SOS: Nếu cả nhân loại này ăn chay...

Thứ Năm, 27/12/2018, 11:31
Hiện nay, nhiều người lựa chọn ăn chay vì những lý do khác nhau như tình yêu với các loài động vật, tham vọng theo đuổi một lối sống lành mạnh hay hi vọng giúp giảm thiểu khí thải nhà kính, từ đó góp phần bảo vệ môi trường. 

Rõ ràng, không thể phủ nhận những lợi ích của việc ăn chay, thế nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu ăn chay tiến đến một quy mô toàn cầu? 

Nhiều ý kiến cho rằng, ở các nước phát triển, ăn chay sẽ mang lại cả lợi ích môi trường lẫn sức khỏe, trong khi lại gây ra nhiều tác động tiêu cực ở những quốc gia đang phát triển, khiến cuộc sống của hàng triệu người bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Lợi ích tiềm tàng

Trong suy nghĩ, những người ăn chay cho rằng việc giảm ăn thịt đem lại nhiều lợi ích. Nếu càng nhiều người tác động giúp người khác thay đổi thói quen và trở thành người ăn chay thì càng có nhiều điều tốt hiện diện trên trái đất. 

Theo các chuyên gia, ăn chay quả thực có tác động tích cực đến sự thay đổi khí hậu. Bối cảnh hiện nay cho thấy, sản xuất thực phẩm chiếm từ 1/4 đến 1/3 lượng khí nhà kính phát thải do con người tạo ra trên toàn thế giới, với thủ phạm lớn nhất là ngành công nghiệp chăn nuôi. 

Ăn chay sẽ mang lại cả lợi ích môi trường lẫn sức khỏe.

Theo nghiên cứu, một gia đình bốn người tại Mỹ trung bình sẽ ăn nhiều thịt đến nỗi lượng khí nhà kính để sản xuất và chế biến chúng còn nhiều hơn cả hai chiếc ô tô họ đi.

Vì vậy, có ý kiến cho rằng chỉ cần tiêu thụ ít thịt hơn thì môi trường sống trong tương lai của các thế hệ sau sẽ được bảo vệ. Các chuyên gia đến từ Oxford Martin School đã chế tạo những mẫu máy tính phân tích môi trường trong bối cảnh tất cả mọi người đều ăn chay vào năm 2050. 

Kết quả cho thấy, nhờ việc loại bỏ thịt đỏ mà khí thải liên quan tới thực phẩm sẽ giảm khoảng 60%. Nếu thế giới quay sang ăn chay hoàn toàn không cần thịt, lượng khí thải sẽ giảm khoảng 70%. Rõ ràng, chỉ có thể ổn định tỷ lệ khí phát thải từ thực phẩm trong tương quan với tất cả các loại khí thải nếu con người chấp nhận một chế độ ăn toàn thực vật.

Thực phẩm cũng đóng góp gián tiếp vào lượng khí thải nhà kính thông qua sự biến đổi môi trường đất và sự suy giảm đa dạng sinh học. Thế nên, giới nghiên cứu tin rằng, khi cả loài người ăn chay, ít nhất 80% diện tích đồng cỏ dùng để nuôi gia súc có thể khôi phục hệ sinh thái tự nhiên, hoặc để tái tạo rừng.

Khi đó, cây cối sẽ hấp thụ các loại khí carbon và làm giảm nhẹ sự biến đổi khí hậu. Biến đồng cỏ chăn nuôi thành đồng cỏ tự nhiên cũng là một cách để gia tăng đa dạng sinh học. Trâu rừng và các loài động vật ăn cỏ to lớn sẽ thay thế những loài gia súc yếu đuối. Động vật ăn thịt cũng có thể trở lại, ví dụ như chó sói - loài vật đã bị con người tàn sát mỗi khi chúng tiếp cận khu vực nông trại và đe dọa gia súc của họ.

Xét trên phương diện sức khỏe, nếu cả thế giới ăn chay vào năm 2050 thì tỉ lệ tử vong trên toàn cầu giảm từ 6-10%, nhờ vào sự suy giảm của bệnh mạch vành tim, tiểu đường, đột quỵ và một số bệnh ung thư. 

Việc loại bỏ các loại thịt đỏ đóng góp một nửa, nửa còn lại là nhờ giảm số lượng calo con người tiêu thụ và tăng lượng trái cây cùng rau quả trong chế độ ăn. Ngày càng ít người có bệnh mạn tính liên quan đến thực phẩm đồng nghĩa với giảm chi phí y tế, tiết kiệm từ 2-3% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu. 

Mặc dù kịch bản cả thế giới ăn chay bị chỉ trích là “quá xa vời” nhưng nó lại làm nổi bật vai trò khí thải tạo ra trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm, góp phần đưa ra cảnh báo về tiêu thụ thực phẩm trong tương lai.

Nguy cơ hiện hữu

Bất chấp nhiều lợi ích, chuyên gia Ben Phalan đến từ Đại học Cambridge nhận định ăn chay có nguy cơ tạo nên một cuộc khủng hoảng y tế tại các nước đang phát triển bởi họ không biết tìm các vi chất dinh dưỡng cân đối và đầy đủ ở nguồn nào. Sản phẩm từ động vật chứa nhiều chất dinh dưỡng trên mỗi đơn vị calo hơn so với đồ ăn chay như ngũ cốc và gạo. 

Vì vậy, việc lựa chọn được loại thực phẩm có thể thay thế thịt là rất quan trọng, khi mà ước tính có hơn hai tỷ người suy dinh dưỡng trên thế giới. Ngoài ra, ăn chay sẽ tác động tiêu cực đến việc làm, khiến những người đang làm trong lĩnh vực chăn nuôi bị mất việc. Khi ấy, những đối tượng này sẽ cần hỗ trợ để chuyến đổi nghề nghiệp.

Ăn chay hoàn toàn sẽ khiến những người đang làm trong lĩnh vực chăn nuôi bị mất việc.

Nếu động thái này thất bại, tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng trong xã hội, kéo theo hàng loạt những biến động khó lường. Có đề xuất hướng đến mở rộng diện tích đất nông nghiệp để tạo thêm việc làm, thế nhưng cần lưu ý rằng khoảng 1/3 diện tích đất trên toàn thế giới thuộc loại khô hạn và bán khô hạn, chỉ có thể dùng cho chăn nuôi. 

Trong quá khứ, khi cố gắng để chuyển đổi một số phần diện tích của Sahel (dải đất trải dài từ đông sang tây châu Phi, nằm ở phía nam của sa mạc Sahara và phía bắc đường xích đạo) từ đồng cỏ chăn nuôi thành các vùng đất canh tác, tình trạng sa mạc hóa và sụt giảm năng suất đã xảy ra. Nếu không có gia súc, sống trong những môi trường như vậy có thể là điều bất khả thi đối với người dân.

Bên cạnh đó, ăn chay hoàn toàn đi liền với tước bỏ nền chăn nuôi - vốn gắn chặt với cuộc sống của một số nhóm dân du mục như người Mông Cổ hay Berber. Điều này sẽ làm mai một bản sắc văn hóa của họ, cũng như đặt ra yêu cầu phải trợ giúp những nhóm người này định cư lâu dài. 

Nhiều chuyên gia khẳng định, thịt là một phần quan trọng của lịch sử, đi vào truyền thống và bản sắc văn hóa. Khắp nơi trên thế giới, nhiều dân tộc dùng gia súc làm quà tặng tại các lễ hội, đám cưới hay tiệc tùng, tạo nên biểu tượng và đặc sản cho mỗi vùng miền. 

“Tác động văn hóa của việc từ bỏ thịt hoàn toàn sẽ rất lớn, thế nên những nỗ lực để giảm tiêu thụ thịt thường không đi tới đâu”, Ben Phalan cho biết.

Để phản đối ý tưởng ăn chay, các nghiên cứu của Trường Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) lập luận rằng người ăn chay đang vô tình tiếp tay hủy hoại môi trường. 

Theo họ, tính từ thời điểm Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra khuyến cáo người dân nên hạn chế thực phẩm từ thịt và chuyển qua thực phẩm chay vào năm 2010 cho đến nay, số lượng người sử dụng thực phẩm chay đã tăng lên nhưng kèm theo đó là những con số thống kê đáng báo động. 

Cụ thể, quá trình sản xuất thực phẩm chay tiêu thụ nhiều năng lượng hơn, tiêu tốn nhiều nước sạch và lượng khí thải nhà kính tạo ra sau quá trình sản xuất thực tế lại tăng lên chứ không hề giảm đi như những tuyên bố về lợi ích của ăn chay trên truyền thông.

Theo dự đoán, chế độ ăn chay có sữa có thể sẽ được áp dụng phổ biến trên toàn cầu trong tương lai.

Thay đổi thói quen

Mọi việc đều có hai mặt, và lời khuyên được đa số chuyên gia đưa ra đó là nên tìm hiểu một chế độ ăn lành mạnh phối hợp nhiều loại thực phẩm và biết cách cân đối lượng thịt tiêu thụ trong khẩu phần ăn hàng ngày. 

Trong thời đại bùng nổ dân số, khi con người chấp nhận thay đổi thói quen và biết suy nghĩ đúng đắn thì sẽ có thể xây dựng cho thế hệ mai sau một chế độ dinh dưỡng đầy đủ. 

Theo nghiên cứu, khẩu phần ăn hợp lý phải đủ bốn nhóm trong một hình biểu trưng gọi là “ô vuông” thức ăn, bao gồm chất đường bột, chất đạm - thịt, chất béo và muối khoáng - vitamin. 

Do trong thiên nhiên không có một thực phẩm nào là hoàn hảo và đầy đủ cả bốn thành phần nên con người phải ăn thật đa dạng, nhiều loại thức ăn. Những khẩu phần ăn “lệch lạc”, không hài hòa, dứt khoát không tốt cho cơ thể.

Trong một nghiên cứu do Đại học Cornell tiến hành, chế độ ăn với một lượng thịt vừa đủ - bao gồm cả ăn chay có sữa và ăn chay có trứng và sữa - được xem là bền vững hơn cả bởi hình thức này có thể nuôi sống nhiều người hơn là ăn thuần chay hay tiêu thụ quá nhiều thịt. Ăn chay có sữa sẽ giúp tận dụng tối ưu những nguồn tài nguyên hiện có, trong khi vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng. 

Trong khi đó, cắt giảm lượng tiêu thụ các sản phẩm từ động vật sẽ góp phần làm tăng hiệu suất sản xuất của quỹ đất nông nghiệp, từ đó tăng nguồn cung lương thực. 

Giới nghiên cứu dự đoán, cân bằng dinh dưỡng bằng chế độ ăn chay có sữa có thể sẽ trở thành cách hiệu quả được áp dụng trên toàn cầu trong tương lai. Tuy vậy, dù có phải là người ăn chay hay không thì con người vẫn cần ghi nhớ lời khuyên của “ông tổ y khoa” Hippocrates cách đây 2.400 năm, rằng “hãy biến thức ăn thành thuốc, đừng để thuốc là thức ăn của mình”.

Việt Dũng - Trần Quân
.
.