An toàn bầu cử trên mạng xã hội: Chuyện không của riêng ai
Sự phát triển của mạng xã hội (MXH) đang tác động vào đời sống chính trị khắp nơi. Trong "năm siêu bầu cử 2024", vấn đề này càng trở nên nóng bỏng.
Sức ảnh hưởng lớn
Theo Statista, nền tảng nghiên cứu thị trường lớn nhất thế giới, tính đến tháng 3/2024, tổng số người dùng MXH trên toàn cầu đã lên tới 5,04 tỷ người, chiếm 61% dân số thế giới. Tốc độ tăng trưởng người dùng hàng năm tính từ 2015 tới nay là 12,5%. Trong đó, Facebook trở thành MXH phổ biến nhất với khoảng 3 tỷ người dùng đăng nhập mỗi tháng, tiếp theo là Youtube, WhatApps, Instagram, Wechat … Riêng tại Mỹ, gần 80% tổng số người dùng Internet đều sử dụng ít nhất 1 nền tảng MXH nào đó.
Với sự bùng nổ Internet, công nghệ thông tin và thiết bị di động, tham gia MXH đã trở thành hoạt động hàng ngày của phần đông dân số. Vì MXH nuôi dưỡng sự tương tác giữa mọi người nên chúng càng mạnh mẽ hơn khi có thêm người dùng. Nhờ có MXH, mỗi người có quan điểm riêng đều cảm thấy rằng mình không đơn độc. Và khi những người này tìm thấy nhau qua MXH, họ có thể làm nhiều việc nhằm củng cố thế giới quan của họ để trở thành xu hướng phổ biến.
Các nghiên cứu cho thấy, nếu không có MXH, các vấn đề như tệ nạn xã hội, đạo đức, môi trường và chính trị sẽ ít được nhắc đến. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của trong hơn chục năm qua, khả năng nhận biết các vấn đề ngày càng tăng đã dẫn đến hiện tượng chuyển cán cân quyền lực từ tay một số ít sang tay đại chúng. MXH đang định hình lại nhiều vấn đề, đặc biệt đáng chú ý là tác động tới hoạt động chính trị.
Một nghiên cứu từ Pew Research cho thấy khoảng 1/5 người trưởng thành ở Mỹ nhận tin tức chính trị chủ yếu thông qua MXH. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người này có xu hướng ít thông tin hơn và nhiều khả năng gặp phải những thông tin chưa được xác nhận chính thức hơn. Đó là đặc tính của truyền thông qua MXH, nó có xu hướng 1 chiều phụ thuộc vào người đón nhận.
So với các phương tiện truyền thông khác, tầm ảnh hưởng của MXH trong các chiến dịch chính trị đang tăng nhanh, đặc biệt trong các cuộc bầu cử . Tờ New York Times từng khẳng định rằng "Cuộc bầu cử tổng thống của ông Donald Trump (năm 2016) là minh họa rõ ràng nhất cho thấy MXH đang giúp tái thiết lại xã hội". Nhưng ảnh hưởng của cuộc bầu cử năm 2016 vẫn chưa là gì so với cuộc bầu cử 2021, khi một làn sóng bạo loạn thông qua MXH đã bùng nổ sau thất bại của chính ông Trump.
Nhiều lo lắng
Ba năm sau vụ việc ở điện Capitol, thuyết âm mưu bầu cử sai lầm dẫn đến vụ bạo loạn vẫn còn phổ biến trên MXH. Các biện pháp bảo vệ chống lại những tuyên bố sai sự thật trong lần bầu cử trước đang giảm sút, trong khi các công cụ truyền bá chúng ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Khi cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo chỉ còn chưa đầy nửa năm nữa, các chuyên gia cảnh báo rằng mọi chuyện có thể sẽ tồi tệ hơn.
Một nghiên cứu của tờ New York Times cho thấy, nhiều người Mỹ vẫn tiếp tục giữ quan điểm: cuộc bầu cử năm 2021 không thể tin cậy được. Trong khi đó, các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) đã giúp việc truyền bá thông tin sai lệch gây hiểu lầm cho cử tri trở nên rẻ hơn và dễ dàng hơn. Những hình ảnh, video bị thao túng xung quanh các cuộc bầu cử không có gì mới, nhưng năm 2024 sẽ là lần đầu tiên các công cụ AI phức tạp có thể tạo ra những thông tin giả thuyết phục trong vài giây chỉ bằng vài cú nhấp chuột. Các hình ảnh, video và clip âm thanh bịa đặt được gọi là "deepfake", và nó đang ngày càng phổ biến.
Tiến sĩ Oren Etzioni, một chuyên gia AI tại Đại học Washington cho biết các phiên bản "độc ác" hơn ngày càng dễ dàng lan truyền. "Sẽ có một cơn sóng thần thông tin sai lệch", ông nói. "Tôi hy vọng mình sai. Nhưng tất cả sẵn có và tôi thấy sợ hãi", thậm chí "Bạn có thể thấy một ứng viên nói những điều mà họ chưa bao giờ thực sự nói".
Nhà nghiên cứu Kathleen Hall Jamieson tại Đại học Pennsylvania cho biết khi đối mặt với nội dung được tạo ra trông giống như thật, "mọi thứ mà chúng ta học được qua quá trình tiến hóa sẽ khiến chúng ta tin vào sự bịa đặt hơn là thực tế". Vì vậy, Ủy ban Bầu cử Liên bang Mỹ đã phải tìm đến những biện pháp bảo vệ thông tin mới, nhưng họ vẫn chưa thể xây dựng bộ quy tắc hoặc luật nào cho vấn đề này.
Một số tiểu bang đã thông qua luật yêu cầu phải dán nhãn cho các sản phẩm deepfake, thậm chí cấm những thông tin xuyên tạc. Một số công ty truyền thông xã hội, bao gồm YouTube và Meta đã đưa ra chính sách ghi nhãn AI. Nhưng vẫn còn phải xem liệu họ có thể trừng phạt được những kẻ vi phạm một cách nhất quán hay không. Và, không chỉ ở Mỹ, MXH đang ảnh hưởng tới đời sống chính trị khắp toàn cầu.
Đòi hỏi giám sát
Với 65 cuộc bầu cử diễn ra trong năm 2024, nỗi sợ deepfake đã khiến nhiều người phải hành động. Liên minh Công lý Công nghệ toàn cầu (GCTJ) tập hợp các nhóm xã hội dân sự, các nhà hoạt động và chuyên gia đã kêu gọi các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech), bao gồm Meta, Google, X và TikTok xử lý vấn đề. GCTJ đã phát động chiến dịch "Năm Dân chủ" đồng thời yêu cầu Big Tech phải phát triển và công khai các kế hoạch bảo vệ thông tin bầu cử cho hơn hai tỷ cử tri trên toàn thế giới. Mục đích của họ là "bảo vệ an toàn" cho những cuộc bầu cử. Tuy nhiên, nỗ lực này đang bị coi nhẹ.
Trong thông cáo mới nhất tháng 4/2024, GCTJ nêu rõ: "Các nền tảng công nghệ đã giảm đầu tư vào an toàn nền tảng và hạn chế quyền truy cập dữ liệu, ngay cả khi họ tiếp tục thu lợi từ những quảng cáo kích động và thông tin sai lệch".
Từ tháng 7/2023, CCTJ đã yêu cầu Big Tech thiết lập tính minh bạch, kế hoạch cụ thể cho năm bầu cử sắp tới ở từng quốc gia. Nhưng những lời kêu gọi đó phần lớn đã bị bỏ qua. Bà Mona Shtaya, người quản lý chiến dịch lưu ý "mặc dù nhiều công ty trong số này đã xuất bản các thông cáo báo chí về cách tiếp cận năm bầu cử, nhưng chúng mơ hồ và thiếu thông tin chi tiết về từng quốc gia", đặc biệt "dường như tập trung một cách không cân đối vào cuộc bầu cử ở Mỹ".
Bà Shtaya, người cũng là Trưởng nhóm Tương tác doanh nghiệp tại Digital Action, cho biết: "Bởi vì họ phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý và chính trị ở Mỹ, nên họ đang thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn ở đó. Nhưng ở phần còn lại của thế giới, có những bối cảnh khác nhau dẫn đến việc lan truyền thông tin sai lệch".
Từ lâu, các nền tảng công nghệ đã nổi tiếng vì thiếu đầu tư vào việc kiểm duyệt nội dung bằng các ngôn ngữ không phải tiếng Anh, đôi khi gây ra hậu quả nguy hiểm. Tại Ấn Độ, nơi bắt đầu cuộc bầu cử quốc gia vào trung tuần tháng 4, những phát biểu chống người Hồi giáo dưới thời chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc Hindu đã khiến bạo lực gia tăng. Bất chấp rủi ro của như vậy, các nhà quan sát cảnh báo rằng lời nói căm thù chống Hồi giáo và phân biệt giới tính tiếp tục lan tràn trên các MXH như Facebook, Instagram và YouTube . Ở Nam Phi, nơi sẽ diễn ra các cuộc bầu cử vào tháng 5, tư tưởng bài ngoại trực tuyến đã biểu hiện thành bạo lực ngoài đời thực nhắm vào người lao động nhập cư và người tị nạn - điều mà các nhà quan sát cho rằng các nền tảng truyền thông xã hội đã không làm được gì để hạn chế. CCTJ đã chỉ ra 10 quảng cáo không phải tiếng Anh của Facebook, TikTok và YouTube vẫn đang được sử dụng mặc dù vi phạm quy định của từng nền tảng về chống phát ngôn thù hận.
CCTJ cho rằng thay vì đầu tư vào việc kiểm duyệt nội dung rộng rãi hơn, các Big Tech đang làm ngược lại. Trong năm qua, Meta, Twitter và YouTube đã cùng nhau loại bỏ 17 chính sách nhằm bảo vệ chống lại phát ngôn thù hận và thông tin sai lệch. Mới tháng trước, Meta đã công bố quyết định đóng cửa CrowdTangle, một công cụ được sử dụng để theo dõi thông tin sai lệch và nội dung lan truyền trên Facebook và Instagram vào ngày 14/8 tới. Quỹ Mozilla và 140 tổ chức xã hội dân sự khác đã lên án hành động này và coi đó là "mối đe dọa trực tiếp đối với khả năng bảo vệ tính liêm chính của các cuộc bầu cử".
Trong khi đó, các trò giả mạo chính trị đã xuất hiện trong các cuộc bầu cử ở Slovakia (nơi các bản ghi âm do AI tạo ra cho thấy một ứng cử viên khoe khoang về việc gian lận) và Pakistan (nơi video về một ứng cử viên kêu gọi cử tri tẩy chay bầu cử). Gần như chắc chắn, những nội dung tương tự sẽ xuất hiện trong cuộc tranh cử khác nữa. Năm ngoái, cựu Tổng thống và ứng cử viên tổng thống được cho là của đảng Cộng hòa Donald Trump đã xuất hiện trên một video bị chỉnh sửa bằng cách sử dụng tính năng sao chép giọng nói của người dẫn chương trình Anderson Cooper. Gần đây hơn, một cuộc gọi tự động giả giọng Tổng thống Biden được phát tán với mục đích ngăn cản cử tri tham gia cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở New Hampshire chỉ vài ngày trước cuộc bỏ phiếu.
Dĩ nhiên, đây không phải là lần đầu tiên các công ty công nghệ bị chỉ trích nhưng dường như áp lực vẫn chưa đủ để họ thay đổi. Hôm 9/4/2024, một liên minh gồm hơn 200 tổ chức xã hội dân sự, nhà nghiên cứu và nhà báo đã gửi thư tới lãnh đạo Big Tech yêu cầu "hành động nhanh chóng" để chống lại thông tin sai lệch do AI điều khiển và củng cố việc kiểm duyệt nội dung, tăng cường công cụ giám sát và thực hiện chính sách liêm chính trong bầu cử. Nhưng tất cả vẫn không có ý nghĩa gì cho đến khi mọi thứ được "luật hóa", thứ mà chúng ta vẫn còn phải chờ thêm ít nhất vài năm nữa.