Thành phố Kim Tự Tháp nền văn minh cổ Norte Chico, Peru: Bí ẩn 5.000 năm tuổi

Thứ Bảy, 01/07/2017, 14:16
Đất nước Peru với dân số ước tính hơn 30 triệu người với nhiều sắc tộc, người da đỏ, người gốc Âu, người gốc Phi và cả người gốc Á. Chính sự kết hợp của nhiều nền văn hóa này đã khiến cho Peru có được sự đa dạng trong nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, ẩm thực, văn chương… 

Peru còn được coi là chiếc nôi của nhiều nền văn hóa cổ đại, từ nền văn minh Norte Chico cho tới Inca, đế quốc lớn nhất châu Mỹ thời kỳ tiền Colombo.

Trong rất nhiều những bí ẩn chưa có lời giải của thời kỳ cổ đại Peru, nền văn minh Norte Chico được coi là một trong những nền văn minh cổ nhất trên thế giới. Những công trình hoành tráng và các kim tự tháp lớn, hệ thống thủy lợi phức tạp được xây dựng ở thời kỳ này khiến cho Norte Chico trở thành tâm điểm chú ý của nhiều nhà nghiên cứu.

Vào cuối năm 1990, nhà khảo cổ học Peru Ruth Shady và các cộng sự đã cung cấp những tài liệu đầu tiên đăng tải trên tạp chí Nature về việc nghiên cứu nền văn minh Norte Chico.

Nền văn minh cổ xưa không có đồ gốm

Nền văn minh Norte Chico (hay còn được gọi là văn minh Caral hoặc Caral-Supe) thuộc thời kỳ tiền Colombo nằm ở vùng duyên hải trung bắc Peru. Norte Chico phát triển mạnh mẽ từ thiên niên kỷ thứ 4 đến thiên niên kỷ thứ 2 trước Công nguyên. 

Các nhà khảo cổ học cho rằng vào thời kỳ này, Norte Chico có khoảng 20 trung tâm dân số lớn trong khu vực, và đô thị đầu tiên có niên đại 3.500 năm trước Công nguyên tại Huaricanga, vùng Fortaleza. Norte Chico hình thành từ năm 3.200 và lụi tàn vào năm 1.800  trước Công nguyên và được ghi nhận là nền văn minh lâu đời nhất được biết đến ở châu Mỹ.

Nền văn minh Norte Chico nổi tiếng với những công trình kiến trúc ấn tượng, nghi lễ tôn giáo và đặc trưng bởi những kim tự tháp bằng đá. Các hiện vật tôn giáo được tìm thấy khắp khu vực, nhiều nhất là gần các kim tự tháp đá nổi tiếng của người Norte Chico. 

Theo ông Winifred Creamer, Đại học Northern Illinois, Mỹ thì việc tìm thấy những hiện vật tôn giáo này chứng tỏ cư dân Norte Chico đã có một hệ thống tín ngưỡng được tổ chức chặt chẽ. Ở các khu dân cư, những công trình kiến trúc ấn tượng, những bệ đá, tòa tháp cao tới 30 mét được xây dựng ở các vị trí quan trọng.

Một giả thiết được các nhà nghiên cứu đặt ra về sự dịch chuyển của các khu dân cư Norte Chico, sau khi những vùng định cư bị bỏ hoang (vào khoảng những năm 1.800 trước Công nguyên) thì cư dân Norte Chico đã di chuyển tới những vùng đất khác trên lãnh thổ Peru, mang theo cả những thành tựu về nông nghiệp và văn hóa. 

Hình vẽ mô phỏng cảnh xây dựng kim tự tháp ở Caral.

Theo ông Jonathan Haas, Bảo tàng Field Chicago: “Sự phức tạp và quy mô lớn của nền văn minh Norte Chico là nền móng cho sự phát triển hưng thịnh về văn hóa kéo dài hàng nghìn năm trên các vùng khác của dãy núi Andes”.

Một điểm thú vị khác của Norte Chico về việc “thiếu vắng” đồ gốm sứ, điều này khá lạ lùng vì người ta cho rằng loài người thường có kỹ năng làm các đồ gốm sứ trước khi xây dựng các công trình kiến trúc. 

Những cư dân Norte Chico sẽ nướng chín các loại cây củ quả thay vì đun chúng trong các nồi bằng đất nung. Việc thiếu hụt các đồ tạo tác bằng gốm kèm theo nghệ thuật trang trí sơ sài, những bằng chứng khảo cổ còn lại của nền văn minh Norte Chico cho thấy ở thời kỳ này hầu như không có nghệ thuật thị giác nào đáng kể, không điêu khắc, không chạm trổ… 

Ngược lại với việc thiếu các đồ gốm và thẩm mỹ nghèo nàn, những cư dân Norte Chico đã đạt tới trình độ cao đối với các sản phẩm dệt. Một tạo tác nổi tiếng của họ được tìm thấy là nhánh quipu. Nhánh quipu, hay còn gọi là “những nút thắt biết nói” là một đoạn dây được bện hoặc đan từ những sợi lông lạc đà không bướu, lạc đà Anpaca Nam Mỹ, hoặc sợi bông. 

Cư dân Norte Chico dùng nhánh quipu để lưu trữ hồ sơ, giám sát thu thuế, thông tin ngày tháng và cả hệ thống tổ chức quân đội. Bằng cách kết hợp các loại sợi len, màu sắc, nút thắt và mấu nối, những người Norte Chico có thể hiểu được các thông tin mang tính thống kê trong khi giao thương giữa các vùng dân cư.

Vùng đất thiêng Caral nhìn từ trên cao.

Caral - Vùng đất của những điều kỳ diệu

Nền văn minh Norte Chico với thủ phủ là thành phố Caral ở thung lũng Supe có diện tích rộng tới 626 hecta có từ cuối thời kỳ cổ đại, trung tâm dãy Andes. Thành phố này được các cư dân Norte Chico gọi là vùng đất thiêng do tập trung nhiều những công trình phục vụ nghi lễ tôn giáo; được xây dựng trên nền đất cứng của sa mạc và phía trước là thung lũng xanh tươi. 

Vào thời kỳ phát triển huy hoàng, Caral có tới hơn 3.000 người cư trú. Điều đặc sắc ở Caral là các kim tự tháp bậc, qua phân tích bằng phương pháp carbon, các nhà nghiên cứu xác định niên đại của chúng tương đương với các kim tự tháp Ai Cập cổ đại.

Vùng đất thiêng Caral được phát hiện nhờ công của nhà khảo cổ học người Đức Max Uhle khi ông tiến hành khảo sát thung lũng Supe năm 1905. Nhưng phải vài thập kỷ sau, những cuộc khai quật qui mô lớn mới được tổ chức và hé lộ phần nhỏ của thành phố cổ đại này. 

Những ngọn đồi sau này được xác định là các kim tự tháp có bậc được phát hiện vào những năm 1970 đã khiến các nhà khảo cổ ngạc nhiên bởi sự rộng lớn và hoành tráng của thành phố cổ đại này. Có tới 6 kim tự tháp bậc bao quanh một quảng trường trung tâm, hệ thống tưới tiêu phức tạp  và cả các công trình công cộng đồ sộ.

Nhánh quipu - tạo tác đặc sắc của cư dân Norte Chico.

Những bằng chứng khảo cổ tại Caral cho thấy cư dân ở đây đã có thể vẽ lên lịch trình theo dõi sản xuất nông nghiệp, và cả hệ thống dự báo thời tiết. Điều này giúp cho họ có thể xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc của mùa màng và qua những kết quả dự báo thời tiết, họ sẽ đưa ra quyết định phù hợp, giúp tăng năng suất cho nông nghiệp. 

Cư dân Caral chủ yếu làm nghề nông nghiệp và ngư nghiệp, họ đổi những sản phẩm nông nghiệp như hạt tiêu, bông, khoai tây… lấy những đồ thủ công, dây chuyền bằng vỏ sò được các thương lái đến từ những vùng đất xa xôi như Ecuador đem tới. 

Dựa vào các công trình đồ sộ và hệ thống tưới tiêu phức tạp, Norte Chico đã hình thành một xã hội có tổ chức cao. Một số ít người có quyền lực và giàu có tập trung tại thủ phủ Caral, ở đây họ thuê (ép buộc) những người thợ tập trung xây dựng các công trình.

Một bài viết được đăng tải trên trang web andina.com, theo đó nhà nghiên cứu Ruth Shady cho rằng các cư dân Caral đã biết cách dẫn và điều hòa luồng gió chạy qua những ống dẫn ngầm để duy trì nhiệt độ và giữ lửa. 

Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy những bằng chứng về việc cư dân Caral đã biết cắt giảm các cơn đau bằng cách dùng cây liễu, có thành phần hoạt tính tương tự thuốc Aspirin. 

Được hình thành trên khu vực có nhiều hoạt động địa chấn, những công trình ở thành phố cổ Caral được xây dựng trên những nền móng được gọi là “shicras”. Đó là những chiếc giỏ lớn chứa đầy đá, một công nghệ sơ khai về chống động đất.

Điểm thú vị là ở Caral không hề có những dấu tích về vũ khí, về chiến tranh và thậm chí không có cả những bức tường bao quanh các công trình… Có thể nói những cư dân nơi đây theo chính sách hòa hoãn để phát triển. 

Có lẽ nhờ vậy mà Caral phát triển mạnh mẽ và được coi là thành phố có công nghệ phát triển và lâu đời nhất tại khu vực.  Caral cũng được coi là nơi ra đời của ngôn ngữ Quechua, vẫn được sử dụng cho tới ngày nay. Điều kỳ lạ là Norte Chico là một trong số ít những nền văn minh cổ đại phát triển mà không hề có hệ thống chữ viết. 

Khoảng những năm 1.800 trước Công nguyên, một đợt hạn hán kéo dài đã buộc cư dân Caral phải rời bỏ thành phố, vùng đất thiêng Caral đã bị bỏ hoang và chôn vùi dưới cát.

Hoàng Ngọc
.
.