Bí ẩn thời đại khủng long ở Chile

Thứ Sáu, 14/07/2023, 11:32

Trung tuần tháng 6, tạp chí Science Advances đã gây xôn xao dư luận khi đăng tải bài viết cho thấy, các nhà khoa học phát hiện hóa thạch của Gonkoken nanoi - loài khủng long ăn cỏ chưa từng được biết đến ở Nam bán cầu tại Chile (Chilean Patagonia). Những phát hiện mới này đã mở ra khả năng mới về phạm vi sinh sống của loài khủng long mỏ vịt sống cách đây 72 triệu năm.

Bí ẩn ở Patagonia

Patagonia ở cực Nam của Nam Mỹ, là vùng đất tận cùng của châu Mỹ, thuộc lãnh thổ hai nước Chile và Argentina, bao gồm phần phía Nam của dãy núi Andes với các hồ, vịnh hẹp, rừng mưa ôn đới và sông băng ở phía Tây và các sa mạc, cao nguyên và thảo nguyên ở phía Đông. Patagonia được bao bọc bởi Thái Bình Dương ở phía Tây, Đại Tây Dương ở phía Đông và nhiều vùng nước nối liền chúng, như eo biển Magellan, kênh Beagle và đoạn đường Drake ở phía Nam. Các sông Colorado và Barrancas, chạy từ Andes đến Đại Tây Dương, thường được coi là giới hạn phía bắc của Patagonia thuộc Argentina. Quần đảo Tierra del Fuego đôi khi được coi là một phần của Patagonia. Theo các nhà khoa học, phát hiện mới này đã chứng minh rằng, Patagonia từng là nơi sinh sống của loài khủng long mỏ vịt thời cổ đại từ 145 đến 66 triệu năm trước. Loài này vốn được cho là rất phổ biến ở Bắc Mỹ, châu Á và châu Âu trong kỷ Phấn trắng.

Bí ẩn thời đại khủng long ở Chile -0
Một nhà cổ sinh vật học kiểm tra xương hóa thạch của Gonkoken nanoi - loài khủng long mỏ vịt mới được xác định, sinh sống ở khu vực Patagonia của Chile .

Được mệnh danh là Gonkoken nanoi, sinh vật ăn thực vật này nặng tới 1 tấn và có thể dài tới 4m, theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances. Phát hiện này diễn ra sau một cuộc điều tra kéo dài gần một thập kỷ khi một đoàn thám hiểm do Viện Nam Cực Chile (INACH) dẫn đầu vào năm 2013 lần đầu tiên phát hiện ra những mảnh xương màu vàng nhạt ở dưới chân một sườn đồi gần công viên quốc gia Torres del Paine ở Patagonia. Khi đó, các nhà khoa học tin rằng đây là tàn tích hóa thạch của một loài khủng long mỏ vịt mới đã lang thang ở Chile 72 triệu năm trước. Jhonathan Alarcon, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: "Lúc đầu, chúng tôi nghĩ nó cùng nhóm với những con khủng long mỏ vịt khác ở Nam Mỹ. Nhưng khi nghiên cứu sự tiến triển, chúng tôi nhận ra rằng, đây là một loài hoàn toàn khác và chưa từng có trên Trái Đất". Ông Jhonathan Alarcon còn cho biết thêm rằng, các nhà nghiên cứu đã lấy ra hơn 100 mảnh xương một cách cẩn thận để không làm tổn thương những mảnh xương khác. Sau đó, các nhà cổ sinh vật học phải đảm bảo rằng phần còn lại thuộc về cùng một loài và kiểm tra chúng với nghiên cứu hiện có để xác minh rằng đó là một loại khủng long mới. Lần này, có ít nhất 50 mẫu xương hóa thạch của loài khủng long Gonkoken nanoi được tìm thấy.

Alexander Vargas, Giám đốc mạng lưới cổ sinh vật học của Đại học Chile và là một trong những tác giả của nghiên cứu nhận định: "Gonkoken nanoi  là những loài khủng long trông mảnh khảnh, có thể dễ dàng sử dụng tư thế hai chân và bốn chân để tiếp cận thảm thực vật ở độ cao và mặt đất. Nó không phải là khủng long mỏ vịt tiên tiến, mà là một dòng dõi mỏ vịt chuyển tiếp - một liên kết tiến hóa với các dạng tiên tiến khác". Nghiên cứu mở rộng đã cho phép các nhà khoa học tái tạo kỹ thuật số bộ xương - và họ hiện đang lên kế hoạch tạo bản in 3D để nó có thể được trưng bày công khai. Cũng theo Alexander Vargas, Gonkoken là sự kết hợp của hai từ trong ngôn ngữ của người Aonikenk bản địa, những người sinh sống ở Patagonia cho đến cuối thế kỷ 19. "Gon" có nghĩa là tương tự hoặc tương tự như và "koken" có nghĩa là vịt trời hoặc thiên nga. Còn "nanoi" là để ghi nhận Mario 'nano' Ulloa, một cựu chủ trang trại, người đã hỗ trợ nhóm trong những khám phá đầu tiên. Như vậy, với vẻ ngoài kỳ dị, Gonkoken nanoi có thể không là tổ tiên của các khủng long mỏ vịt khác ở Nam bán cầu. Nhiều nhà khoa học đã giả thuyết rằng, nó xuất hiện ở Bắc bán cầu, sau đó di cư thông qua một "cây cầu đất" (ngày nay đã không còn tồn tại) và xuất hiện ở Nam bán cầu một cách đột ngột, không họ hàng thân thích. Gonkoken nanoi  cũng được cho là đã lan tỏa giống loài của mình tới tận Nam Cực và sống sót cho đến ngày thiên thạch Chicxulub va vào Trái Đất 66 triệu năm trước, khiến toàn bộ khủng long tuyệt diệt.

Rõ ràng, sự hiện diện của loài khủng long mỏ vịt ở vùng đất Nam bán cầu không chỉ khiến các nhà khoa học ngạc nhiên mà còn thúc đẩy họ tìm hiểu sâu hơn về việc tổ tiên của loài khủng long mỏ vịt này đã tới được Patagonia như thế nào. Tháng 5/2021, hóa thạch của khủng long mỏ vịt có tên Tlatolophus galorum được cho là đã chết cách đây khoảng 72 triệu năm cũng đã được tìm thấy tại bang Coahuila ở miền Bắc Mexico. Sau khi phát hiện chiếc đuôi hóa thạch ban đầu, các nhà cổ sinh vật học đã khai quật thêm được phần lớn hộp sọ của nó, cùng một số mảnh xương vai và đùi. Tlatolophus galorum là một loài khủng long mỏ vịt cỡ lớn, ước tính có thể dài từ 8-12 m, trong đó chỉ riêng phần đuôi đã chiếm khoảng 6 m. Hộp sọ gần như nguyên vẹn của sinh vật tiết lộ nó có một chiếc mào khổng lồ bằng xương rỗng dài tới 1,32 m kéo dài từ mõm ra phía sau đầu. Khi đó, báo cáo từ Viện Nhân chủng học và Lịch sử Quốc gia Mexico (INAH) mô tả: "Tlatolophus galorum là một loài khủng long ôn hòa. Chúng sử dụng âm thanh tần số thấp để nói chuyện với đồng loại giống như voi ngày nay. Bên cạnh đó, chúng cũng có thể phát ra tiếng kêu lớn để xua đuổi kẻ săn mồi".

Bí ẩn thời đại khủng long ở Chile -0
Một hình ảnh do Viện Nam cực Chile (INACH) công bố cho thấy các nhà khoa học đang làm việc tại một địa điểm hóa thạch hồi tháng 2/2020 ở Cerro Guido, thung lũng Las Chinas, miền Nam Chile.

Những loài khủng long chưa được biết đến

Như vậy, Gonkoken nanoi đã trở thành loài khủng long thứ 5 được phát hiện ở Chile trong những năm gần đây. Trước đó, hóa thạch của 4 loài khủng long cũng được tìm thấy ở Chile. Marcelo Leppe, Giám đốc Viện Nam Cực Chile (INACH) cho biết: "Những hóa thạch được tìm thấy ở Patagonia - nơi đã nổi lên trong thập kỷ qua như một mỏ hóa thạch quan trọng - thuộc các loài khủng long chưa từng được xác định trước đây ở khu vực này. Về mặt khoa học, việc tìm thấy thứ gì đó chưa từng được phát hiện hoặc mô tả trước đây luôn là một điều cực kỳ thú vị". Giám đốc Viện Nam Cực Chile (INACH) còn tiết lộ, ngoài Gonkoken nanoi, 4 loài khủng long đang được nghiên cứu từ các hóa thạch ở Chile là Stegouros elengassen, Arackar licanantay, Chilesaurus diegosuarezi và Magallanodon baikashkenke.

Stegouros elengassen được phát hiện gần đây và là một trong những phát hiện quan trọng nhất trong lịch sử cổ sinh vật học ở Chile. Nhà nghiên cứu từ Đại học de Chile Sergio Soto và Alexander Vargas đã dẫn đầu việc xác định mẫu vật 74 triệu năm tuổi này (kỷ Phấn trắng) khi phát hiện các hóa thạch ở Valle del Río las Chinas, một khu vực không thể sinh sống thuộc vùng Magallanes. Nó có một đặc điểm rất lạ là phần đuôi có hình dạng giống như một chiếc dùi cui.

Cũng trong năm 2021, Arakar licanantay - một loài mới thuộc nhóm titanosaur, động vật bốn chân ăn cỏ có đầu nhỏ, cổ và đuôi dài được phát hiện cách Copiapó 75km về phía Nam ở vùng Atacama. Loài khủng long này có chiều dài 6 m và sống cách đây hơn 66 triệu năm (kỷ Phấn trắng). Hóa thạch Arakar licanantay được tìm thấy lần đầu vào những năm 1990 bởi một nhóm do nhà địa chất người Chile Carlos Arévalo dẫn đầu.

Loài khủng long mới thứ 3 được tìm thấy ở Chile là Chilesaurus diegosuarezi, được mô tả và đặt tên vào năm 2015. Loài này cũng được ghi vào Sách kỷ lục Guinness thế giới như sau: hài cốt đầu tiên của nó được tìm thấy vào năm 2004 tại Aysén. Chilesaurus diegosuarezi là một loài khủng long chân thú ăn cỏ có chiều dài chưa đến 2m và sống trong kỷ Jura, khoảng 145 triệu năm trước. Cuối cùng là loài khủng long Atacamatitan chilensis với hóa thạch được tìm thấy vào năm 2011 ở sa mạc Atacama (vùng Antofagasta). Loài này sống trong kỷ Phấn trắng, cách đây 100 triệu năm, có đặc điểm của một loài khủng long ăn cỏ với cổ và đuôi dài. Nó thuộc nhóm titanosaur và được cho là có chiều dài 8m.

Khủng long là một nhóm bò sát thuộc nhánh Dinosauria, xuất hiện lần đầu vào kỷ Tam Điệp khoảng 243 - 233,23 triệu năm trước đây. Kể từ sau sự kiện tuyệt chủng Tam Điệp-Jura (201,3 triệu năm trước), khủng long trở thành nhóm động vật có xương sống chiếm ưu thế nhất xuyên suốt qua kỷ Jura cho đến cuối kỷ Phấn Trắng, khi sự kiện tuyệt chủng Phấn Trắng-Cổ Cận (66 triệu năm trước) làm tuyệt chủng hầu hết các nhóm khủng long và 3/4 các loài động vật, thực vật trên Trái Đất (trong đó đa số các loài bò sát khổng lồ bao gồm khủng long bị thiệt hại nặng nề nhất, các loài cá và lưỡng cư ít bị thiệt hại).

Kể từ khi hóa thạch khủng long lần đầu tiên được ghi nhận trong những năm đầu thế kỷ XIX, khủng long đã trở thành một phần của văn hóa đại chúng và bộ xương hoặc mô hình hóa thạch của chúng là các điểm thu hút khách tham quan ở các viện bảo tàng. 

Sông Thương
.
.