Bhutan: “Vương quốc hạnh phúc” cũng phải phát triển
Trong nhiều năm, Bhutan đã được ca ngợi là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, với triết lý Hạnh phúc quốc gia (GNH) mang tính đột phá, đặt ra chuẩn mực toàn cầu cho cuộc sống bền vững và mãn nguyện. Tuy nhiên, khi những thách thức kinh tế gia tăng và những công dân trẻ tìm kiếm cơ hội ở nước ngoài, hình ảnh lý tưởng của Bhutan đang bị phá vỡ.
Mô hình hạnh phúc của Bhutan
Khái niệm GNH của Bhutan được Vua Jigme Singye Wangchuck đưa ra vào những năm 1970. Không giống như Tổng thu nhập quốc dân (GDP) được các nước phương Tây đề ra chỉ tập trung vào các số liệu kinh tế, GNH ưu tiên phúc lợi tinh thần, xã hội và môi trường. Bốn trụ cột của GNH bao gồm: phát triển bền vững, bảo tồn văn hóa, bảo tồn môi trường và quản trị tốt đã nhận được sự ca ngợi của cộng đồng quốc tế. Bhutan trở thành mô hình độc nhất trên thế giới khi có thể vừa bảo vệ môi trường, các giá trị văn hoá bản địa đặc trưng mà vẫn đảm bảo cuộc sống hài lòng của người dân.
Về cơ bản, Bhutan đóng cửa với các hoạt động kinh tế thông thường, đặc biệt là các ngành công nghiệp xâm lấn tài nguyên. Ngành kinh tế trụ cột của đất nước là du lịch xanh (đi trước thế giới hàng chục năm) trong khi người dân chủ yếu thực hiện các hoạt động sản xuất quy mô nhỏ để duy trì cuộc sống tự cấp tự túc.
Cho đến những năm 2010, Bhutan được ca ngợi trên toàn cầu vì nhấn mạnh vào hạnh phúc của người dân hơn lợi nhuận. Theo một nghiên cứu năm 2015, cách tiếp cận độc đáo của Bhutan đã giúp đất nước này được xếp hạng cao trong số các quốc gia hạnh phúc nhất trên toàn cầu mặc dù vị thế kinh tế khiêm tốn của mình. Nhưng khi toàn cầu hóa xâm chiếm, các vết nứt bắt đầu xuất hiện từ những người trẻ.
Cuộc di cư không thể tránh khỏi
Dân số trẻ của Bhutan, với nhóm cư dân ở độ tuổi từ 15-35 chiếm khoảng 60% dân số cả nước đang ngày càng quay lưng lại với lý tưởng GNH. Việc được tiếp cận với thế giới nhiều hơn qua chính cánh cửa du lịch đã khiến họ có những đòi hỏi cao hơn về tiêu chuẩn cuộc sống. Nhiều người rời đi để học tập, tìm kiếm cơ hội việc làm tốt và có lối sống hiện đại hơn ở các quốc gia như Ấn Độ, Australia và Mỹ. Theo The Guardian, năm 2023, 1,5% dân số Bhutan đã chuyển đến Australia để làm việc và học tập.
Sangay Dorji, một kỹ sư phần mềm 27 tuổi đã di cư sang Australia vào năm 2022, chia sẻ: "Mặc dù triết lý của Bhutan rất đáng ngưỡng mộ, nhưng nó không đủ để chi trả các hóa đơn. Tôi muốn xây dựng tương lai, và cơ hội ở quê nhà lại rất hạn chế". Quan điểm này cũng được nhiều thanh niên Bhutan đồng tình, những người ngày càng coi GNH là lỗi thời và không thực tế.
Du lịch, một trụ cột kinh tế quan trọng, đã chứng kiến sự suy giảm sau COVID-19. Mặc dù Bhutan đã mở cửa biên giới trở lại vào cuối năm 2022, nhưng việc áp dụng mức phí du lịch hàng ngày là 200 USD đã ngăn cản nhiều du khách do khó khăn kinh tế toàn cầu. Lượng khách du lịch đến Bhutan vào năm 2023 đã giảm 35% so với năm 2019. Ngoài du lịch, nền kinh tế của Bhutan phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu nông nghiệp và thủy điện, đặc biệt là sang Ấn Độ. Tuy nhiên, những thách thức do biến đổi khí hậu gây ra, chẳng hạn như lượng mưa thất thường và băng tan, đã đe dọa các lĩnh vực này. Năm 2023, doanh thu từ thủy điện giảm 18% do hạn hán kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập quốc dân. Khi nguồn thu ngân sách giảm, trợ cấp xã hội cũng giảm theo. Trong khi đó, cơ hội việc làm giảm mạnh, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng đều từ năm 2014.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, cứ tám người Bhutan lại có một người sống trong nghèo đói. Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tại Bhutan năm 2023 là 29%, còn tốc độ tăng trưởng kinh tế không đổi, xung quanh mức 1,7% suốt 5 năm qua. Sau giai đoạn đại dịch 2020-2021, tổng thu nhập quốc dân của đất nước suy giảm nghiêm trọng và chỉ phần nào phục hồi vào năm 2023 tương đương với mức của năm 2019 là khoảng 2,4 tỷ USD.
Đối với người trẻ, Bhutan "tụt hậu so với thế giới". Thủ đô Thimpu là thành phố duy nhất trên thế giới không có đèn giao thông. Đất nước thanh bình, không ô nhiễm nhưng "chẳng có gì cả". Các hoạt động vui chơi giải trí hiện đại không được tổ chức ở đây. Những hoạt động kết nối trực tuyến "rất khó khăn" khiến cho người trẻ cảm thấy "lạc lõng" với thế giới. Điều này đã thúc đẩy ngày càng nhiều người trẻ rời khỏi Bhutan để du học, làm việc ở nước ngoài. Làn sóng này gây ra tình trạng mất cân bằng dân số khi người già nhiều hơn người trẻ.
"Hạnh phúc 2.0"
Chỉ số GNH đang khiến người ta thắc mắc: nếu mọi người thực sự hạnh phúc, tại sao họ phải rời đi? Các chuyên gia thừa nhận những lỗ hổng trong chính sách đề cao GNH của đất nước. Tiến sĩ Pema Wangchuk, một nhà kinh tế tại Đại học Hoàng gia Bhutan, lưu ý rằng, "GNH thiếu các cơ chế để giải quyết khả năng cạnh tranh kinh tế. Nếu không tạo việc làm và đổi mới, Bhutan không thể giữ chân được những tài năng trẻ của mình".
Một báo cáo năm 2024 của Trung tâm Nghiên cứu Bhutan đã tiết lộ một nghịch lý: trong khi 75% người Bhutan cho biết họ hạnh phúc, thì gần một nửa bày tỏ sự không hài lòng với các cơ hội việc làm và triển vọng kinh tế. Nghịch lý ngày càng tăng này làm nổi bật những hạn chế của một triết lý ưu tiên phúc lợi vô hình hơn tăng trưởng hữu hình.
Giáo sư Jan-Emmanuel De Neve đến từ Đại học Oxford, thành viên nhóm thực hiện Báo cáo hạnh phúc thế giới hàng năm, cho rằng nếu "không có một mức độ phát triển kinh tế nhất định, người dân sẽ không thấy hạnh phúc". Năm 2019, theo khảo sát độc lập về chỉ số hạnh phúc, Bhutan đứng thứ 95/156 quốc gia. Nhưng đến năm 2023, quốc gia này tụt xuống hạng 97 toàn cầu. Với các nhà nghiên cứu thì GNH là một thử nghiệm đáng khen ngợi, nhưng nó đã không thích ứng với thực tế hiện đại. "Chúng ta không thể ngó lơ sự phát triển kinh tế. Đó là một phần quan trọng đối với hạnh phúc của người dân", Giáo sư Jan-Emmanuel De Neve nhận định.
Nhận ra tính cấp thiết, Chính phủ Bhutan đã đề xuất một khuôn khổ "Hạnh phúc 2.0" được sửa đổi. Thủ tướng Lotay Tshering, một cựu bác sĩ phẫu thuật, đã công bố kế hoạch vào đầu năm 2024, nhấn mạnh vào sự đa dạng hóa kinh tế trong khi vẫn bảo tồn các giá trị cốt lõi của GNH. Mô hình mới hướng đến gồm 4 mục tiêu:
Thứ nhất, thúc đẩy công nghệ và đổi mới: Thành lập các trung tâm công nghệ và khuyến khích các công ty khởi nghiệp, Bhutan hy vọng sẽ thu hút được những tài năng trẻ và tạo ra những công việc lương cao.
Thứ hai, cải cách giáo dục: Các kế hoạch bao gồm cải tổ chương trình giảng dạy để tập trung vào các kỹ năng số và tinh thần kinh doanh.
Thứ ba, thúc đẩy du lịch bền vững: Phí du lịch bắt buộc gây tranh cãi sẽ được xem xét lại. Chính phủ sẽ đề xuất những dịch vụ mới cung cấp cho khách du lịch có mức giá theo từng bậc và nhắm mục tiêu đến những du khách chi tiêu nhiều.
Thứ tư, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng người di cư: Chính phủ đang tìm cách kết nối với những người Bhutan di cư, khuyến khích họ đầu tư hoặc trở về quê hương để "cùng xây dựng và thay đổi"
Mặc dù "Hạnh phúc 2.0" là một bước tiến đầy tham vọng, nhưng việc triển khai vẫn còn chưa chắc chắn. Những người nghi ngờ cho rằng Bhutan thiếu cơ sở hạ tầng và chuyên môn cần thiết cho quá trình chuyển đổi nhanh chóng như vậy. Việc quốc gia này hạn chế tiếp cận thị trường toàn cầu và phụ thuộc vào Ấn Độ về thương mại và năng lượng gây khó khăn cho các nỗ lực cải cách kinh tế. Hơn nữa, việc thay đổi thái độ của một xã hội ổn định không phải dễ dàng. Khi các giá trị văn hóa đi ngược lại với các khát vọng toàn cầu hóa, Bhutan phải đối mặt với nguy cơ xung đột giữa giới trẻ và những người theo chủ nghĩa truyền thống.
Với nhiều người, giá trị hạnh phúc mà Bhutan theo đuổi vẫn rất đáng trân trọng trong cuộc sống hiện đại gấp gáp ngày càng căng thẳng hiện nay. Họ nhìn vào Bhutan như một lời cảnh báo đồng thời là ngọn hải đăng của hy vọng. Họ thực sự muốn Bhutan sẽ có thể thích ứng với sự thay đổi nhưng vẫn bảo tồn được bản sắc riêng độc đáo của mình.
Liệu "Hạnh phúc 2.0" có thể thu hẹp khoảng cách giữa lý tưởng của người Bhutan và thực tế kinh tế của nước này hay không vẫn còn phải chờ xem. Nhưng như tiến sĩ Wangchuk thừa nhận: "Hạnh phúc không phải là tĩnh tại, nó phải phát triển cùng với xã hội".