Biến đổi khí hậu và chủ nghĩa tư bản thảm họa
Khoảng 44.000 năm trước, một thời kỳ lạnh và khô đã diễn ra trên Trái đất và kéo dài trong khoảng 1.000 năm, đưa nhiệt độ trung bình dưới ngưỡng 0 độ Celsius, khiến cho băng giá phủ trắng gần như quanh năm suốt tháng. Bước ngoặt ấy là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến sự tuyệt diệt của chủng người Neanderthals, do chủng người này phụ thuộc vào nguồn protein từ những loài động vật có vú lớn mà những sinh vật này cũng không chống chịu nổi cái giá rét dài đằng đẵng.
Ngược lại, tổ tiên của chúng ta, Homo Sapiens đã đánh bại họ và sống sót thành công, hoàn toàn không phải vì chúng ta thông minh hơn họ như chúng ta vẫn thường vỗ ngực tự xưng, mà vì Homo Sapiens có chế độ dinh dưỡng đa dạng hơn nên dễ dàng thích nghi với môi trường khắc nghiệt. Câu chuyện ấy là một bằng chứng cho thấy, khái niệm “thảm họa” không phải một thực tế, nó chỉ là một cách nhìn, bởi một sự kiện có thể là thảm họa với người này nhưng lại là ơn phước với người khác.
Vì thế, khi nói đến biến đổi khí hậu hay sự nóng lên toàn cầu của Trái đất những thập niên qua, chúng ta hãy khoan gọi nó là một “thảm họa”. Nó có thể là thảm họa của rất nhiều người nhưng không phải tất cả.
Một ngày năm 2008, trên phố South Street Seaport ở Manhattan (New York) bỗng sôi nổi với một sự kiện đường phố khi xuất hiện của con trăn anaconda dài gần 2 mét và nặng gần 40 cân nằm trên vai một nghệ sĩ biểu diễn ăn mặc như một người dân bộ lạc rừng Amazon, đứng giữa sân khấu được dựng thành một khu rừng giả cùng một thác nước giả. Bên dưới thác là chiếc bể chứa 17 mét khối nước cùng đàn cá koi bơi tung tăng, gần đó bày cái chuồng đựng 2 con vẹt đuôi dài màu đỏ.
Chỉ vài tuần trước, trên đại lộ Redeo của Beverly Hills, một sự kiện tương tự diễn ra nhưng lần này sân khấu là những ngôi nhà gỗ trang trí bằng đèn chùm nhung hươu và giày trượt tuyết bằng gỗ, cùng với đó là 30 tấn tuyết giống y như thật được tạo ra bởi một chiếc máy nghiền và một xe tải đông lạnh chứa đầy đá. Đó là một phần trong chuỗi 80 sự kiện trên toàn nước Mỹ do Deutsche Bank khởi xướng mang tên “Bầu khí hậu của lĩnh vực đầu tư đang thay đổi”, với thông điệp rằng họ, trong vai trò là một doanh nghiệp lớn, sẽ có trách nhiệm đối với việc biến đổi khí hậu trên thế giới.
Hai sự kiện ở Manhattan và Beverly Hills ngốn hết 1,5 triệu USD. Riêng bữa tiệc rừng rú ở Manhattan ước tính đã thải ra 152 tấn khí thải nhà kính. Deutsche Bank nói gì về điều này? Họ bảo rằng, những gì họ thải ra đã được bù trừ bằng số tiền họ đầu tư vào các dự án khí sinh học ở Ấn Độ, vì vậy, về tổng thể, hoạt động của họ không gây gia tăng ròng lượng khí thải nhà kính.
Câu chuyện trên được nhà báo McKenzie Funk, cây bút danh tiếng đã đi vòng quanh thế giới trong 6 năm để ghi nhận về cách con người ứng xử với một Trái đất đang nóng dần lên, kể lại trong phần mở đầu của cuốn sách “Của trời cho: Bùng nổ ngành kinh doanh sự ấm lên toàn cầu” (Windfall: The Booming Business of Global Warming).
Câu chuyện ấy nên được kể ra đây bởi hơn bất cứ điều gì, nó gói gọn sự hai mặt của những hứa hẹn về một nỗ lực ngăn cản Trái đất trở thành chốn không thể ở được với con người. Dù nghe có vẻ đầy bi quan nhưng sự thật là chống biến đổi khí hậu đôi khi chỉ là một cụm từ hay ho và bắt tai làm nguôi ngoai công chúng, hay có lẽ, một show biểu diễn cho những nhà tư bản phô bày trước đám đông để tranh thủ những tràng vỗ tay tán thưởng. Chuyện hậu trường thì họ chẳng kể ra làm gì. Chẳng hạn như với quỹ đầu tư chống biến đổi khí hậu của Deutsche Bank, ngoài những khoản lớn đổ vào nghiên cứu các loại năng lượng xanh thì một phần của nó cũng được dành ra để chuẩn bị trước cho một thế giới không thể cứu vãn nữa, như các nhà máy khử muối trong đất mặn hay những công ty công nghệ sinh học nông nghiệp phát triển các loài hoa màu chịu hạn.
Còn quỹ Schroder về biến đổi khí hậu thì chọn đầu tư vào bảo hiểm, bởi theo họ: “Khi các thảm họa thiên nhiên ngày càng thường xuyên hơn, gây ra nhiều lũ lụt và hạn hán hơn thì những công ty bảo hiểm, đặc biệt là các công ty tái bảo hiểm, sẽ có được quyền định giá”. Với những người này thì “Mùa bão lốc lại là tin tốt”. Và, hơn bất cứ ai, họ chỉ chờ mong một thời đại nhiều thảm họa.
Naomi Klein, nhà hoạt động xã hội chống lại nền kinh tế tân tự do, một trong những nhà tư tưởng lớn của thế hệ mình, người đã đặt ra thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản thảm họa”, cho rằng biến đổi khí hậu thường được gắn với lượng carbon khổng lồ thải ra bầu khí quyển nhưng đó chỉ là bề mặt của vấn đề.
Theo Klein, đây không phải câu chuyện của carbon, đây là câu chuyện của cách mà nền kinh tế vận hành, câu chuyện của chủ nghĩa tư bản. Không phải con người không biết cách giảm tải nguồn nguyên liệu khí đốt mà là những người kiểm soát nguồn nguyên liệu này không muốn điều đó xảy ra. Nếu như bạn không biết sự nóng lên toàn cầu có ích lợi gì thì có thể đơn giản vì bạn không phải là một quản lý cấp cao ở Royal Dutch Shell. Một vị phó chủ tịch của tập đoàn dầu khí đa quốc gia và tập đoàn năng lượng tư nhân lớn thứ hai thế giới này từng nói trong một hội thảo rằng: “Tôi là một trong số những người hân hoan nhất về một mùa hè bất tận ở Alaska”.
Băng ở hai cực tan ra, viễn cảnh ấy nghe có vẻ thê thảm với phần lớn chúng ta nhưng lại là một tương lai tươi đẹp với những doanh nghiệp sở hữu những mỏ dầu dồi dào gần Bắc Cực. Những mỏ dầu này không giống những mỏ dầu ở Trung Đông, nơi bạn có thể khai thác quanh năm suốt tháng. Mỏ dầu ở Bắc Cực chỉ có thể khai thác vào khoảng thời gian ấm áp nhất trong năm khi băng tan. Vì vậy, một mùa hè dài đằng đẵng đương nhiên là mơ ước bấy lâu của những công ty dầu mỏ.
Thậm chí, biến đổi khí hậu có thể là chiếc chìa khóa mở ra sự độc lập cho cả một miền đất. Greenland, hòn đảo sở hữu dải băng lớn nhất chỉ sau dải băng Nam Cực, đã là một lục địa của Đan Mạch trong suốt 3 thế kỷ. Được trao cho quyền tự trị từ năm 1978 nhưng cách duy nhất để Greenland có thể độc lập hoàn toàn là cắt được cái dây rốn kinh tế mà bà mẹ Đan Mạch bơm cho hằng năm trị giá 650 triệu USD.
Nếu với một nền kinh tế truyền thống chỉ dựa vào đánh bắt cá, việc tiến đến độc lập là nhiệm vụ bất khả thi, thì giờ đây, với ngành dầu khí và khoáng sản đang bùng nổ, niềm hy vọng mở ra với hòn đảo khổng lồ này. Ủy ban Tự trị của Greenland còn lên kế hoạch phát triển kinh tế phụ thuộc vào sự nóng lên toàn cầu, bởi điều này không chỉ thúc đẩy quá trình thăm dò và khai thác những mỏ dầu ngoài khơi phía Bắc mà còn thu hút những đàn cá quý hiếm như cá tuyết, cá trích, cá bơn bơi về khi biển ấm giúp ngành thủy hải sản thu lời và tất nhiên là khuyến khích ngành du lịch phát triển bằng cách hấp dẫn những du khách muốn được chứng kiến khung cảnh kỳ vĩ của những tảng băng đang tan chảy. Số lượng tàu du lịch ngắm băng trôi ở Greenland đã tăng đến 250% trong vòng 4 năm và trong những cửa hàng lưu niệm, người địa phương bán những tấm bưu thiệp với hình ảnh băng tan, chẳng khác chi người Pháp “bán” những ý niệm về tháp Eiffel hay bảo tàng Louvre.
81% diện tích Greenland được bao phủ bởi băng. Nếu 2 triệu 850 nghìn km3 băng này tan chảy toàn bộ, mực nước biển sẽ dâng lên 7,2 mét. Quần đảo Maldives có thể sẽ chìm xuống biển. Đất nước Tuvalu ở châu Đại Dương cũng sẽ chìm xuống biển. 1/5 Bangladesh sẽ chìm xuống biển. Và rồi cả phần lớn diện tích của Karachi, Jakarta, TP. Hồ Chí Minh, Miami, Rio de Janeiro, Dakar, Manila và nhiều thành phố khác cũng chịu chung số phân. Nhưng, những nhà tư bản thì đã tính trước cả việc họ sẽ xuất khẩu nước nếu băng tan ra. Dải băng ở Greenland được coi là một trong những nơi tích trữ nước ngọt lớn nhất và các nhà đầu tư có thể “bán 2 triệu năm lịch sử trong 1 chiếc chai”.
Chưa hết, nếu những vùng đất kia thực sự đối mặt với nguy cơ chìm xuống, hãy yên tâm, những tập đoàn tư bản ngay từ bây giờ đã đổ tiền cho các công ty nạo vét và xây dựng đê chắn ở Hà Lan, vì họ biết rằng, rồi một ngày bạn sẽ cần tới những giải pháp này và họ chờ sẵn như một vị thần đã buộc ta phải chết nhưng sau khi ta chết còn đòi ta mua giấy thông hành để bước vào thiên đường. Hãy nhớ rằng khi cơn bão Sandy ập vào thành phố New York năm 2012, ở bên kia Đại Tây Dương, cổ phiếu của Arcadis, một công ty đầu tư xây dựng đê chắn sóng biển tăng lên đến 43%.
Sự thật thường nghiệt ngã nhưng đúng vậy, nền kinh tế nằm trong tay của chỉ một số ít người, những ông chủ đã chiêu mộ được cả “quỷ dữ” thảm họa làm tay sai cho mình. Và, hãy thử tưởng tượng mà xem, giả sử như khi Đại hồng thủy xảy ra, Noah có một con thuyền và bất cứ sinh vật nào muốn lên đó đều phải trả một khoản tiền, vậy thì làm sao Noah có thể không cầu mong Đại hồng thủy xảy ra thường xuyên hơn nữa? Muôn đời nay con người chẳng thể nhìn xa hơn hầu bao của họ, điều đó đẩy bánh xe phát triển quay vòng nhưng cũng chính nó sẽ lăn bánh xe vào vực sâu không đáy.