Từ cổ tích đến đời thực: Những chiếc giày biết nói
Ám ảnh và nguyền rủa
Nhà nghiên cứu Hilary Davidson quan sát đôi giày đỏ trên màn hình máy tính. Công trình của bà lấy cảm hứng từ cổ tích và thực tại, như một cách chiêm nghiệm những giá trị đạo đức trong từng câu chữ. “Ám ảnh và nguyền rủa”, đó là phần một của bài nghiên cứu, khởi đầu từ nhà văn Pháp viết truyện cổ tích - nữ bá tước D’Aulnoy.
Phiên bản nàng Lọ Lem với tên gọi Finette Cendron (1697) để lại ấn tượng sâu đậm bởi chiếc giày màu đỏ thẫm, đánh rơi sau buổi dạ hội, để rồi hoàng tử vô tình tìm thấy trên đường đi săn.
D’Aulnoy khắc họa cảm xúc mê đắm đến cao độ của nhân vật. Chàng hoàng tử của D’Aulnoy “yêu” chiếc giày đến độ không bao giờ rời xa nó, đặt dưới gối ngủ và âu yếm mỗi ngày. Chàng khiến cha mẹ rối bời, đau khổ tưởng chừng tuyệt vọng, không hề có lối thoát.
Để rồi chàng chỉ thấy yêu đời khi cưới nàng Finette Cendron và nhận lấy chiếc giày thứ hai. D’Aulnoy hàm ý rằng, phụ nữ không hẳn phát cuồng vì giày, mà có thời điểm chính đàn ông mới đắm đuối vì chúng đến mức nảy sinh nỗi niềm... ái vật.
Truyện của Karen gợi nhắc tới sắc đỏ của những đôi giày nhuốm màu tội lỗi, khiến con người quên đi luân thường đạo lý mà làm điều sai trái. |
Hilary Davidson lướt qua câu chuyện của Hans Christian Andersen về cô bé Karen, và lại bắt gặp chiếc giày đỏ. Karen nghèo khổ đi chân đất, trong trái tim chỉ thầm mong được tặng một đôi giày.
Nhưng đến khi ước mơ thành hiện thực, cô bé lại phớt lờ lời dặn dò “đừng mang đôi giày này tới nhà thờ” bởi điều đó thể hiện cho sự cao ngạo, thiếu tôn trọng. Đôi giày ma quái khiến Karen nhảy nhót không ngừng, kéo cô gái tội nghiệp qua rừng sâu, hang đá. Quá đau đớn, Karen tìm tới tay đao phủ, cầu xin được chặt đi đôi chân.
Hans Christian Andersen để lại cho hậu thế một cái kết kì lạ. Hình ảnh đôi chân mang theo giày đỏ, tiếp tục quay cuồng rồi chạy thẳng vào rừng, khiến chúng ta rùng mình.
Giới nghiên cứu lịch sử tin rằng, đôi giày phản ánh sự phân chia giai cấp sâu sắc. Tình yêu của người nghèo dành cho một thứ vật dụng chỉ thuộc về giới quý tộc lúc bấy giờ đã khiến Karen bị kết tội, trước khi cô đến nhà thờ để cầu mong Chúa tha thứ vì tính ngang bướng.
Như Hilary Davidson thừa nhận, sắc đỏ của những đôi giày còn nhuốm màu tội lỗi và sự ham muốn. Khi quá lớn, chúng sẽ điều khiển lý trí và nhân tính khiến cho người ta quên đi luân thường đạo lý mà làm điều sai trái, giống như Karen.
Có sự trùng hợp thú vị. Truyện của Andersen hư cấu, nhưng “thảm họa giày đỏ” ở châu Âu đầu những năm 1500 lại là thật. Hàng trăm người nhảy nhót không ngừng, rồi chết vì kiệt sức. Dư luận đồn đoán về tà ma, nguyền rủa, xúc phạm quỷ thần. Cổ tích ở đời thực, không ai giải thích nổi.
Bác sĩ nghi một loài bọ cắn, số khác ngờ vực nạn nhân lạm dụng chất kích thức gây ảo giác khác thường. Cho đến nay, số ít tin rằng “giày đỏ” chính là một loại vi khuẩn kích thích tiểu não, tạo hưng phấn quá mức ở người. Nhưng vẫn không một ai đưa ra được phán quyết cuối cùng.
Trong nhiều xã hội, giày dép là thước đo về sự giàu có, địa vị và văn minh. |
Nấc thang danh vọng
Trong nhiều xã hội, giày dép được coi như một thước đo về sự giàu có, địa vị và sự văn minh. Quay ngược dòng thời gian về thời Ai Cập cổ đại, ban đầu chỉ có giáo sĩ và Pharaoh mới được đi dép làm từ lá cọ, sợi giấy cói và da thô, thậm chí màu sắc còn khác biệt cho từng tầng lớp xã hội.
Cho đến Hy Lạp, dép chỉ được mang bởi những công dân tự do, và có thể dễ dàng phân biệt với nô lệ, còn giày của giới quý tộc thường được đính kèm vàng cùng đá quý, thể hiện tính thẩm mỹ rất cao. Ở phương Đông, Nhật Bản chứng kiến sự khác biệt lớn về giày dép cho hoàng tộc, thương nhân, và giới nghệ sĩ.
Thực tế này được phản chiếu rất sống động bằng những hình ảnh hư cấu trong truyện cổ tích, khi kẻ nghèo hèn và đau khổ ở dưới cùng của xã hội lúc nào cũng gắn với hai chữ “chân đất”, khá hơn thì được nhận đôi giày bằng rơm, bằng gỗ mục.
Hilary Davidson dẫn lại nghiên cứu lịch sử, phát hiện ở vùng Celtin thời cổ đại, xuất hiện những đôi giày dệt trơn đế thường được làm từ gỗ. Chúng nhanh chóng phổ biến trở thành giày dép cho nông dân và người nghèo. Đối với những gia đình quyền quý, hoặc cá nhân nắm giữ vị trí quan trọng, giày dép trở thành công cụ nói lên quyền lực, và sự tôn kính.
Câu chuyện “Chú mèo đi hia” viết bởi nhà văn Pháp Charles Perrault năm 1697 mở ra hình tượng một con mèo biết nói, sử dụng mánh khoé cùng trí thông minh để giúp chủ nhân từ một kẻ nghèo xơ xác có được quyền lực và sự giàu sang.
Điều ấn tượng, và cũng đầy ẩn ý khôn khéo, chính là việc chú mèo yêu cầu cậu con trai út cho nó một đôi hia và đã được đáp ứng. Ít người biết rằng đôi hia là thứ không tồn tại trong các phiên bản cũ của câu chuyện cho đến khi được Charles Perrault viết lại.
Cũng viết về mèo, nhưng không có hia, các tác giả người Italia như Basile và Straparola không tạo được sự bất ngờ về số phận đổi đời như Charles Perrault đã làm. Chúng ta giờ đây có thể nhìn sâu vào sức mạnh thực sự của đôi hia - biểu tượng cho những bước tiến trên nấc thang danh vọng và địa vị xã hội.
Hình ảnh đôi giày gắn liền với chú mèo lanh lợi cho thấy tầm ảnh hưởng rất lớn trong nhiều thập niên của chính bản thân Charles Perrault với triều đình vua Louis XIV (1638–1715). Ông giàu có, nhưng vốn không thuộc tầng lớp quý tộc, nên hiểu rõ lối đi để trở nên “có giá trị” trong xã hội. Và đôi hia chính là cách Perrault khắc họa một phần xã hội bấy giờ: “tôi cần động lực để bước trên chiếc thang danh vọng”.
Những bộ óc đầy sáng tạo đã biến hóa đôi giày cổ tích với nhiều chất liệu khác nhau, tạo nên cơn sốt Lọ Lem. |
Cảm hứng bất tận
“Liệu có phải giày dép từ thế giới cổ tích tạo nên nguồn cảm hứng bất tận cho nhiều lĩnh vực ngày nay được không?”, Hilary Davidson đặt câu hỏi trước giảng đường không một tiếng ồn ào từ phía sinh viên. Có ý kiến nhận định khoa học “ẩn mình” bên trong cổ tích, như cách truyền thuyết kể về đôi hài bảy dặm chỉ một bước mà đi thật xa. C
hính Hans Christian Andersen với “Đôi giày may mắn” (1838) đã khắc họa năng lực du hành không-thời gian, lên đến cung trăng rồi quay ngược về thời Trung Cổ. Tất cả xuất hiện hàng thế kỷ trước khi đôi giày của Neil Amstrong chạm tới Mặt Trăng, tạo nên một bước nhảy vọt của cả nhân loại chỉ với bước đi nhỏ bé của (một) con người.
Từ bước đột phá trong cách mạng công nghiệp đến sự thịnh vượng của văn hóa nhạc pop gắn liền với khát khao trở nên độc đáo của thế kỷ 20, giày dép trở thành một thứ tài sản khẳng định thành công.
Cũng giống cách chú bé tí hon trong tưởng tượng của Charles Perrault, vượt qua mọi khó khăn, biến đôi hài thần kỳ dưới chân mình thành một công cụ đặc biệt nuôi sống cả gia đình. Tương tự, chú mèo đi hia đã giành được lòng tin của đức vua khi nó mang đôi hia hợp thời trang, đến mức tác giả hài hước kết luận rằng: “hành xử đúng mực, và thời trang đúng kiểu, thực sự là chìa khóa dẫn đến thành công”.
Nhắc đến thời trang, hình tượng chiếc giày Lọ Lem minh chứng cho sự phát triển của cả một ngành công nghiệp. Chiếc giày thủy tinh chính thức xuất hiện lần đầu ở thế kỷ 17, trong phiên bản của Charles Perrault.
Ông nhanh chóng tận dụng quan sát thực tế để tạo nên những chi tiết đầy tính thời trang cho đôi giày của mình. Cao gót, thiết kế lạ lẫm thời bấy giờ, chiếc giày trong tư duy của Charles Perrault phản ánh khát vọng của những cô gái nghèo muốn vươn lên như Lọ Lem, chạm tới vẻ đẹp cao quý được trân trọng.
Có một thực tế rằng bản thảo của D’Aulnoy cũng nhắc đến phiên bản nàng Lọ Lem Finette Cendron, bỏ quên chiếc giày màu đỏ thẫm, đính những hạt ngọc lấp lánh - vốn là một trong số đặc điểm nổi bật của phong cách thời trang dưới thời Vua Louis XIV trị vì nước Pháp từ năm 1643 đến 1715.
Đến khi Wilhelm và Jacob Grimm xuất bản “Truyện cổ Grimm” bất hủ, nàng Lọ Lem khiêu vũ với đôi giày được thêu thùa đẹp mắt trên thân rất đặc trưng, vô cùng mỏng manh với ánh vàng và bạc gợi lên sự sang trọng, quyền quý và hấp dẫn khó cưỡng. Hilary Davidson kết luận: sự thay đổi giày của nàng Lọ Lem qua các phiên bản tựa bước tiến trong lĩnh vực thời trang.
Cho đến nay, cảm hứng từ giày thuỷ tinh tràn ngập phim ảnh và thời trang hơn cả. Phiên bản hoạt hình của hãng Walt Disney, xuất hiện năm 1950, đã đưa hình ảnh đẹp đẽ của đôi giày trở nên bất tử. Chiếc giày chỉ vừa chân nàng Lọ Lem nhờ công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính trên phim Cinderella (2015).
Còn ngoài đời thực, những bộ óc đầy sáng tạo đã biến hoá đôi giày cổ tích với nhiều chất liệu khác nhau. Cơn sốt Lọ Lem một thời khiến không ít người phát cuồng vì thiết kế giày độc đáo, qua tay hàng loạt tên tuổi lớn trong ngành như Jimmy Choo, Salvatore Ferragamo hay Stuart Weitzman, để tung ra mẫu giày thuỷ tinh có giá lên tới cả trăm triệu đồng bán tại New York, Paris và Milan...