Trên lằn ranh của vĩ đại và suy vong

Thứ Tư, 16/06/2021, 21:15
Không phải ngẫu nhiên mà trong cuốn "Bộ tổng tham mưu Xôviết trong chiến tranh", tác giả Sergei Matveevich Shtemenko - một tướng lĩnh của Hồng quân Liên Xô - khẳng định: "Làm sao có thể nói rằng chúng ta bị bất ngờ, và chúng ta không hề chuẩn bị gì cho cuộc chiến đấu vĩ đại này?".

Tuy vậy, trong những diễn biến thực tế trước ngày 22-6-1941 ấy - ngày mà hàng trăm sư đoàn, hàng nghìn máy bay và xe tăng Đức Quốc xã tràn qua biên giới, thẳng tiến về hướng Moskva, quả thật, tiến trình "bài binh bố trận" của hai bên đều đã có những điểm tạo nên ưu thế ban đầu cho đoàn quân xâm lược, cũng như tổn thất nặng nề cho Liên Xô.

Âm mưu từ quá khứ

Đến cả William L.Shirer -tác giả cuốn "bách khoa thư nhập môn về Đệ nhị Thế chiến" là "Lịch sử Đức Quốc xã - Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ ba" cũng cho rằng cá nhân Joseff Stalin cũng như tập thể các nhà lãnh đạo Liên bang Xôviết đã bị tinh thần hữu nghị giả dối của Hitler đánh lừa. 

Ông viết: "Từ tài liệu tịch thu được và từ lời khai của nhiều nhân vật hàng đầu của Đức Quốc xã (tại tòa án chiến tranh Nuremberg), điều rõ ràng là trong khi Stalin còn đang tự mãn, Hitler đã nghiền ngẫm trong đầu ý tưởng quay sang Liên Xô, và tiêu diệt đất nước ấy".

Thực ra, đây là một ý tưởng mà Adolf Hitler đã công khai từ ít nhất là 15 năm trước, trong cuốn tự truyện "Mein Kampf (Cuộc tranh đấu của tôi)": "Những người Quốc xã chúng ta phải tiếp tục sự nghiệp dang dở 600 năm về trước. Ta hãy chấm dứt sự dịch chuyển không ngừng của các sắc dân Germanic về Tây Âu hay Nam Âu, để quay nhìn về những vùng đất ở phía Đông. Khi ta nói đến lãnh thổ mới ở châu Âu ngày nay, ta phải chủ yếu nghĩ đến Nga và những nước anh em của họ (nghĩa là các sắc dân Slave). Dường như chính định mệnh muốn chỉ đường cho chúng ta đến đó. Trong đế quốc khổng lồ phía Đông này, tình trạng tan rã đã chín muồi, và khi sự thống trị của người Do Thái ở Nga chấm dứt, thì bản thân nước Nga cũng chấm dứt".

Molotov (giữa) bị phía Đức đánh giá là "một nhà ngoại giao quỷ quyệt".

Một cách ngắn gọn, tư tưởng nhất quán đó, thứ kim chỉ nam hành động của nhà độc tài Đức Quốc xã đó vẫn luôn ở đấy, nguyên vẹn và chỉ bị che giấu bởi những toan tính nhất thời. Nó cũng rõ ràng như cách nước Đức tiếp cận vấn đề lãnh thổ với Áo, Tiệp Khắc hay Ba Lan, nghĩa là bành trướng nước Đức về phía Đông để tìm "không gian sinh tồn".

Với những bài học xương máu liên tiếp diễn ra kể từ trước khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ, hiển nhiên là các nhà lãnh đạo cũng như Bộ Tổng tham mưu Xôviết không thể ngây thơ đến mức tin vào tình hữu nghị Xô - Đức, sau hòa ước Ribbentrop - Molotov.

Không cần trích dẫn bất cứ tác phẩm nào từ phía Xôviêt, chỉ cần chú ý đến hành động thực tiễn, chúng ta cũng có thể tin rằng nhận xét của Shtemenko, dù thế nào, cũng giàu cơ sở thực tiễn hơn nhận định của sử gia người Mỹ. 

Bởi vì, từ khi Đức Quốc xã mới tái vũ trang quân đội, đưa quân vào vùng Rhineland (trái với thỏa thuận của Hiệp định Versailles sau Đệ nhất Thế chiến), sáp nhập Áo và chia xẻ rồi thôn tính Tiệp Khắc, Stalin đã liên tục đưa ra những lời đề nghị hành động với hai cường quốc hàng đầu cựu lục địa là Anh và Pháp. 

Tuy vậy, bởi những toan tính lợi ích riêng, bởi muốn tránh chiến tranh với Đức hoặc bởi muốn gạt mũi nhọn của những ngọn giáo Đức sang phía Đông, cả hai đế quốc thực dân ấy đều đã phớt lờ những lời đề nghị từ phía Liên Xô, để mặc cho Đức Quốc xã hoành hành. 

Mà theo tác giả Raymond Cartier - cuốn “Hitler và các danh tướng Đức Quốc xã”, trong tất cả chuỗi hành động đó, chỉ cần Anh hoặc Pháp lên tiếng hoặc động binh là sinh mệnh chính trị của nhà độc tài nước Đức sẽ "đi đứt".

Về điều này, chính W.L.Shirer cũng thừa nhận: "Mãi đến ngày 8-5-1939, Anh mới chính thức trả lời và khước từ đề nghị của Litvinov ngày 16-4. Điều này củng cố mối lo ngại của người Nga rằng Chamberlain (Thủ tướng Anh khi đó) không muốn lập liên minh với Nga để ngăn chặn Hitler chiếm Ba Lan. Thế thì, không lạ gì mà Liên Xô tăng cường sự tiếp xúc với Đức". 

Cũng có nghĩa là, Stalin cùng Liên Xô hiểu rõ: Hiệp ước bất tương xâm Molotov - Ribbentrop sẽ dễ dàng trở thành một tờ giấy lộn.

Yếu tố Anh quốc

Nhưng, vậy thì tại sao trong giai đoạn đầu của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, Hồng quân Liên Xô lại phải hứng chịu những tổn thất khủng khiếp đến thế, phải lùi sâu đến tận nơi mà "sau lưng đã là Moskva", và để mất những khối đất đai cũng như nhân sự khổng lồ?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đó. Về mặt quân sự, phải thừa nhận là Hồng quân Liên Xô thời điểm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại bùng nổ kém xa về sức tác chiến cũng như trình độ cơ giới hóa, so với các quân đoàn thiện chiến của Đức Quốc xã. Thời gian hai năm tranh thủ được từ Hiệp ước bất tương xâm Molotov - Ribbentrov vẫn còn là quá ít ỏi để chuẩn bị chiến tranh đạt mức thực sự sẵn sàng. 

Thêm vào đó, "dính" đòn phản gián từ Đức - một khía cạnh nữa cho thấy Liên Xô vẫn rất cảnh giác với Đức Quốc xã, việc hàng loạt tướng soái quan trọng bị xử tử hoặc "thất sủng" (bao gồm cả nhà tư tưởng quân sự - nguyên soái Toukhachevski) dẫn đến chuyện Hồng quân đột nhiên quá thiếu các sĩ quan chỉ huy cao cấp.

Trong cuốn “Hitler và các danh tướng Đức Quốc xã”, Raymond Cartier thuật lại rằng sau chiến tranh, Thống chế Keitel và Đại tướng Jodl đã hỏi phía Hồng quân: "Tại sao các anh lại chấp nhận chiến đấu với những chỉ huy hạng hai?". Có điều, chính tác giả cũng lý giải, những người bước lên từ tuyến sau ấy, như nguyên soái Timoschenko, đã từng bước hoàn thiện năng lực của mình trong chiến đấu. 

Khả năng tác chiến vượt trội của lính Đức là yếu tố then chốt củng cố niềm tin cho Hitler.

Về mặt chính trị, khi tranh thủ cơ hội có được từ Hiệp ước Ribbentrop - Molotov để thiết lập các vùng không gian ngoại vi mới, như tại dải bờ biển Baltic, thì Liên Xô lại chưa đủ thời gian để "bình định" hoàn toàn những vùng đó.

Và về mặt thời điểm, Stalin cũng như toàn Bộ Tổng tham mưu Xôviết thực ra rất khó để xác định được thời điểm Đức Quốc xã sẽ "trở mặt", trong khi chính mình cũng còn đang phải tận dụng từng ngày để chuẩn bị. 

Vào lúc đó, ở phía Tây, nước Anh vẫn đứng vững sau mưa bom bão đạn. Bất cứ ai tiếp xúc và chứng kiến sự hiếu thắng đến ngang ngạnh của Adolf Hitler cũng sẽ khó có thể tin rằng ông ta chấp nhận từ bỏ hoàn toàn việc chiếm đóng đảo quốc đó để chuyển những đoàn quân của mình sang một hướng khác.

Và William L.Shirer lý giải: "Hitler tin tưởng rằng tinh thần quật cường của Anh quốc có được là do họ vẫn còn kỳ vọng vào Liên Xô. Nga chỉ cần hé lộ cho Anh biết rằng Nga không muốn thấy Đức quá mạnh, là người Anh như chết đuối vớ được phao, lại nuôi hy vọng rằng tình hình sẽ hoàn toàn thay đổi trong sáu đến tám tháng. Nhưng nếu Liên Xô bị tiêu diệt, hy vọng của Anh sẽ vỡ vụn".

Thế rồi, Adolf Hitler trình bày cho các tướng lĩnh dưới quyền mình một kế hoạch xem ra đã chín muồi, đã được nghiền ngẫm kỹ lưỡng, và chỉ còn chờ lệnh phát động chính thức. Mục tiêu duy nhất được xác định: "Xóa sạch chính khả năng tồn tại của Liên Xô" (tháng 7-1940). Thậm chí, Hitler đã định tấn công Liên Xô ngay trong mùa thu năm 1940 ấy, chứ không đợi đến tận mùa hè 1941.

Đó là một kế hoạch quá sức tham vọng, một miếng mồi quá lớn đối với Đức Quốc xã. Song, Hitler, sau những trận thắng như chẻ tre ở Tây Âu và sau khi đã nắm được những thông tin đầy hứa hẹn về sự lạc hậu của Hồng quân, đã không còn giữ được đôi chân trên mặt đất. 

Ông ta tin rằng, chỉ cần yếu tố bất ngờ cũng như các đoàn quân tinh nhuệ là đủ hoàn tất một cuộc chinh phục vĩ đại - cuộc chinh phục mà đến Napoleon cũng không thể tránh khỏi bại vong. Nhưng ông ta đã nhầm. Khối mênh mông lãnh thổ, trùng điệp những đoàn quân hậu bị và cháy bỏng tinh thần ái quốc ấy cũng chính là điểm khởi đầu cho sự suy tàn của Đệ tam đế chế dưới tay ông ta.

* Vào cuộc hội đàm Đức - Nga diễn ra tháng 11-1940, khi Ribbentrop và sau đó là chính Adolf Hitler đề cập đến vấn đề phân định vùng ảnh hưởng, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Molotov cũng đã phản pháo theo cách mà "Hitler cũng không thể lường đến". 

Ông bày tỏ thẳng thừng sự nghi ngờ của mình khi nói rằng: "Những phát biểu của Lãnh tụ (Fuehrer - danh xưng của Hitler) có tính chất chung chung", rồi sau đó dồn dập đưa ra những câu chất vấn mà Hitler không thể trả lời, về chuyện: Đức định làm gì ở Phần Lan? Trật tự mới ở châu Âu và châu Á có ý nghĩa như thế nào, và vai trò của Liên Xô là gì?... Vị khách ngoại giao người Nga ấy tỏ ra "lạnh lùng, vô cảm, không có vẻ xúc động gì trước một viễn cảnh toàn cầu chói lọi"… (William L.Shirer).

* Trong chỉ thị Tối mật mà Hitler phát đi cho các tướng lĩnh tham gia chiến dịch Barbarossa ghi rõ: "Quân đội Đức phải chuẩn bị nghiền nát Liên Xô trong một chiến dịch thần tốc, trước khi chấm dứt Cuộc chiến nước Anh… 

Phải tiêu diệt quân đội Liên Xô ở miền Tây Nga bằng cách hành quân táo bạo, với những mũi tấn công thọc sâu bằng thiết giáp, ngăn chặn các đơn vị địch còn toàn vẹn và có khả năng tác chiến rút lui về hậu phương rộng lớn của chúng. Mục đích chung là lập một phòng tuyến chống quân Nga từ sông Volga đến vùng Archagelsk".

Thiên Thư
.
.