Biểu tượng rắn trong 4 nền văn minh cổ đại
Rắn là con vật sống phần lớn cuộc đời ẩn mình dưới mặt đất, sông nước nhưng lại có một đặc tính độc lạ: lột xác để trẻ lại. Trong tự nhiên, rắn và chim săn bắt lẫn nhau. Cơ thể của rắn giống dương vật, trong khi đầu rắn hình tam giác, giống âm vật.
Nọc độc rắn có thể làm chết người và cũng có thể làm thuốc cứu người. Vừa gần gũi, vừa bí ẩn với con người, rắn vừa là một biểu tượng của sông nước, của thế giới bên dưới gắn với người chết, vừa là một biểu tượng của sự phục sinh, đổi mới...
Trong 4 nền văn minh lớn cổ đại trên thế giới, rắn là một biểu tượng lớn, với nhiều ý nghĩa và biểu hiện đa dạng và thống nhất.
Văn minh Hy Lạp
Trong thần thoại Hy Lạp, biểu tượng rắn được gắn với nhiều vị thần và các nhân vật lịch sử nổi tiếng. Zeus - vị thần tối cao trong 12 vị thần ngự trên núi Olympus - đã đánh bại và quẳng Typhon, vua các quái vật - một quái vật khổng lồ với trăm đầu rắn xuống địa ngục.
Apolo - thần mặt trời - thần ca vũ nhạc cũng giết Python, một con rắn hay rồng ác sống trong lòng đất, là kẻ thù chính của mình.
Athena là nữ thần của Trí tuệ và Chiến tranh. Tên bà bắt nguồn từ tên của một thành bang là thủ đô Hy Lạp sau này. Bà gốc là một nữ thần rắn và vì thế rắn là một biểu tượng của bà. Các pho tượng và tranh vẽ thường mô tả bà như một nữ thần tay cầm khiên có hình rắn hay cầm cây giáo ở chân có hình rắn.
Hermes, vị thần bảo hộ của các nghề buôn bán, du lịch và trộm cắp nhưng cũng chính là vị thần dẫn người chết xuống địa ngục và làm họ phục sinh để trở lại mặt đất. Tuy nhiên, biểu tượng của thần là một cây gậy phép có 2 con rắn quấn quanh chụm đầu nơi đầu gậy. Truyền thuyết kể thần đã chấm dứt sự xung đột giữa hai con rắn bằng cách thọc cây gậy vào giữa chúng, vì thế cây gậy của thần cũng trở thành một biểu tượng của hòa bình.
Hippocrates (460-370 TCN) nhà triết học và cũng là người thầy thuốc vĩ đại nhất của Hy Lạp cổ đại, cha đẻ của nghề y - dược phương Tây, tác giả của Lời thề Hippocrates nổi tiếng của các bác sĩ. Tổ sư huyền thoại của ông là Asclepius, vị thần của y học và sự chữa lành tay luôn cầm cây gậy hình rắn hay rắn quấn, sau thành biểu tượng của nghề y và hiện là biểu trưng của Tổ chức Y tế Thế giới. Lý giải điều này, một truyền thuyết kể Asclepius đã học được các bí kíp của nghề y từ một con rắn. Thời xưa, các ngôi đền thờ Asclepius đều nuôi một loài rắn lành mang tên ông để chúng bò đi bò lại khi các thầy thuốc làm lễ.
Alexander Đại đế (356-323 TCN) là vua nước Macedonia ở Hy Lạp cổ. Lên ngôi khi tuổi mới 20, ông đã liên tục đi chinh phục nhiều vùng đất mới. Ở tuổi 30, trăm trận trăm thắng, ông đã tạo ra một trong những đế quốc lớn nhất trong lịch sử trải dài từ Hy Lạp tới Đông Bắc Ấn Độ.
Olympias (375-316 TCN), mẹ của ông lại là một tín đồ nhiệt thành của một giáo phái thờ rắn, có tài điều khiển rắn và có tục ngủ chung giường với rắn. Một truyền thuyết kể thần Zeus đã hóa thành rắn ngủ với bà để sinh ra Alexander...
Văn minh Ai Cập
Trong thần thoại Ai Cập, rắn là con vật đầu tiên hiện ra khi nước sông Nile rút đi sau cơn hồng thủy. Các vị thần tái tạo thế giới gồm 4 vị nữ thần mang đầu rắn và 4 vị nam thần mang đầu ếch. Thần mặt trời Amun đôi khi được thể hiện như một con rắn luôn cắn đuôi mình, một biểu tượng cho chu kỳ vĩnh hằng của sự sống.
Một huyền thoại kể nữ thần rắn hổ mang Wadjet là thần bảo hộ của đất nước và các vị vua Ai Cập. Hai vị thần tượng trưng cho sự thống nhất của hai vùng Thượng và Hạ Ai Cập là thần rắn hổ mang và thần chim kền kền.
Một huyền thoại khác kể Nehebkau - vị thần rắn với đôi chân người gốc là một hung thần, sau thành một thần chuyên phán xét người chết ở địa ngục. Đó cũng là vị phúc thần hùng mạnh đồng hành cùng với thần Mặt trời Re giúp các vị vua đã chết.
Một huyền thoại nữa lại kể rắn Aapet (tượng trưng cho hỗn độn) đã tấn công và cố đánh chìm con thuyền chở Mặt trời (tượng trưng cho trật tự). Nhưng, Mặt trời đã đánh bại rắn Aapet khiến máu rắn nhuộm đỏ bầu trời lúc bình minh và hoàng hôn...
Cleopatra, người gốc Hy Lạp nhưng là vợ của 2 danh tướng La Mã Julius Ceasar và Mark Antony và cũng là vị nữ hoàng cuối cùng của Ai Cập, một biểu tượng cho sắc đẹp, sự thông minh và tài quyến rũ. Bà chết vào năm 30 TCN, khi mới 39 tuổi. Theo cả sử sách và truyền thuyết dân gian, bà đã tự sát bằng cách để một con rắn hổ mang Ai Cập cắn vào bộ ngực trần của mình. Một số người cho rằng đó là cách chết thích hợp, cao quý và đẹp đẽ nhất với bà do rắn hổ mang là thần bảo hộ của các vua Ai Cập. Tuy nhiên, nhiều học giả lại nghi ngờ điều đó...
Văn minh Ấn Độ
Trong thần thoại Ấn Độ, có 4 vị vua - thần rắn nổi tiếng nhất.
Một là Shesha, vua của các loài rắn luôn được gắn với Vishnu, một trong 3 vị thần tối cao của Ấn Độ giáo có vai trò sáng tạo, bảo vệ, thay đổi thế giới. Trong tranh tượng Ấn Độ giáo, Shesha, khi là con rắn 7 đầu nổi trên biển tạo thành giường cho Vishnu nằm, khi là một vật cưỡi của Vishnu như chim đại bàng Garuda...
Hai là Vasuki, một vị vua rắn khác được gắn với Shiva, vị thần tối cao khác có vai trò tạo ra ma quỷ và phá hủy thế giới. Người ta thường thấy Vasuki quấn quanh cổ Shiva như một vòng trang sức.
Ba là Mucalinda. Một truyền thuyết kể khi Đức Phật đang ngồi thiền dưới cây bồ đề, một cơn bão nổi lên, vua rắn Mucalinda xuất hiện từ lòng đất lấy thân mình quấn 7 vòng quanh mình Đức Phật trong 7 ngày để ngài tiếp tục thiền định...
Thứ tư là Naga. Đó là một con rắn hổ mang Ấn Độ, sau hóa thành một hay nhiều vị thần có hình rắn hay nửa rắn - nửa người, tiếp đó trở thành con rồng Ấn Độ, vua của sông nước, của thế giới bên dưới, chuyên trấn giữ các kho báu dưới biển cả nhưng cũng có thể bay lên trời, phun lửa để chiến đấu với chim Garuda... Trong nghệ thuật tạo hình, Naga có thể có từ 1 đến 9 đầu với các ý nghĩa biểu tượng khác nhau. Ví dụ, 3 đầu thể hiện 3 vị thần tối cao của Ấn Độ giáo và 3 tầng vũ trụ gồm trời - đất - địa ngục; 5 đầu biểu tượng cho 5 phương Đông, Tây, Nam, Bắc - Trung tâm của thế giới và cho 5 con sông lớn của Ấn Độ v.v... Naga được thờ cúng trong cả Ấn Độ giáo và Phật giáo, từ Ấn Độ tới nhiều nước ở Nam Á và Đông Nam Á.
Văn minh Trung Hoa
Thần thoại Trung Hoa kể Nữ Oa và Phục Hi là hai anh em ruột, sống sót qua nạn hồng thủy, sau lấy nhau và tái sinh nhân loại.
Đó là 2 vị anh hùng văn hóa đã phát minh ra nghề săn bắt, nấu ăn, âm nhạc... Cùng với Thần Nông, họ cũng được coi là 3 vị hoàng đế đầu tiên của Trung Quốc.
Các bức tranh hay điêu khắc cổ thường thể hiện Phục Hi và Nữ Oa với đầu người mình rắn, tay cầm mặt trời, mặt trăng.
Các quan niệm và cách thể hiện trên phản ánh tục thờ vật tổ rắn của nhiều tộc người ở vùng Nam và Đông Nam Trung Quốc cổ, những người có cuộc sống gắn liền với nghề trồng lúa nước, nghề đánh cá ven sông và nghề đi biển. Rắn chính là thần sông nước - thần mưa, một biểu tượng của sự sống sinh sôi nảy nở, mùa màng, sự tốt lành và may mắn.
Từ tín ngưỡng xa xưa đó, đã ra đời những truyền thuyết về tình nghĩa giữa người và rắn. Truyền thuyết cổ nhất về con vật tử tế tốt bụng ở Trung Quốc kể một vị vua đã cứu một con rắn bị thương gần chết. Để trả ơn, con rắn ngậm một viên ngọc sáng đến tặng nhà vua. Viên ngọc là một biểu tượng cho mặt trăng - thần mưa. Mô típ rắn ngậm - nhả ngọc sau hóa thành mô típ rồng ngậm - nhả ngọc...
“Bạch xà truyện”, một trong 4 truyền thuyết dân gian lớn, phổ biến của Trung Quốc cũng nói về tình yêu cảm động giữa một cô gái hóa thân từ rắn với một chàng học trò. Trong lịch sử, truyền thuyết này có rất nhiều dị bản, được dựng thành nhiều vở kịch, bộ phim nổi tiếng và gần đây được tôn vinh là một di sản phi vật thể quốc gia.
Nhìn chung, trong văn minh Trung Hoa, biểu tượng rắn có mặt tốt nhiều hơn và lấn át mặt xấu. Điều này lý giải vì sao con rồng thường được thể hiện với mình rắn đã trở thành một biểu tượng cho đế vương Trung Hoa.