Bài toán tự lực trong công nghệ tên lửa của Ấn Độ
Trung tuần tháng 4, tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng (DRDO) cùng Hải quân Ấn Độ đã thực hiện thành công lần phóng thử đầu tiên của tên lửa đánh chặn trong khí quyển ở ngoài khơi bờ biển Odisha trên Vịnh Bengal. Sự kiện này đã đưa New Delhi tiến tới việc trang bị cho mình một hệ thống phòng thủ nhiều lớp chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo và giúp nước này nằm trong “câu lạc bộ các quốc gia ưu tú” được trang bị khả năng phòng thủ tên lửa đạn đạo (BMD) cùng với Mỹ, Trung Quốc, Nga và Israel.
Vô hiệu hóa kẻ thù từ xa
Kể từ cuối những năm 1990, Ấn Độ đã nỗ lực mua hệ thống BMD để bảo vệ quốc gia và công dân của mình trước các mối đe dọa tên lửa đạn đạo trong tương lai, đặc biệt là khi xét đến tình hình an ninh bất ổn trong khu vực. Ban đầu, New Delhi hợp tác với Israel, một quốc gia nổi tiếng về khả năng phòng không tiên tiến để cung cấp chuyên môn kỹ thuật và hỗ trợ phát triển hệ thống. Sau đó, Nga và Mỹ cùng tham gia phát triển, cung cấp công nghệ và chuyên môn quan trọng cho Ấn Độ.
Hệ thống BMD của Ấn Độ dựa trên hai hệ thống tên lửa đánh chặn: tên lửa phòng thủ Prithvi (PDV) và hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến (AAD), phối hợp với nhau để đánh chặn và tiêu diệt các cuộc tấn công tên lửa ở độ cao 80 km đối với PDV và khoảng cách 30 km với AAD. Cùng nhau, PDV và AAD cung cấp khả năng bao phủ toàn diện chống lại một loạt các mối đe dọa tên lửa đạn đạo. Trong những năm qua, chương trình BMD của Ấn Độ đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, với các vụ phóng thử thành công tên lửa đánh chặn vào năm 2006, 2007, 2011, 2012 và 2019. Ngoài ra, DRDO đã hoàn thành một loạt thử nghiệm đối với hệ thống BMD hai tầng trên đất liền được thiết kế để theo dõi và phá hủy tải trọng hạt nhân từ cả bên trong (endo) và bên ngoài (exo) bầu khí quyển của Trái Đất ở độ cao từ 15-25 km đến 80-100 km.
Trong vụ phóng thử tên lửa đánh chặn tầm xa AD-1 giai đoạn II hồi tháng 11/2022, DRDO đã thể hiện thành công khả năng của tên lửa đánh chặn trong độ cao tiêu diệt đáng kể ngoài khơi bờ biển Odisha. Tên lửa này có khả năng cản trở các máy bay và máy bay mang trọng tải hạt nhân tầm xa với các tính năng nâng cao khác gồm: hệ thống điều khiển, điều hướng và thuật toán hướng dẫn chính xác... Việc thử nghiệm thành công AD-1 từ cả nền tảng trên đất liền và trên biển sẽ mang lại sự linh hoạt trong tác chiến cho các lực lượng vũ trang Ấn Độ. Và hệ thống BMD của Ấn Độ nhằm cung cấp một lá chắn trên bầu trời chống lại tất cả các tên lửa thù địch, kể cả những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Bên cạnh chương trình BMD, Ấn Độ đang nghiên cứu phát triển hệ thống chống vệ tinh (A-SAT), một công nghệ tiên tiến khác mà chỉ một số siêu cường có được, bao gồm Nga, Trung Quốc và Mỹ. Được mệnh danh là “Sứ mệnh Shakti”, A-SAT là thiết bị đầu tiên của Ấn Độ có khả năng vô hiệu hóa các mối đe dọa từ Quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO) và đã thử nghiệm thành công hồi cuối tháng 3-2019. Các hệ thống phòng không khác của Ấn Độ bao gồm tên lửa đất đối không tầm trung (SAM) Akash, SAM tầm xa Barak-8 và hệ thống phòng không di động tầm ngắn đến tầm trung Spyder. Ngoài ra, nước này cũng đang triển khai hệ thống tên lửa S-400 Triumf do Nga chế tạo - một tên lửa đất đối không tầm xa có khả năng đạt tới 400 km và tấn công các mục tiêu ở độ cao 30 km - vốn đã bị trì hoãn do “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở Ukraine.
Năng lực tự cường trong công nghệ tên lửa
“Atmanirbhar Bharata”, có nghĩa là “Ấn Độ tự lực”, là cụm từ mà Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và chính phủ của ông đã sử dụng liên quan đến các kế hoạch phát triển kinh tế đất nước. Cụm từ này là khái niệm bao trùm cho các kế hoạch của chính phủ Modi để Ấn Độ đóng một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế thế giới và để nước này trở nên hiệu quả, cạnh tranh cũng như kiên cường hơn. Ông Modi cũng đã sử dụng cụm từ tiếng Anh này từ năm 2014 khi nói về các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia, nghèo đói và kỹ thuật số. Cụm từ này được sử dụng phổ biến đầu tiên trong tiếng Hindi là Atmanirbhar Bharat Abhiyan (Sứ mệnh Ấn Độ tự lực) trong thời gian Ấn Độ công bố gói kinh tế liên quan đến đại dịch COVID–19 vào năm 2020.
Khái niệm tự lực đã được Ủy ban Kế hoạch trước đây của nước này sử dụng trong nhiều kế hoạch 5 năm từ năm 1947 đến năm 2014. Các nhà bình luận lưu ý rằng, Ấn Độ đã ban hành các chính sách và xây dựng các thể chế nhằm thúc đẩy sự tự lực kể từ khi giành được độc lập. Các công ty tư nhân và các sản phẩm của họ đã được coi là ví dụ về sự tự lực trong các lĩnh vực như: đồ uống, ôtô, hợp tác xã, dịch vụ tài chính và ngân hàng, dược phẩm và công nghệ sinh học.
Ngày nay, khái niệm tự lực đang được mở rộng và phát triển trong lĩnh vực quốc phòng. Ấn Độ đang lần đầu tiên phát triển các công nghệ quốc phòng tiên tiến nhất, đôi khi vượt xa những công nghệ tốt nhất mà thế giới từng thấy cho đến nay. Hoạt động sản xuất quốc phòng cho lực lượng vũ trang Ấn Độ theo sáng kiến “Sản xuất tại Ấn Độ” cung cấp các thiết bị hiện đại, sánh ngang với các thiết bị tốt nhất thế giới. Điều này được thể hiện rõ ở việc các quốc gia khác đang tìm kiếm nhiều vũ khí và thiết bị được sản xuất bởi Ấn Độ.
Báo cáo “Xu hướng chuyển giao vũ khí quốc tế năm 2021” của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm khẳng định: Ấn Độ luôn là một bên tham gia chiến lược trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu, và do đó, lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của nước này luôn có ý nghĩa quan trọng. Không có gì ngạc nhiên khi Ấn Độ là một trong những quốc gia có ngân sách quốc phòng lớn nhất thế giới, sau Mỹ và Trung Quốc. Trong giai đoạn 2017-2021, Ấn Độ là nhà nhập khẩu vũ khí hàng đầu thế giới. Nhưng nay, Ấn Độ đang đảo ngược xu hướng và trở thành nhà xuất khẩu thiết bị quốc phòng số 1 toàn cầu. Để đạt được điều này, New Delhi đã đưa ra nhiều sáng kiến khác nhau, bao gồm chính sách sản xuất quốc phòng năm 2018 (DPrP-2018), “Atmanirbhar Bharat” và Mission DefSpace.
Trên đường tự chủ trong lĩnh vực quốc phòng, trong 5 năm qua, chi tiêu quốc phòng và xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng 8 lần. Ngày nay, Ấn Độ xuất khẩu thiết bị quốc phòng tới hơn 75 quốc gia trên thế giới. Trong thương vụ quốc phòng lớn đầu tiên về thiết bị sản xuất trong nước, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận với Philippines về việc bán tên lửa hành trình siêu thanh BrahMos. Đây có thể là lần đầu tiên trong số nhiều lần, vì Thủ tướng Narendra Modi đã tuyên bố, trong những năm tới, mục tiêu xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ là 5 tỷ USD. Và hiện nay, ngành công nghiệp quốc phòng Ấn Độ đang tham gia một cách đáng kể vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nước này đang cung cấp cho các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) hàng đầu trên toàn thế giới với minh chứng là gần 50% hàng xuất khẩu quốc phòng của Ấn Độ từ ngành công nghiệp quốc phòng đến các OEM hàng đầu ở Hoa Kỳ. Hải quân Mỹ đã bắt đầu gửi tàu đến các nhà máy đóng tàu của Ấn Độ vì nhận thấy khả năng của các nhà máy đóng tàu nước này đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất trên thế giới…
Không chỉ trong sản xuất quốc phòng, hệ sinh thái đổi mới được phát triển theo chương trình iDEX, cũng như các chương trình Make-2 của DRDO, đang thu hút sự quan tâm từ các quốc gia lớn trên thế giới gồm: Mỹ, Anh và Australia cùng một số quốc gia khác ở châu Á, châu Phi. Sự bổ sung mới nhất cho các nỗ lực bản địa hóa là tàu sân bay. Được thiết kế bởi Hải quân Ấn Độ và sản xuất bởi Nhà máy đóng tàu Cochin, tàu sân bay Vikrant (có tải trọng 45.000 tấn, dài 262m, được cung cấp năng lượng bởi 4 tuabin khí với tổng công suất 88 MW và có tốc độ tối đa 28 hải lý/giờ) đã đưa Ấn Độ vào liên minh nhóm nhỏ các quốc gia có khả năng thiết kế và chế tạo tàu sân bay.
Chưa hết, Ấn Độ cũng đã nghiên cứu công nghệ tên lửa trong nhiều thập kỷ. Sau khi nhận ra tầm quan trọng của các hệ thống vũ khí tên lửa dẫn đường trong chiến tranh hiện đại, chính phủ đã thành lập Đội phát triển vũ khí đặc biệt vào năm 1958. Đội này đã được mở rộng thành một phòng thí nghiệm dưới tên gọi Phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển quốc phòng (DRDL) vào năm 1961. Nhưng mãi đến năm 1982, DRDL mới đảm nhận việc thiết kế và phát triển nhiều loại hệ thống tên lửa khác nhau và bắt đầu sản xuất chúng theo Chương trình phát triển tên lửa dẫn đường tích hợp (IGMDP).
Trong những năm qua, Ấn Độ đã phát triển thành công 5 tên lửa: Prithvi, Agni, Akash, Trishul, Nag. Trong vài năm gần đây, đã có một bước nhảy vọt trong việc phát triển các hệ thống và nền tảng tiên tiến cho công nghệ tên lửa của Ấn Độ và nước này đang tìm cách bán tên lửa cho thế giới. Tên lửa hiện là một trong những mặt hàng trọng điểm trong danh mục cấm nhập khẩu do Bộ Quốc phòng Ấn Độ ban hành năm 2020, nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và tự lực. Tổng cộng có 411 mặt hàng và thiết bị quốc phòng đang được sản xuất bởi các công ty và tổ chức khác nhau trong nước và được chính phủ mua sắm theo các sáng kiến khác nhau. Đây là một thành tựu to lớn, trong bối cảnh chỉ vài thập kỷ trước, nhiều tổ chức quốc tế đã ban hành lệnh trừng phạt và hạn chế nhằm ngăn cản Ấn Độ phát triển chương trình tên lửa của riêng mình.