Rus Kievan, cái tên phủ bụi

Thứ Tư, 14/04/2021, 20:49
Trong những ngày châu Âu và thế giới thấp thỏm hướng về các diễn biến sặc mùi thuốc súng ở Donbass như hiện tại, vẫn có một quãng lịch sử không bao giờ có thể thay đổi, giữa những người anh em cùng một mẹ Nga - Ukraina.

Quãng lịch sử ấy - những ngày đầu lập quốc sơ khai - được đánh dấu bằng cái tên vô cùng đặc biệt: Rus Kievan (hay trong tiếng Nga là Rus Kievskaya), khởi nguồn của cả hai địa danh Russia (Nga) và Kiev (thủ đô Ukraina).

Dưới vó ngựa Thành Cát Tư Hãn

Rus Kievan là một đại công quốc, với người đứng đầu là một đại công tước. Một đại công quốc giàu có và thịnh vượng, với rất nhiều nguồn lợi trù phú từ buôn bán lông thú, mật ong, sáp ong… Hơn thế, vị trí địa lý được chọn giúp Rus Kievan khống chế ba tuyến đường thương mại quan trọng bậc nhất ở Đông Âu:  tuyến đường thương mại Volga từ biển Baltic đến phương Đông, tuyến đường thương mại Dnepr từ biển Baltic đến biển Đen và tuyến đường thương mại từ người Khazar đến người Germanic.

Và không chỉ vậy, mối quan hệ tốt đẹp giữa đại công quốc đó với Đế quốc Đông La Mã Byzantium - những người thống trị biển Đen (đặc biệt là sau khi Vladimir I chọn Chính thống giáo Đông phương theo mô hình của Byzantium làm quốc giáo) càng khiến vị thế của Rus Kievan trở nên quan trọng. 

Nhưng, sau gần 500 năm tồn tại, đại công quốc ấy đã hoàn toàn bị xóa sổ trên bản đồ thế giới, kể từ năm 1240. Đích thân Khả hãn Bạt Đô -  con trai của Truật Xích, tức là cháu nội của Thành Cát Tư Hãn - cầm quân chỉ huy cuộc tấn công toàn diện vào lãnh thổ Rus Kievan năm 1237.

Nhưng thực ra, trước đó 14 năm, trận đại thắng trên sông Kalka mà hai danh tướng Mông Cổ - Triết Biệt cùng Tốc Bất Đài - thực hiện đã đủ để đánh quỵ mọi uy phong của Rus Kievan nói riêng cũng như toàn bộ các đoàn quân trên đất Nga - Ukraina hiện đại nói chung.

Quân Mông Cổ - những kẻ đánh sập uy quyền Rus Kievan.

Điều đáng nói là khi ấy, Triết Biệt cùng Tốc Bất Đài chưa đặt việc xâm chiếm hay đô hộ các vùng lãnh thổ Đông Slave làm mục tiêu chính. Họ đang trên đường viễn chinh sang phương Tây, để truy bắt Sultan (hoàng đế) của Đế quốc Hồi giáo Trung Á Khwaresmia.

Trên đường truy kích ấy, "tiện đường", quân Mông Cổ hủy diệt thành Baghdad của Iraq, tàn phá Ba Tư (Iran), cướp bóc, bức hàng và thảm sát Azerbaijan, tung quân vào thăm dò trong đất Gruzia rồi phục kích đánh vỡ toàn quân Gruzia.

Tiếp đó, họ vượt qua dãy Kavkaz, đối diện với liên quân các bộ tộc Bắc Kavkaz. Bằng kế ly gián, Triết Biệt và Tốc Bất Đài tiếp tục đánh tan liên quân này. Thế cuộc sau đó đẩy họ, hay đúng hơn là đẩy các vương công Slave phải ra trận đối đầu với đoàn quân vô địch hoàn cầu thời điểm ấy.

Kết quả, như các nhà nghiên cứu lịch sử ghi lại, quân Mông Cổ tận dụng khả năng cơ động của kỵ binh, giả vờ triệt thoái để kéo giãn đội hình địch, dẫn dụ quân Rus Kievan đến bờ sông Kalka - địa điểm mà Triết Biệt cùng Tốc Bất Đài thống nhất lựa chọn. Ở đó, quân Mông Cổ đánh quật lại, tàn sát phần lớn quân Rus. Họ giả vờ đồng ý cho một số ít vương công đầu hàng, nhưng rồi tiếp tục thảm sát nốt các hàng binh đã bị tước vũ khí, bắc ván lên đầu các vương công bị cầm tù, để vừa tiệc tùng vừa nhìn họ chết ngạt.

Sau trận thảm bại này, Rus Kievan hầu như không còn sinh lực để hồi phục, về mặt quân sự. Triết Biệt và Tốc Bất Đài mang quân về đông hội sư với Thành Cát Tư Hãn, nhưng để lại rất nhiều gián điệp. Và bởi vậy, khi Bạt Đô quyết định đánh vào đất Slave lần nữa, ông ta nắm được toàn bộ các thông tin quan trọng.

Không thể khác được. Rus Kievan bị xóa tên, bị  bắt phải phụ thuộc và triều cống cho Hãn Kim Trướng Mông Cổ, đến hơn một trăm năm. Thế rồi, khi uy quyền Mông Cổ suy thoái, Đại công quốc Moskva nổi lên, thay thế địa vị của Kiev, trong vị trí là kinh đô của người Rus.

Lịch sử miền phát tích

Bởi thế, không phải ngẫu nhiên mà trong không ít thư tịch trước đây, bên cạnh nước Nga Sa hoàng, Ukraina được gọi là Tiểu Nga, còn Belarus (Belorussia) thì mang tên Bạch Nga. Ba quốc gia hiện đại ấy, thực tế, là một khối khăng khít rất khó có thể tách rời trong suốt chiều dài lịch sử, ba nhánh cây đâm chồi từ một gốc Kievan Rus.

Nhưng, khởi thủy, Rus Kievan là gì? Rus, về bản chất, là một dân tộc mới hình thành trong quãng thế kỷ IX - X. Họ là sự kết hợp và hòa huyết giữa những chiến binh người Scandinavia tiến xuống Đông Âu để chinh phục và đồng hóa với những sắc dân Slavic bản địa, đồng thời có cả sự tham dự của một vài sắc dân du mục khác.

Theo ghi chép trong những cuốn cổ sử của khu vực này, Rus Kievan chính thức được thành lập vào năm 880, bởi một ông hoàng (prince) mang tên Oleg. Bằng tài năng quân sự của mình, Oleg thiết lập quyền thống trị của các vương công Kiev lên mọi phần lãnh thổ lân cận, và thậm chí gây sức ép với cả Constantinople - kinh đô của Byzantium. Qua đó, Oleg đặt nền móng cho những hậu duệ của mình là Vladimir I và Yaroslav Khôn ngoan xây dựng Rus Kievan thành một định chế thịnh trị.

Kiev - kinh đô đầu tiên của người Nga.

Vấn đề là, càng về sau, sự cường thịnh ấy lại càng phai mờ. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Lý do đầu tiên là bởi cơ chế phong kiến đậm đặc của hoàng gia Kiev - khi các hoàng thân quốc thích hầu hết đều được phân phong, để rồi theo thời gian, các phần lãnh thổ càng lúc càng bị chia nhỏ ra, thiếu sự tập trung cần thiết như lúc ban đầu, trong khi tinh thần cát cứ và biệt lập lại gia tăng.

Lý do thứ hai, những cuộc Thập tự chinh cũng khiến Rus Kievan phải đối diện với nhiều thách thức hơn, từ những kẻ chinh phục hùng mạnh hơn, và do đó, nguồn lực kinh tế cũng suy giảm, dẫn đến quốc lực tụt hậu. Và lý do cuối cùng: Chính hoàng gia Rus Kievan về sau cũng liên tục chia rẽ bởi vô số các cuộc chiến tranh chấp quyền lực.

Đó chính là tiền đề để theo những biến thiên của lịch sử, khi đã thoát khỏi ách thống trị của Hãn Kim Trướng, sau những lần đô hộ Ba Lan hay bị Ba Lan đô hộ, sau những cuộc va chạm với các quyền lực Trung - Đông Âu như Đại công quốc Ba Lan - Lithuania, Vương quốc Phổ hay Đế quốc Đức…, giữa phần phía tây của Rus Kievan cổ xưa (đã trở thành Ukraina hiện đại), là một lằn ranh ngăn cách rất mỏng manh với phần phía đông - đậm màu Slave và màu Nga (Rus) hơn.

Và kể từ khi những đoàn thiết giáp Đức Quốc Xã tiến vào đất Liên Xô trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, những ý niệm về sự chia rẽ lại càng trở nên rõ rệt. Để rồi, ba mươi năm sau khi Liên Xô sụp đổ, vấn đề Crimea và nối tiếp nó là Donbass đặt những đứa con cùng một mẹ vào thế coi nhau như cừu thù.

* Vào thời điểm đánh tan liên quân các vương công Nga (Rus), Triết Biệt và Tốc Bất Đài chỉ có chưa đầy hai vạn kỵ binh. Trong khi đó, con số binh lính của liên quân được ghi lại không tạo nên được sự thống nhất trong giới nghiên cứ lịch sử. Mức độ dao động được ước lượng lên tới 5 vạn (từ 30.000 quân đến 80.000 quân). Năm 1237, Tốc Bất Đài phụ tá Bạt Đô trở lại, chinh phục Rus Kievan với 120.000 quân.

* Trong những năm 1054-1224, có tới 64 công quốc đã được dựng lên rồi lại sụp đổ, có đến 293 hoàng tử đưa ra đòi hỏi về thừa kế ngôi vị và tranh chấp của họ đã dẫn đến 83 cuộc nội chiến. Vấn đề trở nên phức tạp hơn vào cuối thế kỷ 11 và đưa đại công quốc vào hỗn loạn. Theo sáng kiến của Vladimir Monomakh II trong năm 1097, Hội đồng liên bang đầu tiên của Kievan Rus được họp ở thành phố Liubech gần Chernigov với mục đích chính là để các bên tham chiến thương thảo. Tuy nhiên, việc này cũng chỉ tạo được một khoảng lặng cần thiết.

Đông Quân
.
.