Quyền lực và góc khuất Google

Thứ Ba, 11/12/2018, 17:19
Giới chuyên gia công nghệ cho rằng Google đã đạt ngưỡng phát triển có thể thao túng suy nghĩ của con người, từ việc mua sắm hàng hóa cho đến bỏ phiếu bầu cử.

Thậm chí, nhiều tài liệu mới bị rò rỉ gần đây tiết lộ Google đang âm thầm nghiên cứu một số chiến lược đầy tham vọng để làm hại các đối thủ cạnh tranh, hay có mối liên hệ mật thiết với cộng đồng tình báo Mỹ trong các động thái cá nhân.

Chiêu trò hạ bệ

Hiện nay, Google đang sở hữu hệ điều hành phổ biến nhất thế giới, đồng thời đè bẹp tất cả các đối thủ trên các lĩnh vực tìm kiếm, web mail và bản đồ. Thậm chí, Google thể hiện vai trò vượt trội trong công nghệ khi đưa ra nhiều ý tưởng áp dụng AI, Big Data hay xử lý ngôn ngữ tự nhiên. 

Nếu xét về doanh thu quảng cáo trực tuyến thì không một hãng nào có thể đọ lại được với công ty do Larry Page và Sergey Brin sáng lập. Đây được coi như một quyền lực cực kỳ lớn của thời đại Internet mà không phải công ty nào cũng có thể nắm giữ. 

Tuy nhiên, theo báo cáo điều tra của Ủy ban Thương mại Liên bang, Google được cho là đang thực hiện nhiều thủ thuật bị truyền thông coi là “chơi bẩn” với các đối thủ nhằm độc chiếm vị trí độc tôn trên thị trường.

Hiện nay, Google dường như đang thống trị các lĩnh vực tìm kiếm, web mail và bản đồ.

Kết quả báo cáo cho thấy Google đã triển khai chiến thuật cạnh tranh để duy trì và tăng cường sự độc quyền trong quảng cáo tìm kiếm. 

Theo đó, “gã khổng lồ” đang thực hiện chiến lược nhằm từ chối hiển thị liên kết đến các trang web thương mại, thay đổi thuật toán tìm kiếm của mình để đem lại lợi ích riêng và ảnh hưởng tiêu cực đến các đối thủ cạnh tranh. 

Ngoài ra, Google đã thao túng thị trường tìm kiếm bằng cách ủng hộ các dịch vụ của chính Google, hay thậm chí “mượn” nội dung bất hợp pháp từ các đối thủ như Yelp và Amazon. Ví dụ, Ủy ban Thương mại Liên bang cho biết Google đã sử dụng xếp hạng doanh số bán hàng của Amazon để xếp hạng các doanh mục riêng cho mình.

Thời gian qua, các đối thủ không ngừng đưa ra các cáo buộc rằng Google đang chơi xấu họ và tiến hành các hoạt động ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tìm kiếm. Khi các đối thủ của Google yêu cầu gã khổng lồ này ngừng sử dụng nội dung của họ, Google đe dọa sẽ loại bỏ trang web của đối thủ cạnh tranh ra khỏi kết quả tìm kiếm của mình. 

Ngoài ra, Google ngăn chặn các trang web sử dụng nền tảng tìm kiếm của nó trên các dịch vụ tìm kiếm của Bing và Yahoo. Google cũng cấm các nhà quảng cáo sử dụng dữ liệu được tạo ra từ các chiến dịch quảng cáo của Google trên các nền tảng cạnh tranh khác. 

Mặc dù hiện tại Google vẫn chưa đưa ra phản hồi nào, nhưng nhiều ý kiến quan ngại những hành động của Google có thể gây hại cho người sử dụng, làm xáo trộn tìm kiếm trực tuyến cũng như thị trường quảng cáo trực tuyến.

Thao túng phiếu bầu

Google có khả năng lôi kéo thêm hàng triệu lá phiếu ủng hộ cho một ứng cử viên nào đó theo cách thức tưởng như rất tự nhiên và gần như không ai hay biết về sự thao túng này. 

Theo đó, thuật toán tìm kiếm của Google có thể dễ dàng thay đổi lựa chọn bỏ phiếu ở nhóm cử tri đang phân vân lưỡng lự lên tới 20%. Tỷ lệ này còn đạt tới 80% ở một số nhóm khác. Hầu như không cử tri nào biết họ đang bị Google thao túng trong quyết định của mình.

Bất kể việc các nhà điều hành Google có nhận ra điều này hay không, nhưng thực tế, các nhân viên thuộc bộ phận điều chỉnh thuật tìm kiếm của Google đang thao túng tâm lý người dùng từng phút mỗi ngày. Những điều chỉnh đó gây ảnh hưởng ngày càng nhiều tới tư duy nói chung và từ đó cũng tác động đến lựa chọn bỏ phiếu của mỗi cá nhân. 

Theo thống kê của Google Trends (công cụ cho thấy xu hướng tìm kiếm nổi bật nhất trong một khoảng thời gian nào đó trên Google), tỷ phú Donald Trump đánh bại tất cả các ứng cử viên khác dựa trên kết quả tìm kiếm tại 47/50 bang nước Mỹ. Liệu điều này còn thực sự chính xác khi chính Google thừa nhận đã bí mật chỉnh sửa thuật toán tìm kiếm khoảng 600 lần mỗi năm?

Nhiều tài liệu tiết lộ cộng đồng tình báo thường xuyên có những cuộc gặp mặt với hai nhà sáng lập Google.

Một ví dụ khác được đem ra phân tích về khả năng thao túng phiếu bầu của Google chính là cuộc bầu cử năm 2014 tại Ấn Độ. Theo tiết lộ, các kết quả tìm kiếm trên Google đã làm thay đổi tỷ lệ ủng hộ một ứng cử viên nào đó tăng thêm hơn 20%, thậm chí hơn 60% ở một số nhóm. 

Các thống kê dữ liệu hằng ngày của Google về hoạt động tìm kiếm liên quan đến cuộc bầu cử này (sau đó đã bị xóa khỏi Internet) cho thấy ứng viên thắng cuộc Narenda Modi đã vượt xa các đối thủ trong tổng số lượt tìm kiếm tới hơn 25% trong liên tục 61 ngày.

Điều này cho thấy ảnh hưởng của Google trong sự kiện này lớn tới mức có thể chính Google đã quyết định người thắng cuộc.

Giới quan sát tin rằng Google đã tiến hành hàng loạt hành động thiếu minh bạch ở “hậu trường” và ngụy trang bằng một công cụ tìm kiếm đơn giản ai cũng có thể dùng được, từ đó dễ dàng kiểm soát (thậm chí điều khiển) hành vi của người sử dụng. 

Các ngọn núi thông tin mà Google đang quản lý và tích lũy đặc biệt nguy hiểm vì đây chính là dữ liệu cuối cùng được Google sử dụng để thao túng người dùng, khiến họ đưa ra quyết định quan trọng. 

Theo thời gian, những thao tác của Google nhằm thay đổi tỷ lệ phiếu bầu có thể dễ dàng đóng góp thêm 2 hoặc 3 triệu phiếu bầu trong một cuộc bầu cử lớn. Điều quan trọng là, không ai nhận ra họ đã bị một công cụ tìm kiếm yêu thích qua mặt một cách dễ dàng.

Liên hệ mơ hồ

Sức mạnh của Google quả thực không tưởng, đến mức cộng đồng tình báo coi Google như một công cụ hỗ trợ lấy thông tin để hiểu được hàng triệu người đang làm gì trên mạng thông tin kỹ thuật số. Nhiều tài liệu mới bị rò rỉ gần đây tiết lộ chế độ giám sát hàng loạt hiện đại của Chính phủ Mỹ có liên quan đến nguồn gốc hầu như không được tiết lộ của Google. 

Theo đó, mục đích phát triển Google ban đầu của hai nhà sáng lập Sergey Brin và Larry Page là tối ưu hóa các truy vấn cực kỳ phức tạp bằng phương pháp “truy vấn đám đông”. 

Thuật toán tìm kiếm của Google có thể dễ dàng thay đổi lựa chọn bỏ phiếu ở nhóm cử tri đang phân vân lưỡng lự lên tới 20%.

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Cơ quan Chỉ đạo các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) và Quỹ Khoa học quốc gia (NSF) - hai tổ chức chuyên phát triển các công nghệ mới cho mục đích quân sự, tình báo và an ninh quốc gia Mỹ.

Nghiên cứu của Brin và Page đã trở thành chức năng chính của Google hiện nay: tìm ra chính xác những gì con người muốn từ các ngọn núi dữ liệu khổng lồ. Tuy nhiên, cộng đồng tình báo lại nhận ra một lợi ích khác: đó là nhận dạng và theo dõi đặc biệt các đối tượng mục tiêu trên mạng Internet. 

Điều này hoàn toàn phù hợp với mục đích chống khủng bố vì những cá nhân và nhóm phiến loạn có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia có thể bị phát hiện qua các hoạt động hay thói quen trực tuyến lạ thường trước khi hành động.

Google luôn cho rằng không có mối liên hệ nào với tình báo như CIA hay NSA, phủ nhận việc CIA trực tiếp tài trợ các nghiên cứu hoàn thiện Google thông qua một chương trình bí mật. 

Thế nhưng, Brin và Page đã tạo ra thứ mà NSA, CIA và cộng đồng tình báo trông mong, và được hỗ trợ bởi các khoản trợ cấp của tình báo là DARPA và NSF. 

Điều đáng ngạc nhiên là, chuyện Google có liên quan đến DARPA hay NSF chưa từng được nhắc đến trong lịch sử hình thành của “gã khổng lồ” này, cho dù một số nhà tình báo khẳng định Google là thành tựu nghiên cứu trực tiếp của cộng đồng tình báo. 

Thay vào đó, chuyện Google được sáng lập như thế nào chỉ đề cập đến một khoản trợ cấp nhỏ nhằm tạo ra một “thư viện số”, giúp giới nghiên cứu tại Đại học Stanford tìm kiếm toàn bộ mạng toàn cầu được lưu trữ trên máy chủ của trường.

Cho đến nay, mối liên hệ giữa Google và cộng đồng tình báo vẫn chưa thực sự rõ ràng. Chưa một ai có thể khẳng định chắc chắn mục đích của việc cộng đồng tình báo dựa dẫm vào Google (hay các công ty công nghệ khác) để chống khủng bố và bảo vệ an ninh quốc gia. 

Khi được hỏi, Google luôn khẳng định không bao giờ chủ động cung cấp cơ sở dữ liệu khách hàng khổng lồ cho các cơ quan an ninh và thi hành án. Họ chỉ đáp ứng các trát đòi hầu tòa hoặc các yêu cầu theo Đạo luật Patriot - một đạo luật chống khủng bố được soạn thảo sau cuộc tấn công ngày 11-9-2001 vào Lầu Năm Góc và Trung tâm Thương mại Thế giới, mà thôi.

Hồng Hạnh
.
.