Sau 700 năm, Dante có thể nói gì với chúng ta?
Một lời kêu gọi có lẽ sẽ chẳng lấy gì làm đặc biệt đến từ một chính trị gia, nếu như nó không trích dẫn đại thi hào thế kỷ 14 Dante Alighieri, và trích dẫn sai. Vì Dante chưa bao giờ nói thế.
Dẫu cho trong trường ca “Thần khúc”, đúng là Dante đã khinh bỉ những kẻ không bị lương tâm cắn dứt đến mức không cho họ vào cửa Địa ngục hay Thiên đường, họ phải ở bên ngoài, chịu hình phạt bị ong bắp cày đốt, trong khi nước mắt và máu của họ đổ xuống đất nuôi dưỡng loài sâu bọ, nhưng theo Dante, "nơi nóng bỏng nhất của địa ngục" không bao giờ là dành cho những kẻ thờ ơ. Song chính vụ trích dẫn nhầm lẫn đó đã cho ta thấy một điều, dường như, đến tận giờ phút này, với nhiều người, tất cả những gì liên quan đến sự phán xét về tội lỗi, tất cả những gì liên quan đến sự trừng phạt đối với cái ác, đều có thể quy về tư tưởng của Dante.
Tròn 700 năm sau khi Dante mất (1321 - 2021), cái tên ông vẫn tạo nên một vang âm mỗi khi được nhắc đến, như thể bản thân cái tên ấy đã chứa đựng một thứ luật pháp, một sự công chính, hay một tấm gương chiếu yêu, soi rõ đạo đức và tội ác, không nương tay với bất cứ ai.
Bức tranh của danh họa Boticelli về Dante đứng giữa ba cõi giới ông đã hình dung: Địa ngục, Luyện ngục và Thiên đường |
"Dante và Shakespeare chia đôi thế giới thành hai nửa. Không có người thứ ba", nhà thơ từng đoạt giải Nobel T.S. Eliot từng nhận định. Nhưng khác với Shakespeare gần gũi với nhiều vở kịch được đưa vào giảng dạy phổ thông, Dante ở một nơi nào đó xa vời. Thú thật đi, phần lớn chúng ta biết tên ông, nhưng chưa từng thực sự đọc ông. Một số du học sinh tốt nghiệp ngành văn chương ở Anh mà tôi quen biết nói rằng, nếu ai đó bảo họ đang đọc “Thần Khúc” và làm luận văn về Dante, bạn bè sẽ nhìn họ bằng con mắt khác. Vậy mà, dù có khi chưa từng sờ vào một câu nào trong số 14.000 câu thơ của “Thần Khúc”, chúng ta vẫn bị ảnh hưởng sâu sắc bởi Dante cùng hình dung của ông về Địa ngục, Luyện ngục và Thiên đường.
Suốt nhiều thế kỷ qua, Dante chưa bao giờ lỗi thời. Không chỉ vì cứ nhắm mắt vào và tưởng tượng về Địa ngục và Thiên đường, ta rất có thể sẽ nghĩ ra những hình ảnh mà chính ta không biết, là hình ảnh Dante đã phác thảo, mà còn bởi, những suy tư về đạo đức của ông vẫn còn đáng tham khảo hơn bao giờ hết.
Chẳng hạn, vài năm trước, khi thế giới chấn động với những vụ bê bối của các giáo sĩ Công giáo, từ chia bè kéo cánh, tham nhũng đến lạm dụng tình dục bê bối, thậm chí một báo cáo cho biết trong vòng 70 năm, các linh mục Đức đã xâm hại hơn 3.600 trẻ em, người ta lại quay trở về với Dante và tầng Địa ngục thứ 8 mà ông đã tưởng tượng trong “Thần Khúc”. Ngay từ 700 năm trước, vào thời Trung Cổ tối tăm và ngu muội khi dân đen còn tin rằng phải mua giấy chứng nhận để bước vào Thiên đường, Dante đã nhận chân "thời mạt pháp" ấy và trút sự căm giận của mình vào những vần thơ, trong đó trừng phạt những nhân vật lẫy lừng của Vatican thời bấy giờ vì đã lợi dụng uy danh Thượng Đế để trục lợi cho mình bằng cách treo ngược họ lên còn đôi chân bị thiêu đốt bởi lửa.
Làm sao Dante có thể lỗi thời được, khi mà con người thời ông hay thời nay vẫn mãi là nạn nhân của địa lý, và những gì ông từng viết về cuộc đời bị trục xuất khỏi Florence của mình vẫn đồng vọng, đầy cảm thông với làn sóng di cư của những người buộc phải rời bỏ quê hương kiếm tìm một nơi khác để sống trong niềm tủi hổ và mặc cảm: "Con sẽ rời bỏ mọi thứ con yêu nhất/ Đây là cung tên trên cánh cung của những kẻ ly hương/ Hãy bắn nó trước. Con sẽ biết đắng cay làm sao/ Chiếc bánh mì nhà người khác, và mặn nữa, và con sẽ biết/ Gian khó làm sao con đường mà một kẻ phải đi/ Khi lên xuống bậc thang nhà người khác…".
Làm sao Dante có thể lỗi thời được, khi mà dù đã tạ thế quá lâu, ông vẫn có thể thổi bùng lên những mâu thuẫn mang tính toàn cầu, đến mức nhóm khủng bố IS nhăm nhe ném bom mộ chí của ông ở thành phố Ravenna. Và đó hiển nhiên không chỉ vì lòng hận thù mù quáng của một vài người Hồi giáo cực đoan muốn hủy diệt đại một cái gì đó xứng đáng là niềm tự hào của phương Tây, bởi nếu không, sao không nhăm nhe hủy diệt mộ Leonardo da Vinci, hay Michelangelo, hay Beethoven, họ cũng vĩ đại không thua kém Dante, tại sao nhất định phải là Dante? Là bởi chính Dante, trong “Thần Khúc”, đã đầy cả nhà tiên tri Muhammad xuống địa ngục, xẻ bụng ngài và để mặc ruột ngài vung vãi, còn con rể của ngài, nhà tiên tri lớn của Hồi giáo Shia, thì bị chẻ đôi gương mặt. Không thể nói Dante đã đúng, bởi bản thân ông cũng bị ảnh hưởng bởi tư tưởng bài trừ Hồi giáo thời đó. Chỉ một điều chắc chắn, với Dante, không ai tránh khỏi sự phán xử về đạo đức, bất kể thành tựu gì họ từng đạt trong đời.
Các hiền triết từ Socrates đến Seneca, các thi nhân từ Homer đến Ovid, các vị anh hùng từ Ulysses đến Diomede, tất cả đều chịu đọa trong Địa ngục của Dante. Không hề báng bổ những vĩ nhân ấy, ông kể về họ với niềm kính trọng sự tài hoa, uyên bác ("danh tiếng lẫy lừng của họ còn vang mãi trong cuộc đời dương thế"), nhưng không thể giúp gì cho họ thoát khỏi cảnh tù hãm.
Một số hình ảnh ấn tượng trong năm qua mà tạp chí “Time” bình chọn, cho thấy một địa ngục ở ngay đây, trên mặt đất… |
Kể cả đặt vào bối cảnh thời đại của chúng ta hôm nay, sự phân minh ấy của Dante cũng vẫn cứ là một tư tưởng vượt thời đại. Trong khi văn hóa "cancel" (hay văn hóa tẩy chay) đang rộ lên với cộng đồng mạng luôn giương sẵn những ngọn lao đạo đức để cắm phập vào bất kỳ ai trót nói ra hay làm một điều gì đó có vẻ vi phạm với niềm tin chung về nhân phẩm, trong khi một số "nhà hoạt động xã hội" sẵn sàng giẫm đạp cả những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao chỉ vì tác giả của nó phạm một lỗi lầm khó chấp nhận, thì Dante thì thầm với chúng ta rằng, Địa ngục rất công bằng, nhưng không phải kẻ nào bị đầy xuống Địa ngục cũng là những kẻ bỏ đi. Kiểu như nếu Dante sống ở thế kỷ 21, ông hẳn sẽ nói với chúng ta, Woody Allen xứng đáng bị trừng phạt, nhưng những Manhattan, Annie Hall và vô số những bộ phim tuyệt vời khác của ông ấy thì không.
Làm sao mà Dante có thể lỗi thời được, khi mà cõi Địa ngục chật kín những linh hồn khốn khổ và ngổn ngang nghịch cảnh mà ông đã kể lại đầy sống động và rung cảm trong Thần khúc đang hiện diện ngay trên trần thế, trong một thế giới đang ở đáy tuyệt vọng với những tai ương không biết bao giờ mới đi tới hồi kết?
Nhìn lại 100 tấm ảnh đáng nhớ mà tạp chí Time đã chọn ra trong năm qua, từ hình ảnh con nước Đại Tây Dương đổ ụp vào một căn phòng với bàn billiard đến hình ảnh một bệnh nhân chết vì COVID-19 ở Indonesia bị bọc trong những lớp nylon tựa như một xác ướp; từ hình ảnh những con người ở Las Vegas nằm la liệt trong những ô đậu xe hơi sau khi một ngôi nhà từ thiện đóng cửa vì dịch bệnh đến cảnh một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ chui đầu vào túi để tránh luồng khí gas mà cảnh sát Hy Lạp phun vào mình ngăn anh không chạy trốn qua biên giới, ta cảm thấy thế giới này - như người lữ hành Dante chợt thấy mình lạc vào Địa ngục - bỗng "đến nửa đường đời/ tôi thấy mình lạc trong rừng tối:/ Lạc mất đường chính đạo!/ Ôi nói sao cho hết bao điều cay đắng,/ Rừng hoang vu, hiểm trở, trập trùng…/ Chỉ nhớ lại đã xiết bao kinh khiếp/ Cay đắng sao, cái chết khôn bằng!" (đây là những câu mở đầu nổi tiếng của “Thần Khúc”).
Nhưng cũng chính lại là Dante, hơn ai hết, sẽ dạy cho chúng ta về sự kiên trì và nhẫn nại. Bởi trong hành trình ông đã sáng tạo ra trong “Thần Khúc”, Dante đã đi đến tận cùng Địa ngục để chứng kiến mọi cấp độ của sự khốn cùng, lại trèo qua bảy tầng Luyện ngục để chứng kiến những linh hồn lỗi lầm chịu sự thanh tẩy, để cuối cùng, ông chạm được tới đỉnh chóp là Thiên đường, nơi con người đã hoàn toàn được gột rửa và nhập vào những điều cao khiết. Những câu thơ cuối cùng của “Thần Khúc” lồng lộng sự khoáng đạt và trái tim rộng mở, trái ngược với vẻ hoang mang của những câu đầu: "Giờ đây ý chí và khao khát của tôi đã được xoay vòng/ như bánh xe trong chuyển động vĩnh cửu/ bởi cùng một tình yêu đã vận hành mặt trời và những vì sao khác".
Và làm sao Dante có thể lỗi thời được, mỗi khi ta đọc lời minh triết ông đã viết: "Đường tới Thiên đường luôn bắt đầu từ Địa ngục"? Điều đó an ủi hơn bao giờ hết trong thời đại của chúng ta.