Thế giới và con đường tiến tới trí tuệ nhân tạo: Sẽ đem lại sự diệt vong?

Thứ Ba, 13/06/2017, 09:43
Việc mới đây nhà vật lý thiên tài Stephen Hawking lên tiếng cảnh báo về thảm họa do sự phát triển của trí thông minh nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) gây ra đối với loài người đã đặt ra những câu hỏi về những gì mà AI mang lại.

Stephen Hawking cho rằng sự nguy hiểm tiềm ẩn, đặc biệt là chiến tranh hạt nhân và sinh học do AI gây ra cho con người là có thật. Con người đã phát triển công nghệ ở mức có thể hủy diệt chính môi trường sống của mình và tạo nên một thế giới mới, nơi các người máy với trí thông minh nhân tạo chiếm ưu thế. 

Ông cũng cho rằng trong vòng 100 năm nữa, con người vẫn chưa thể tìm kiếm được một môi trường sống mới như Trái Đất, vì vậy cần hết sức thận trọng trong giai đoạn hiện nay - giai đoạn phát triển công nghệ mạnh mẽ. Nhà tỷ phú Elon Musk cũng cùng ý kiến với Stephen Hawking khi viết thư ngỏ cảnh báo về việc phát triển vũ khí tự hành, robot có vũ trang sẽ đe dọa sự tồn tại của con người.

Vậy AI là gì? Nó đã xuất hiện trong đời sống thường ngày của con người như thế nào? Và khi AI tự phát triển và trở thành một dạng siêu trí tuệ thì con người sẽ phải đối mặt với thảm họa diệt vong hay không?

AI - tương lai xa đang ở gần trước mắt

Kể từ khi nhà toán học John McCarthy (1927 - 2011) đưa ra thuật ngữ "trí tuệ nhân tạo" tại Hội nghị Dartmouth vào năm 1956, đã không ai có thể ngờ được AI sẽ có lúc trở nên quen thuộc với chúng ta như hiện nay. 

AI có mặt trong nhiều lĩnh vực của đời sống, từ điện thoại cho tới máy tính, robot tự hành… và rất nhiều người khi nghe đến AI thì liên tưởng ngay tới các bộ phim khoa học viễn tưởng, hoặc chỉ như một dự đoán huyền bí về tương lai hơn là một thực tế.

AI có thể được coi là một ngành khoa học liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh, nói một cách khác, AI là trí tuệ của máy móc được con người tạo ra. AI có thể tư duy, suy nghĩ, học tập… như trí tuệ con người với mức độ xử lý thông tin quy mô hơn, khoa học và nhanh hơn. Dựa vào năng lực của AI mà người ta chia thành ba loại AI chính:

Trí tuệ nhân tạo hẹp (Artificial Narrow Intelligence - ANI), hay còn được gọi là AI yếu, là loại AI chỉ tập trung vào một lĩnh vực nhất định. Hẳn chúng ta còn nhớ trận đối đầu giữa siêu máy tính Deep Blue và nhà đại kiện tướng cờ vua Garry Kasparov, đây được coi là bước tiến đánh dấu sự phát triển của AI hẹp.

Trong lĩnh vực y tế, AI cũng trở thành trợ thủ đắc lực cho các bác sĩ.

Trí tuệ nhân tạo rộng (Artificial General Intelligence - AGI), hay còn được gọi là AI mạnh, AI cấp độ trung bình của con người. AGI là một bộ máy thông minh có thể thực hiện bất kỳ nhiệm vụ trí tuệ nào mà bộ não con người có thể xử lý. 

Cho đến nay những tiến bộ công nghệ của con người vẫn chưa cho phép tạo ra AGI. Trí tuệ nhân tạo rộng được mô tả có năng lực không hạn chế trong khả năng lý luận, lập kế hoạch và tư duy trừu tượng, học hỏi và rút kinh nghiệm.

Siêu trí tuệ nhân tạo (Artificial Superintelligence - ASI), AI dạng này được coi là có năng lực trong mọi lĩnh vực, từ sáng tạo khoa học cho đến năng lực xã hội.

Có thể thấy hiện nay, cấp độ thấp nhất của AI - AI dạng hẹp đã được con người chinh phục và phổ biến ở khắp nơi. Ta có thể thấy từ những máy tính điều khiển hệ thống vận hành xe, cho tới những cây xăng tự động. Những thế hệ xe tự lái có khả năng nhận biết và đưa ra quyết định với môi trường xung quanh cũng đang được phát triển. 

Chiếc điện thoại di động của bạn đang dùng cũng là cả một hệ thống ANI thu nhỏ, nó sẽ gợi ý cho bạn từ thuật khóa tìm kiếm, khả năng điều hướng theo ứng dụng cho tới việc nghe một bản nhạc theo ý thích.

Google cũng là một bộ não ANI khổng lồ với những thuật toán phức tạp để tìm kiếm và xếp hạng những trang web và quyết định đưa ra kết quả cho người dùng. Đây cũng chính là cách thức mà mục tin mới của Facebook hoạt động. 

Chắc hẳn bạn đã một lần thắc mắc rằng những sản phẩm bạn tìm kiếm lại hiện lên gợi ý khi bạn vào trang web khác, hoặc đơn giản hơn là việc gợi ý kết bạn từ Facebook. Để làm được điều này, một liên kết các ANI cùng tính toán và hoạt động cùng nhau để tìm hiểu bạn là ai, bạn thích gì, thói quen của bạn… sau đó sẽ đưa những thông tin gợi ý này ra trước mắt bạn.

Trong lĩnh vực y khoa, AI cũng đem lại những khả năng mà con người khó có thể đạt được. Như việc các hệ thống AI có thể dựa vào một tổ hợp lớn các dữ liệu người bệnh, từ đó đưa ra kết quả chẩn đoán. 

Theo tiến sĩ Luke Oakden-Rayner, tác giả của dự án nghiên cứu sử dụng AI trong chẩn đoán tuổi sinh học và tuổi thọ của bệnh nhân, thì hạn chế của con người là các bác sĩ không thể quan sát bên trong cơ thể và từ đó đánh giá tình trạng của cơ quan nội tạng.

AI được thiết kế cho thế hệ xe tự lái có khả năng nhận biết môi trường xung quanh và đưa ra quyết định.

Siêu trí tuệ nhân tạo sẽ đem lại sự diệt vong?

Lợi ích to lớn mà sự phát triển của AI đem lại rõ ràng không cần phải bàn cãi, thế nhưng nhiều chuyên gia khoa học đều đã lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ một khi AI tự phát triển tới cấp độ cao hơn và con người không thể kiểm soát.

Theo Giám đốc Hiệp hội Vì sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, ông Thomas Dietterich, thì những mối nguy mà AI có thể gây ra trong tương lai bao gồm sự tự phát triển trong các phần mềm trí tuệ nhân tạo, hiểu sai ý người lập trình và AI bị tấn công. Trong các khả năng được đưa ra có cả việc robot nổi loạn và con người mất kiểm soát khi sử dụng AI trong lĩnh vực công nghệ sinh học. 

Ông Sebastian Farquhar, Giám đốc Dự án các ưu tiên mang tính toàn cầu cho rằng "Khi trí tuệ nhân tạo phát triển với mục đích khác so với giá trị của loài người, có thể các hậu quả xấu sẽ xảy ra". Tuy nhiên, những nhà khoa học lạc quan thì cho rằng, AI không thể tự nghĩ được vì những thuật toán chỉ được áp dụng và trên thực tế AI chỉ hành động theo các chương trình được viết sẵn. Theo họ, con người hoàn toàn có thể kiểm soát được AI một cách an toàn.

Về sự phát triển của AI tiến tới siêu trí tuệ nhân tạo, nhà khoa học viễn tưởng Vernor Vinge cho rằng trí tuệ nhân tạo, sự nâng cao khả năng sinh học của con người hoặc các giao diện não-máy tính có thể dẫn tới điểm "kỳ dị kỹ thuật". 

Đây là khái niệm giả định khi nền công nghệ phát triển gia tốc tạo ra hiệu ứng khiến cho AI vượt qua trí tuệ và con người sẽ không thể kiểm soát. Những siêu trí tuệ nhân tạo tiếp tục sản sinh ra những bộ óc ngày càng mạnh và không ngừng nhận thức cho tới khi vượt quá khả năng của con người.

Các ứng dụng di động dựa trên nền tảng AI.

Những cuộc tranh luận của các nhà khoa học về việc sẽ mất bao nhiêu thời gian để AI đạt được mức thông minh như con người. Theo con số thống kê thì ước chừng khoảng 25 năm nữa tức thì mốc AGI sẽ đạt được. 

Điều này nghe có vẻ không mấy khả quan nhưng nếu hình dung việc mất hàng thập kỷ để con người có được hệ thống AI đầu tiên đạt mức trí tuệ thấp. Một máy tính với mức hiểu biết thế giới xung quanh như một đứa trẻ lên 4 tuổi, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, hệ thống này đưa ra một thuyết vật lý kết nối giữa thuyết tương đối rộng và lượng tử, điều mà chưa con người nào có thể làm được ở mức rõ ràng. 

Các nhà khoa học cho rằng, mất rất nhiều thời gian để con người có thể chinh phục trí tuệ nhân tạo ở mức AGI, nhưng sẽ chỉ một thời gian ngắn sau đó siêu trí tuệ nhân tạo ASI sẽ xuất hiện do khả năng tự học hỏi và phát triển của AI. 

Thật khó để hình dung ra một trí tuệ thông minh gấp 100 hay 1 tỷ lần một người bình thường, nhưng chắc chắn siêu trí tuệ đó có thể tạo ra công nghệ để chống lại sự lão hóa, xóa bỏ các bệnh dịch, và thậm chí tiến tới sự bất tử hoặc đem lại sự diệt vong cho con người.

Theo Vernor Vinge: "Chúng ta đang gần chạm tới cột mốc thay đổi có tầm vóc sánh ngang với sự kiện loài người xuất hiện trên Trái Đất". 

Hoàng Ngọc
.
.