Tham vọng trở lại địa ngục

Thứ Bảy, 03/07/2021, 09:09
Tin tức về sao Hỏa tràn ngập truyền thông, khiến dư luận gần như quên mất sao Kim - “chị em sinh đôi” của Trái Đất. Ngay từ buổi bình minh của kỷ nguyên không gian, Liên Xô đã thể hiện sức mạnh trước các đối thủ bằng nhiều dự án đầy tham vọng, gửi tới bề mặt sao Kim những cỗ máy tự động để tìm kiếm dấu hiệu sự sống.

Có giai đoạn, Moscow tự hào là quốc gia duy nhất chạm tới sao Kim, và khẳng định với nhân loại rằng hành tinh này là một địa ngục thực sự.

Sứ mệnh huyền thoại

Giai đoạn đầu thập niên 1960, Chiến tranh Lạnh đang ở cao trào, căng thẳng địa chính trị và xung đột ý thức hệ Moscow - Washington lên tới đỉnh điểm, trực tiếp châm ngòi cho trận chiến chinh phục vũ trụ. Liên Xô bấy giờ khát khao muốn vượt Mỹ để giành lấy “những danh hiệu đầu tiên” trong khoa học vũ trụ. 

Sự tự tin hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ người Liên Xô sản xuất thành công tên lửa tốt hơn Mỹ, cho phép chế tạo và phóng các tàu vũ trụ lớn hơn, gồm người lái và không người lái. Với tên lửa đẩy bốn tầng và hệ thống đo đạc tầm xa tiên tiến, Liên Xô có thể thực hiện sứ mệnh đến các hành tinh gần Mặt Trời.

Trước mặt nhà báo Vladimir Gubarev là hàng loạt những bài báo ca ngợi sức mạnh không gian của Liên Xô. Các từ khoá “lần đầu hạ cánh” hay “bức ảnh bề mặt đầu tiên” tràn ngập truyền thông. 

Người đàn ông trầm ngâm nhắc lại sự tự hào của chính mình đối với hai chương trình không gian Venera và Vega, tạo nên cú sốc lớn với Mỹ lúc bấy giờ. Ông gọi đó là niềm kiêu hãnh dân tộc, nhưng cũng là nỗi lo sợ luôn thường trực mỗi khi thất bại xuất hiện.

Kỳ thực, Liên Xô bị ám ảnh bởi những vụ nổ, thường đổi tên các nhiệm vụ không gian khi chúng không thành công. Trước Venera-4, mười tàu vũ trụ khác đã vỡ vụn trong không gian khi chưa thể chạm đến sao Kim, thậm chí phát nổ trên không trung và cháy rụi khi rơi tự do trong bầu khí quyển Trái Đất. Áp suất kinh hoàng trên sao Kim ám ảnh ngay cả những nhà chế tạo dày dạn  kinh nghiệm nhất.

Vạn sự khởi đầu nan, Liên Xô vẫn rất bền bỉ với chuỗi sứ mệnh Venera liên tiếp.

Những tiết lộ về thời kỳ đầu thai nghén Venera tập trung vào R-7 (loại tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên trên thế giới, được sử dụng phổ biến trong Chiến tranh Lạnh). “Đứa con tinh thần” của Tổng công trình sư SergeyPavlovichKorolyov được kỳ vọng sẽ giúp khoa học Liên Xô chạm tới những điều không thể ở sao Kim. 

Nhưng không, Liên Xô sau đó chứng kiến những chuyến bay “yểu mệnh” khi con tàu đầu tiên bị bóp méo trong khí quyển sao Kim như cách một đứa bé đập bẹp chiếc vỏ lon thiếc.

Giới khoa học buộc phải tìm cách nâng cấp R-7 cho hành trình khắc nghiệt, chống chịu sức nóng huỷ diệt của Mặt Trời. Quan trọng hơn, Venera buộc phải thay đổi mục tiêu: tìm cách đi đến sao Kim, chạm vào bề mặt “địa ngục” trước khi thu thập dữ liệu nghiên cứu dấu hiệu sự sống nơi đây. Vạn sự khởi đầu nan, Liên Xô vẫn rất bền bỉ với chuỗi sứ mệnh liên tiếp. Thành công dần đến, hiện lên vô cùng chi tiết trong ký ức của Vladimir Gubarev.

Ông nhắc tới sứ mệnh Venera-4 (10.1967) lần đầu tiên hé mở bầu khí quyển Kim tinh đậm đặc CO2, hay Venera-7 hạ cánh nhẹ nhàng xuống sao Kim. Liên Xô che giấu khá giỏi bởi Venera-7 thực chất phải là Venera-17, khi 10 lần phóng trước đó đều thất bại. 

Các sứ mệnh Venera 9-12 kéo dài sang tận những năm 80 của thế kỷ 20 đã chụp ảnh, rồi ghi âm thanh để giúp thế giới loài người tường tận sao Kim. Thậm chí, Venera-13 truyền về Trái Đất dải tín hiệu tới 127 phút. Điều mà Vladimir Gubarev nuối tiếc là sứ mệnh đã kết thúc bằng cái tên Venera-16, sau 27 lần phóng tàu vũ trụ.

Rơi vào quên lãng

Càng về cuối Chiến tranh Lạnh, chương trình vũ trụ Liên Xô càng chậm lại. Trong cuốn hồi ký của mình, nhà báo Vladimir Gubarev viết về nỗi thất vọng của Liên Xô khi không thể tìm thấy sự sống trên sao Kim. 

Hai nhân vật giấu tên thừa nhận đã lãng phí cả cuộc đời cho một sứ mệnh viển vông, đến độ họ không còn cảm thấy hứng thú với một dự án không gian nào khác, và cuối cùng quyết định từ bỏ Venera để trở thành mục sư.

Năm 1985, Liên Xô kết thúc công cuộc thám hiểm sao Kim bằng tàu vũ trụ đôi Vega 1-2. Trong tâm trí Vladimir Gubarev, Vega để lại dấu ấn huyền thoại cuối cùng như những sứ mệnh robot duy nhất bay lơ lửng trong bầu khí quyển màu vàng của sao Kim, mang theo kỳ vọng tìm thấy dấu vết sự sống ở nơi này. Ông tiết lộ sứ mệnh Vega như một làn gió mới, đi cùng những khoản tiền khổng lồ cùng bản cam kết hợp tác với 8 quốc gia châu Âu.

Quả bóng Vega để lại dấu ấn huyền thoại cuối cùng trước khi sao Kim chìm vào quên lãng.

Vega gợi nhắc tới hình ảnh những chiếc dù khổng lồ. Toan tính thời gian của Vega đạt tới độ hoàn hảo để khí cầu còn kịp đưa máy móc vào sâu bên trong khí quyển. 

“Ơn Chúa”, đó là những gì giới nghiên cứu bấy giờ kịp thốt lên khi biết quả bóng Vega-2 đi qua khối núi Aphrodite Terra. Hành trình của Vega-2 đầy sóng gió, vượt qua các đợt mưa sulfuric acid dữ dội, và lần đầu tiên trong lịch sử khám phá không gian đã ghi lại dữ liệu quý giá về lượng mưa trên một hành tinh khác.

Liên lạc với Vega-2 bị mất vào ngày 24/3/1987, kỳ thực không một ai biết quả bóng đã bay đi được bao lâu sau lần kết nối cuối cùng. Vladimir Gubarev quả quyết rằng trái bóng “bất khả xâm phạm” đã bị thiêu đốt và phát nổ vì một hành tinh đánh lừa kỳ vọng của loài người. “Tôi nghĩ rằng, Vega, như những sứ mệnh đi trước, đã cạn kiệt năng lượng, để rồi cứ thế mà ngắm nhìn hào quang Mặt Trời cho đến lúc tan rã”.

Vega-1 nổ tung sau sự cố mất điện bí ẩn, còn Vega-2 “thọ hơn”, kịp thu thập mẫu vật trên bề mặt sao Kim, khiến khoa học sửng sốt về dấu vết đông nguội của những dung thể magma nóng chảy. 

Sứ mệnh sau này đã chấm dứt, Liên Xô nhận ra việc tìm kiếm sự sống ở sao Kim là vô ích, nên dần mất hứng thú cho các sứ mệnh khác. Và hành tinh này đã bị lãng quên trong một thời gian tương đối dài.

Tìm lại ánh hào quang

Mãi đến gần đây, Nga tuyên bố sẽ khôi phục lại danh tiếng sao Kim của mình khi tiếp nối các sứ mệnh còn dang dở. Nga sẽ phóng trạm tự động liên hành tinh Venera-D trong giai đoạn 2026-2030, bao gồm một tàu quỹ đạo và một tàu đổ bộ để nghiên cứu toàn diện về bầu khí quyển, và cấu trúc bề mặt sao Kim. 

Kỳ thực, sứ mệnh này manh nha từ khoảng năm 2003, với một bản kế hoạch chi tiết được công bố một năm sau đó. Nhưng không ai biết vì sao Venera-D bị trì hoãn liên tục.

Truyền thông đồn đoán, trước những tín hiệu thống trị không gian trở lại của Mỹ, khi NASA tuyên bố sẽ phóng hai nhiệm vụ mới DAVINCI+ và VERITAS tới sao Kim, Moscow có căn cứ để khởi động Venera-D. 

Ban đầu, Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) tuyên bố đây là dự án quốc gia độc lập nằm trong chiến lược vũ trụ của Nga giai đoạn 2021-2030, không thể thu hút sự tham gia rộng rãi của quốc tế. Lý do rất đơn giản: Moscow biết sao Kim là của Nga, và Washington cũng từng thừa nhận “quyền sở hữu” này.

Liệu Nga - Mỹ sẽ hợp tác trong những sứ mệnh sao Kim mới của tương lai?

Chạy đua không gian luôn gắn liền với chính trị. Liên Xô cùng Washington luôn cạnh tranh, từ vệ tinh nhân tạo Sputnik cho đến chương trình Apollo đưa con người lên Mặt Trăng. 

Giờ đây, Nga đặt tên vaccine Sputnik-V để chế ngự COVID-19, với ẩn ý gửi đến toàn nhân loại: “Chúng tôi tạo ra vệ tinh đầu tiên, và giờ là đến vaccine đầu tiên. Dù là vũ trụ hay y khoa, Nga luôn muốn thế dẫn đầu”. Sau thành công chạm tới sao Kim, có nhiều lý do để người Nga tin rằng họ sở hữu thiên thể này.

Họ không hoang tưởng, vì chính người Mỹ cũng từng mơ sẽ cất được đất trên Mặt Trăng, thậm chí kinh doanh ra lợi nhuận ngoài không gian. Tuy vậy, thế thượng phong của Nga bị “kìm” lại bởi Hiệp ước không gian vũ trụ năm 1967, khẳng định không gian ngoài Trái đất là sở hữu chung. 

Cây bút Ajey Lele (trang thespacereview) cho rằng tham vọng độc chiếm sao Kim của Moscow là vô nghĩa, dù Nga có tìm thấy bất cứ lỗ hổng nào trong hiệp ước 1967 đi chăng nữa.

Ajey Lele tìm thấy nhiều chi tiết thú vị. Nga muốn độc lập khám phá sao Kim, nhưng vẫn âm thầm thiết lập đối thoại trong nhiều năm với NASA. Có nguồn tin tiết lộ, NASA đã được mời tham gia dự án từ năm 2014-2015, và lên lộ trình đưa Venera-D vào không gian tới trước năm 2026. 

Ngoài ra, Roscosmos cũng tích cực tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa NASA và Viện Nghiên cứu Không gian Vũ trụ Nga nhằm trao đổi nghiên cứu khoa học về sao Kim, cũng như tăng cường quan hệ song phương.

Ajey Lele đặt nghi vấn: phải chăng thực lực của Nga đã không còn như thời hoàng kim, nên cần nhờ cậy sức mạnh từ “đối tác” để hoàn thành sứ mệnh? 

Cho đến giờ, Roscosmos chỉ hé lộ việc kết hợp với NASA sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí cho toàn sứ mệnh Venera-D, cho biết phía NASA cũng dè chừng, cần nghiên cứu kỹ tính khả thi trong ít nhất 1 năm, rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng về số phận của Venera-D. 

Theo đó, Nga không hẳn từ chối hợp tác với Mỹ trong dự án Venera-D, nhưng vẫn luôn giữ nhiều bản kế hoạch bí mật để trở lại sao Kim mạnh mẽ hơn bao giờ hết nhằm tìm lại ánh hào quang đã tắt của chính mình...

Lê Nam
.
.