Những “tập đoàn” đầu tiên khuynh đảo thế giới

Thứ Tư, 29/01/2020, 10:38
Từ cuối thời Trung Cổ, từng có thời quyền lực của các bậc vương hầu phong kiến châu Âu bị thách thức gay gắt bởi các thương gia.

Không, những tập đoàn ấy không gần chúng ta đến vậy. Không phải Rockfeller, càng không phải Microsoft hay Facebook. Cũng không phải các công ty Đông Ấn của Hà Lan hay Anh. Xa hơn nữa, từ cuối thời Trung Cổ, từng có thời quyền lực của các bậc vương hầu phong kiến châu Âu bị thách thức gay gắt bởi các thương gia.

Những lãnh chúa doanh thương

Venezia (Venise) không phải là một cái tên xa lạ. Cái tên ấy được nhắc đến trong rất nhiều thư tịch cổ, suốt những cuộc Thập Tự chinh sau cuối. Họ đủ sức "làm giá" với Thập tự quân, đòi hỏi các điều kiện, thậm chí là phá hủy các thành phố hành xử "nghịch ý" họ. Venezia thực sự mang tầm vóc của một đế quốc vào thời điểm đó, dù thực ra họ chỉ là một thị quốc duyên hải Ý. Đó là điều mà đến hiện tại, không mấy ai còn biết đến nữa. Nhắc đến Venezia, người ta sẽ nghĩ đến những dòng kênh và những chiếc cầu, những nụ hôn và những cuộc tình lãng mạn.

Trước Venezia, những người mở đầu cho một chương mới của lịch sử châu Âu là một tổ chức mang tên Hansa. Thực chất, đó là hiệp hội của các thành phố thương mại duyên hải. Đầu tiên, họ cử đại diện gặp nhau để thảo luận. Cuối cùng, vào thế kỷ XIV, Hansa chính thức ra đời. Thoạt đầu, Hansa bao gồm giới doanh thương của các thành phố Lubeck, Bremen, Hamburg (đều trên đất Đức) và Wisby (ở đảo Gotland, trong biển Baltic). Họ xúc tiến hợp tác với các thương gia Đức ở Novgorod (Nga), Luân Đôn (Anh), Venezia và Bruges (Bỉ), nhằm bảo vệ và phát triển "chuyện làm ăn" của cả cộng đồng.

Trong một góc nhìn phóng chiếu về thời hiện đại, Hansa có thể xem là dạng thô sơ của các hiệp định hợp tác kinh tế, được tạo nên bởi các cộng đồng doanh nghiệp có chung mục đích, chứ chưa phải của các quốc gia. Song, điểm khác biệt là Hansa thực hiện việc bảo vệ lợi ích đó một cách quá dữ dội, so với những hình dung thông thường về giới buôn bán.

Phục dựng quân đội Genoa.

Để giữ độc quyền buôn bán về các mặt hàng thiết yếu (cá, da thú, gỗ, hổ phách, kim loại…), họ chia nhau chịu mọi phí tổn, và đánh tan hàng loạt đám thảo khấu trên bộ cũng như những toán hải tặc trên mặt biển. Từ năm 1367 đến năm 1370, họ phát động một cuộc chiến tranh với Đan Mạch (khi đó còn bao gồm lãnh thổ rất rộng) khi bị tăng thuế, và đã chiến thắng. Hansa thường mở các cuộc họp tại Lubeck, gửi các nhân viên ngoại giao đến tiếp xúc cũng như điều đình các vấn đề tranh chấp. Năm 1406, Hansa thậm chí không ngại ngần dùng vũ lực đẩy lui người Anh khỏi vùng đánh cá ven biển Na Uy.

Hansa không duy trì được sự gắn bó ấy lâu dài, bởi dĩ nhiên, những xung đột nội bộ về lợi ích nhanh chóng xuất hiện. Nó ngừng phát triển sau năm 1500, khi có thêm quá nhiều tuyến đường hàng hải mới từ Đại Tây Dương tỏa đi. Song, cách thức vận hành của Hansa trở thành một hình mẫu, và Venezia là những kẻ kế tục.

Bằng những cuộc chiến dai dẳng với một "thành bang" anh em rất giống mình - Genoa - cũng như những nỗ lực tham gia các cuộc chinh phạt khác, Venezia giữ độc quyền buôn bán trên Địa Trung Hải, cũng giống như Hansa độc quyền ở biển Baltic trước kia. Mà Địa Trung Hải lại là một thị trường béo bở gấp bội, khi nối từ Tây Âu sang Trung Cận Đông, và xa nữa là châu Á. Venezia cung cấp hương liệu, lụa, đường, bông vải của phương Đông cho cựu lục địa, rồi buôn ngược vải len hay các sản phẩm khác của phương Tây cho các bạn hàng đến từ bên kia đại lục Âu - Á.

Và sự phác thảo của chủ nghĩa tư bản

Ở rất nhiều khía cạnh, bóng dáng của chủ nghĩa tư bản hiện đại cũng đã thấp thoáng trong cách hình thành và vận hành của Hansa, Venezia hay Genoa. Những thiết chế đó hiện hữu vì duy nhất một mục đích là lợi nhuận, và cả hệ lụy lẫn thành tựu đi kèm cũng đều xoay quanh lợi nhuận.

Đó là tập hợp của các doanh nghiệp dám mạo hiểm sử dụng tín dụng một cách rộng rãi, dám đầu tư, rồi tạo nên tư bản bằng tiền bạc và hàng hóa. Vì có họ và có nhu cầu của họ, các ngân hàng lớn ở châu Âu thậm chí sẵn sàng "nghịch chỉ" Giáo hội Vatican (xem việc cho vay nặng lãi là trái với giáo luật). Thí dụ, ngân hàng Florence ăn lãi tới 26% hằng năm đối với các khoản vay ít bảo đảm. Ở đây, cần phải giải thích thêm, các chủ ngân hàng ở Florence chính là những người trông coi và bảo đảm lợi tức cho Giáo hoàng. Những ông chủ ngân hàng lớn, vì vậy, đầy quyền thế. Họ Barbi và họ Petruzzi từng tài trợ cho cả nước Anh lẫn nước Pháp trong cuộc "Chiến tranh trăm năm" chống lại nhau. Còn họ Medici - dòng họ có được những cái tên kiệt xuất phụng sự như Leonardo da Vinci hay Rafaello Santi, có chi nhánh ngân hàng tại 16 thành phố, cả trong lẫn ngoài lãnh thổ Ý.

Hải quân Venezia giao tranh với hải quân Ottoman, trận Lepanto năm 1571.

Cùng trong giai đoạn đó, ở Pháp có Jacques Coeurs (1395-1456), được ân sủng của vua Pháp Charles VIII, cầm đầu một đội thương thuyền đi về phương Đông, xây dựng nên cả một đế chế kinh tế đa ngành (xưởng dệt, hầm mỏ, đất đai, ngân hàng…), và đền đáp cho Hoàng gia Pháp bằng cách tài trợ chiến phí giai đoạn cuối Chiến tranh trăm năm. Còn ở Đức có dòng họ Fugger tại Ausburg, những người xuất phát điểm là thợ dệt, sau đó mở ngân hàng cho cả các Giáo hoàng lẫn gia tộc đế vương Habsburg, và được trao quyền khai thác hầm mỏ rải rác khắp Trung Âu. Họ chỉ bị phá sản vào năm 1607, khi bị vua Phillipe II của Tây Ban Nha (dòng Habsburg) "xù nợ".

Nổi lên chiếm lĩnh những địa vị đầy quyền lực trong xã hội, những "tập đoàn kinh tế" đó không tiếc tiền "tô son điểm phấn" cho mình, qua đó kích thích mạnh mẽ sự phát triển của văn học, nghệ thuật, hội họa… Không chỉ vậy, nhờ họ, khoa học kỹ thuật cũng có những bước tiến đáng kể. Thí dụ, từ khi giành được độc quyền buôn bán ở Địa Trung Hải, Venezia đã nhanh chóng đầu tư cho nghiên cứu, để thay thế những con thuyền hẹp cổ điển thành thuyền buôn bề thế, rộng rãi, chắc chắn.

Họ góp phần quan trọng vào những mối liên hệ - kết nối Đông Tây, mà nhờ đó, các thành tựu khoa học Hy - La cổ đại được người Hồi giáo gìn giữ có cơ hội "tái xuất", xua tan "đêm trường Trung Cổ" Tây Âu. Cũng nhờ họ, nhờ viễn cảnh đầy vàng bạc châu báu và lợi tức mà họ hướng đến, kỷ nguyên của những nhà hàng hải vĩ đại bắt đầu với sự hỗ trợ của các triều đình phong kiến. Vasco da Gama (người đầu tiên đi thẳng từ Bồ Đào Nha đến Ấn Độ), Christophe Colombo hay Ferdinand Magellan đều giong buồm ra khơi với những khát vọng "đổi đời" như vậy.

Nhưng, đừng quên, tính chất tài phiệt của các nhà tư bản sơ khai này cũng vẫn nguyên đó. Bằng tiền bạc của mình, họ lũng đoạn các triều đình, và làm biến dạng chiến tranh. Từ cuối thế kỷ XIV đến hết thế kỷ XV, lính đánh thuê chuyên nghiệp, được huấn luyện kỹ lưỡng và đầy đủ - lực lượng mà các tập đoàn kinh tế sử dụng để bảo vệ lợi ích của mình - đã thay thế các đạo quân phong kiến cổ điển. Và chi phí để trả cho lính đánh thuê lại thường được các "tập đoàn" bù đắp bằng việc thu tiền "miễn dịch" của các tầng lớp phụ thuộc. Bởi vậy, những quy luật mã thượng xa xưa nhanh chóng biến mất. Lý tưởng, sự hào hiệp hay phong thái quý tộc chỉ còn lại trên đầu môi chót lưỡi. Tất cả những gì tồn tại, cuối cùng, chỉ là lợi nhuận.

Vì lợi nhuận, chiến tranh biến thành cơ hội kiếm lời. Vì lợi nhuận, người ta tìm ra châu Mỹ. Cũng vì lợi nhuận, người ta đốt phá tất cả các đền đài Inca…

* Vào thời cực thịnh, hằng năm, Venezia cử bốn thương thuyền từ thành phố của họ đi đến Flandres (vùng duyên hải Tây Bắc Pháp - Bỉ), bốn chiếc khác đến Beiruth (Libanon hiện tại), ba chiếc đến Hắc Hải, và khoảng 30 chiếc khác đến mọi hải cảng chính trên Địa Trung Hải. Thậm chí, Venezia còn thiết lập tuyến đường hàng hải thương mại đầu tiên từ Ý đến Tây Bắc Âu. Họ đặt trụ sở đại diện riêng tại Luân Đôn, và các quốc gia khác nhanh chóng bắt chước (theo cuốn Văn minh phương Tây - Đại học Harvard và Đại học Rochester).

* Genoa, những kẻ bị Venezia đánh bại, thậm chí đã từng có một thương gia mang tính chất tài phiệt - Zaccaria. Năm 1340, con người ấy từng được Hoàng đế Byzance cho phép khai thác phèn chua (thành phần căn bản trong sản xuất hàng len) - điều chỉ Hoàng gia Byzance được thực hiện trước đó. Zaccaria về sau cho con trai thông hôn với hoàng tộc Constantinople, và đội thuyền của ông sử dụng cờ mang huy hiệu cá nhân.

Phi Hồ
.
.