Bí mật kho hiện vật ngàn năm tuổi trong Nhà thờ Đức bà Paris

Thứ Năm, 02/01/2025, 08:38

Vụ hỏa hoạn thảm khốc năm 2019 tại Nhà thờ Đức bà Paris đã dẫn đến những khám phá lớn trong quá trình trùng tu nhà thờ. Các nhà khảo cổ học đã khai quật được nhiều hiện vật có niên đại từ thời cổ đại đến thế kỷ 19.

Từ gần 1.000 mẫu vật quý

Tượng mặt chúa Jesus, thân hình của một người đàn ông mặc áo dài là hai trong số những hiện vật được trưng bày tại Musée de Cluny (Bảo tàng Cluny) - một bảo tàng nghệ thuật thời trung cổ ở thủ đô Paris (Pháp), nơi du khách có thể chiêm ngưỡng nghệ thuật của gần mười thế kỷ. Khoảng 30 mảnh vỡ từ bức bình phong bằng đá của Nhà thờ Đức bà Paris, một bục đá được trang trí bằng các bức tượng cũng đang được trưng bày lần đầu tiên. Bức bình phong bằng đá này tạo thành rào chắn giữa dàn hợp xướng và gian giữa nơi các tín đồ ngồi.

“Thật không thể tin được. Chúng tôi nghĩ rằng những hiện vật lịch sử này đã bị biến mất mãi mãi. Những di vật này được tìm thấy trong quá trình trùng tu Nhà thờ Đức Bà sau vụ hỏa hoạn vào tháng 4/2019. Trước đó, khoảng 15 tác phẩm điêu khắc thời trung cổ đã được khai quật trong quá trình cải tạo nhà thờ vào thế kỷ 19 do kiến trúc sư người Pháp Eugène Viollet-le-Duc (1814-1879) chỉ đạo”, Giám đốc Bảo tàng Cluny Séverine Lepape cho biết khi tiết lộ thêm về các tác phẩm điêu khắc được làm vào năm 1230.

Bí mật kho hiện vật ngàn năm tuổi trong Nhà thờ Đức bà Paris -0
Nhà thờ Đức bà Paris được mệnh danh là "Trái tim của Paris".

Cũng theo bà Séverine Lepape, các cuộc khai quật gần đây sau vụ hỏa hoạn năm 2019 đã phát hiện ra khoảng 1.000 hiện vật, một số trong đó có nhiều hiện vật mang màu sắc khác nhau, được bảo quản tốt. "Đa số là vật trang trí có màu trên bề mặt. Chúng cho biết, những tác phẩm điêu khắc bằng màu được thực hiện trong thời trung cổ. Những mảng màu tinh tế tô điểm cho những hiện vật mỏng manh này gồm: đỏ, xanh lam, vàng đất và vàng. Bức bình phong bằng đá là một khám phá đặc biệt, bạn chỉ có thể tìm thấy một lần trong một trăm năm. Khi chúng tôi tìm thấy một tác phẩm điêu khắc thế kỷ 13, chúng tôi rất vui. Nhưng khi chúng tôi tìm thấy gần 1.000 tác phẩm dù không còn được nguyên vẹn, thì thật không thể tin được", nhà khảo cổ học Christophe Besnier thuộc Viện Nghiên cứu khảo cổ học Quốc gia Pháp (INRAP) nói, đồng thời cho biết thêm rằng, trước vụ hỏa hoạn, các nhà khảo cổ có rất ít cơ hội để nghiên cứu kỹ lưỡng công trình tôn giáo nổi tiếng này.

Trong quá trình giám sát việc trùng tu toàn diện năm 1843, kiến trúc sư Viollet-le-Duc từng ghi lại các quan sát trong nhật ký của mình. Nhưng mãi đến năm 1847, Théodore Vacquer mới tiến hành chiến dịch khai quật ban đầu ở rìa phía Đông bên dưới quảng trường trước Nhà thờ Đức bà. Việc xây dựng bãi đậu xe bên dưới quảng trường vào những năm 1960 cũng cho phép phát hiện ra các tàn tích kiến trúc và tạo ra một hầm triển lãm để trưng bày. Năm 1980, Nhà thờ Đức Bà lại được cải tạo và phần dưới của quảng trường trước nhà thờ tạo thành hầm triển lãm để trưng bày các di tích khảo cổ được phát hiện trong quá trình khai quật từ năm 1965 đến năm 1972, cung cấp cái nhìn tổng quan độc đáo về sự phát triển đô thị và kiến trúc của đảo Ile de la Cité, trái tim của Paris.

Tại đây, người ta có thể du hành ngược thời gian bằng cách tìm hiểu về chuỗi các tòa nhà trên địa điểm này từ thời cổ đại đến thế kỷ XX. Lịch sử thế kỷ XVII, XVIII và XIX được tái hiện qua những tàn tích của bến cảng cổ Lutetia, nhà tắm Gallo-Roman, bức tường thành phố đầu thế kỷ IV, tầng hầm của nhà nguyện Bệnh viện Hôtel-Dieu trước đây, tàn tích thời trung cổ của phố Neuve Notre-Dame, nền móng của bệnh viện nhi đồng hospice des Enfants-Trouvés và phác thảo hệ thống cống rãnh do Haussmann thiết kế. Bằng cách tái hiện lịch sử của một trong những quận cổ nhất của Paris, hầm triển lãm cũng cho thấy thành phố ánh sáng đã liên tục tái tạo chính mình trong hơn 2.000 năm qua.

Bí mật kho hiện vật ngàn năm tuổi trong Nhà thờ Đức bà Paris -0
Các nhà khảo cổ học khai quật sàn Nhà thờ Đức bà sau khi phát hiện ra một chiếc quan tài bằng chì từ thế kỷ 14, ngày 15/3/2022.

Đến việc tái hiện 2.000 năm lịch sử

Giám tuyển di sản Dorothée Chaoui-Derieux, người đã điều phối tất cả các hoạt động khảo cổ tại Nhà thờ Đức bà theo sắc lệnh của chính quyền Paris kể từ năm 2019 cho biết: "Nhà thờ Đức Bà được coi là di tích lịch sử chứ không phải là địa điểm khảo cổ. Nhưng chúng tôi đã thực hiện khoảng 20 hoạt động thăm dò, khai quật và phát hiện nhiều hiện vật gần 2.000 năm tuổi. Từ đây cũng hé lộ dần lịch sử 2.000 năm trước. Trong nhiều thế kỷ, nhiều tàn tích đã chồng lên nhau ở quanh khu vực nhà thờ. Các cấp độ lâu đời nhất có niên đại từ thời kỳ đầu cổ đại. Một ngôi nhà từ đầu thế kỷ thứ 1 đã được khai quật ở độ sâu 3,5m trong hầm Soufflot, ngay trung tâm nhà thờ.

Những di tích liên quan đến nhà ở và đồ thủ công từ Đế chế La Mã thấp đã được phát hiện bên dưới quảng trường của nhà thờ. Các cuộc khai quật cũng giúp xác định được những di tích từ thời Trung cổ trước khi xây dựng nhà thờ, bao gồm một tòa nhà lớn thời Carolingian, có niên đại ở thời kỳ gia đình quý tộc Carolingian cai trị phần lớn Tây Âu từ năm 750 đến năm 887”.

Cụ thể, vào thời cổ đại, thị trấn Lutetia của người Gallo-La Mã phát triển ở bờ trái sông Seine dưới thời Hoàng đế Augustus (năm 27 trước Công nguyên - năm 14 sau Công nguyên). Vào đầu thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên, các đảo nhỏ trên sông Seine đã kết hợp lại để tạo thành Ile de la Cité hiện tại. Các hoạt động kinh tế và thương mại phát triển xung quanh sông và cảng. Một phần của bến tàu, là tàn tích duy nhất của cảng cổ này, đã được bảo tồn. Vào thế kỷ thứ 3, hòn đảo đã được xây dựng hoàn toàn và nó được thể hiện bởi những tàn tích của ngôi nhà lớn, sang trọng, bao gồm cả phần chân cột.

Từ giữa thế kỷ thứ 3 đến thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên, thị trấn Lutetia bị đe dọa bởi các cuộc xâm lược của người Đức và biến mình thành một địa điểm chiến lược để bảo vệ Đế chế La Mã chống lại những kẻ man rợ. Đảo Ile de la Cité, được củng cố vào năm 308, do đó đã trở thành trung tâm chức năng của thành phố. Hai công trình kiến trúc nổi bật của thế kỷ thứ 4, thành lũy và phòng tắm minh họa cho sự chuyển đổi trong thành phố vào thời điểm kỷ nguyên cổ đại sắp kết thúc.

Vào thời Trung cổ, quá trình phát triển đô thị ở Ile de la Cité tập trung xung quanh nhà thờ, nơi công trình xây dựng bắt đầu vào năm 1163 dưới thời giám mục Paris, Maurice de Sully. Đường Neuve Notre-Dame được xây dựng theo lối vào trung tâm của nhà thờ, Bệnh viện Hôtel-Dieu được xây dựng lại ở phía Nam quảng trường và các nhà thờ cũng như những ngôi nhà mới được xây dựng dọc theo các con phố. Chỉ có các khu vực ngầm còn sót lại sau tầng hầm của những ngôi nhà có biển hiệu Agnus Dei và Saint-Victor, có hai tầng ngầm được trưng bày trong hầm triển lãm. Ở phía Bắc của đường Neuve Notre-Dame, có hai nhà thờ, Saint-Christophe và Sainte-Geneviève des Ardents, đã bị phá hủy vào năm 1748, nhưng nền móng của chúng vẫn còn.

Đến thế kỷ thứ 18, nhiều tòa nhà thời trung cổ đã bị phá hủy để tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông và cải thiện vệ sinh. Quảng trường của nhà thờ được mở rộng, phố Neuve Notre-Dame được mở rộng và Bệnh viện hospice des Enfants-Trouvés foundling mới được kiến trúc sư Boffrand xây dựng vào năm 1750 trên địa điểm của nhà thờ Sainte-Geneviève des Ardents. Hầm mộ và nền móng của bệnh viện này vẫn còn đến ngày nay. Năm 1772, một trận hỏa hoạn lớn đã tàn phá Bệnh viện Hôtel-Dieu thời trung cổ và phá hủy nhà nguyện Sainte-Agnès, chỉ chừa lại khu vực tầng hầm.

Sang thế kỷ 19, Napoleon III đã giao cho kiến trúc sư Haussmann một dự án quy hoạch đô thị khổng lồ - biến Paris từ một thành phố thời Trung cổ thành một thành phố lành mạnh, an toàn và dễ tiếp cận. Và sự biến đổi ở Ile de la Cité đã chứng minh là một sự biến đổi triệt để: 17 nhà thờ và một mê cung làn đường đã bị phá hủy. Nhà tế bần des Enfants-Trouvés và Hôtel-Dieu trước đây đã biến mất vào năm 1877. Một doanh trại (nay là trụ sở cảnh sát) được xây dựng ở cuối quảng trường và Bệnh viện Hôtel-Dieu hiện tại ở một bên của nó. Vào cuối thế kỷ 19, quảng trường của nhà thờ đã có được bố cục như ngày nay…

Trên thực tế, năm 2022, phát hiện về hai chiếc quan tài bên dưới gian giữa của Nhà thờ Đức Bà đã được công khai trên các phương tiện truyền thông Pháp. Trong khi việc xác định danh tính của Canon Antoine de La Porte được thực hiện nhờ bia mộ trên quan tài của ông, danh tính của người còn lại vẫn còn là một bí ẩn. Đến tháng 9 vừa qua, nhà khảo cổ học Éric Crubézy đã công bố rằng đó có thể là nhà thơ Joachim du Bellay, người được chôn cất trong nhà thờ vào thế kỷ 16 nhưng vẫn còn nhiều nghi ngờ về việc này.

Rõ ràng, đến tận ngày nay, Nhà thờ Đức bà Paris vẫn ẩn chứa nhiều bí mật của mình. Mặc dù dự án trùng tu sau hỏa hoạn năm 2019 đã hoàn thành nhưng các nhà khảo cổ học vẫn đang rất bận rộn với việc tái tạo hình ảnh 3D để có thêm những khám phá mới về lịch sử.

Nhà thờ Đức bà Paris (Notre Dame) được khởi công xây dựng năm 1163, dưới thời vua Louis VII trên một hòn đảo nhỏ có tên Ile de la Cité nằm giữa lòng sông Seine. Do nhiều lý do khác nhau, phải mất gần 200 năm, đến năm 1345 người ta mới xây xong Nhà thờ Đức bà. Kể từ đó đến nay, nhà thờ đã trở thành chứng nhân cho nhiều sự kiện quan trọng trong lịch sử Pháp.

Chu Nguyễn
.
.