Binh lính và cánh cổng trường thi

Thứ Năm, 14/04/2022, 09:20

Từ thời Trần, triều đình đã quy định không cho binh lính tham dự các kì thi văn chương, với lý do là “sợ khí lực kém đi”. Một lý do nữa là triều đình cũng rất cần những người lính không biết chữ vào những nhiệm vụ cần thiết.

Nhiệm vụ đó chính là bảo vệ, đảm bảo an ninh tại các trường thi. Sử sách thời Trần trở về trước không viết rõ điều này nhưng từ thời Lê đã được quy định rõ.

Canh phòng trường thi

Theo lệ thời Lê trung hưng, chức Đề điệu (như giám đốc kỳ thi) của trường thi Hội ở kinh thành là một đại thần ban võ chứ không phải ban văn. Phục vụ trường thi Hội ở kinh thành, sẽ tuyển chọn những quân nhân không biết chữ ở hai vệ cấm quân. Theo sách “Văn tịch chí” trong bộ “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, quân nhân được cắt cử đi làm nhiệm vụ ở cấm quân thuộc hai vệ Cẩm y và Kim ngô, mỗi vệ 30 người chỉ huy và hiệu úy; vũ dũng sĩ mỗi vệ 6 người để làm chức tuần xước củ sát. Điều kiện quan trọng là tất cả cấm binh này phải hoàn toàn không biết chữ (đọc viết chữ Hán). Ai biết chữ mà khai không biết chữ thì quan đề điệu sẽ xét hỏi mà trị tội.

Binh lính  và cánh cổng trường thi -0
Tranh minh họa: Thái Minh Nhật

Số quân nhân này sẽ được quan đề điệu chia làm việc tuần xước và phân công trông coi thí viện, coi chỗ đằng lục (viết lại các quyển thi để giám khảo không nhận ra chữ của thí sinh), đối độc (đọc kiểm tra bài được chép lại), di phong (dán kín tên quyển của thí sinh), soạn số hiệu (như đánh số phách ngày nay), không được đi lại lẫn lộn và giao thông trò chuyện với nhau.

Trong ngày thi, khi thí sinh vào trường thi thì quân lính hiệu Điện tiền khám xét quần áo, hành lý trước, quân lính các hiệu Thần vũ khám lại, rồi các viên chỉ huy hiệu úy, dũng võ sĩ Cẩm y khám xét lần nữa mới cho vào trường. Thí sinh vào trường hết thì quan đề điệu lệnh cho binh lính khóa cửa trường thi lại. Buổi chiều, khi các nhân viên làm việc trong trường thi từ thu quyển, di phong, soạn tự hiệu, đằng lục, đối độc, các Nho sinh, sinh đồ được triệu tập để làm những việc trên đến trường thi làm việc, cũng được binh lính khám xét kỹ lưỡng mới cho vào. Còn khi trường đang thi, ai tự tiện mở cửa ra vào, đều bị quan đề điệu xét hỏi trị tội.

Lúc thí sinh viết bài thi, các viên giám củ tuần xước và các quan đề điệu chia ra từng toán đi kiểm soát đầu các dãy lều thi, nếu thấy người nào đưa văn cho nhau hay tự tiện sang lều khác nói chuyện riêng với nhau, lập tức bắt đưa trị tội.

Ở cửa trường thi thì có phó chỉ huy và hiệu úy canh gác, cắt cử vài người coi xét, không được chỉ để một người. Bên ngoài trường thi thì quân lính của hai vệ Cẩm y, Kim ngô và hai ty Điện tiền, Thần vũ tuần hành quanh hàng rào.

Các viên sai giám của 2 vệ Cẩm y và Kim ngô chỉ xem xét an ninh, chứ không được đưa quyển thi và cùng các quan khảo thi xem vào bài thí sinh, làm trái thì bị trị tội. Mỗi ngày thi, sau khi phát đề, các viên nội giám tuần xước cùng vệ sĩ 2 vệ này chia cắt người lên chòi gác để coi xét các thí sinh. Thấy ai bỏ lều đi hỏi chữ hoặc đưa văn, cắt nghĩa cho nhau thì chỉ cho người giám sát khác bắt đưa đến quan đề điệu xử tội.

Theo thể lệ thi Đình được ban hành vào năm Cảnh Trị thứ 2 (1664), đời vua Lê Huyền Tông thì trường thi đặt ở sân điện Giảng Võ. Việc chuẩn bị trường thi do quan quân ngũ phủ (5 phủ Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung quân phủ) và quân tam ty (3 ty hộ vệ) sai quân lính các vệ, các sở làm tứ vi (4 khu vực thi), rào 2 lần phên kín, 1 lần phên thưa và đắp tường, xẻ hào, cài chông xung quanh để bảo vệ. Bên trong làm cửa thí viện và cửa tỏa viện, bên ngoài làm cửa trước và 4 cửa giáp, ất, bính, đinh, ở giữa 4 mặt đều rào phên thưa, làm chòi canh và nhà tất đường 3 gian, nhà thu quyển 3 gian.

Quân lính 5 phủ, 3 ty cũng chính là bộ phận làm lều tre và thẻ tre để biên tên thí sinh theo quy cách của bộ Lễ. Sáng hôm thi, binh lính đem đóng mỗi lều cách nhau theo lệ. Quân lính cũng mua sắm các đồ vật như phên nứa, giường gỗ, chiếu cói, bàn viết, cây đèn, đĩa đèn, dao bàn, dao thái thịt, dao chẻ củi, nồi đất, bát đĩa... phục vụ các quan trong trường thi. Ngay cả việc gánh nước phục vụ trường thi cũng do kỳ quân vệ Hiệu lực thực hiện.

Thể lệ thi Hương ban hành năm Vĩnh Trị thứ 3 (1678), thì các trường thi Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc và Phụng Thiên, mỗi trường sai một viên quan võ làm chức tuần xước, đốc suất quân lính ngày đêm canh gác. Các trường ở phiên trấn thì do các quan Đô ty bắt dân trong hạt canh gác ngoài trường để trong, ngoài không được thông đồng với nhau và không sinh sự rắc rối.

Kỳ thi Hương có 4 trường (kỳ thi). Các quân nhân phục vụ kỳ thi này cũng sẽ được thay đổi theo mỗi trường, ai đã làm việc ở trường trước thì không làm ở trường sau nữa.

Từ sợ “khí lực kém đi”

Từ thời Trần, triều đình phong kiến nước ta quy định binh lính không được đi thi vì “sợ khí lực kém đi”. Thế nhưng, vẫn có những người lính quyết tâm vượt qua rào cản này.

Trần Nhân Tông, năm Tân Tị, niên hiệu Thiệu Bảo thứ 3 (1281). “Đại Việt sử ký toàn thư” viết rằng: “Tháng Giêng, mùa xuân, lập nhà học ở phủ Thiên Trường. Cấm người hương Thiên Thuộc không được vào học”. Quyển sử này cũng giải thích, trai tráng hương Thiên Thuộc, đất căn bản của nhà Trần, luôn được tuyển vào làm lính Thiên Thuộc túc trực bảo vệ sát bên nhà vua, chú trọng vào sức khỏe, do đó triều đình cấm quân sĩ Thiên Thuộc không được học tập văn chương, nghệ thuật vì sợ “khí lực kém đi”.

Tuy nhiên, không vì lệnh cấm này mà những người lính Thiên Thuộc bỏ đi niềm say mê học vấn. Chính sử có viết câu chuyện đời Vua Trần Anh Tông, vào năm Quý Hợi, niên hiệu Đại Khánh năm thứ 10 (1323): “Mùa xuân, tháng 8, ngày 22, vua ngự đến nhà Thái học. Có tên Mặc trong quân Thiên Thuộc ở Hoàng Giang đỗ khoa thi Thái học sinh (tức là đã đỗ kỳ thi Hội, tương đương với học vị tiến sĩ ở các triều đại Lê, Nguyễn).

Xem xét trường hợp này, Trần Anh Tông xuống chiếu bắt Mặc trở lại quân ngũ, làm lại điển (giúp chỉ huy việc sổ sách, giấy tờ) trong quân Thiên Đinh. Tuy nhiên, nhân vật tên Mặc này (sử cũ không chép rõ họ) lại là người văn võ toàn tài. Sau đó, có kỳ thi võ, Mặc thi đánh gậy, lại đỗ cao và do sự kiện này được chép trong quốc sử nên chắc chắn ông lại được trọng dụng trong con đường quân ngũ. Chỉ tiếc rằng, tài văn của ông không có cơ hội phát huy mà thôi.

Khi đọc sử do các sử quan nhà Nguyễn soạn, là bộ “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, đến đoạn này, Vua Tự Đức đã hạ bút son phê vào 2 chữ “Thiên lệch!”, tỏ ý chê bai các vua Trần không biết phát huy tài năng văn học của người trong quân ngũ.

Đến khuyến khích binh lính đọc sách

Sang đến thời Lê, vị vua sáng nổi tiếng cả tài văn trị và võ công là Lê Thánh Tông đã khuyến khích quân sĩ đọc sách nhưng vẫn không cho dự thi. Sử viết: “Đinh Hợi, năm Quang Thuận thứ 8 (1467), vua hạ lệnh cho Dương Hải, quyền Thượng bảo tự khanh và Khiên Nhân Thọ, Thông chính tả thừa, dạy bảo luyện tập về việc đọc sách cho các hàng quân bộ binh, kỵ binh có tiếng mạnh khỏe, dũng cảm”.

Vua khuyến khích binh lính đọc sách nên trong quân đội, người có học thức cũng được dịp bày tỏ ý kiến lên nhà vua. Đó là sự kiện khi Vua Lê Thánh Tông hạ lệnh cho quân ở 5 phủ chế tạo binh khí theo hình dạng mới, được ít lâu lại bắt đổi theo hình dạng khác, trong bọn quân nhân có người phàn nàn than thở.

Văn Lư, một quân nhân trong vệ Oai lôi dâng thư nói: “Tháng Giêng năm nay, bệ hạ đã ban ra hình dạng mới về binh khí, bắt quân chế tạo, nay lại thay đổi hình dạng khác, như thế là chính lệnh bất thường”. Nhận được thư này, nhà vua sai bộ Lại dụ bảo Văn Lư rằng: “Binh khí cùng một hình dạng ấy cả, lời nhà ngươi nói chỉ là nói càn mà thôi”. Viên Thị lang Lương Như Hộc còn nói riêng với Văn Lư rằng: “Nhà ngươi không phải là người giữ chức ngôn luận, sao lại dám nói càn đến việc nước?”.

Tuy chỉ là một quân nhân nhưng Văn Lư đã trả lời viên Thị lang rất khảng khái: “Nước lấy dân làm gốc rễ, mà lính là để bảo vệ dân; nay hiệu lệnh trước sau bất nhất, quân và dân đều sầu oán, thế mà ông là người bầy tôi thân cận của nhà vua, lại ngậm miệng, không nói gì, nay Lư này nói ra là yêu vua đấy”. Bọn Như Hộc nghe lời của Văn Lư, yên lặng không nói gì cả.

Đến đời Vua Lê Uy Mục, khi lực lượng lại dịch ở các nha môn trong kinh và các địa phương thiếu hụt, triều đình đã cho cả quân và dân cùng dự thi.

“Toàn thư” viết: Uy Mục đế năm Đoan Khánh thứ 2 (1506), tháng 12, thi khảo quân và dân về môn viết chữ và tính toán ở sân điện Giảng Võ. Người ứng thi hơn 3 vạn, lấy bọn Nguyễn Tử Kỳ 1.519 người trúng tuyển; trong số này trích lấy những người trội hơn được 144 người, thi khảo lại một lần nữa, lấy 25 người trúng tuyển cho sung vào Hoa Văn học sinh, ngoài ra đều cho sung làm lại dịch các nha môn trong kinh và ngoài các đạo”. Tuy nhiên, sử cũ không nói rõ trong số này có bao nhiêu người xuất thân từ quân ngũ.

Từ đời Vua Lê Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 3 (1722), triều đình đã đổi mới bằng lệnh rằng: Các hạng binh lính, người nào có học thức, khi gặp khoa thi hương được nộp đơn xin thi đợi xét, nếu xét quả là người thông hiểu nghĩa lý văn chương, sẽ được phép cùng với học trò ứng thí, nếu gặp khoa thi võ và kỳ thi viết chữ, tính toán, cũng được phép thi khảo ở ngay kinh đô.

Thời Nguyễn, tuy binh lính không được phép dự thi Hương nhưng được tham gia các kỳ thi võ cử như cuối thời Lê trung hưng để có thể giành các học vị võ tú tài, võ cử nhân, thậm chí võ tiến sĩ, như ở bên văn. 

Lê Tiên Long
.
.