Án văn chương ở nước ta

Thứ Năm, 11/07/2024, 09:01

Văn chương nhiều khi như con dao hai lưỡi. Khi thuận tiện, nó là nấc thang nâng đỡ tác giả, nhưng khi bất lợi, nó trở thành bằng chứng để kết tội người viết. Lịch sử đã ghi nhận rất nhiều vụ án văn chương như vậy, tiêu biểu như các vụ án của Nguyễn Sư Hồi thời Lê sơ, hay của Nguyễn Văn Thuyên thời Nguyễn. Cả hai người này đều là con của các vị công thần khai quốc của triều đại.

Vụ án của Nguyễn Sư Hồi

Nguyễn Sư Hồi là con của danh thần Nguyễn Xí, người có nhiều chiến công khi cùng Vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh ra khỏi nước ta.

vanthanh.jpg -0
Tượng Nguyễn Văn Thành, vị quan triều Nguyễn bị mất cả danh dự, tính mạng vì án văn chương của con trai.

Nguyễn Sư Hồi sinh năm 1444, dưới thời Vua Lê Nhân Tông. Tuổi trẻ nhưng ông đã theo cha học tập cả việc văn, việc võ. Trong cuộc binh biến năm 1460, ông đã phụ tá đắc lực cho cha trong việc chỉ huy cấm binh lật đổ vị vua tiếm quyền Lê Nghi Dân, phò tá Gia vương Lê Tư Thành lên ngôi, tức Vua Lê Thánh Tông. Do đó, cha con Nguyễn Sư Hồi luôn được Vua Lê Thánh Tông ưu ái. Trong danh sách ban ruộng, ban đất thưởng cho những người có công đưa Vua Lê Thánh Tông lên ngôi, Nguyễn Sư Hồi cũng được xếp ở giữa.

Năm Quang Thuận thứ 3 (1462), Nguyễn Sư Hồi mới 19 tuổi, đã làm chức võ tướng quan trọng. Nhưng, có lẽ vì còn quá trẻ nên ông đã mắc một sai lầm quan trọng, bị khép vào tội chết. “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: “Tháng 3, (vua) tha tội chết cho Nguyễn Sư Hồi”.

Đầu đuôi vụ án được kể lại trong “Toàn thư” như sau: Bấy giờ Sư Hồi muốn hại bọn Lê Niệm, làm một bài thơ vứt ra đường, khiến người lưu truyền đến tai vua. Bài thơ viết: “Nhân hữu nhị tâm vưu khả nghi/ Tự lai chung cánh hiếu vi phi/ Thổ biên hữu hoặc chân dung bạo/ Thủy tại tây bàng xã tắc nguy”.

Nghĩa là: Người có hai lòng rất đáng nghi (các chữ Nhân, Nhị, Tâm ghép lại thành chữ Niệm, ý nói Lê Niệm rất đáng nghi ngờ)

Giống chữ "lai" đó thích vi phi (giống chữ Lai là chữ Lỗi, chỉ Lê Lỗi)

Bên "thổ" có "hoặc" thực hung bạo (bên chữ Thổ có chữ Hoặc là chữ Vực, chỉ Lê Thọ Vực). "Thủy" sát bên "tây" xã tắc nguy (bộ Thủy ở cạnh chữ Tây là chữ Sái, ám chỉ Trịnh Văn Sái).

Vua Lê Thánh Tông mới dụ các quan trong triều: "Sư Hồi vì có công trung hưng cùng với cha là Xí có công lao lớn trong buổi khai quốc (tức đưa nhà vua lấy lại ngôi báu), nên tha tội chết. Còn bọn Trịnh Lý thì triều thần các ngươi cùng bàn xử".

Sau đó, vua sắc dụ Tả đô đốc Lê Thọ Vực rằng: "Bài thơ yêu ma đó chưa chắc là do Sư Hồi làm, trong chỗ còn ngờ cũng có thể vu oan được. Những câu về Lê Niệm, Nguyễn Lỗi, Trịnh Văn Sái thì có ngờ cho nó còn được, chứ Thọ Vực thì chỉ nói là hung bạo, thực ra chưa đến mức phản nghịch thì sao lại đổ cho Sư Hồi làm? Nếu nó đáng chết nữa thì cũng là trời hại nó, sao nhà ngươi lại manh tâm báo thù nó?".

Lời răn của nhà vua rõ ràng có ý bênh vực cho Sư Hồi. Theo các sử quan triều Lê thì Nguyễn Sư Hồi làm bài thơ này chưa kịp lưu truyền thì tình gian bị bại lộ. Các quan bị nêu tên trong bài thơ đều xin trị tội Sư Hồi nên vua có dụ này để răn bọn Thọ Vực.

Sử gia Lê Quý Đôn cuối triều Lê, trong sách “Đại Việt thông sử” thì đánh giá Nguyễn Sư Hồi "tính người giảo quyệt, thâm hiểm, làm thơ nặc danh vứt ra ngoài đường, cho truyền đến tai vua, muốn lật đổ Lê Niệm và Nguyễn Lỗi". Tuy nhiên, đời sau khó có thể đánh giá chính xác nên có lẽ theo lời nói của Vua Lê Thánh Tông về vị tướng này là xác đáng hơn cả. Sử sách sau này không viết thêm về hành trạng của Nguyễn Sư Hồi, chỉ có các thần tích địa phương cho biết ông chỉ huy thủy quân bảo vệ vùng biển phía Nam đất nước, lập nhiều chiến công, sau khi mất được dân thờ làm thành hoàng ở cạnh quân doanh, làng Vạn Lộc (nay là phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An).

Vụ án Nguyễn Văn Thuyên

Triều Nguyễn, Nguyễn Văn Thành là một trong những võ tướng quan trọng, cùng Lê Văn Duyệt, Lê Chất, Nguyễn Huỳnh Đức... lập công lớn giúp Vua Gia Long lên ngôi. Sau đó, ông nhiều lần được cử giữ những chức vụ quan trọng của đất nước, như Tổng trấn Bắc Thành (cai quản miền Bắc), Tổng tài biên soạn “Hoàng Việt luật lệ”, “Quốc triều thực lục”. Tuy nhiên, con đường công danh của ông bị ảnh hưởng vì vụ án văn tự của con trai ông vào năm Ất Hợi (1815).

khuevancac.jpg -0
Nguyễn Văn Thành là người có công xây dựng Khuê Văn Các ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), nhưng kết cục ông lại mất tất cả vì án văn chương.

Theo bộ sử nhà Nguyễn “Đại Nam thực lục” thì lúc này Nguyễn Văn Thành nhiều lần khiến vua phật ý, khi đề xuất việc chọn người nối ngôi. “Văn Thành tự biết không được thỏa ý, càng thêm ngờ sợ”, sách này viết.

Đại Nam thực lục” mô tả tiếp: “Con Thành là Văn Thuyên nhòm biết ý cha, thầm mang lòng phản trắc, bèn kết giao khách khứa, kết riêng bè đảng. Văn Thành cũng không ngăn cấm. Khi ấy, có người Thanh Hoa là Nguyễn Trương Hiệu tự đến xin làm môn khách của Văn Thuyên. Ở không bao lâu, Văn Thuyên sai về. Trương Hiệu nói với đồng quận là Thiêm sự Hình Bộ Nguyễn Hựu Nghi rằng Văn Thuyên ngầm muốn nổi loạn, dùng thơ sai Trương Hiệu gọi bọn người trong quận là Nguyễn Văn Khuê, Nguyễn Đức Nhuận, lời rất bội nghịch.

Bài thơ rằng:

Văn đạo Ái Châu đa tuấn kiệt/ Hư hoài trắc tịch dục cầu ti/ Vô tâm cửu bảo Kinh Sơn phác/ Thiện tướng phương tri Ký Bắc kỳ/ U cốc hữu hương thiên lý viễn/ Cao cương minh phượng cửu cao tri/ Thử hồi nhược đắc sơn trung tể/ Tá ngã kinh luân chuyển hóa ky”.

Dịch nghĩa là:

Nghe nói Ái Châu nhiều tuấn kiệt/ Dành để chiếu bên ta muốn chờ/ Vô tâm ôm mãi ngọc Kinh Sơn Tay sành mới biết ngựa Ký Bắc/ Thơm nghìn dặm lan trong hang tối/ Vang chín chằm phượng hót gò cao/ Phen này nếu gặp tể (tướng) trong núi/ Giúp ta kinh luân chuyển hóa cơ.

Nguyễn Hựu Nghi sai Trương Hiệu đem thơ ấy tố cáo với Lê Văn Duyệt. Do Lê Văn Duyệt vốn không ưa Nguyễn Văn Thành nên đem thơ phản nghịch của Văn Thuyên dâng lên. Vua cho rằng, sự trạng chưa được rõ rệt, sai hãy để đấy mà trả bài thơ ấy về.

Trương Hiệu nhân thế giữ bài thơ làm bằng chứng, thường đến gặp Văn Thuyên đòi hối lộ. Văn Thuyên cho mãi vẫn không vừa. Hiệu bèn lẻn đợi Văn Thành lúc tan chầu, đứng ở bên đường nắm lấy vạt áo mà hỏi mãi. Văn Thành bất đắc dĩ phải bắt cả Trương Hiệu và Văn Thuyên đưa cho phủ Quảng Đức (phủ quản lý vùng kinh thành) tra hỏi, rồi tự rảo vào chầu, đem việc tâu lên vua. Nhà vua sai đình thần xét án, Trương Hiệu đã khai đủ về tình trạng mưu phản của Văn Thuyên và nói có môn khách của Văn Thuyên là Đỗ Văn Chương làm chứng, nhưng lúc đó Văn Chương đã về Gia Định. Vua bèn tha Văn Thuyên ở ngục ra mà hạ lệnh bắt Văn Chương về kinh để đối chất.

Vụ việc đang đình ở đó thì đến mùa xuân năm Gia Long thứ 15 (1816), khi viên Ký lục Quảng Trị là Nguyễn Duy Hòa vào kinh chầu, đã dâng sớ hạch tội cha con Nguyễn Văn Thành, đề nghị nhà vua xét xử. Nguyễn Duy Hòa còn chất vấn thêm rằng: “Huống chi Văn Thành soạn điều luật, tự tiện bỏ mất điều kết giao cận thị (tức quy định cấm các quan không được chơi với kẻ hầu gần), cử Trần Hựu là người bậy mà giấu tội cưỡng dâm với vợ người, âm mưu kết bè đảng, dối người trên làm việc riêng, xây dựng mồ mả cho mẹ thì vượt phép phạm phận, xét đạo của người bầy tôi, tội rất lớn vậy. Nay, bệ hạ nếu thương là người có công, cũng nên giao cho công luận, lấy phép mà trị, rồi sau lấy ơn mà chu toàn cho, thế thì phép nước được tỏ bày mà kẻ gian thì biết sợ hãi”.

Sớ này được nhà vua giao xuống cho quần thần bàn nghị. Nguyễn Văn Thành chỉ nhận một lỗi là cử nhầm Trần Hựu, dâng sớ chịu tội, còn các khoản khác đều cãi cả. Vua nhân nói đến bài thơ nghịch của Văn Thuyên và dụ bầy tôi rằng: “Ý thơ của Văn Thuyên sao mà tiếm bội thế! Phàm có Lương Vũ đế làm vua rồi sau mới có tể tướng trong núi chứ. Văn Thuyên là người thế nào mà muốn được tể tướng trong núi?”. Tham tri Hình Bộ là Võ Trinh cố giải theo nghĩa cưỡng ép, nhưng nhà vua nín lặng, cho thấy được kết cục vụ án sẽ như thế nào rồi.

Khi triều đình đem ra xử án, Văn Thuyên đều không nhận bức thư do mình viết. Phải đến khi vua sai Lê Văn Duyệt tra hỏi, Thuyên mới nhận tội, do đó Văn Thành sợ hãi xin chịu tội. Các quan xin hạ ngục Văn Thành, nhưng Vua Gia Long nói: “Văn Thành là kẻ có tội, nhưng thể thống đối với đại thần, cũng nên có cách xử trí”. Bèn sai thu ấn và khiến về ở nhà riêng. Vua bảo bầy tôi rằng: “Văn Thành thân làm đại thần mà dung túng cho con kết nạp môn khách là hiếu danh ư? Hay ý muốn làm gì? Có người tôi như thế xử trí thực khó. Nếu không bảo toàn được công thần thì cũng không phải là việc hay của trẫm, thế mới khó chứ!”.

Đến khi án dâng lên vua (tháng 6/1817), Văn Thành bị xử tội chết. Ông phẫn chí bèn về nhà uống thuốc độc tự sát. Chỉ khi quân lính nhặt được tờ di chiếu kêu oan của ông để lại, Vua Gia Long mới khóc mà dụ rằng: “Văn Thành từ lúc trẻ theo trẫm có công lao to. Nay, nhất đán đến nỗi chết, trẫm không bảo hộ được ấy là trẫm kém đức”. Sau đó, vua sai một cai đội Trung quân và 30 binh lính làm việc tang, cho 500 quan tiền cấp trả mũ áo, cho thêm 3 cây gấm Tống, 10 tấm vải và 10 tấm lụa. Các con ông đang bị giam tha ra hết. Riêng Nguyễn Văn Thuyên, sau này do có vụ mưu phản loạn của Lê Duy Hoán (hậu duệ vua Lê), cả Nguyễn Văn Thuyên và Lê Duy Hoán đều bị xử lăng trì.

Phải đến tận năm 1868, khi Vua Tự Đức truy xét công trạng, mới xuống chiếu giải oan cho Nguyễn Văn Thành, cho ông liệt dự miếu Trung hưng công thần, truy phục chức Chưởng Trung quân đại tướng quân, tước quận công. Riêng tội trạng của Nguyễn Văn Thuyên thì mãi mãi không bao giờ được xét đến. 

Lê Tiên Long
.
.