Tái khởi động cuộc chạy đua vào vũ trụ

Thứ Ba, 22/01/2019, 11:45
Cụm từ “nửa tối của Mặt trăng” giờ đã không còn thuộc độc quyền ban nhạc Pink Floyd nữa. Album “Dark Side of the Moon” (Nửa tối của Mặt trăng) mà Pink Floyd phát hành năm 1969, năm Neil Armstrong đặt chân lên thiên thể này, là một trong những album âm nhạc vĩ đại nhất mọi thời đại. 


Nhưng, giờ đây ban nhạc nước Anh đành phải tạm nhường vị trí “top tìm kiếm” trên Google với các nhà khoa học Trung Quốc.

2.30 giờ GMT ngày 3 tháng 1 năm 2019, tàu thăm dò Change 4 của Trung Quốc đáp xuống hố Von Karmen thuộc nửa tối của Mặt trăng. Đó là điều mà người Mỹ và người Nga chưa từng làm được, kể cả trong những thập kỷ hoàng kim của nghiên cứu vũ trụ. 

NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) cũng phải nghiêng mình kính nể và gọi đây là “một sự khởi đầu cho nhân loại và là một thành tựu ấn tượng”.

“Bàn thắng” quá tuyệt vời này của người Trung Quốc được coi là sự kiện đánh dấu cuộc chạy đua vũ trụ đã trở lại. Cuộc đua vốn đã chững lại sau Chiến tranh Lạnh của “thỏ” Liên Xô và “rùa” Mỹ giờ đây bất ngờ xuất hiện thêm một nhân tố bí ẩn với năng lượng dồi dào của một siêu cường mới nổi.
Tấm ảnh lịch sử ghi lại khoảnh khắc Tổng thống Mỹ Nixon đón chào những anh hùng của tàu Apollo 11 trở về sau chuyến thám hiểm Mặt trăng. Từ trái qua: các phi hành gia Neil Armstrong, Michael Collins, Edwin Aldrin.

Từ ngày nhà khoa học Tiền Học Sâm rời khỏi nước Mỹ vào năm 1955 sau nhiều cáo buộc chính trị và trở lại quê hương để khai sinh ra ngành tên lửa ở Trung Quốc, đất nước tỉ dân đã đi được chặng đường dài trong hành trình chinh phục vũ trụ. 

Trung Quốc là nước thứ 3 đặt một trạm không gian trên quỹ đạo, cũng là nước thứ ba đưa người vào không gian bằng các phương tiện do chính mình sản xuất và với cuộc thám hiểm nửa tối của Mặt trăng, họ lần đầu tiên trở thành những người tiên phong.

Trung Quốc có nhiều lí do mang tính chiến lược để tham dự cuộc đua này. Bỏ qua những lí do đó, nếu chỉ nhìn vào khía cạnh khoa học thuần túy, điều mà Trung Quốc làm được không chỉ tạo nên lịch sử cho riêng đất nước họ mà nó còn mang ý nghĩa phục sinh một thời đại lãng mạn của chinh phục Mặt trăng.

Người Mỹ vẫn có thể kiêu hãnh nói rằng, họ đã chán ngấy Mặt trăng rồi. Thật thế, ngay sau khi Neil Armstrong đặt “bước chân nhỏ bé của con người nhưng là bước tiến vĩ đại của nhân loại", tức là ngay sau khi hoàn thành chỉ tiêu mà cố Tổng thống J.F.Kennedy đề ra, Chính phủ Mỹ mà đại diện là Tổng thống Richard Nixon lập tức quay lưng với thiên thể này, hệt như một người đàn ông phụ bạc cả thèm chóng chán. Hậu Apollo 11, chương trình ứng dụng Apollo bị cắt ngân sách không thương tiếc.

Nước Mỹ tin rằng họ đã chiến thắng Nga trong cuộc đua vũ trụ, họ đã là bá chủ, họ chẳng còn gì phải chứng minh thêm nữa. Và trong khoa học, một khi bạn bắt đầu tự mãn, bạn sẽ tự xiềng mình lại.

Tháng 12 năm 1969, sau 2 lần tàu Apollo hạ cánh xuống Mặt trăng, Nixon nói ông “không thấy cần thiết phải lên Mặt trăng tới lần thứ sáu”. Khi phi hành đoàn Apollo 12 tới thăm Nhà Trắng, trưởng đoàn Peter Conrad đã ra về trong trạng thái “thất vọng và vỡ mộng”. 

Ông nói Nixon rõ ràng không hứng thú mấy với các chương trình không gian. Cuộc đổ bộ Mặt trăng bất thành của Apollo 13 sau đấy chỉ càng khiến Nixon có lí do chính đáng để tảng lờ đi những dự án chinh phục không gian kiểu này. Ông đi ngủ trong lúc Apollo 15 được phóng lên.

Chính vị tổng thống thứ 37 của Hoa Kỳ đã đi đến quyết định loại bỏ các chương trình không gian vào hàng ngũ hoạt động được chính phủ ưu tiên. Di sản mà ông để lại cho ngành nghiên cứu vũ trụ còn gây ảnh hưởng kéo dài tới 4 thập niên sau đó.

Có một điều gì đó gần như mất đi trong khao khát chinh phục, đặc biệt là sau sự tan rã của Liên bang Xôviết khiến nước Mỹ mất đi đối thủ trực tiếp. 

Năm 2011, NASA cho ngưng hoạt động tàu con thoi và ký hợp đồng với Nga để nước này đưa phi hành gia NASA lên Trạm vũ trụ Quốc tế. Sự nhường sân đó rõ ràng thể hiện thái độ dửng dưng của Chính phủ Mỹ, họ cảm thấy không việc gì phải cạnh tranh trên một sân chơi mà họ đã thắng. 

Nhưng, cái giá quá đắt là một lượng chất xám lớn bị hoài phí khi gần 8.000 nhân viên NASA đã thành thất nghiệp sau khi chương trình tàu con thoi đi tới hồi kết.

Theo Stephen Petranek, diễn giả của TED, biên tập viên kỳ cựu của nhiều tạp chí khoa học lớn, người từng có thời gian dài tiếp xúc với các nhà kiến tạo như Elon Musk, chúng ta thực chất đã có khả năng du hành tới sao Hỏa trong khoảng 30 năm nay. 

Hầu hết mọi công nghệ cần thiết đã sẵn sàng. Nhưng với một khoản đầu tư eo hẹp, những câu chuyện mà Ray Bradbury viết vẫn chỉ là viễn tưởng. Không phải ai khác, chính chúng ta đã tự lựa chọn từ bỏ cơ hội của mình.

Ngay cả ở các quốc gia giàu có, hoạt động đưa con người ra ngoài không gian vẫn bị coi là tốn tiền, thậm chí tốn quá nhiều tiền, trong khi không có tính thiết thực trực tiếp. 

Một trong những nguyên nhân khiến Liên Xô rơi vào khủng hoảng kinh tế rồi đi tới sự sụp đổ chính là vì giá thành đắt đỏ của cuộc chạy đua vào vũ trụ. Sự đắt đỏ cũng là lí do mà các chương trình du hành không gian và thuộc địa hóa Hỏa tinh đi trước thời đại của nhà khoa học Von Braun bị chính phủ khai tử.

Chẳng mấy người cảm thấy sự cần thiết phải mở rộng biên giới tới các hành tinh khác trong hệ Mặt trời. Cũng như tất cả mọi bước tiến vĩ đại trong lịch sử, đây được coi là một tham vọng vĩ cuồng, điên rồ, bất khả, vô nghĩa. Ngay cả vài chục năm sau Braun, khi dự án này quay trở lại, lần này được đề xuất bởi tỉ phú Elon Musk, rất nhiều người vẫn cười khẩy và cho rằng ông hão huyền.

Sự già cỗi của bộ máy khoa học, mà NASA là một điển hình, giờ đây cần một liều thuốc kích thích từ những nhân tố mới với tinh thần quả cảm hơn và quyết liệt hơn, gồm các công ty tư nhân như SpaceX của Elon Musk, Blue Origin của Jeff Bezos, hay các quốc gia mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ. Những thế lực này đang tạo ra nguồn động lực mới cho một ngành khoa học của tương lai. 

Những dự án với mục tiêu rõ ràng, được đầu tư xứng tầm của các “đơn vị” này sẽ lôi kéo những nhân tài trẻ tuổi dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Tàu thăm dò Chang'e 4 của Trung Quốc đáp xuống nửa tối của Mặt trăng, ghi dấu một kỳ tích mới trong công cuộc nghiên cứu vũ trụ của loài người.

Người ta đã có thể nhìn thấy kết quả ngay từ bây giờ. Tuổi trung bình của nhân sự nghiên cứu vũ trụ của Trung Quốc là 27, chỉ bằng một nửa so với độ tuổi trung bình của các nhân sự NASA.

Song, việc Trung Quốc nhảy vào không chỉ có lợi cho niềm kiêu hãnh của đất nước tỉ dân. Nó cũng có lợi cho chính nước Mỹ. 

Lời tuyên bố đầy tự hào mà cũng đầy thách thức của giáo sư Zhu Menghua tại Đại học Khoa học và Công nghệ Macau, người cộng tác cùng Cơ quan Vũ trụ Trung Quốc trong dự án “nửa tối của Mặt trăng”, rằng: “Chúng tôi đã làm một điều mà người Mỹ chưa từng dám thử”, hoàn toàn có thể kích hoạt sự quan tâm trở lại của Chính phủ Mỹ dành cho các chương trình đưa người vào vũ trụ.

Vào tháng 8, Phó Tổng thống Mike Pence cho biết đã phác thảo kế hoạch về một Lực lượng Không gian và sẽ là một phần của quân đội Hoa Kỳ. Lực lượng này được tạo ra dành riêng cho các cuộc chiến tranh ngoài không gian và ý tưởng khiến cho người hâm mộ loạt phim Star War vô cùng phấn khích. 

Dù kế hoạch này nghe có phần hiếu chiến và nhiều khả năng sẽ là một phần trong chiến dịch tái tranh cử của ông Donald Trump vào năm 2020 nhưng nếu trở thành hiện thực, ít nhiều nó sẽ đánh thức sự ì ạch và kém hiệu quả trong nhiều năm của NASA.

Ngược lại thời gian vào năm 1969, khi Neil Armstrong cùng những cộng sự lên con tàu Apollo 11, Tổng thống Nixon đã soạn sẵn một bài điếu văn cho những người anh hùng phòng trường hợp họ không thể hoàn thành nhiệm vụ lịch sử này. 

Trong bài điếu, có viết: “Những người đàn ông dũng cảm này, Neil Armstrong và Edward Aldrin, họ đều hiểu không có hy vọng cho sự trở về. Nhưng họ cũng biết rằng trong hy sinh của họ mang hy vọng cho nhân loại. Những người đàn ông đó nằm xuống cho sứ mệnh cao quý nhất của loài người: tìm kiếm chân lý và hiểu biết”.

Armstrong và Aldrin cuối cùng đã đi đến đích. Bài điếu văn không bao giờ được đọc. Nhưng, thay cho các phi hành gia, thứ bị khai tử lại chính là phần nào những kế hoạch phục vụ cho sứ mệnh cao quý nhất của loài người ấy. Đã đủ dài cho giấc ngủ quên trên chiến thắng và đã đến lúc sứ mệnh ấy cần được hồi sinh.

Hiền Trang
.
.