáng của vụ nổ có thể nhìn thấy được từ thành phố Okinawa cách xa hơn 4.200 km. Bụi phóng xạ của vụ thử hạt nhân sau đó đã được phát hiện trên gia súc ở Tennessee (Mỹ).

Nhịp độ tiến hành các vụ nổ hạt nhân càng tăng nhanh vào cuối những năm 1950, khi các nhà chức trách Mỹ lo ngại về lệnh cấm thử nghiệm trên mặt đất. Chỉ riêng trong năm 1958, Mỹ đã thử nghiệm tới 33 quả bom từ ngày 28/4 đến ngày 18/8.

Ngày 5/8/1963, Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân một phần (PTBT), Hiệp ước cấm thử nghiệm hạn chế (LTBT) được Liên Xô, Mỹ và Anh ký kết. Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân trong khí quyển, ngoài không gian và dưới nước, cấm tất cả các vụ thử vũ khí hạt nhân trừ những vụ nổ được tiến hành dưới lòng đất. Lệnh cấm thử nghiệm là kết quả của sự lo lắng gia tăng về mức độ thử nghiệm hạt nhân, đặc biệt là thử nghiệm vũ khí nhiệt hạch mới (bom hydro). Hiệp ước này được ca ngợi như một bước quan trọng đầu tiên hướng tới việc kiểm soát vũ khí hạt nhân trên toàn cầu.

Tuy nhiên, ngay cả sau khi hiệp ước được ký vào năm 1963, Mỹ vẫn tiếp tục thử nghiệm vũ khí trên Quần đảo Marshall và không chỉ là vũ khí hạt nhân. Bắt đầu từ năm 1968, hàng chục loại vũ khí sinh học cũng đã được thử nghiệm.

Đến những năm 1970, Mỹ không còn nhu cầu thử nghiệm vũ khí trên Quần đảo Marshall. Tuy nhiên, hàng thập kỷ diễn ra các vụ nổ đã tàn phá cảnh quan của vùng đất từng là thiên đường, phá hủy toàn bộ hòn đảo và tệ nhất là để lại hàng tấn chất thải phóng xạ.

Nhiều người dân từng sinh sống trong khu vực vào những năm Mỹ tiến hành loạt vụ thử đã mô tả ngày họ thấy "hai mặt trời" và bụi phóng xạ hạt nhân trút xuống nhà của họ. Dù đã được sơ tán sau đó, nhiều người gặp nhiều vấn đề về sức khỏe, và trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Los Angeles Times  nhiều người cho rằng cuộc sống của họ đã bị đánh cắp kể từ sau những sự kiện này.

“Bóng ma” từ nấm mồ hạt nhân  Runit Dome -0
Binh sỹ Mỹ tham gia tập kết rác thải phóng xạ mà không có đồ bảo hộ phù hợp.

Nấm mồ khổng lồ

Có tới hơn 88.000 m3 chất phóng xạ trên quần đảo. Đảo Runit là nơi nghiêm trọng nhất, do từng là nơi diễn ra 11 vụ thử hạt nhân và có mức độ ô nhiễm đặc biệt cao. Các đồng vị phóng xạ ở đó có chu kỳ bán rã 24.000 năm cực kỳ độc hại đối với con người.

Sau khi các vụ thử nghiệm bom hạt nhân ở quần đảo Marshall chấm dứt từ sau năm 1958, hàng loạt cuộc chiến pháp lý đã nổ ra giữa chính quyền địa phương với giới chức Mỹ. Hai bên đưa ra các lý lẽ khác nhau cũng như những giải pháp nửa vời hoặc tranh cãi, thậm chí là "đùn đẩy" trách nhiệm "dọn dẹp" tàn dư của các vụ nổ hạt nhân. Đảo san hô vòng Bikini và đảo Rongelap từng được đưa vào kế hoạch tái định cư, sau đó người dân lại phải sơ tán lại vì ô nhiễm kéo dài.

Giải pháp tình thế các bên đạt được là xây dựng khu mái vòm bê tông chứa rác thải hạt nhân.

Từ năm 1977 đến năm 1980, Mỹ cho xây dựng trên đảo Runit một vòm bê tông dày 45 cm phủ trên một miệng hố khổng lồ có chiều rộng hơn 100m, thể tích tương đương 35 bể bơi cỡ Olympic, làm nơi tập kết rác thải từ các vụ thử hạt nhân. Đất và các mảnh vụn nhiễm phóng xạ sau nhiều thử nghiệm tại 6 hòn đảo khác nhau trong nhóm đảo san hô vòng Enewetak được thu gom và đổ xuống hố này, sau đó trộn lẫn với bê tông rồi đưa xuống dưới mái vòm bê tông.

Ủy ban Năng lượng Nguyên tử, (Bộ Năng lượng ngày nay) và Bộ Quốc phòng Mỹ đã huy động hơn 8.000 người, trong đó có 4.000 binh sỹ của nước này, làm việc trong suốt 3 năm để dọn dẹp quần đảo. Trong số rác thải được chôn ở đây có cả plutonium.

Mỹ đã thanh toán cho quần đảo Marshall 150 triệu USD, bao gồm các quỹ tín dụng cho các đảo san hô nơi tiến hành thử nghiệm. Bộ Quốc phòng Mỹ gia hạn hợp đồng "thuê" các hòn đảo thử nghiệm song tiền thuê trị giá 15 triệu USD/ năm chỉ đủ chi trả các chương trình chăm sóc sức khỏe, thực phẩm... cho một nhóm nhỏ các gia đình trong khu vực bị ảnh hưởng nên không thể dùng cho các mục đích khắc phục khác như sửa chữa mái vòm bê tông. Các khoản tài trợ này cũng giảm dần hàng năm và sẽ khép lại trong năm nay.

Vết thương chưa lành

Nhiều năm đã trôi qua, đối với người dân Quần đảo Marshall, Runit Dome là một thảm họa xét ở nhiều phương diện. Công trình này đại diện cho lịch sử đau thương của các vụ thử nghiệm hạt nhân của Mỹ, và là mối đe dọa treo lơ lửng khi mái vòm bê tông bắt đầu cũ đi.

Mái vòm Runit Dome có kích thước lớn đến mức có thể dễ dàng nhìn thấy trong Google Maps. Điều đáng nói là ở thời điểm công trình được xây dựng, người ta chỉ xem đây như giải pháp tạm thời và đáy hố không được trát cẩn thận.

Từ năm 2013, trên lớp bê tông dày 45cm của mái vòm đã xuất hiện các vết nứt.  Runit Dome chứa 111.000 m3 mảnh vụn phóng xạ và các chuyên gia lo ngại rằng một cơn bão do biến đổi khí hậu có thể làm sập nắp. Không chỉ vậy, mực nước biển dâng cao cũng đe dọa đánh sập công trình mái vòm chứa chất thải phóng xạ, từ đó chất thải phóng xạ thấm qua lớp bê tông hoặc rò rỉ bùn nguyên tử độc hại vào Thái Bình Dương.

Dù hơn 70 năm đã trôi qua từ khi Mỹ thử nghiệm vũ khí hạt nhân ở khu vực này, khi thử nghiệm đồng vị plutonium-239 và 240 trong mẫu đất, các nhà nghiên cứu phát hiện một số hòn đảo như đảo san hô vòng Bikini và Enewetak có độ phóng xạ cao gấp từ 10 tới... 1.000 lần Fukushima (Nhật Bản) và gấp khoảng 10 lần khu Chernobyl (Nga). Người dân vẫn được khuyến cáo không nên quay trở lại một số đảo thuộc quần đảo Marshall do độ phóng xạ vẫn cao hơn ngưỡng an toàn.

Trên thực tế, từ năm 1982 trong chính phủ Mỹ cũng xuất hiện các cảnh báo về  nguy cơ rò rỉ phóng xạ nếu hòn đảo hứng chịu một cơn bão lớn.

Năm 2016, các nhà nghiên cứu tại Đại học Columbia tại New York đã công bố công trình trên tạp chí "Proceedings of the National Academy of Sciences" (PNAS) về phóng xạ gamma nền ở phía Bắc quần đảo Marshall, nhận thấy lượng phóng xạ ở đảo san hô vòng Bikini cao hơn báo cáo trước đây. Giữa năm 2019, nhóm này tiếp tục công bố ba công trình mới trên tạp chí PNAS về 4 đảo san hô vòng thuộc quần đảo Marshall là Bikini, Enewetak, Rongelap và Utirik. Một nghiên cứu cho thấy lượng phóng xạ ở đảo Bikini và Naen cao đến mức vượt giới hạn tối đa mà Mỹ và Cộng hòa Quần đảo Marshall đã thỏa thuận vào những năm 1990. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện đảo Runit và Enjebi thuộc đảo san hô vòng Enewetak, cũng như đảo Bikini và Naen, có mật độ phóng xạ trong đất đặc biệt cao.

Phân tích 130 mẫu đất từ miệng hố Castle Bravo ở đảo san hô vòng Bikini, các nhà khoa học ghi nhận mật độ những đồng vị như plutonium-239 và 240, americium-241 và bismuth-207 cao hơn những nơi khác ở quần đảo Marshall. Trong khi đó, khoảng 200 trái cây, chủ yếu là dừa và dứa ở 11 hòn đảo thuộc 4 đảo san hô vòng phía Bắc quần đảo Marshall được lấy mẫu cho thấy lượng cesium-137 cao hơn ngưỡng an toàn.

Runit Dome cho đến nay tiếp tục là một vết thương hở. Nhiều nhà lập pháp của Quần đảo Marshall đã cảnh báo rằng đây là những vấn đề "sinh tử" và kêu gọi cộng quốc tế vào cuộc để đánh giá nghiêm túc về nguy cơ của Runit Dome và có những biện pháp ngăn chặn những gì đang được cảnh báo sẽ là thảm họa cho không chỉ người dân quần đảo mà thậm chí là cả thế giới.

Dương Anh
.
.