Những tiếng hét giàu cảm xúc

Thứ Sáu, 14/05/2021, 20:37
Sascha Frühholz giật mình bởi tiếng hét của những nhân vật trong loạt phim kinh dị đang chiếu trên màn hình. Nỗi sợ hãi, nguy hiểm và đe dọa bao trùm thứ âm thanh chói tai vang lên trong đêm vắng.

Có thời điểm, nhà khoa học nhớ lại khoảnh khắc tuyệt vời đến mức hét lên vì sung sướng khi được gặp nhóm nhạc thần tượng của mình. Ông tự hỏi: phải chăng con người không chỉ la hét khi sợ hãi và muốn tỏ ra hung hăng, mà còn la hét khi trải qua những cảm xúc khác như bất ngờ và hạnh phúc?

Bản năng sinh tồn

UeshibaMorihei nổi danh là tổ sư môn võ Aikido. Người trong giới biết rằng có nhiều điều kì lạ xoay quanh nhân vật này, đến mức họ đồn đại rằng chưa một ai đủ khả năng quật ngã được ông. 

Trong một buổi tập, UeshibaMorihei nhận lời thách thức của các học viên, cố gắng hợp sức toàn thân để đẩy ông ra khỏi tấm thảm. Thế nhưng, vị tổ sư vẫn luôn ở trạng thái bất động, cho đến khi ông hét rất lớn tiếng “Kiai”, khiến mấy cậu học trò ngã lăn sang hai bên. Tất cả không ai nói một lời, chỉ cảm thấy bàng hoàng vì dư chấn âm thanh còn vọng lại bên tai.

Sascha Frühholz quan sát hồi lâu những đoạn phim quay lại quá trình luyện tập của tổ sư UeshibaMorihei, với tiếng “Kiai” khiếp đảm, khiến các đối thủ bị choáng và mất bình tĩnh trong giây lát. Thứ âm thanh đôi khi giống tiếng sét khủng khiếp, khi lại giống tiếng sấm trong cơn giông bão. Điều này khiến những nhà khoa học chuyên nghiên cứu về âm thanh như Sascha Frühholz cảm thấy ngờ vực: chẳng lẽ một tiếng hét lại chứa đựng sức mạnh khủng khiếp đến vậy?

Đối với một môn võ như Aikido, tiếng hét “Kiai” thể hiện sự tự tin và ý chí mãnh liệt, chuyển cơ thể con người từ trạng thái ì ạch, uể oải sang hưng phấn và sẵn sàng chiến đấu. Cơ thể chúng ta đang tiến vào cơ chế hoạt động bằng tiềm thức, để rồi khi tâm trí lên tiếng điều khiển hành vi và thể hiện ra bên ngoài, chúng ta mới chính thức hoạt động một cách có ý thức. Giống như một loại tín hiệu, Sascha Frühholz tin rằng tiếng hét tạo bộc lộ cảm xúc đa chiều, nhưng luôn bị lãng quên bởi cuộc sống hiện đại đã khiến chúng ta lạc vàotrạng thái an toàn thường xuyên theo kiểu hoạt hình Disney, suốt ngày chỉ có cười đùa và thi thoảng buồn bã.

Thể thao cũng như một cuộc chiến, giữa kẻ thắng trận và kẻ thua cuộc. Từ khi xuất hiện trên Trái Đất, con người luôn thể hiện bản năng thống trị, muốn sử dụng sức mạnh để đe dọa, lấn át đối phương. Sascha Frühholz liên tưởng tiếng hét “Kiai” đến một thứ vũ khí thô sơ nhất của thời tiền sử, để bảo đảm sinh tồn cho bất cứ giống loài nào. Có lẽ, bản chất sâu sa nhất của tiếng hét giống như lá chắn tự vệ trong cộng đồng sinh vật, không chỉ nói riêng loài người. Ở các loài linh trưởng và động vật có vú khác, tiếng kêu giống như tiếng hét thường được dùng làm tín hiệu báo động dành riêng cho các bối cảnh tiêu cực và xung đột xã hội.

Một buổi chiều mùa hè năm 2019, Harold Gouzoules lặng lẽ ngồi đối diện Sascha Frühholz bên trong căn phòng thí nghiệm cách âm. Những tiếng hét của khỉ từ đoạn băng vang lên, ồn ào, chói tai và khiến người thường cảm thấy nhức đầu. Chúng sống trong một xã hội tựa loài người, và trở nên thông minh đến độ phát triển mô hình tiếng hét khác biệt, không chỉ đóng vai trò cảnh báo mà còn tiết lộ loại động vật ăn thịt ở giữa chúng, từ đó bảo vệ con non và những thành viên trong gia đình khác.

Hai nhà khoa học nhìn nhau đầy kinh ngạc, trước những tờ giấy in chằng chịt những dải sóng âm uốn lượn, biểu thị các âm vực và âm lượng khác nhau. Điều này khiến Sascha Frühholz tin rằng loài người có lẽ là hậu duệ của những cá nhân giỏi la hét, cũng như đã tự thoả thuận với nhau cách “giải mã” tiếng la hét của đồng loại, tạo nên một phương thức trao đổi thông tin độc đáo trong xã hội thời tiền sử.

Tiếng hét đầy hoảng loạn trong “Psycho” đã trở thành một biểu tượng điện ảnh.

Hoảng loạn và sợ hãi

Harold Gouzoules tua lại vài lần tuyệt tác kinh dị “Psycho” (Tâm thần hoảng loạn) của Alfred Hitchcock, lắng nghe sự tuyệt vọng đến ám ảnh ẩn sâu bên trong tiếng hét đầy hoảng loạn của nạn nhân Marion Crane. Tiếng hét đã trở thành biểu tượng của một cái chết đau đớn, qua bức màn che mỏng manh để hé lộ toàn bộ sự kinh hoàng về sau. Cảm xúc con người vốn đa dạng, và trong tất cả các âm thanh con người tạo ra, không có gì thu hút sự chú ý của chúng ta hơn là một tiếng hét. Và trong số nhiều tiếng la hét của con người, tiếng hét sợ hãi là nổi bật nhất.

Mỗi tiếng hét đều có ít nhất một điểm riêng khiến chúng trở nên độc nhất. Đó có thể là sự trầm bổng về cao độ hay rít gào hỗn tạp, hay nghe như đang mất kiểm soát. Tiếng hét thay đổi độ ồn từ 30 đến 150 lần mỗi giây, khiến chúng chiếm một vị trí độc nhất trong cảnh âm của tiếng nói con người, vì thế thường thu hút sự chú ý rất lớn. Chẳng thế mà, tiếng hét của Marion Crane trong cơn mưa rào đẫm máu thường được coi là đáng sợ nhất được đưa lên màn bạc. Để rồi, hình ảnh phụ nữ la hét trong kinh hoàng đã trở thành trụ cột của Hollywood - ngay cả khi phim im tiếng.

Vượt ra khỏi ranh giới phim ảnh, những âm thanh chói tai trở thành điểm tựa để con người bộc lộ nỗi đau đến tuyệt vọng, sự tức giận với chính bản thân được nguỵ trang bởi vỏ bọc sợ hãi. Harold Gouzoules nhắc lại cho chúng ta về bí ẩn những tiếng thét rùng rợn, thống khổ, đau đớn đến từ “hố sâu địa ngục” phía dưới bàn chân con người. Harold Gouzoules lật tập hồ sơ dày hàng trăm trang về “cuộc đua vào lòng đất” năm 1970, ánh mắt dừng lại ở kết luận của chính mình: “Tôi tin rằng thứ âm thanh kỳ quái phát ra từ độ sâu 12.000m dưới lòng đất không phải của... một người mà là từ... hàng triệu người”.

Chúng vẫn còn ám ảnh nhân loại đến tận bây giờ, phải chăng đến từ những “linh hồn bị nguyền rủa” trong một thế giới bí ẩn chưa hề được khám phá?

Loài khỉ thông minh đến độ phát triển mô hình tiếng hét khác biệt nhằm cảnh báo nguy hiểm.

Trò chơi của tiến hóa

Một mình trong căn phòng kín, Sascha Frühholz chậm rãi hít một hơi thật dài, rồi đột ngột hét lên. Sự sung sướng hiện rõ trên gương mặt đầy thoả mãn của nhà khoa học, bởi lẽ tiếng hét đã giải phóng thứ xúc cảm mãnh liệt với thần tượng của ông: The Beatles. Từng hình ảnh về buổi trình diễn cuồng nhiệt những năm 60 của The Beatles xuất hiện trong tâm trí Sascha Frühholz. Nhạc cứ chạy, người vẫn đong đưa, và những tiếng gào thét cứ thế vang lên, hưng phấn nhưng đầy ám ảnh.

10 năm tồn tại trong suốt thập niên 1960, The Beatles đã thay đổi thế giới rất nhiều, trở thành niềm kiêu hãnh của nước Anh trong lịch sử hiện đại. Họ mang đến cho chúng ta “Beatlemania”, chứng cuồng The Beatles, để rồi khi tan rã vào tháng 9/1969 khiến người hâm mộ nuối tiếc và không ngừng mong đợi một ngày tái hợp. Sascha Frühholz lật lại từng trang nghiên cứu về The Beatles, ánh mắt dừng lại ở hình ảnh những gương mặt người hâm mộ “biến dạng” vì la hét vui sướng, cuồng nhiệt khi gặp thần tượng.

Nhà khoa học bấy lâu luôn hoài nghi về bản chất thực sự của tiếng hét phát ra từ cổ họng loài người, chỉ trích lý thuyết cũ lúc nào cũng nói tiếng thét là khổ đau, đầy lo sợ. Cuộc gặp gỡ với người bạn lâu năm, Tiến sĩ Harold Gouzoules, đã đưa Sascha Frühholz tới những kết luận đầy thú vị. Không đơn giản chỉ là cảnh báo như những giả thuyết thông thường, con người còn tạo nên tiếng la hét chói tai để báo hiệu những cảm xúc tích cực như vui sướng tột độ.

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng tiếng hét thực sự truyền tải một tập hợp cảm xúc phức tạp hơn chúng ta nghĩ. Thứ âm thanh kỳ quặc được mài rũa qua hàng triệu năm, ẩn giấu nhiều sắc thái tinh tế về âm lượng, thời gian và sự uốn cong có thể báo hiệu nhiều điều. Sascha Frühholz nhìn lên những tấm phim quét não người, chợt nhận thấy rằng, không giống như những âm thanh khác của con người, tiếng hét được chuyển thẳng đến amygdala - phần não xử lý nỗi sợ hãi, giận dữ và những cảm xúc mãnh liệt khác.

Tiến hoá đã thay đổi tiếng hét, với bản chất không còn giống như một tín hiệu giao tiếp, xuất phát từ yêu cầu bối cảnh xã hội phức tạp ở con người. Hai nhà khoa học thích thú khi tìm thấy ba vị trí quan trọng tạo nên sự khác biệt trong tiếng hét của con người: hệ thính giác phân tích và phân loại âm thanh, vỏ não cảm giác và thuỳ trán đưa ra quyết định hành động. Họ ngay lập tức vẽ sáu vòng tròn lớn, mỗi vòng tô một màu đại diện cho sáu loại cảm xúc mà tiếng hét chứa đựng: từ “tiêu cực” tức giận, sợ hãi, đau đớn, buồn bã cho đến “tích cực” hạnh phúc và vui sướng cao độ.

Chúng gợi nhắc tới bức tranh “The scream” (Tiếng hét) của Edvard Munch, khắc họa một nhân vật đầy âu lo tuyệt vọng tương phản với phong cảnh hòa cùng bầu trời rực đỏ. Trang nhật ký của danh họa khiến Frühholz và Gouzoules kinh ngạc, khi viết rằng: “Một tiếng hét đa cảm, của đau khổ và nỗi buồn, lan đi vô tận trong không gian. Nếu được giải phóng và thấu hiểu, một ngày nào đó sẽ biến thành cảm giác hy vọng và thanh thản”...  
Lê Nam
.
.