Bí mật về “bóng ma nhà hát” ở châu Âu thời khai sáng

Thứ Bảy, 04/09/2021, 15:41

Trước thời kỳ điện ảnh xuất hiện, công nghệ trình chiếu thuở sơ khai tại Châu Âu đã làm thót tim không ít khán giả bằng cảnh tái hiện “bóng ma” trong nhà hát. Những màn trình diễn độc đáo đó đặc biệt phổ biến ở thời Khai sáng, khi con người dần quên đi câu chuyện về ma quỷ để hướng đến nhịp sống hiện đại.

Dùng ma quỷ để giải trí

Trò chơi thực tế ảo và rạp chiếu phim 3D là những thú vui giải trí đặc biệt phổ biến trong những năm đầu thế kỷ 21. Chúng không chỉ trực tiếp tác động lên thị giác người chơi qua một giao diện hình ảnh ảo, mà còn kích thích họ bằng một trải nghiệm sống động. Mỗi bước đi, mỗi góc nhìn, mỗi cuộc hội thoại trong game đều giống như chúng ta đang làm điều đó ngoài đời thực.

Thật thú vị khi biết rằng hàng trăm năm trước khi máy móc và công nghệ tiên tiến xuất hiện, người xưa đã làm ra những hiệu ứng có thể sánh ngang công nghệ thực tế ảo. Với những vật dụng thô sơ, người Châu  Âu đã có thể khiến khán giả hồi đó thót tim bằng những màn trình diễn tái hiện “bóng ma nhà hát” trên sân khấu. Họ gọi hiện tượng này bằng thuật ngữ Phantasma-gorias.

Phantasma-gorias không đơn thuần mang nghĩa “ảo ảnh” như trong từ điển Anh-Việt. Tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc của nó, ta sẽ thấy Phantasma-gorias được ghép bởi 2 từ trong tiếng Hy Lạp: Phantasma có nghĩa “triệu hồi quỷ dữ”, còn gorias là “ảo ảnh nhầm lẫn”. Nói cách khác, Phantasma-gorias là phương pháp sử dụng hiện tượng ảo ảnh trong vật lý để đánh lừa người khác chuyện có ma xuất hiện.

“Những người chứng kiến màn diễn bóng ma trong nhà hát đều hét lên vì run sợ. Cả tâm trí lẫn cơ thể họ đều bủn rủn trong sợ hãi, tới mức có người ngã quỵ xuống”, một tài liệu cổ ghi lại. Càng nhiều người sợ, “bóng ma nhà hát” càng được chú ý hơn. Những buổi biểu diễn “gọi ma” đó đặc biệt phổ biến ở thời Khai sáng, cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19.

Hãy đến xem cách chúng tôi gọi ma! Ma rất thân thiện, chỉ bay lởn vởn trước mặt mọi người chứ không làm hại ai cả! Thông điệp đó được các nghệ sĩ trình diễn “bóng ma nhà hát” phát đi ở những nơi họ đặt chân tới và mang đến hiệu quả ngoài mong đợi. Không có vở diễn nào giống nhau, và cũng không có bóng ma nào xuất hiện quá 1 lần. Mỗi dịp chứng kiến là một dịp khán giả có trải nghiệm mới về “ma”.

May cho những nghệ sĩ, thời Khai sáng là lúc mọi người dần có tư duy cởi mở hơn với khoa học và không còn tin vào ma quỷ. Nếu diễn “bóng ma nhà hát” trước công chúng ở thời Trung cổ, người diễn hẳn sẽ bị kết tội là phù thủy và phải lên giàn hỏa thiêu. Đó là lý do những nghệ sĩ “bóng ma nhà hát” sẵn lòng chia sẻ bí quyết, mưu mẹo của họ cho bất kỳ ai sẵn lòng học hỏi.

Một buổi “gọi ma” có thể được thực hiện ở bất cứ đâu, miễn là nơi đó có đủ dụng cụ để trình diễn. Thường thì những nghệ sĩ sẽ chọn nhà hát, bởi đó là nơi hiếm hoi trong một thành phố hoặc thị trấn có không gian đủ lớn để chứa nhiều người. Đó cũng là nguồn gốc của tên gọi “bóng ma nhà hát” sau này, với cảnh sắc ma mị khiến ai xem cũng sợ hãi, nhưng vẫn muốn xem lại lần nữa.

Bí mật về “bóng ma trong nhà hát” ở Châu Âu thời kỳ khai sáng -0
“Bóng ma nhà hát” từng là vở diễn phổ biến ở châu Âu thế kỷ 19.

Khoa học đằng sau bóng ma

Buổi diễn “bóng ma nhà hát” đầu tiên được ghi lại trong các thư tịch cổ vào khoảng giữa những năm 1770. Tác giả của nó là Johann Georg Schroepfer, lãnh chúa kiêm mục sư tại một vùng đất thuộc Đức ngày nay. Có thông tin cho thấy Schroepfer còn là con ngoài giá thú của một vị Hoàng thân Đế quốc Phổ. Thay vì hài lòng với gia sản thừa kế từ gia đình, ông lại có sở thích kinh doanh.

Cà phê là món xa xỉ tại Châu  Âu thời điểm đó, và chỉ có những lãnh chúa như Schroepfer mới đủ tiền mở một quán cà phê ngay tại trung tâm thành phố Leipzig. Vợ Schroepfer hỗ trợ ông không ít về mặt tiền bạc, bù lại, nhà quý tộc này dùng chất xám kéo khách đến bằng những trò giải trí. Xiếc và ảo thuật vốn đã quá phổ biến, thế nên ông tìm đến một trải nghiệm khác: Gọi ma.

Không ai rõ Schroepfer đã tìm ra cách “gọi ma” thế nào, chỉ biết ông được mọi người gọi bằng biệt danh “Kẻ gọi ma” không lâu sau khi quán cà phê khai trương. Ông thường xuất hiện trước các thực khách trong một tấm áo choàng dày phủ kín người, xung quanh bày những món đồ ghê rợn khiến ai cũng nghĩ đây là nhà của một phù thủy chứ không phải quán cà phê thông thường.

“Trục xuất hồn ma khỏi cơ thể người” là màn diễn ưa thích của Schroepfer. Ông sẽ cầm “gậy phép” chĩa vào một người bình thường rồi lẩm nhẩm những câu thần chú vô nghĩa như thể trục xuất hồn ma đang ám người đó. Sau nhiều lần rùng mình, co giật, “người bị ma ám” đổ gục xuống đất cùng một bóng ma bay vút lên trần nhà. Không ít khán giả hét lên sợ hãi khi chứng kiến cảnh tượng đó.

Schroepfer đã tạo ra bóng ma như thế nào ở thời điểm camera và máy chiếu phim vẫn chưa xuất hiện? Ban đầu ông giữ nó như một bí quyết kinh doanh của riêng mình, nhưng sau đó dần tiết lộ cho một vài vị khách thân thiết. Đây hoàn toàn không phải phép màu hay hiện tượng trục ma quỷ, phù thủy làm phép gì cả. Schroepfer chỉ sử dụng một hiệu ứng vật lý đơn giản để tạo ra những “bóng ma nhà hát”.

Ở thế kỷ 16, các nhà khoa học thời Trung cổ đã tìm hiểu và tạo ra một hiệu ứng quang học có tên “đèn lồng ma thuật”. Họ giữ kín bí mật này bởi tư duy của những người thời Trung cổ có thể quy kết họ là phù thủy và kết án tử hình. Có thể Schroepfer đã đọc được thông tin về hiệu ứng đèn lồng ma thuật trong các tài liệu mình tìm thấy và tạo ra “bóng ma nhà hát”.

Cách “gọi ma” của Schroepfer khá đơn giản, với một sân khấu được thiết kế 2 tầng cùng một tấm kính lớn chắn giữa khán giả và người trình diễn. Ở tầng trên, diễn viên sẽ thể hiện như bình thường, che đi bí quyết “gọi ma” thực chất nằm ở tầng dưới. Tại đó là một diễn viên khác mặc trang phục tương tự người trên sân khấu.

Đèn được rọi vào diễn viên phía bên dưới sẽ tạo bóng phản chiếu lên tấm kính phía trên. 2 diễn viên phía trên và dưới cần tập cử động giống nhau sao cho hình ảnh mờ ảo như thể có một “bóng ma” ẩn hiện trong cơ thể diễn viên chính. Đến khi người này ngã xuống, diễn viên bên dưới sẽ khoa chân múa tay như thể một bóng ma đang bay lơ lửng. Vậy tại sao một thủ thuật đơn giản như thế lại có thể đánh lừa khán giả?

Nguyên nhân thứ nhất đến từ trang thiết bị thô sơ thời đó. Ngày ấy đèn điện vẫn chưa xuất hiện, thế nên hình ảnh phản chiếu từ nến hoặc đèn dầu khiến “ma” càng mờ ảo, khó phân biệt hơn. Một nguyên nhân khác là sự chuẩn bị của đoàn diễn. Schroepfer thường mời thực khách ngồi ăn uống cả ngày trong không gian tối. Ông chỉ trình chiếu khi về đêm, khi quan khách đã mệt và các giác quan kém nhạy đi ít nhiều.

Bí mật về “bóng ma trong nhà hát” ở Châu Âu thời kỳ khai sáng -0
Không có ma quỷ, chỉ có khoa học tạo ra “bóng ma nhà hát”.

Kinh doanh và văn hóa

Sự tò mò của công chúng không phải lý do duy nhất giúp các vở diễn “bóng ma nhà hát” có chỗ đứng trong thời kỳ Khai sáng. Thế kỷ 18-19 còn chứng kiến nhiều cuộc cách mạng tư sản diễn ra trên khắp Châu  Âu, nơi mà giới kinh doanh và chính trị gia hiện đại dần khẳng định vị trí của họ. Nhà thờ và đức tin không còn là hệ tư tưởng thống trị nữa.

Đó cũng là lý do giúp “bóng ma nhà hát” đặc biệt phổ biến ở Pháp những năm đầu thế kỷ 18, nơi chính quyền sở tại từng có thời gian cấm truyền bá Công giáo. Những nghệ sĩ biểu diễn “bóng ma nhà hát” được tạo điều kiện tối đa để hành nghề chỉ nhằm một mục đích duy nhất: Cho người dân nhận ra không hề có ma quỷ trên đời. Không ma quỷ, không nỗi sợ, đức tin duy nhất của mọi người bây giờ là khoa học.

Nhưng điều đó không có nghĩa mọi ứng dụng của “bóng ma nhà hát” đều tốt đẹp. Schroepfer đưa hiện tượng này vào để kinh doanh thuần túy, nhưng không phải ai cũng làm như ông. Không ít kẻ đã sử dụng thành quả của Schroepfer để dấy lên nỗi sợ hãi về những thế lực siêu nhiên, qua đó bòn rút từ người nhẹ dạ cả tin bằng câu chuyện “ma quỷ chiếm hữu” hay “thế giới đến ngày tận thế” ở những vùng nông thôn hẻo lánh.

Từ hiện tượng khách quan phục vụ mục đích giải trí của giới quý tộc, “bóng ma nhà hát” dần trở thành nguồn cảm hứng của nhiều tác gia trong thời Khai sáng. Mary Shelley đã viết Bá tước Frankenstein trong giai đoạn này. Hàng loạt câu chuyện về ma quỷ và thế lực siêu nhiên cũng được tạo ra từ trải nghiệm của chính người viết khi xem những vở diễn “bóng ma nhà hát”. Đó chính là di sản giá trị nhất mà Schroepfer để lại, dù ông có lẽ chẳng bao giờ nghĩ đến điều đó.

Hải Sơn
.
.