Trái tim của Einstein, mệnh lệnh của Stalin

Thứ Bảy, 27/10/2018, 10:33
Dường như, hai mệnh đề ấy chẳng liên quan gì tới nhau. Nhưng thật trớ trêu, trong lịch sử, từng có một người đóng vai trò gạch nối giữa tình yêu của nhà khoa học lừng danh và ý chí của vị lãnh tụ Liên Xô vĩ đại.

Người ấy, người phụ nữ bí hiểm ấy, mang tên Margarita Konenkova. Một mỹ nhân tuyệt sắc. Một điệp viên phi thường.

Tình thư một bức phong còn kín

"Tất cả những gì còn lại ở đây đều gợi nhớ đến em: Chiếc khăn choàng của Almar, những cuốn từ điển, chiếc tẩu thuốc tuyệt vời mà chúng ta ngỡ đã đánh mất, và tất cả những gì nhỏ bé nhất ẩn giấu trong từng tế bào. Và cả một chiếc tổ cô đơn…".

Năm 1998, những dòng ấy, bức thư tình ấy, nỗi tương tư ấy mà Albert Einstein thiên tài viết ngày 27-11-1945, lần đầu được The New York Times hé lộ trên mặt báo của mình. Và thế giới bắt đầu thực sự có những hình dung về mối tình sâu kín của nhà bác học, một mối tình tuyệt vọng không thể kết thúc viên mãn.

Cho dù tác giả của Thuyết tương đối đã biết rõ: Người trong mộng của ông là một điệp viên đến từ bên kia "Bức tường thép", cho dù khi đó Chiến tranh Lạnh đã mở màn, ông vẫn yêu người phụ nữ ấy say đắm (có lẽ là còn hơn cả Mileva hay Elza - hai người vợ chính thức của mình). Einstein, ở một khía cạnh nào đó, tìm thấy lại thanh xuân và tận hưởng nó, điều hoàn toàn không giống với một nhà khoa học đứng tuổi.

Hai tâm hồn vô cùng đồng điệu.

Thí dụ, Almar trong những dòng trên là ai? Hay đúng hơn, là gì? Là tên một chú chó cưng được đặt để đánh dấu mối tình giữa hai người. Almar - đó là Albert và Margarita. Là một sự kết hợp. Một chứng nhân. Một lời nguyện ước. Như những cô gái chàng trai đôi mươi mười tám vẫn hay làm thế. Mà thời điểm đó, Einstein đã 66 tuổi, còn Margarita sang tuổi 51.

Bức thư được gửi từ nhà của Einstein, ở Princeton. Có lẽ nó không bao giờ đến được tay người nhận. Có lẽ Margarita không bao giờ nhận được lá thư ấy. Hiện tại, bức thư đã được Nhà Sotheby mua lại.

Nhưng, vẫn còn 9 bức thư tình của Einstein mà Margarita mang theo đến tận cuối đời không thuộc sở hữu của bất cứ nhà sưu tầm nào.

Margarita Konenkova đẹp đến mức độ nào? Hãy nghe chính chồng bà, nhà điêu khắc Liên Xô Sergey Konenkov miêu tả: "Margarita đẹp tới mức tôi ngỡ nàng là tác phẩm nghệ thuật mà một nghệ sĩ bí ẩn nào đó đã sáng tạo nên".

Và nếu lời ngợi ca của một người chồng yêu vợ hết mực, đến mức độ sẵn sàng "sống chung với giông bão", vẫn còn chưa đủ sức thuyết phục, thì những hồ sơ được hé lộ về Margarita cũng khẳng định rằng trước Albert Einstein, danh sách những nhân vật quỵ ngã dưới tấm nhan sắc ấy còn cả nhạc sĩ Sergey Rakhmaninov, hay danh ca Feodor Shaliapin…

Nhà bác học thiên tài và mỹ nhân tuyệt sắc ấy đã gặp nhau như thế nào? Khá muộn màng, và cũng tương đối bất ngờ. Margarita đã cùng chồng đến Mỹ từ năm 1922, nhưng đến tận tháng 6-1935, đôi tình nhân mới lần đầu hội ngộ, sau rất nhiều cuộc phiêu lưu tình ái của riêng mỗi người.

Đó là khi Ban giám hiệu Đại học Priceton danh giá muốn mời Sergey Konenkov tạc tượng Albert Eisntein, để lưu giữ trong phòng truyền thống. Cơ quan tình báo Liên Xô (KGB) ngay lập tức nắm được thông tin, và ngay lập tức lệnh cho điệp viên mang mật danh "Lukas" - chính là Margarita - tận dụng bằng được cơ hội để tiếp cận nhà bác học.

Sứ mệnh là sứ mệnh. Nhưng khi thực thi sứ mệnh, nếu trái tim của Einstein loạn nhịp vì sự quyến rũ của đối phương, thì chính Margarita cũng xao xuyến bởi cách nói chuyện hài hước và sự thông minh tuyệt đỉnh của "đối tượng". Đốm lửa nhỏ bùng lên thành một ngọn lửa rừng rực.

Họ có quá nhiều điều để gắn bó với nhau. Từ sự đăng đối "trai tài gái sắc", đến những khát vọng cháy bỏng và tâm tư phức tạp, trong những dòng chảy cuồn cuộn của thời đại.

Năm 1939, Đại chiến thế giới lần thứ hai bùng nổ. Margarita xuống đường, dẫn đầu các nhân sĩ yêu chuộng hòa bình cùng kiều dân Liên Xô ở Mỹ. Bà trở thành Tổng thư ký Hiệp hội trợ giúp Liên Xô. Bà là bạn thân của phu nhân Tổng thống Mỹ lúc đó - Eleanor Roosevelt. Hình ảnh của bà liên tục xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Những ngày nồng ấm ở Princeton.

Trong khi đó, là một người gốc Do Thái, Albert Eisntein không thể ngồi yên với những tin tức kinh khiếp đưa về từ châu Âu. Ông phản đối chủ nghĩa Đức Quốc xã, phản đối chiến tranh, và do đó, ông lại càng bị hấp dẫn bởi người phụ nữ Liên Xô.

Lời ngỏ ý đầu tiên được đưa ra, và Margarita trả lời: "Em nghĩ em nên từ chối lời đề nghị của ông. Nhưng lẽ nào em lại từ chối Albert Einstein?".  

Khi ấy, Elza, người vợ thứ hai của Einstein, đã qua đời được khá lâu (1936). Không còn gì ngăn cản hai con thiêu thân được nữa. 

Einstein viết cho người chồng tội nghiệp Sergey Konenkov một bức thư dài, rằng Margarita ốm nặng và cần phải được lưu trú ở khu an dưỡng Saranack - nơi Einstein thường tìm đến sau những ngày làm việc căng thẳng, kèm theo một số giấy tờ chứng nhận y tế mà ông xoay xở được. 

Konenkov đồng ý, để rồi chính phòng làm việc của Eisntein tại Princeton trở thành một "tổ ấm" - điều được nhắc đến trong những dòng thư cháy bỏng ở trên.

Sứ mệnh và trái tim

Nhưng sứ mệnh dù sao cũng vẫn là sứ mệnh. Đặc biệt, khi sứ mệnh ấy gắn liền với những biến thiên xoay quanh một trong những (nếu không muốn nói "chính là") phát minh khoa học kinh khủng nhất của loài người: Bom nguyên tử.

Cuộc đua giành thế thượng phong trên bản đồ địa chính trị toàn cầu bằng vũ khí hạt nhân đã bắt đầu manh nha ngay từ trước và trong Đại chiến thế giới lần thứ hai, khi Đức Quốc xã đẩy mạnh nghiên cứu với nhóm các nhà khoa học dẫn đầu bởi Werner Heiseinberg, còn hàng loạt nhà khoa học châu Âu chạy sang Mỹ tị nạn, trong đó có Robert Openheimer - cha đẻ của những quả bom nguyên tử đầu tiên ném xuống Hiroshima và Nagasaki.

Năm 1939, một nhà bác học gốc Hungary - Gladbach - đề nghị chính phủ Mỹ ưu tiên nghiên cứu vũ khí hạt nhân để đi trước người Đức. Ý kiến này không được chú ý đúng mức. Gladbach cầu cứu Einstein. Bằng uy tín của mình, Eisntein ký vào bản kiến nghị gửi tới Nhà Trắng, và giúp nó ngay lập tức được trọng thị.

Năm 1942, Chính phủ Mỹ chi 2,5 tỷ USD cho Dự án Manhattan về bom nguyên tử, dưới sự chỉ đạo của Openheimer. KGB lập tức cắt người tiếp cận vợ Openheimer, và cũng đã đến lúc "Lukas" Margarita được giao nhiệm vụ cụ thể: đánh cắp những tin tức tuyệt mật về bom nguyên tử, cũng như sự phát triển của ngành vật lý Mỹ.

Cao trào, và cũng là chặng cuối của cuộc tình định mệnh bắt đầu từ tháng 8/1945, khi Liên Xô chính thức triển khai dự án nghiên cứu và phát triển vũ khí hạt nhân của mình. Margarita và Einstein lại tìm đến nhau ở Saranack. 

Vì tình yêu, nhà bác học thiên tài sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm.

Nhưng, lần này, tâm tư Margarita vô cùng hỗn loạn. Bà biết rằng bà không thể từ bỏ nhiệm vụ. Song, bà lại quá yêu Einstein để ép mình lừa dối ông. Và bà chọn thổ lộ tất cả, trong nước mắt, để đề nghị người tình đi gặp đại diện Liên Xô tại Mỹ.

Không ai dám chắc Einstein đã nghĩ gì, đã cảm thấy thế nào và đã giằng xé ra sao. Tuy nhiên, cuối cùng, ông làm theo lời đề nghị của Margarita, nghĩa là chấp nhận mạo hiểm đánh đổi cả sinh mạng lẫn danh dự của mình. 

Các tài liệu đã được giải mật còn chưa xác nhận Einstein có cung cấp cho phía Liên Xô những tin tức giá trị nào không. Nhưng dù sao, ông cũng đã lên tiếng khẳng định rằng bom nguyên tử mang lại cho thế giới một mối nguy hiểm mới, như một lời cảnh báo từ giới khoa học đến toàn nhân loại.

Thực ra, theo nhiều nguồn đánh giá, từ Openheimer qua Gladbach tới Einstein, các nhà bác học thảy đều dằn vặt lương tâm trước những gì xảy đến ở Nhật Bản. Họ có lẽ cũng không muốn nước Mỹ độc quyền sở hữu thứ vũ khí tối thượng ấy.

Và nghĩa là, cái gì phải đến cũng đã đến. "Ngửa bài" với Einstein, Margarita không còn đủ bí mật để tiếp tục nhiệm vụ. "Lukas" phải trở về Liên Xô, để tránh các rắc rối ngoại giao không cần thiết, cũng như bảo đảm an toàn thông tin tình báo, chưa kể đến sinh mạng của chính bà. 

Einstein cũng hiểu điều đó. Sau bao nhiêu vật vã đau đớn, ông đành nhìn người tình cùng chồng về lại cố hương (tháng 12/1945), để "bắt đầu một cuộc sống mới vui vẻ và dũng cảm".

Tất cả các nhân vật trong câu chuyện tình tay ba này đều kết thúc cuộc đời trong cô đơn. Einstein cũng vậy. Margarita cũng thế. Chiến tranh Lạnh ngăn cản họ liên lạc, hoặc chí ít là được biết tin tức về nhau. Sergey Konenko thì dồn hết tâm trí vào những bức tượng. 

Ông mất năm 1975, khép lại một cuộc đời quá nhiều dư vị cay đắng, đặc biệt là trong vai trò chứng nhân bất đắc dĩ của một cuộc tình - một sứ mệnh phi thường.

* Theo cuốn "KGK và Điện Kremli", tướng Pavel Sudoplatov khẳng định Margarita đã lấy được từ Albert Einstein không ít tài liệu quan trọng liên quan đến các công nghệ mũi nhọn của Mỹ.

* Margarita mất năm 1980, sau chặng cuối đời không giao du với ai và chỉ đắm chìm trong hồi ức. Trước khi mất, bà yêu cầu người nhà hủy hết giấy tờ, tư liệu, nhưng vẫn giữ lại bên mình những bức thư và chiếc đồng hồ Albert Einstein tặng trước ngày chia tay. 

Đông Thiên
.
.