Vũ khí siêu thanh cuộc đua nóng bỏng

Thứ Bảy, 06/06/2015, 11:10
Vũ khí siêu thanh, được hiểu là những vũ khí có tốc độ cao hơn Mach 5 (6.125 km/h), là cuộc chạy đua vũ trang mới nhất của các cường quốc kinh tế và quân sự.

Các nước lớn tham gia cuộc đua nghiên cứu vũ khí siêu thanh vì hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, họ muốn tạo ra một công cụ xóa sổ một quốc gia nào đó trên thế giới chỉ trong thời gian ngắn nhất có thể từ khi ra quyết định tiêu diệt. Và thứ hai, họ cần một ưu thế tuyệt đối khi xuyên qua hàng phòng thủ của đối phương.

Hiện nay, Mỹ đang có những bước phát triển đáng kể so với các nước khác bất chấp không ít thất bại, nhằm mục tiêu tấn công và khẳng định vị thế bá chủ quân sự toàn cầu. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc phát triển vũ khí siêu thanh để phòng thủ nhiều hơn là tấn công. Nga và Trung Quốc nhận ra nếu họ chậm chân, để Mỹ phát triển xong vũ khí của mình thì họ sẽ rơi vào thế yếu trước tiềm lực của Mỹ.

Trong cuộc đua chế tạo vũ khí siêu thanh, bên nào tới đích trước thì cán cân phân bổ lực lượng an ninh toàn cầu sẽ lệch về nước đó. Nga, Mỹ hay Trung Quốc thành công trước trong việc phát triển vũ khí siêu thanh thì đều trở thành nước có tiềm năng quân sự vượt trội so với đối phương.

Vũ khí của tương lai

Thời gian qua, nhiều cơ quan, tổ chức của Mỹ đang cùng lúc tiến hành nhiều dự án siêu thanh như X-43A (NASA), X-51A (Không quân Mỹ), AHW (Lục quân Mỹ), ArcLight (DARPA, Hải quân Mỹ), Falcon HTV-2 (DARPA, Không quân Mỹ). Sự ra đời của chúng sẽ cho phép chế tạo các tên lửa hành trình hàng không siêu thanh tầm xa, tên lửa hành trình hải quân ở phương án chống hạm và tấn công mặt đất vào năm 2018-2020, máy bay trinh sát vào năm 2030. Tuy nhiên, thỉnh thoảng lại có tin về các vụ phóng thử không thành công, mà theo Lầu Năm Góc, là do sự xuất hiện các tình huống “bất thường”.

Một số nguồn tin tiết lộ giới lãnh đạo Mỹ đang âm thầm lên kế hoạch và triển khai chế tạo các vũ khí chính xác cao, có khả năng tấn công trong vòng 1 giờ các mục tiêu ở bất cứ đâu trên thế giới. Các tên lửa đường đạn rất không thích hợp với mục đích đó vì các phương tiện theo dõi của nước ngoài, khi phát hiện ra vụ phóng tên lửa, thì không thể xác định liệu tên lửa đó có mang đầu đạn hạt nhân hay không. Các tên lửa siêu thanh là lối thoát cho tình huống này.

“Đối với người Mỹ, đây đã là vũ khí của ngày hôm qua, bởi lẽ họ có ưu thế lớn về vũ khí thông thường chính xác cao. Bởi vậy, họ muốn cắt giảm kho vũ khí của tất cả các quốc gia hạt nhân, trước hết dĩ nhiên là Nga. Nước Nga có khái niệm khác: Chúng ta đang xây dựng hệ thống phòng không-vũ trụ S-500 để vô hiệu hóa ưu thế của Mỹ trong lĩnh vực này. S-500 có thể được sử dụng để đánh chặn vũ khí siêu thanh tiến công tương lai mà Mỹ đang thử nghiệm”, Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng (Nga) Igor Korotchenko cho biết.

Trên thực tế, Nga không hề lạc hậu trên phương diện nghiên cứu phát triển vũ khí siêu thanh, mà trình độ còn ngang ngửa, thậm chí có đôi chút vượt xa Mỹ. Vào thập niên 80, Liên Xô đã nghiên cứu loại tên lửa siêu thanh X-90. Dựa trên nền tảng đạn tên lửa của hệ thống phòng không S-200, các nhà khoa học Liên Xô đã cho ra đời loại tên lửa có thể đạt tốc độ lên tới 6.000km/h. Tuy nhiên, dự án này đã tạm dừng vào những năm 1990.

Mỹ và Trung Quốc đang tạo nên một cuộc chạy đua vũ khí siêu thanh tiến công toàn cầu nhằm phục vụ các mục tiêu quân sự khác nhau.

Mới đây, Nga cam kết trong 6 năm tới thiết kế được lô tên lửa siêu thanh phóng trên không đầu tiên. Tổng giám đốc Boris Obnosov của tập đoàn tên lửa chiến thuật tháng 11 cho biết: “Chúng tôi đã bắt tay nghiên cứu chế tạo, tốc độ tên lửa sẽ đạt Mach 6-8. Thực hiện bay nhanh hơn sẽ là mục tiêu tương lai lâu dài hơn”. Ông chỉ ra, thứ xuất hiện trước tiên sẽ là tên lửa siêu thanh phóng từ trên không, bởi vì loại tên lửa này lấy máy bay làm phương tiện, trước khi bắn đã có tốc độ ban đầu nhất định, càng dễ đạt tốc độ cần thiết để khởi động động cơ hành trình của nó.

Cuộc đua vũ khí siêu thanh trở nên gay cấn hơn khi xuất hiện Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong năm 2014, quân đội Trung Quốc đã tiến hành bắn thử ba lần vũ khí bay siêu thanh. Loại tên lửa này có thể bay với tốc độ gấp 10 lần âm thanh, có thể chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Bắc Kinh có kế hoạch đến năm 2020 trang bị loại tên lửa này. Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết, nghiên cứu phát triển là hoạt động thử nghiệm khoa học “bình thường”, không nhằm vào bất cứ ai, mà chỉ củng cố hệ thống phòng thủ.

Bắc Kinh đã và đang đầu tư rất nhiều nguồn lực cho nghiên cứu phát triển vũ khí siêu thanh. Đối với Trung Quốc, chủ yếu nhất là nghiên cứu chế tạo đầu đạn cơ động siêu âm cho tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Trên phương diện này, Bắc Kinh chỉ lạc hậu so với Moscow vài năm. Để thử nghiệm các loại vũ khí bay siêu thanh, Bắc Kinh tích cực phát triển hạ tầng cơ sở, bao gồm xây dựng ống thổi khí động riêng. Ít nhất có một ống thổi khí động ở ngoại ô Bắc Kinh, cho phép tiến hành kiểm tra bay tốc độ từ 9 Mach trở lên.

Những động thái này của Trung Quốc cho thấy năng lực chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ của Trung Quốc đã được tăng cường. Thành quả nghiên cứu phát triển hiện nay của Trung Quốc đã chứng minh tiềm năng công nghệ này của Trung Quốc trên lĩnh vực quân sự sẽ gây ảnh hưởng to lớn đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Rõ ràng, Trung Quốc coi Mỹ là đối tượng chính để tiến hành xây dựng quốc phòng. Kế hoạch xây dựng quân sự thực tế, hay kế hoạch triển khai cụm chiến dịch và xây dựng hạm đội tàu sân bay của quân đội Trung Quốc đều chứng minh: Trung Quốc chạy đua với Mỹ. Truyền thông Mỹ cho biết, Washington ý thức được thực lực quân sự của Bắc Kinh đang tăng lên, cảm thấy bất an đối với vấn đề này.

Xu hướng đối đầu

Với khả năng đưa chính xác các đầu đạn đi rất xa, các tên lửa hành trình đã có tác động phi thường đối với chiến tranh hiện đại. Nhưng trong thời đại mà thời gian tính bằng phút có thể tạo ra sự khác biệt giữa thất bại và chiến thắng, chúng có vẻ quá chậm.

Phải mất 80 phút để một tên lửa hành trình tấn công mặt đất phóng từ tàu chiến Mỹ ở biển Arab đến được các trại huấn luyện của Al - Qaeda tại Afghanistan vào năm 1998 sau các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania. Và nếu có trong tay các tên lửa hành trình “nhanh hơn” vào giữa những năm 1990, Mỹ đã có thể diệt trừ đầu sỏ Al - Qaeda Osama bin Laden sớm hơn nhiều và đã thực hiện được việc đó ngay tại Afghanistan chứ không phải là ở Pakistan.

Mong muốn có thể tấn công bất cứ nơi nào một cách nhanh chóng đã dẫn đến sự ra đời của chương trình được gọi là “Đòn tấn công nhanh toàn cầu” mà quân đội Mỹ bắt đầu vào năm 2001. Nỗ lực này đã tập trung vào phương tiện bay siêu thanh thuộc dự án X-51A - được thiết kế để bay với tốc độ Mach 6 hoặc hơn, gấp 6 lần tốc độ âm thanh và đủ nhanh để có thể bay từ New York sang London trong chưa đầy 1 giờ đồng hồ.

Dự kiến, tên lửa X-51A có thể được trang bị sau năm 2015. Giới chức quân sự Mỹ hy vọng có thể phát triển tên lửa hành trình tốc độ cao dựa trên dự án này. Nếu thành công, phương tiện quân sự đạt được tốc độ siêu vượt âm sẽ trở thành vũ khí bất khả xâm phạm.

Nhiều nhà phân tích nhận xét: “Đòn tấn công nhanh toàn cầu” có thể phục vụ nhiều mục đích, từ các cuộc tấn công chặn đầu chống các nguyên thủ quốc gia, các hệ thống chỉ huy và kiểm soát và các mục tiêu có giá trị cao khác cho đến các đòn tấn công phẫu thuật chống lại các nhóm khủng bố cơ động trong giới hạn thời gian ngắn căn cứ vào thông tin tình báo mặt đất. Tốc độ phi thường của tên lửa hành trình siêu thanh và khả năng bay bám địa hình của tên lửa hành trình cũng sẽ đặt ra những thách thức mới trong các nỗ lực đánh chặn các vũ khí này cho các hệ thống phòng không hiện có. Điều này mang lại thêm lợi thế cho chúng trong các tình huống chiến tranh thông thường.

Trong khi đó, Trung Quốc đang phát triển các loại phương tiện và vũ khí siêu thanh theo hai xu hướng: (1) Với tư cách đầu đạn cơ động dành cho tên lửa đường đạn xuyên lục địa để vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ; và (2) Phát triển tên lửa dùng để tấn công tàu sân bay Mỹ. Các thành công của Trung Quốc phần nhiều liên quan đến hoạt động thành công của tình báo quân sự Trung Quốc ở Mỹ.

Bộ Tổng tham mưu quân đội Trung Quốc đã lập kế hoạch và thực hiện tốt nhiều hoạt động trên lãnh thổ Mỹ và đã tiếp cận được các công nghệ quân sự và bảo đảm chuyển giao chúng. Từ đó, Bắc Kinh kết hợp với mô hình lãnh đạo công nghiệp quốc phòng và áp dụng các thành tựu nghiên cứu tiên tiến, bước đầu tạo nên những thành tựu đầy hứa hẹn.

Liên quan đến việc vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ thì có các kịch bản khác nhau. Về hình thức, Trung Quốc có 70 tên lửa phù hợp với định nghĩa “tên lửa đường đạn xuyên lục địa”. Trong số đó, các tên lửa có khả năng vươn đến lục địa nước Mỹ thì còn ít hơn. Ngoài ra, tất cả các tên lửa mà Trung Quốc triển khai đều mang đầu đạn đơn khối. Họ đang tiến hành và có những thành công trong việc phát triển đầu đạn tách dẫn đường độc lập cho tên lửa đường đạn, nhưng hiện thời các đầu đạn này dường như chưa được triển khai.

Điều đó làm cho tên lửa Trung Quốc trở nên dễ bị tổn thương hơn. Vì thế, Bắc Kinh buộc phải chuyển dịch sang hướng khác, và đầu tư mạnh tay để phát triển các loại vũ khí siêu thanh nhằm tạo thế đối trọng với Mỹ. Điều này khiến một số nhà phân tích quốc phòng cảnh báo về một cuộc chạy đua vũ khí tiến công toàn cầu đang có dấu hiệu tăng tốc. Quốc gia nào chiến thắng trong việc chạy đua nghiên cứu vũ khí siêu thanh sẽ có ưu thế tuyệt đối khi chiến tranh xảy ra...

Nguyễn Lê Mi
.
.