Ác mộng: Cái nút thắt, và chuyện viết lại những drama của giấc ngủ
Chúng ta ham vui, cần hạnh phúc. Ngay cả khi chìm sâu trong giấc ngủ, chúng ta muốn mơ về điều thú vị, chứ không phải cái kết đau buồn. Vậy nhưng, đôi cơn ác mộng thi thoảng khiến ta tỉnh giấc trong đêm, mồ hôi ướt đẫm. Để rồi tâm trí vẫn mãi quẩn quanh dòng suy nghĩ: liệu ác mộng có quay trở lại?
Điểm nhấn đầy bất ngờ
Ít nhất một lần trong đời, chúng ta gặp phải ác mộng. Cuộc sống xô bồ, áp lực suy nghĩ khiến não bộ không kịp "thở", tự chắp vá những hình ảnh cóp nhặt đâu đó tạo nên một câu chuyện kinh dị chỉ kịp chiếu lúc say ngủ. Với bệnh nhân N, ám ảnh không phải ngày một ngày hai. 5% dân số thế giới thường xuyên mơ thấy ác mộng, và N nằm trong con số nhỏ bé ấy. Thế giới cảm xúc của anh nhạt màu, vô vọng, đến độ nhắm mắt chỉ càng làm anh thêm sợ hãi.
"Đó là một buổi chiều tà, tôi ngủ trên xe buýt không còn ai. Mặt trời lặn, xe chạy mãi về phía chân trời dần tối. Tôi vô vọng gào thét dừng xe, nhưng chẳng lời hồi đáp. Chiếc xe lao nhanh vào bóng tối tĩnh mịch, tôi hét trong tuyệt vọng, và đột ngột thấy ánh sáng chói... Tôi tỉnh giấc lúc 2 giờ sáng, người run rẩy".
Ngồi trầm tư lắng nghe N trải lòng, nhà khoa học Michelle Carr nhớ lại những bệnh nhân trước. Mẫu số chung của họ chính là tinh thần sa sút, trầm cảm, lo lắng thái quá về những giấc mơ quái gở kiểu như bị quỷ ám, ma tấn công, hay rơi vào hố đen vũ trụ.
Michelle Carr đọc 5 trang nhật ký giấc mơ của bệnh nhân N, chợt nhận ra điểm đáng ngờ: xe buýt. Ký ức vụ tai nạn khi còn nhỏ ám ảnh N đến mức, dù đã hơn 10 năm trôi qua anh vẫn thấy nó trong giấc ngủ. Bi kịch cơn mơ khiến nhịp tim tăng đột ngột, hơi thở gấp gáp như vừa chạy nước rút, chính là cách cơ thể ra tín hiệu "tỉnh dậy" sau những hình ảnh được chắp vá, kích hoạt thành một câu chuyện tưởng tượng của não bộ.
Tính chất kì quái của bộ phim được chiếu trên não tưởng chừng ngẫu hứng, nhưng khoa học tin vào điều ngược lại. Tức là, ác mộng hồi sinh ký ức, tạo nên các liên kết mơ hồ nào đó giữa dấu vết còn lại trên não. Nếu như giấc mơ thông thường tựa bối cảnh, thì ác mộng chính là điểm nhấn, một nút thắt tình huống đầy bất ngờ.
Ác mộng làm gián đoạn giấc mơ, pha trộn cảm xúc mãnh liệt hoặc mảng ký ức đặc biệt để đẩy giấc mơ đi theo một hướng khác lạ. Kịch bản phải viết lại, xúc cảm biến đổi liên tục, ác mộng đẩy não bộ tới một mức độ "căng" nhất định để rồi kết thúc khi đôi mắt mở toang, trước khi lặp lại nếu chúng ta chìm vào giấc ngủ một lần nữa. Từ đây, Michelle Carr phải tìm cách can thiệp vào kịch bản trước khi nó bị thay đổi, để có thể thao túng cốt truyện theo ý mình.
Những thí nghiệm ngủ
Nhà thần kinh học Matthew Walker, trong “Sao chúng ta lại ngủ?”, nói rằng ác mộng thường trực đem lại nỗi sợ lớn nhất cho não người, thay vì được nghỉ ngơi lại phải tiếp tục hoạt động. Là chuyên gia nghiên cứu về giấc mơ, Michelle Carr muốn tiếp cận ác mộng để tìm cách xoa dịu sự căng thẳng, đi vào cơn mơ khi người còn chưa tỉnh nhằm thay đổi cốt truyện từ bi kịch thành cái kết có hậu. Phòng thí nghiệm ngủ ra đời, kì quặc và nhàm chán, chỉ đơn giản là cho người ta đến ngủ, rồi đánh thức và hỏi về những giấc mơ.
Michelle Carr bắt đầu với trải nghiệm cơn mơ sáng suốt khi người mơ biết rằng mình đang mơ. Khoa học chứng minh cơn mơ sáng suốt có tác dụng hỗ trợ phục hồi thể chất và chữa bệnh. Anh cũng quan tâm tới huyền thoại REM - giấc ngủ cử động mắt, "nơi trú ẩn" của giấc mơ vô cùng đáng giá cho các nghiên cứu thần kinh. Với bệnh nhân N, Michelle Carr áp dụng giấc mơ kiểu này trong trạng thái ngủ REM để giúp đối mặt với rối loạn căng thẳng sau chấn thương, rối loạn giấc ngủ, cùng ác mộng tái diễn.
Quan trọng hơn, Michelle Carr vận dụng lý thuyết của Stephen LaBerge về kỹ thuật cảm ứng ghi nhớ giấc mơ, dựa trên hành vi của bộ nhớ tiềm năng để tìm cách điều khiển giấc mơ, giúp giữ nguyên ký ức trong mơ. Liệu pháp luyện tập hình ảnh ra đời, giúp bệnh nhân mắc các chứng rối loạn tinh thần tái hiện lại các cơn ác mộng đen tối.
Tiếp đó, Michelle Carr sẽ thay đổi những trải nghiệm đáng sợ bằng cốt truyện khác dễ chịu hơn. Tất cả xoay quanh đo đa ký giấc ngủ, xác định chỉ số ngưng giảm thở và ghi lại toàn bộ những thay đổi của cơ thể trong lúc ngủ: điện não, chuyển động mắt, hoạt động của cơ, nhịp tim, nhịp thở.
Thử nghiệm của Michelle Carr thực ra không quá mới mẻ. Những năm 50 của thế kỷ trước, nhà tâm lý học tiên phong Mỹ Eugene Aserinsky có công đặt nền móng cho ngành khoa học nghiên cứu giấc ngủ bằng thí nghiệm điện cực trên chính con trai 8 tuổi.
Trước đây, quan niệm truyền thống tin rằng giấc mơ phản ánh đời thực, là kích thích đến từ hoạt động não. Sau dấu ấn của Eugene Aserinsky, chúng ta chắc chắn nhiều bộ phận khác trên cơ thể người cũng tham gia vào quá trình hình thành giấc mơ, cùng ác mộng. Thậm chí, tồn tại mối liên hệ giữa cơ thể và nội dung mơ, khi Eugene Aserinsky chú ý nhiều biểu cảm trong khi con trai ngủ, như cười hay nhăn mặt chẳng hạn.
Trấn tĩnh cơn ác mộng
Đối với những người thường gặp ác mộng, đối diện "nỗi đau lúc ngủ" là một thử thách, nhưng họ buộc phải làm sống lại những hình ảnh kinh dị, và tự làm lại giấc mơ theo cách họ muốn. N, với đôi mắt mỏi mệt, cố gắng viết lại chi tiết ký ức xe buýt, rồi cùng với sự trợ giúp tinh thần từ Michelle Carr tự sáng tạo một cái kết có hậu.
"Thứ ánh sáng từ phía xa khiến tài xế bừng tỉnh, lấy hết sức phanh lại trước khi chiếc xe đâm vào vách núi. Hai người nhìn nhau trong kinh ngạc, thở phào nhẹ nhõm, gọi điện cứu hộ và bật giai điệu bài hát “Happy” của Pharrell Williams...". Đây chính là phương pháp tưởng tượng diễn tập do Stephen LaBerge gợi ý, rất được khoa học hiện đại đón nhận.
15 phút tự tưởng tượng một kịch bản hoàn toàn mới, các nếp nhăn trên não "ghim" thông tin kiểu này chờ đến lúc ngủ để bắt đầu chiếu phim. Có vẻ như N cảm thấy dễ chịu hơn, trấn an được nỗi ám ảnh xe rơi trong giấc ngủ, mở ra cơ hội xoa dịu sự lo lắng để dần chữa lành chứng trầm cảm bấy lâu.
Một số quan điểm tin rằng tưởng tượng diễn tập tạo nên sự tự tin cho chúng ta đối mặt với ác mộng, thay đổi thái độ từ bi quan dần lạc quan, cùng với gợi mở sức sáng tạo giúp vực dậy tinh thần u ám. Buổi sáng thức giấc, đôi mắt không còn nặng trĩu, tâm trí trống trải nhẹ nhàng, nguồn năng lượng tích cực để tiếp tục cuộc sống.
Sau những phòng thí nghiệm ngủ, chúng ta có các kỹ sư "hack" giấc mơ nhờ khám phá ra liên kết "mạch điện" bền chặt giữa tâm trí đang mơ màng và cơ thể đang phát đi tín hiệu. Gần đây, nhiều nghiên cứu chú ý tới trạng thái nửa tỉnh - nửa mê, được coi như một trong những giai đoạn trải nghiệm thần kinh hấp dẫn nhất, tựa suối nguồn của sáng tạo, chứa đầy những ảo giác tuyệt vời và cũng đáng sợ, thường bị giấu chìm trong đại dương của giấc ngủ.
Nhiều "bộ não" lớn của khoa học bao gồm cả Thomas Edison và Albert Einstein đều bày tỏ niềm đam mê với trạng thái thú vị này, cho rằng trải nghiệm khu vực giao thoa đem lại thần trí bùng nổ, kìm hãm ác mộng sắp đến khi chúng ta rơi vào trạng thái ngủ hoàn toàn. Nhà thần kinh học người Áo Eric Kandel từng nói: để thay đổi ác mộng, cần tiếp cận có ý thức với các nguồn lực tiềm ẩn trong tiềm thức.
Vận dụng trí tuệ nhân tạo tác động đến "vùng hoang dã" mê - tỉnh chính là hướng đi hiện thời theo định hướng của ông. Tưởng tượng một ngày không xa, chúng ta kiểm soát hoàn toàn thế giới ác mộng, biết cách điều chỉnh cảm xúc để trở nên an yên, thoát khỏi ám ảnh bừng tỉnh lúc nửa đêm với tấm lưng ướt đẫm mồ hôi. Các cỗ máy dần cho thấy sức mạnh tác động đến não bộ, can thiệp vào ác mộng, mở ra triển vọng ấp ủ giấc mơ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân thường xuyên gặp ác mộng.
Nghĩ về dự án Cái cây thử nghiệm thiết bị thông minh chèn tín hiệu âm thanh hay mùi hương khi não hãy còn mê - tỉnh. Vài lần đầu, ám ảnh từ người thức tỉnh vẫn là "cây khô héo, cằn cỗi". Thế nhưng, khi bị kích thích từ bên ngoài, não đang "say" như bị thôi miên, nhận ký ức mới thay thế hình ảnh cũ. Kết quả vô cùng thú vị: lần thức giấc thứ 7, ác mộng gần như không còn, mà trong giấc mơ ấy "cây được tắm mát dưới trận mưa rào, xanh lá, lớn dần và chuẩn bị cho quả ngọt".
Từ đây, Michelle Carr kỳ vọng bước đầu thành công trong hành trình viết lại từng drama cho giấc ngủ theo một cái kết đáng xem nhất, mà ở đó con người tự phong cho mình chức danh "đạo diễn của những giấc mơ"...