Tỷ phú trẻ nhất Evan Spiegel: Mang điên rồ chinh phục thế giới
Ở tuổi 25, Evan Spiegel là tỷ phú trẻ tuổi nhất thế giới hiện nay. Những gì anh có được đủ để khiến mọi người mơ ước: sinh ra trong một gia đình đầy đủ (thậm chí có thể nói là giàu có), đi học tại Stanford (sau đó bỏ học) và sở hữu ứng dụng nhắn tin hấp dẫn bậc nhất dành cho giới trẻ hiện nay.
Thế giới phải công nhận anh là một thiên tài, với những thành công cá nhân không chỉ đến từ sự hậu thuẫn của một gia thế vững chắc mà còn xuất phát từ sự “điên” của chàng trai đặc biệt này.
Ứng dụng… chẳng giống ai
Evan Spiegel sinh ra và lớn lên ở Pacific Palisades, Los Angeles (Mỹ) trong một gia đình giàu có. Anh là con trai cả của hai luật sư thành danh, từng tốt nghiệp từ những trường đại học hàng đầu thế giới là Havard và Yale. Tuy nhiên, đến năm 2007, cha mẹ Spiegel ly dị khi anh còn đang học trung học và Spiegel ở cùng với bố. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của Spiegel nhưng cũng khiến anh dần bản lĩnh hơn. Chàng trai trẻ này theo học tại Trường đại học Stanford, nơi anh gặp những nhà sáng lập tương lai của Snapchat là Reggie Brown và Bobby Murphy. Ba con người đều cùng chung quan điểm rằng cuộc sống sinh viên quá tẻ nhạt, nên nung nấu ý tưởng muốn sáng tạo nên những điều thú vị và hay ho hơn.
Năm 2011, khi Spiegel mới chỉ 21 tuổi, anh đã cùng hai người bạn viết nên Picapoo mà sau này đổi tên thành Snapchat. Ý tưởng về ứng dụng tin nhắn ảnh, video tự hủy trong vòng vài giây sau khi xem này bị nhiều người cho là bất khả thi, điên rồ và nhận không ít lời chê bai “quá dở hơi” khi Spiegel trình bày trước lớp. Tuy vậy, chàng trai trẻ vẫn bình tĩnh đáp lại rằng con người không nên cố gắng xây dựng một “bức tường thông tin” của họ trên mạng xã hội làm gì, họ chỉ nên chia sẻ với nhau những khoảnh khắc, những cảm xúc tại thời điểm nói chuyện với nhau.
Chỉ còn một thời gian ngắn là tốt nghiệp, Evan Spiegel từ bỏ những học phần cuối cùng để dành toàn bộ thời gian cho Snapchat. Cả nhóm đóng đô ngay tại nhà của Spiegel ở Los Angeles. Dù sau đó Snapchat chuyển văn phòng. Sự điên rồ trong ý tưởng đã giúp Snapchat nhanh chóng chinh phục giới trẻ tại Mỹ. Ứng dụng này được ưa chuộng bởi người ta có thể yên tâm gửi cho nhau những thông tin quan trọng, những lời chia sẻ mà chẳng sợ chúng bị phát tán rộng rãi như ở trên Facebook. Với Snapchat, mọi thứ chỉ đơn giản là giao tiếp, chia sẻ và… quên nó đi. Snapchat theo đuổi lối thiết kế đơn giản, độc đáo thay vì đa dạng chức năng như nhiều mạng xã hội hay ứng dụng nhắn tin hiện nay. Đứa con tinh thần của Spiegel đơn giản đến mức nó chẳng có tính năng nào khác ngoài chụp ảnh, quay video, gửi tin nhắn đến bạn bè trong danh sách.
Giữa lúc CEO của Facebook Mark Zuckerberg đang làm mưa làm gió với thành công của Facebook. Không một ai có thể ngờ rằng Snapchat lan truyền với tốc độ chóng mặt trong giới trẻ, lượng tải và cài đặt tăng vọt vào đầu năm 2012 (sau gần 3 tháng ứng dụng này ra đời), và tiếp tục thu hút khoảng 200 triệu người sử dụng mỗi tháng. Ở tuổi 25, Evan Spiegel điều hành một trong những mạng xã hội phát triển nhanh nhất, rộng nhất được định giá 16 tỷ USD với 330 nhân viên. Cho đến thời điểm hiện tại, tài sản của CEO trẻ tuổi này ước tính 1,5 tỷ USD và nằm ở vị trí 1.250 trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2015 của Forbes. Ngoài ra, anh cũng góp tên vào danh sách dài những tỷ phú công nghệ bỏ học gồm Bill Gates, Steve Job, Mark Zuckerberg, hay Arash Ferdowsi (đồng sáng lập Dropbox).
Nói “không” với tiền tỷ
Nói đến sự “điên” của Evan Spiegel, không thể không nhắc đến câu chuyện giữa anh và Mark Zuckerberg. Ở thời điểm năm 2012, khi Snapchat còn rất non trẻ và Evan Spiegel chẳng phải là một nhân vật nổi tiếng thì Mark Zuckerberg đã chú ý tới anh. Lí do thì có lẽ ai cũng đoán ra: sự ra đời của Snapchat và sự yêu thích của giới trẻ dành cho nó đủ để khiến Facebook lo ngại. Với tư cách là “kẻ bề trên”, Zuckerberg rất lịch sự khi gửi đến Spiegel một bức thư với nội dung: “Spiegel, hãy đến Menlo Park (trụ sở của Facebook) và chúng ta sẽ làm quen với nhau”. Thế nhưng “gã vô danh” đã trả lời cho CEO của mạng xã hội có giá trị tới 20 tỷ USD lúc đó rằng: “Xin chào, tôi đang ở Los Angeles, sao anh không tới đây nhỉ?”.
Và rồi Mark Zuckerberg cũng phải chấp nhận “lời mời” đó của Evan Spiegel. Cuộc gặp giữa ông chủ Facebook và nhà sáng lập Snapchat diễn ra ở một nơi bí mật, mang bầu không khí căng thẳng. Mark Zuckerberg chẳng nói gì nhiều với chàng trai trẻ đối diện ngoài việc giới thiệu về Poke - một ứng dụng mới của Facebook với tính năng gần như y hệt Snapchat. Ngụ ý của CEO Facebook khá rõ ràng: anh nên biết thân phận vì Facebook sẽ sớm vùi dập Snapchat. Đáp lại lời tuyên chiến đó, Spiegel lẳng lặng quay về phòng làm việc, đặt sáu cuốn sách Binh pháp Tôn Tử cho sáu nhân viên lúc đó của Snapchat để đọc và suy ngẫm chiến lược.
Ngay khi Poke được trình làng vào cuối năm 2012, Mark Zuckerberg gửi tiếp một lời mời sử dụng Poke cho Evan Spiegel và hy vọng anh sẽ thích ứng dụng mới này. Gần như ngay lập tức, Spiegel và hai người bạn đã khóa tài khoản Facebook. Điều đáng nói là chỉ trong ba ngày, từ một ứng dụng cực kì “hot” ở thời điểm ra mắt, Poke nhanh chóng lụi tàn và bị chính Snapchat đá bay khỏi vị trí số 1 trên AppStore. Và đó là lúc Evan Spiegel mỉm cười.
Snapchat có thiết kế đơn giản, độc đáo, lan truyền với tốc độ chóng mặt trong giới trẻ và tiếp tục thu hút khoảng 200 triệu người sử dụng mỗi tháng. |
Cuối năm 2013, Mark Zuckerberg một lần nữa liên lạc với Spiegel, đề nghị mua lại Snapchat với giá 3 tỷ USD. Với nhiều chuyên gia phân tích, đây là cái giá điên rồ cho một ứng dụng chỉ hai năm tuổi và chưa từng tạo ra bất cứ đồng lợi nhuận nào.
Thế nhưng còn “điên” hơn cả quyết định của CEO Facebook, Spiegel đã thẳng thừng từ chối, khiến nhiều người đã phê phán Spiegel là kẻ tự cao tự đại. Trước nhiều sự việc khác khiến anh bị dư luận cho là kẻ tự mãn, Spiegel chia sẻ: “Người khác luôn có một thành kiến nào đó về bạn. Những gì bạn làm sẽ không bao giờ là đủ. Vì vậy hãy tìm xem điều gì là quan trọng với bạn, tìm những gì mà bạn thấy thích là được”.
Không dừng lại…
Là người có suy nghĩ đặc biệt, cách mà Evan Spiegel sống và làm việc có vẻ rất “khác thường”. Anh tránh cân nhắc về số liệu khi đưa ra quyết định, làm ngơ với các quy ước về thiết kế trong ứng dụng và đặt trụ sở của Snapchat ở gần bãi biển Muscle Beach tại California. Để gỡ các nút thắt trong công việc, thay vì các cuộc họp nặng nề hay tranh luận trong văn phòng, Spiegel thích thảo luận cùng đồng nghiệp trong suốt chuyến đi dạo trên con đường trát xi măng từ văn phòng ra bến tàu Santa Monica cách đó vài cây số.
Với lối tư duy nhất quán khi xây dựng Snapchat là các mạng xã hội không nên lưu giữ những nội dung cá nhân của người dùng, anh đã thẳng tay xóa hết những dòng tweet (trạng thái trên mạng xã hội Twitter) của mình. Spiegel cho rằng mọi người chỉ nên sống và chia sẻ những khoảnh khắc hiện tại với nhau, và Snapchat là công cụ tuyệt vời để làm điều đó.
Sau khi phát triển bùng nổ, Snapchat cũng bắt đầu xây dựng nội dung quảng cáo cho video. Vậy nhưng thay vì chấp nhận quảng cáo màn hình ngang (như nhiều video quảng cáo hiện nay), Spiegel bắt các nhà sản xuất phải làm quảng cáo theo chiều dọc. Anh cũng đặc biệt phản đối các thể loại quảng cáo trên Internet như hiện nay và không cho phép quảng cáo hiển thị trong hội thoại giữa các cá nhân bởi đó là điều vô cùng khiếm nhã. Quyết định của chàng trai trẻ tuổi nhận được sự nghi hoặc và thậm chí là quay lưng của nhiều đơn vị quảng cáo.
Việc phải “theo” Spiegel đồng nghĩa với việc họ sẽ không thể tái sử dụng các đoạn video vẫn đang được sử dụng rộng rãi trên Facebook hay Youtube. Ngoài ra, giá tiền để thuê quảng cáo trên Snapchat lên đến 20 USD cho mỗi 1.000 lượt xem, cao hơn so với nhiều dịch vụ khác. Đáp lại sự nghi hoặc, Evan Spiegel cho biết anh sẽ không thay đổi quan điểm. Việc đặt quảng cáo theo chiều dọc sẽ giúp người dùng di động không phải khổ sở quay ngang màn hình mỗi khi xem quảng cáo. Còn hơn cả lợi nhuận, lí do để Spiegel quyết định là bởi anh chỉ quan tâm đến chất lượng của sản phẩm, và làm người dùng cảm thấy thoải mái nhất có thể.
Evan Spiegel vẫn còn là chàng trai khá non nớt, khó đoán, dễ nổi cáu và làm việc theo cảm hứng. Vì vậy, khi được hỏi về dự định tương lai, CEO trẻ tuổi khiến nhiều người phải bất ngờ với câu trả lời rằng: “Đó là dạng câu hỏi mà tôi ghét vô cùng”. Tuy vậy, bạn bè và các nhà đầu tư của Spiegel thường nói, ẩn sau những thái độ ấy là một con người có tài trí về kinh doanh. Chỉ mới 25 tuổi, những gì mà Evan Spiegel làm được có thể xem là một dấu ấn rất lớn. Chắc chắn thành công của chàng trai này sẽ không chỉ dừng lại ở đó…