Ân điển vua ban

Chủ Nhật, 29/05/2022, 20:56

Thời xưa, quan văn, tướng võ giữ chức cao, lập công lớn đều được nhà vua ban thưởng, từ cấp đất, thưởng tiền. Ngoài ra, còn nhiều hình thức ban tặng những ân điển khác nữa.

Hình thức ân điển đơn giản nhất là cấp đất cho công thần. Sử viết, năm 1453, niên hiệu Thái Hòa thứ 11, vua trẻ tuổi Lê Nhân Tông bắt đầu tự coi chính sự, đổi niên hiệu sang Diên Ninh năm thứ nhất, đã ra các lệnh ân xá, trong đó cho tăng chức 1 bậc cho các công thần Lê Lễ, Lê Bị, Lê Triện và cấp một trăm mẫu quan điền cho các công thần Lê Sát, Lê Ngân, Lê Khả, Lê Khiêm, Trịnh Khắc Phục.

Vua Lê Thánh Tông sau khi lên ngôi năm 1460 cũng lập tức ban ân điển cho các đại công thần, như cấp ruộng thế nghiệp cho 30 viên quan, số mẫu ruộng có thứ bậc khác nhau: Lê Lăng 300 mẫu, Lê Niệm 200 mẫu, Lê Nhân Thuận 130 mẫu, Lê Thọ Vực, Lê Sư Hồi, Lê Nhân Khoái 150 mẫu, từ Trịnh Văn Sái trở xuống, đều được cấp ruộng theo thứ bậc khác nhau.

Ân điển vua ban -0
Các vị quan trong một buổi thiết triều. Ảnh: L.G

Việc cấp ruộng thưởng công từng được ghi nhận vào thời Lý Thái Tông, khi nhà vua muốn thưởng công cho viên tướng thân cận Lê Phụng Hiểu. Đáp lại ý nhà vua, Lê Phụng Hiểu nói: "Thần không muốn thưởng tước, xin cho đứng trên núi Băng Sơn ném đao lớn đi xa, đao rơi chỗ nào trong đất công thì xin ban cho làm sản nghiệp". Vua nghe theo. Theo lời ghi trong "Đại Việt sử ký toàn thư" thì "Phụng Hiểu lên núi, ném đao xa đến hơn nghìn dặm, đao rơi xuống hương Đa Mi (ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa, quê của Phụng Hiểu). Vua bèn lấy số ruộng ấy ban cho, tha thóc thuế cho ruộng ném đao ấy. Vì vậy, người châu Ái gọi ruộng thưởng công là ruộng thác đao (ném đao)". Chuyện ném đao đến nghìn dặm hẳn không ai có thể tin nhưng việc Vua Lý Thái Tông đồng ý, chứng tỏ ân điển của nhà vua ban cho Lê Phụng Hiểu lớn đến nhường nào.

Sang thời Trần, triều đình có chế độ điền trang, thái ấp ban cho các vương hầu, quý tộc, như Trần Thủ Độ có thái ấp Quắc Hương, Trần Hưng Đạo có thái ấp Vạn Kiếp, Trần Quang Khải có thái ấp Kẻ Lầm... Sử sách chỉ nói đến các thái ấp, ruộng riêng của các thành viên hoàng tộc, kể cả các công chúa hay cung phi, còn điền sản các quan thế nào không nói rõ. Chỉ một số trường hợp đặc biệt được sử sách ghi lại, như Điện súy Thượng tướng quân Phạm Ngũ Lão được vua ban cho phủ đệ ở vườn cau trong thành, nhưng không nói ông được ban bao nhiêu ruộng đất ở ngoài thành. Việc lập quân công được ban ân điển thì ở thời Trần, gia đồng của các vương cũng được dự phần. Đó là chuyện đời Trần Hiến Tông, năm 1337, Hưng Hiếu vương đi dẹp người Man Ngưu Hống, trong chiến dịch này, gia đồng của Hưng Hiếu vương là Phạm Ngải có lập chiến công. Khi xét công, Thượng hoàng Trần Minh Tông nói: "Gia nô tuy có chút công lao nhưng không được dự vào quan tước triều đình", sau đó, vua xuống chiếu cấp cho Phạm Ngải 5 phần suất ruộng.

Khi Phạm Ngũ Lão qua đời năm 1320, Vua Trần Minh Tông cho nghỉ chầu 5 ngày, "Toàn thư" chép rằng "đó là ân điển đặc biệt". Tuy nhiên, việc triều đình nghỉ chầu để tưởng nhớ bậc công thần có lệ từ thời Lý, như năm 1179, khi Thái úy Tô Hiến Thành mất, Vua Lý Cao Tông thương tiếc cho nghỉ chầu tận 7 ngày, ăn chay 3 ngày. Ân điển này được các triều đình về sau áp dụng để tưởng nhớ các công thần. Như vào thời Nguyễn, năm Tự Đức thứ 29 (1876), em vua là Kiên quốc công Hồng Cai mất, Vua Tự Đức vô cùng thương tiếc, nghỉ chầu 3 ngày, ban thụy là Thuần Nghị, lại cho thêm quan tài của Đông Viên để tỏ lòng yêu quý khác thường.

Để thưởng công, đồng thời nhắc nhở các quan hết lòng với công việc của mình, các vua Trần cũng có những ân điển đặc biệt. Như viên kiểm pháp quan cương trực Trần Thì Kiến được Vua Trần Anh Tông ban tặng chiếc hốt ngà có khắc bài minh ngự chế "Thái Sơn trinh cao, tượng hốt trinh liệt. Linh trãi tiến giác, Vi hốt nan chiết", nghĩa là "Thái Sơn rất cao, hốt ngà rất cứng, linh trãi dâng sừng, làm hốt khó gãy", ý nhắc ông luôn ngay thẳng thực thi chức trách quan trọng. Đời Vua Trần Minh Tông, năm Khai Thái thứ nhất (1324), nhà vua ban cho Đại hành khiển Thượng thư tả bộc xạ Trần Bang Cẩn, "người tín thực giữ gìn, giản dị điềm tĩnh, không xa hoa" bức tranh và bài thơ, đại ý rằng:

Cốt cách dáng hình chịu rét đông,

Hiên ngang tướng mạo thực nên trông.

Phong lưu mọi vẻ đều nên cả,

Vẽ sao canh cánh tấm lòng trung.

Cũng để nhắc viên quan này luôn giữ nét thanh bạch, tận trung với nhà vua.

Ân điển vua ban -0
Các vị quan ở sân điện Thái Hòa. Ảnh: L.G

Đời Trần Minh Tông, viên Trung thư thị lang tri Thẩm hình viện sự Bùi Mộc Đạc cũng đã được nhà vua cho vẽ chân dung cất ở nhà sách, vì nhà vua muốn dùng ông vào chức to hơn nữa. Nguyên nhân là Thượng hoàng Trần Anh Tông trước khi băng hà có dặn Vua Minh Tông: "Mộc Đạc trải thờ ba triều, là người cung kính, thận trọng, giữ gìn, học thức khả quan, nên đãi ngộ cho khéo, chớ để bị người ta ngăn trở". Tuy nhiên, Vua Minh Tông chưa kịp cất nhắc Bùi Mộc Đạc thì tháng 3-1326, vị quan này mất, thọ 62 tuổi, nhà vua rất thương xót.

Có những ân điển chỉ về mặt lễ nghi nhưng đem lại vinh dự, vẻ vang cho người được hưởng. Như đời Trần Hiến Tông, năm Khai Hựu thứ 7 (1335), Thượng hoàng Trần Minh Tông thân chinh đi đánh Ai Lao thì Đỗ Thiên Hư chỉ huy quân Khoái Hộ (tức quân Thần Sách) đang bị ốm nặng. Thượng hoàng bảo ông ở lại kinh thành nhưng Thiên Hư vẫn sai người nhà khiêng mình đến ngoài cửa Vĩnh An, cố xin theo xa giá và nói: "Thần thà chết ngoài cửa quân dinh chớ không muốn chết trong giường đệm". Thượng hoàng khen ngợi chí khí của ông, cho đi theo, khi vào đất giặc thì chết. Thượng hoàng than thở, thương tiếc, sắc cho dùng nhạc Thái thường để cúng tế. Bấy giờ cúng tế thông thường mà dùng nhạc Thái thường, tức nhạc nghi lễ cao nhất của triều đình, thì chỉ có chức hành khiển (tể tướng) mới được, chức thẩm hình chỉ được dùng trai nội tế. Vậy mà Đỗ Thiên Hư được tế bằng Thái thường là ân sủng đặc biệt, không kém gì hành khiển. Sau này Nguyễn Dũ chết cũng như vậy.

Đôi khi, có những khi ân điển đến rất bất ngờ, như Phạm Ứng Mộng được Vua Trần Thái Tông cho làm hành khiển chỉ vì một giấc mơ. Đó là chuyện năm 1254, nhà vua nằm mơ thấy mình đi chơi, gặp thần nhân, được thần nhân chỉ cho một người rồi bảo người này có thể làm chức hành khiển. Tỉnh dậy, vua chẳng biết đấy là người nào. Một hôm tan chầu, vua ngự ra ngoài thành, thấy người con trai ngồi học ở cửa Nam thành, hình dáng giống hệt người trong mộng. Vua gọi đến hỏi, người đó ứng đối chẳng khác gì những lời trong mộng. Vua muốn trao cho chức hành khiển nhưng thấy khó, mới cho 400 quan tiền bảo tự hoạn, ban tên Ứng Mộng. Sau này Ứng Mộng được thăng dần đến chức hành khiển.

Trong khi đó, thời Trần Anh Tông, người học sinh Đoàn Nhữ Hài còn được hưởng ân điển của nhà vua một cách đột ngột hơn. Đó là sự kiện diễn ra năm 1299, khi ông giúp nhà vua viết và dâng bài biểu tạ tội lên Thượng hoàng ở Thiên Trường, sau khi Thượng hoàng giận nhà vua say rượu, bỏ bê việc triều chính. Nhờ đó, Anh Tông tiếp tục được làm vua, nên khi từ Thiên Trường trở về kinh, liền phong Đoàn Nhữ Hài làm Ngự sử trung tán, khi ông chỉ mới 19-20 tuổi, chưa từng qua khoa cử lần nào. Bấy giờ có người ghen Nhữ Hài tuổi trẻ làm quan to, đã làm thơ chế giễu rằng: "Phong hiến luận đàm truyền cổ ngữ, Khẩu tồn nhữ xú Đoàn trung tán" (Ôn câu chữ cổ, đài ngự sử, Miệng sữa còn hôi: Trung tán Đoàn).

Ngoài ban đất, phong quan chức, một ân điển nữa là quyền hành. Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn với công lao tột bậc, vua Trần ban cho ông được quyền phong tước cho người khác, từ tước minh tự trở xuống, chỉ có tước hầu thì phong tước rồi tâu sau. Nhưng, Hưng Đạo Đại vương chưa bao giờ phong tước cho một người nào. Khi giặc Nguyên vào cướp nước ta, vương lệnh cho nhà giàu bỏ thóc ra cấp lương quân, mà cũng chỉ cho họ làm lang tướng giả chứ không cho họ tước lang tướng thực. Điều đó cho thấy tuy hưởng ân điển tột cùng nhưng Hưng Đạo Đại vương vẫn kính cẩn giữ tiết làm tôi như vậy.

Trong lịch sử nước ta, viên tướng Lê Tần (sau được ban tên là Lê Phụ Trần) được hưởng ân điển kỳ lạ nhất. Cuối năm 1257, quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ nhất, Vua Trần Thái Tông thân hành tiến lên vùng Bình Lệ Nguyên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đốc chiến, xông pha tên đạn, có mỗi Lê Phụ Trần ở bên hộ giá. Khi quân giặc bắn loạn xạ xuống thuyền vua, Phụ Trần lấy ván thuyền che cho vua khỏi trúng tên, đưa thuyền lui về Thiên Mạc, theo vua bàn những việc cơ mật, rất ít người biết được đều đó. Đến khi thắng giặc, định công phong tước, nhà vua cho Lê Phụ Trần làm Ngự sử đại phu; lại đem công chúa Chiêu Thánh, tức vợ vua gả cho ông. Dù nhà vua nói rằng: "Trẫm không có khanh, thì đâu có ngày nay. Khanh hãy cố gắng để cùng được trọn vẹn về sau" nhưng việc đem vợ gả cho bề tôi của nhà vua khiến hậu thế chê cười. Sử thần thời Lê Ngô Sĩ Liên đã chê nhà vua rằng: "Vua tôi nhà Trần coi thường đạo vợ chồng lại thấy ở đây lần nữa".

Khi các công thần qua đời, ngoài việc thăng thêm quan tước, cấp đất tự điền, ban cho gia đình tiền, lụa làm tang, một ân điển lớn khác là việc thờ cúng. Thời Trần Anh Tông, khi vua đi đánh Ai Lao, có viên tướng Nguyên đầu hàng là Trương Hiển chết tại trận, cũng được tặng tước minh tự, cho thờ ở Thái thường. Ân điển này được nối tiếp về sau, như Thái miếu nhà hậu Lê ở Thanh Hóa có phối thờ hai vị khai quốc công thần của triều Lê là Lê Lai và Nguyễn Trãi. Ở kinh thành Huế của triều Nguyễn, khi dựng Thái miếu thờ các chúa Nguyễn, đã xây thêm hai nhà Tả vu và Hữu vu thờ khai quốc công thần có công giúp các chúa Nguyễn, bao gồm những công thần trong hoàng tộc là Tôn Thất Khê, Tôn Thất Hiệp, Tôn Thất Hạo, Tôn Thất Đồng và các công thần "bách tính", gồm Nguyền Ư Kỷ, Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Cư Trinh.

Lê Tiên Long
.
.