Bóng ma, nỗi sợ và truyền thuyết đô thị

Thứ Hai, 18/07/2022, 11:50

Mỗi thành phố đều gắn liền với những truyền thuyết đô thị khác nhau. Từ New York hay London, cho tới Mumbai và Chiang Mai, chỉ cần vài từ khoá tìm kiếm trên Google đã đủ kích thích trí tò mò. Không chỉ có những bóng ma, thành phố được tạo nên từ nỗi sợ vô hình, ám ảnh từ quá khứ cùng một tâm trí nhiều... mê tín.

Bóng ma của quá khứ

Triết gia Pháp Michel de Certeau từng viết: đô thị biến đổi không ngừng, luẩn quẩn như một cái vòng xoắn ốc bao trùm mọi sinh vật "ký sinh" bên trong nó. Mảnh đất màu mỡ cho những ám ảnh sinh sôi nảy nở, cho tâm trí con người cơ hội quấn chặt lấy ký ức và sự thân thuộc như tầm gửi bám mình trên thân cây khác để tồn tại. Chẳng thế mà với “Cuộc sống mỗi ngày”, Michel de Certeau cho rằng não bộ tự phản kháng bằng hình dung tưởng tượng kì quặc, để đối phó với áp lực từ cuộc sống hiện đại, dẫn đến sự xuất hiện của những bóng ma vô hình.

Kỳ thực, bóng ma chính là tàn dư những ký ức của ngày đã qua. Thành phố tự động hoá, con người lạc dần khỏi nhân vị tính, đến độ chẳng hiểu tại sao mình lại tồn tại. Đô thị mở ra một thế giới bóng tối ngầm, mà ở đó chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy công việc, giải trí mỗi ngày. Nhà xã hội học người Đức Max Weber cho rằng quá trình công nghiệp hóa sẽ xua đuổi được bóng ma, nhưng thực tế thì ngược lại. Sự hiện đại thường đi kèm với những câu chuyện văn hóa và biểu tượng, mà ở đó ga tàu điện ngầm là một ví dụ về nơi trú ẩn của bóng ma ký ức.

London, qua lời kể của nhà văn Mỹ David Foster Wallace, hiện lên với ký ức của giọng nói. Các bản ghi âm thông báo lịch tàu lần đầu tiên được giới thiệu ở London vào năm 1968. Cho đến năm 2012, hệ thống thông báo đường sắt được số hóa phần lớn, và giọng nói của những người quá cố dần biến mất. Câu chuyện người phụ nữ bật khóc vì không được nghe lại giọng phát thanh của chồng trên hệ thống tàu điện ngầm London ám ảnh độc giả, hệt một bóng ma thành phố xuất hiện mỗi lần bắt chuyến tàu về nhà.

5.jpg -0
Ở nhiều thành phố, ga tàu điện ngầm là một ví dụ về nơi trú ẩn của bóng ma ký ức.

Các geisterbahnhfe (nhà ga ma) ở Berlin là một lời nhắc nhở hữu hình về sự chia cắt của Đông và Tây Đức. Hay chúng ta bắt gặp chuyện tình trên những chuyến tàu ở New York, dù cái kết bi thương hay đầy hạnh phúc. Wallace viết rằng mọi câu chuyện tình yêu trên thực tế đều là một câu chuyện ma. Nhưng không phải truyện ma nào cũng là ngôn tình. Thay vào đó, chúng là những câu chuyện về những người chắc chắn bị bỏ rơi, nhưng không hoàn toàn bị lãng quên.

Ở châu Á, quá trình đô thị hóa nhanh chóng diễn ra ở Nhật Bản sau cuộc Duy Tân Minh Trị vào cuối những năm 1800. Sự tiếp xúc với công nghệ phương Tây đã dẫn đến việc tuyến đường sắt đầu tiên chính thức được khai trương vào năm 1872. Với sự hình thành của giao thông hiện đại, tanuki (một linh vật nổi bật trong những truyền thuyết xứ Phù Tang) đã có những tạo hình mới trong tưởng tượng. Mặc dù tanuki là loài động vật có thật, nhưng văn hóa dân gian Nhật Bản thường mô tả loài lửng chó tinh nghịch này như một linh hồn lừa gạt biến hình.

Trong các câu chuyện truyền thống, linh hồn sẽ mang hình dạng của các nhà sư và trẻ em và các đồ dùng gia đình bị hỏng hóc, chẳng hạn như ấm trà, để đánh lừa những người qua đường vô tội. Sau sự hình thành của một hệ thống giao thông hiện đại, nhiều truyền thuyết tanuki mới đã trở nên phổ biến ở các đô thị Nhật Bản, đơn cử như bóng ma tàu điện không bao giờ đến, nỗi hoảng sợ vô căn cứ của mấy vị khách nhìn thấy xác chết tanuki bên đường ray.

Đối với nhà nghiên cứu Michael Dylan Foster, câu chuyện tanuki mang tính ngụ ngôn, đại diện cho sự mất đi của một lối sống truyền thống, mang tính cộng đồng khi đối mặt với quá trình công nghiệp hóa. Chúng ta cố gắng lấy lại tính nguyên bản của nó, trả về sự tinh nghịch cùng ý nghĩa tốt lành tanuki đem lại. Ấy nhưng, truyền thuyết đô thị ăn sâu vào đức tin của mỗi người, lan truyền qua nhiều thế hệ, thể hiện sự ngoan cố trong việc không chịu từ bỏ những hồn ma ám ảnh.

Kỳ thực, sự tồn tại của truyền thuyết đô thị không có tính xác thực rõ ràng, chỉ đơn thuần nói lên rằng những câu chuyện lưu hành trong xã hội, tam sao thất bản qua thời gian và chứa đựng trong mình những ý nghĩa đã thúc đẩy cộng đồng bảo tồn và truyền bá nó. Chúng ta hướng đến truyền thuyết đô thị, nghĩ về những nhà ga ma ám. Đó có thể đơn giản là không gian bị bỏ hoang hoặc không gian mà chúng ta tưởng tượng như bị chiếm đóng bởi các thực thể huyền bí. Thậm chí, nhiều truyền thuyết hóa ra là những trò đùa được thêm thắt và kể như thể có thật.

Ranh giới của nỗi sợ

Có ý kiến tin rằng, mọi thêu dệt chốn đô thị thấm đẫm nỗi sợ, bị cuốn vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền trong không gian bê tông lạnh lẽo. Ở nhiều thành phố bị bóp nghẹt bởi quy hoạch sai lầm, nhiều không gian bị bỏ hoang khiến con người "sởn da gà" với tư duy tâm linh ma quỷ. Trong lịch sử, sau cuộc đình công đóng cửa các nhà máy dệt của Bombay vào năm 1982, truyền thuyết kể rằng Mukesh Mills, một khu phức hợp nhà máy lớn đã bị thiêu rụi trong một vụ hỏa hoạn bí ẩn, có lẽ là địa điểm bị ám ảnh nhất trong thành phố.

Từ năm 2019 đến năm 2022, nhà nghiên cứu Marina Benjamin đã dành thời gian thực hiện các cuộc phỏng vấn tại nhiều vùng tái định cư cho dân từng sống trong khu ổ chuột ở Mumbai. Câu chuyện chiếc thang máy ma ám khiến cô kinh ngạc, đơn giản vì nhiều công nhân xây dựng đã chết trong khi xây dựng khu chung cư, vì vậy nó là một nơi "đầy âm khí". Mặc dù không thể tìm thấy hồ sơ nào về cái chết của công nhân thực sự, nhưng cảm giác mất mát này cứ lặp lại qua các cuộc phỏng vấn, hằn sâu vào tâm trí Marina Benjamin.

Triết gia Georg Simmel, với Đô thị và Tinh thần, miêu tả bản chất của thành phố là mất mát, bi thương và chịu đựng thay đổi. Mọi biến đổi đều dễ dàng dẫn tới kích động, sự thăng trầm của cuộc sống thành thị khiến con người nhiều lúc không kịp trở tay. Sau các cuộc đình công của liên đoàn lao động ở Mumbai vào năm 1982, hơn 80 nhà máy từng là trung tâm giải quyết việc làm của tầng lớp lao động ở thủ đô này đã phải đóng cửa. Thất nghiệp tăng cao, con người cảm thấy bị coi thường, chịu đựng sự nhẫn tâm từ chính thành phố nơi họ từng miệt mài cống hiến sức lao động.

Chúng ta, ở trong trạng thái túng quẫn, muốn rời bỏ thành thị, muốn tìm lý do giải thích cho sự mất mát này. Truyền thuyết đô thị xoa dịu tinh thần họ, như “Bóng ma của Marx” dạy rằng mọi thay đổi luôn bị ám ảnh vĩnh viễn bởi quá khứ. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi con người, ở bất cứ thời đại nào, tạo nên mạng lưới công việc ở một thành phố, lại luôn bị ám ảnh bởi nỗi sợ "ma quái" thất nghiệp, đi kèm với đó là tư tưởng bám trụ, và nếu không làm được gì thì mọi công sức sẽ vô nghĩa.

7.jpg -0
Con người luôn bị ám ảnh bởi nỗi sợ "ma quái" thất nghiệp, đi kèm với đó là tư tưởng bám trụ lại thành phố.

Sự lo lắng này không chỉ là một hiện tượng của tầng lớp lao động, mà còn ảnh hưởng tới cả tầng lớp trung - thượng lưu sống trong thành phố. Giai thoại về sự tiến bộ của đô thị ở Chiang Mai (Thái Lan) luôn đi kèm với những báo liên quan đến bóng ma của những người nước ngoài bạo lực và tội phạm ma túy. Sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997, thành phố thịnh vượng một thời mất đi khí sắc vốn có, trở nên lụi tàn bởi các tòa nhà bỏ hoang. Có một tòa nhà ở Chiang Mai được nhiều người cho là bị ma ám, biến chủ sống ở đây thành kẻ điên loạn, dùng rìu tấn công gia đình đến chết trước khi bị cáo buộc tự sát.

Georg Simmel giải thích sự trỗi dậy của những câu chuyện ma Thái Lan bằng nỗi sợ xuất hiện khi sự quen thuộc trở nên xa lạ. Đối với người dân Chiang Mai, những ngôi nhà trống trong khu phố của họ là bóng ma của một tương lai bất định và đáng sợ. Sự gia tăng dân nhập cư dẫn đến những lo lắng về sự thay thế, mở đường cho tư tưởng bài ngoại. Thêm vào đó, khủng hoảng càng khoét sâu vào lo sợ bấp bênh về tài chính. Vài ý nghĩ đảo ngược vận xui chỉ an ủi tâm trí tạm thời, nhưng lại khiến con người quên đi lời cảnh báo truyền thống: thảm hoạ đến vào lúc chúng ta bất cẩn nhất.

Để dập tắt những tiêu cực, chủ nghĩa vị lợi ra đời, hướng đến tư duy "điền vào chỗ trống". Marina Benjamin tin rằng trong khi những câu chuyện ma quái về chết chóc và báo thù gắn liền với những nhà máy, chúng không làm giảm đi sự thật rằng những không gian này là bất động sản sẵn có, chứa đựng nhiều tiềm năng kinh tế. Các nhà máy hoặc không gian bỏ hoang ở Mumbai có thể chuyển đổi thành các trung tâm công nghiệp kiểu mới, khu thương mại mua sắm, hay địa điểm quay phim Bollywood hoành tráng.

Chúng ta cũng đi tìm cách cải tạo đô thị cho các hoạt động dân sinh, kinh tế. Trong khi những nhà ga ma trở thành địa điểm lý tưởng ôn lại lịch sử, hay một không gian mở để kể chuyện cộng đồng, tòa nhà ở Chiang Mai đã được tân trang lại thành một cửa hàng thời trang cao cấp. Rồi chất giọng đàn ông quen thuộc cũng vang lên ở ga tàu điện ngầm, như một cách tri ân con người đã gắn bó với London cả nửa thế kỷ. David Foster Wallace tin rằng đó chính là khoảnh khắc cuối cùng của bóng ma ký ức trước khi cuộc sống dần quay trở lại quỹ đạo thường ngày của nó..

Lê Nam
.
.