Ám ảnh thảm sát El Geneina

Thứ Hai, 16/10/2023, 09:30

Hằng đêm tại thành phố El Geneina (Tây Dafur, Sudan) vẫn có những người bí mật chôn xác chết. Họ đào những ngôi mộ nông, đặt thi thể xuống rồi vội vã lấp lại. Không thi thể nào lành lặn cả. Ai cũng chết với những vết dao, vết đạn trên người. Thân nhân của họ phải chôn người chết trong đêm nếu không muốn phải chịu chung số phận.

Từ gần nửa năm nay, người dân Geneina đã phải trải qua một cuộc thảm sát tàn khốc. Ít nhất 1.000 nạn nhân, trong đó đa số là người dân tộc Masalit, bị giết một cách tàn bạo bởi lực lượng RSF của dân Ảrập. Mặc cho các tổ chức trong và ngoài Sudan liên tục báo động về cuộc thảm sát, nhưng đến nay thế giới vẫn chỉ có thể bó tay đứng nhìn bể máu.

Máu đổ khắp nơi

Cuộc thảm sát bắt đầu từ ngày 24/4/2023. Anh Badreldin Abdel Rahman, một nhân viên Trăng lưỡi liềm đỏ ở Geneina, kể lại: "Nhà tôi cách trụ sở của RSF khoảng 400m. Tảng sáng hôm đó tôi đang ngủ thì bất ngờ nghe thấy tiếng súng. Lính RSF và lính chính phủ bắn nhau, rồi lính chính phủ phải rút về phía bắc thành phố. Còn bọn RSF thì quay súng về phía người dân. Chúng gặp ai đi trên đường cũng bắn, không thì sục vào nhà người ta. Một số nhóm người Ảrập khác cũng đi theo RSF để làm càn".

Ám ảnh thảm sát El Geneina -0
Tướng Mohamed Hamdan Dagalo chỉ huy RSF.

Thầy giáo Abdel-Majed Abdullah nói với phóng viên Reuters: "Chỉ trong một ngày 24/4 mà tôi đã vác đến 52 thi thể khác nhau - 27 đàn ông, 16 đàn bà và 9 trẻ nhỏ. Chúng tôi phân chia việc ra, người đào mộ, người thì hạ huyệt làm sao cho thật nhanh... Ba bốn ngày sau đó thì người chết nhiều đến mức không đào mộ riêng cho một ai được mà chỉ kịp cho họ xuống mộ tập thể. Có những người bị thiêu sống trong nhà mình, đến khi lửa tắt thì chỉ còn chút xương".

Chẳng mấy chốc mà nghĩa trang Al Ghabat bị quá tải, người sống có muốn chôn người chết cũng chẳng được. Nhà hoạt động nhân quyền Hobeldin Hassen nhận xét: "Người Masalit rất coi trọng việc chôn cất người chết. Gia đình nào mà không chôn cất thân nhân họ cẩn thận thì sẽ phải chịu nhục cả đời. Vậy nhưng ở Geneina bây giờ họ chỉ có thể cuốn người chết bằng chăn hay vải màn rồi để ở một chỗ. Nhiều người may mắn sống sót nhưng cũng bị chấn thương tâm lý nặng vì hối hận không chôn được người thân".

Sau cái chết của vài trăm người Masalit trong chỉ một buổi sáng 24/4, một nhóm hơn trăm người kéo đến đồn cảnh sát vào buổi chiều cùng ngày. Một số sỹ quan cảnh sát là người Masalit bèn mở kho phân phát vũ khí cho toán người trên. Họ phát súng cho cả người già, phụ nữ lẫn trẻ nhỏ để tự bảo vệ mình.

Thống đốc bang Tây Dafur, ông Khamis Abbakar, là người Masalit. Ông lãnh đạo một nhóm dân quân tìm cách chống lại các tay súng Ảrập. Họ xây công sự quanh khu vực tòa thị chính để bảo vệ hàng trăm người Masalit đang trốn trong tòa nhà. Quân RSF vừa nã súng cối và rocket vào tòa thị chính, vừa xua quân lên. Cuối cùng chúng cũng đánh bật được 2.000 dân quân Masalit khỏi phòng tuyến. Nhiều người phải bỏ chạy sang Chad. Còn thống đốc Abbakar buổi sáng vừa mới lên truyền hình kêu gọi viện trợ nước ngoài thì buổi chiều đã bị RSF bắt được, tra tấn và sát hại.

Ám ảnh thảm sát El Geneina -0
Một số người Masalit may mắn chạy thoát được sau khi bị thương.

Sau cái chết của ông Abbakar, những người Masalit còn lẩn trốn trong thành phố bèn đồng loạt bỏ chạy về phía doanh trại quân đội chính phủ tại ngoại ô. Nhiều gia đình rồng rắn kéo nhau đi bộ từ nửa đêm đến sáng vẫn chưa đến nơi. Chỉ còn cách doanh trại gần 7 km nữa thì lính RSF nổ súng vào đám đông. Súng máy, súng cối bắn loạn xạ, và còn có những kẻ cầm dao rựa đi giết người. Đám đông hoảng loạn giẫm đạp lên nhau. Những người còn sống chạy đến được thung lũng Kaja. Nhưng thung lũng vừa mới trải qua cơn lũ, sông ngòi còn đầy nước. Rất nhiều người già và trẻ em bị chết đuối khi vượt sông. Người lớn thì chỉ biết lặn xuống bơi một mạch sang sông vì cứ nổi đầu lên mặt nước là bị bắn.

Hiện vẫn chưa rõ bao nhiêu người đã chết trong hôm đó. Quân đội Sudan thì từ chối trả lời vì sao binh lính của họ đóng tại Geneina không ngăn cản vụ thảm sát.

Tham vọng và tội ác

Các bộ tộc du mục gốc Ảrập ở khu vực Tây Dafur thường xuyên tranh chấp đất đai, nguồn nước với dân ở những làng mạc, thị trấn. Nhiều vụ tranh chấp đất đai ở Tây Dafur vì cái đói mà trở nên bạo lực. Điều này thúc đẩy các bộ tộc du mục tự lập ra dân quân để bảo vệ họ trong các cuộc tranh chấp. Người Dafur gọi chung các nhóm dân quân này là Janjaweed, tức là "quỷ sứ cưỡi ngựa" trong tiếng Ảrập.

Ngay cả RSF cũng xuất phát là một nhóm Janjaweed thuộc bộ lạc Rizeigat. Thủ lĩnh RSF là tướng Mohamed Hamdan Dagalo (biệt danh Hemedti) vốn làm nghề buôn bán lạc đà. Hemedti sử dụng gia tài để tuyển thêm dân quân và trang bị vũ khí cho họ. Vào năm 2003, nổi loạn nổ ra ở khu vực Tây Dafur. RSF bèn liên minh với chính phủ trung ương ở Khartoum để chống lại quân nổi dậy. Chiến lược sử dụng khủng bố để "dẹp loạn" của RSF đã khiến 300.000 người chết và hơn 2 triệu người mất nhà cửa chỉ sau 5 năm. Theo Tổ chức nhân quyền thế giới, RSF đã gây ra tội ác chống lại loài người.

Hemedti trở thành "tay chơi" quan trọng trên chính trường Sudan sau cuộc nổi loạn. Năm 2019, Hemedti tham gia cuộc chính biến lật đổ Tổng thống Omar al-Bashir và trở thành phó tổng thống chính quyền lâm thời. Quyền lực của ông ta chỉ xếp sau Tổng tư lệnh quân đội Abdel Fattah al-Burhan. Hai nhân vật này liên tục cạnh tranh chính trị và khiến cho quá trình chuyển giao từ chính phủ quân sự sang dân sự ở Sudan bị trì hoãn nhiều lần. Cuối cùng họ đi đến chiến tranh từ 15/4 đến nay.

Trong cuộc nổi dậy năm 2003, RSF từng gây ra không biết bao nhiêu thảm kịch tại Geneina. Lịch sử đang một lần nữa lập lại. Các nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc Hemedti một mặt sử dụng RSF khủng bố người Masalit, mặt khác dùng tiền và xe hơi để mua chuộc các bộ tộc Ảrập nhằm tăng cường lực lượng, củng cố địa bàn của mình.

Mới đây Hemedti và các tộc trưởng người Ảrập đã có cuộc họp chung. Họ ra tuyên bố phủ nhận mọi sự liên quan đến vụ thảm sát Geneina. Emir Massar Aseel, Tộc trưởng bộ tộc Rizeigat của Hemedti, nói trên truyền hình: "Quân đội chính phủ châm ngòi bạo lực. Họ đã cung cấp vũ khí cho những tay súng Masalit để tấn công chúng tôi. Mọi việc chúng tôi làm chỉ là để bảo vệ mình... Nếu có chiến tranh thì trách nhiệm thuộc về chính phủ".

Năm 2020, khi Khartoum trực tiếp ký kết hiệp ước hòa bình với các lãnh đạo Masalit thì những người tị nạn mới dám trở lại Geneina. Điều này khiến nhiều bộ tộc Ảrập đang chiếm lấy đất cũ của người Masalit trở nên tức giận. Hemedti đang lợi dụng những tranh chấp này làm "quân bài" trong cuộc chiến của ông ta.

Ám ảnh thảm sát El Geneina -0
Người phụ nữ Masalit nào cũng phải sống với nỗi sợ bị hãm hiếp và giết hại.

Sống lay lắt

Cho đến thời điểm này ước tính có khoảng hơn 120 người dân Geneina đã chạy thoát sang nước Chad láng giềng. Họ sống tại các trại tị nạn gần biên giới. Nhiều người còn chưa hết cơn sốc sau khi chứng kiến người thân bị RSF và những nhóm Janjaweed khác giết hại.

Bác sỹ Hassan Zakariya là người lãnh đạo một bệnh viện dã chiến tại Geneina. Trước khi bác sỹ bệnh viện buộc phải chạy tị nạn sang Chad, ông Zakariya đã tự mình thống kê được tên hơn 880 người đã bị sát hại chỉ trong vòng sáu tuần. Vị bác sỹ tin rằng tính đến đầu tháng 9 đã có hơn 4.000 người chết và 10.000 người bị thương. 290.000 cư dân Geneina đã bỏ chạy khỏi thành phố. Mà không chỉ một mình Geneina bị tấn công. Dân cư các thành phố, làng mạc khác ở Tây Dafur cho biết lính RSF cũng đi giết người, đốt nhà nơi họ sống. Anh Noah Alfadeil, một người dân Geneina đang chạy tị nạn, cho biết: "Đường phố nào ở Geneina bây giờ cũng có chốt chặn của RSF. Đàn ông đi ra ngoài đường chỉ có bị chúng bắn chết. Phụ nữ thì bị chúng bắt lại để đánh đập và hãm hiếp. Ai mà bị chúng tóm được mà nói rằng mình là người Masalit thì sẽ bị giết ngay. Tôi thì bị chúng treo lên cây xoài đúng ba ngày", anh Alfadeil sau đó cho phóng viên Reuters xem vết sẹo chỗ lính RSF dùng thừng buộc anh lên cây.

Các nhân viên Trăng lưỡi liềm đỏ còn ở tại Geineina đang tìm mọi cách để chôn cất người chết và chữa trị cho người bị thương. RSF và các nhóm vũ trang Ảrập khác liên tục cản trở công việc của nhân viên cứu trợ. Chúng tịch thu hết điện thoại của nhân viên và buộc họ chỉ được chôn người chết trong các ngôi mộ tập thể. Một số lính Ảrập còn đi kiểm tra từng xác chết một xem có tiền, vàng bạc để lấy không. Gặp ai còn sống thoi thóp là chúng sẽ bắn chết.

Ông Karim Khan, công tố viên tại Tòa án công lý quốc tế (ICC) mới đây phát biểu trước Hội đồng bảo an Liên hợp quốc rằng ICC đang trong quá trình điều tra các tội ác chiến tranh của RSF. Trước đó Mỹ và một số nước Châu Âu đã ra lệnh cấm vận nhiều lãnh đạo RSF, trong đó có Phó tổng chỉ huy Abdelrahim Hamdan Dagalo, em trai của Hemedti.

Các hành động trên tuy là cần thiết nhưng khó có thể giúp đỡ nhu cầu ngay lúc này của các nạn nhân. Chính phủ Chad tuyên bố họ đang phải chịu thảm họa nhân đạo và lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ khẩn cấp. Trong khi đó tình hình chiến sự tại Sudan tiếp tục diễn ra khốc liệt mà không có dấu hiệu suy giảm. Các trận đánh tập trung tại bang Bắc Kordofan ở trung tâm đất nước. Quân đội chính phủ Sudan đang co cụm lại phòng thủ các căn cứ của họ trước những đợt tấn công của RSF. Chính phủ Sudan hiện chỉ còn biết trông chờ vào sự trợ giúp từ nước ngoài.

Lê Công Vũ
.
.