Sắc tộc, và còn gì nữa?

Thứ Năm, 20/05/2021, 08:06
Ba ngày giao tranh dữ dội trên biên giới Tajikistan – Kyrgyzstan cuối tháng Tư vừa qua đã tạm khép lại, với những nỗ lực ngoại giao cần thiết của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước láng giềng lớn trong khu vực như Nga hay Uzbekistan. Tuy nhiên, nguyên nhân đích thực và cốt lõi của mối hiềm khích cũng như lần xung đột này là gì, dường như vẫn chưa có một câu trả lời rõ ràng.


Di sản của một thời

Không thể phủ nhận, những gì đã và đang xảy ra trong mối quan hệ giữa Tajikistan với Kyrgyzstan cũng như trong không ít mối quan hệ giữa các quốc gia thành viên của Liên bang Xôviết năm xưa, có liên quan rất nhiều đến cách quản trị hành chính thời đó. 

Việc Liên Xô tan rã quá nhanh chóng vào năm 1991 khiến cho quá trình phân chia và chuyển giao các phần “tài sản thừa kế” không thể đủ thời gian để diễn ra theo cách êm đẹp nhất, san lấp được nhiều khiếm khuyết nhất. Ngược lại, có rất nhiều vấn đề tồn tại và trở thành những nỗi nhức nhối trên bản đồ địa chính trị hiện đại, mà bán đảo Crimea là một thí dụ điển hình.

Với Tajikistan và Kyrgyzstan – hai trong số năm nước cộng hòa Trung Á, hai “người anh em thù hận”, vấn đề chính có lẽ cũng không phải là ngoại lệ. Như tờ Sputnik đăng tải, chuyên gia Andrei Grozin – người phụ trách Ban Trung Á và Kazakhstan của Viện Các nước SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập – Tổ chức thành lập sau khi Liên Xô tan rã) nhận xét: “Bên nào cũng có sự thật riêng, ai cũng dựa theo bản đồ của mình và khẳng định là mình đúng. Thời Liên Xô, các đường biên giới chỉ thuần tuý mang tính chất hành chính. Chúng không mang nhiều tính thực tế, và chúng có thể thay đổi thường xuyên. Do vậy, ai cũng có thể tìm thấy sự khẳng định quan điểm của mình, theo những bản đồ riêng về địa điểm này hay vị trí kia”.

Mặc dù vậy, khi được hỏi sâu thêm, Andrei Grozin cũng khẳng định: “Theo cách nhìn của tôi, sở dĩ như vậy là do đã mấy thế hệ cư dân không còn sống chung trong Liên bang Xôviết, không còn biết thế nào là tình hữu nghị giữa các dân tộc vốn hình thành và được xây đắp ở Liên Xô. Cư dân đã quen coi những người ở bên kia đường biên giới tưởng tượng là kẻ lạ. Tôi cho rằng chính sự cạnh tranh giữa các cộng đồng sắc tộc là cơ chế chính của mọi xung đột”.

Rõ ràng, ông có lý khi đưa ra đánh giá ấy. Thời Liên Xô còn tồn tại, cho dù vẫn có những mối hiềm khích âm ỉ (như tại Nargonyi Karabakh, giữa Armenia và Azerbaijan), chính quyền trung ương Moskva vẫn quản lý khá tốt những vùng lãnh thổ mênh mông của mình, và điều phối tương đối “nhịp nhàng” mối quan hệ giữa những cộng đồng dân cư có nhiều khác biệt về màu da, lịch sử, truyền thống văn hóa, tập tục, tôn giáo, tín ngưỡng… 

Từ Baltic đến dãy Kavkaz, từ Biển Đen đến rặng Thiên Sơn, họ vẫn luôn là một khối thống nhất, đủ để có thể “nhường nhịn” nhau, hoặc không cần phải nghĩ đến chuyện cạnh tranh với nhau.

Lần va chạm này, hai quốc gia đã thực sự có một cuộc xung đột quân sự ngắn ngủi nhưng đúng nghĩa.

Một cách ngắn gọn, trong thời kỳ ấy, xung đột giữa hai nước xung quanh vấn đề biên giới không gay gắt. Đó là bởi mâu thuẫn giữa họ vẫn thuộc về công việc nội bộ của Liên Xô, biên giới của các nước thành viên là địa giới hành chính của các nước trong nội bộ Liên Xô, có thể dễ dàng giải quyết dưới sự can thiệp mạnh mẽ của chính quyền trung ương. 

Tuy nhiên, sau khi Liên Xô tan rã, trọng tài bị mất đi, các ranh giới hành chính trở thành ranh giới quốc gia thực thụ, kéo theo các tranh chấp lãnh thổ.

Và khi ấy, khi những mối dây ràng buộc đã bị cắt đứt, khi tất cả mọi thành viên đã tuyên bố độc lập, mỗi nước cộng hòa cũ, mỗi cộng đồng dân cư cũ lại bắt đầu nghĩ nhiều hơn và làm tất cả, vì lợi ích của riêng mình.

Trung Á, với bản sắc truyền thống của những dân tộc du mục thiếu gắn bó chặt chẽ với nhau trên thảo nguyên mênh mông, với lịch sử liên tục bị chia cắt, giành giật và thống trị bởi đế quốc Ba Tư, đế quốc Mông Cổ, đế quốc Nga hay đế quốc Ottoman, lại càng dễ trở thành những cộng đồng biệt lập.

Và rồi, đến cuối tháng 4-2021, từ ném đá đến đấu súng, đấu pháo, hai nước cộng hòa có quy mô dân số nhỏ nhất trong 5 nước cộng hòa Trung Á thuộc Liên Xô cũ (bên cạnh Uzbekistan, Kazakhstan và Turmenistan) đã cùng chia sẻ với nhau 46 người thiệt mạng, cùng hàng trăm người bị thương.

Một kịch bản đã trở thành hiện thực

Song, sự khác biệt về văn hóa hay những mâu thuẫn về sắc tộc cũng không thể xem là nguyên nhân duy nhất để thảm cảnh đẫm máu ấy diễn ra. Hay nói cách khác, phải có thêm những động lực nữa, để khoét sâu thêm những hố thù hận, và đẩy cả hai quốc gia ấy đến bờ vực chiến tranh.

Không gì khác, trên bề mặt của sự vụ, một vấn đề cực kỳ nóng bỏng hiện hữu: Nước sạch. Mười năm qua, các cư dân hai bên biên giới đã có hàng trăm cuộc xung đột lẻ tẻ, mà trọng tâm của các tranh chấp thường là các vấn đề như xây dựng cơ sở hạ tầng và sử dụng nguồn nước chung.

Trung Á nằm cách xa đại dương và đường bờ biển, khí hậu rất khô hạn, người dân chủ yếu dựa vào các hồ chứa do chính phủ xây dựng để tưới tiêu cho đất nông nghiệp. Xung đột lần này nổ ra là xung quanh việc phân chia tài nguyên nước.

Vụ xung đột nổ ra ở làng Kok-Tash ở tỉnh Batken, Kyrgyzstan, trong bồn địa Fergana, nơi xung đột sắc tộc nghiêm trọng. Trên sông Isfara trong vùng này có một hồ chứa và một trạm bơm, hai nước đã có tranh chấp từ lâu về việc sử dụng nước tưới và quyền kiểm soát trạm bơm. Hồ chứa hiện đang được Kyrgyzstan kiểm soát và cung cấp nước hàng ngày cho cả Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan.

Từ lâu, Kyrgyzstan đã tuyên bố chủ quyền đối với hồ chứa nước này với lý do “hồ chứa nước này được Kyrgyzstan xây dựng”; trong khi Tajikistan đã sử dụng bản đồ của Tajikistan trong thời kỳ Liên Xô 1924-1927 và 1989, cũng như các tài liệu của Liên Xô, tuyên bố “hồ chứa đã được chuyển giao thuộc lãnh thổ của Tajikistan”. Đây chính là vấn đề trọng tâm mà chuyên gia Grozin nhắc tới.

Cũng đã thực sự có một cuộc chiến tranh vì nước sạch xảy ra trong lịch sử loài người.

Ngày 29-4, các nhân viên Tajikistan đã lắp camera trên cột điện thoại gần hồ chứa nước. Hành động này ngay lập tức bị Kyrgyzstan coi là xâm phạm chủ quyền của mình nên hai bên đã xảy ra va chạm rồi dẫn tới xung đột dữ dội. Trong những tiếng súng, chất chứa cả dấu ấn hằn học của tinh thần dân tộc cực đoan lẫn những đòi hỏi lợi ích thiết thân.

Và đừng quên, trong tháng 4-2021, phía Kyrgyzstan công bố kế hoạch xây dựng một hồ chứa nước trên một con sông dẫn nước cho cả hai quốc gia. Phía Tajikistan lập tức phản đối, vì cho rằng việc xây hồ sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước cho nhiều vùng phía bắc Tajikistan.

Rất may, cho đến hiện tại, chính quyền hai nước đã kịp “gò cương bên miệng vực”, để tránh cuộc xung đột bùng nổ và lan rộng. Nhưng dù vậy, những căn nguyên của mâu thuẫn vẫn còn đó, đòi hỏi việc xây dựng một cơ chế đối thoại và xử lý vấn đề thực sự nghiêm túc, đặc biệt là về tiến trình phân định biên giới – yếu tố cốt lõi để kiến tạo hòa bình và ổn định. 

Có điều, như từng diễn ra trong quá khứ, mọi nỗ lực đàm phán đều đã liên tục phải bắt đầu lại từ đầu, mỗi khi một phía có một chính quyền mới được bầu lên.

Và như thế, rất nhanh chóng, sau tiếng chuông cảnh báo về một “cuộc chiến tranh nước sạch” ở vùng Sừng châu Phi, quanh đập Đại Phục Hưng của Ethiopia, kịch bản ấy đã trở thành hiện thực, trên một số góc nhìn. 

Tài nguyên trên Trái Đất đang cạn dần, mà không phải than đá hay dầu mỏ, nước sạch mới chính là nguồn tài nguyên tự nhiên quan trọng nhất. Loài người đã thực sự sẵn sàng đổ máu để tranh giành nguồn tài nguyên vô giá ấy, một hiện thực thật đáng kinh hãi.

* Hiện tại, có hai vùng đất của Tajikistan là Voluch và Kayragach nằm trong lãnh thổ Kyrgyzstan. Voluch và khu vực xung quanh đã trở thành tâm điểm của các cuộc xung đột biên giới giữa hai bên trong những năm gần đây. Ngày nay, đường biên giới hai nước dài 971 km thì 471 km có tranh chấp.

* Ngày 3-8-2015 năm đó, dân làng địa phương Kok-Tah đã cắt nguồn nước cung cấp cho phía Tajikistan, vì người dân bên phía Tajikistan chặn đường dẫn vào nghĩa địa. Xung đột nổ ra, có tới 800 người dân làng hai bên tham gia ẩu đả trong vài ngày, cho đến khi quân đội và cảnh sát trấn áp.

Mây Linh
.
.