Những con bọ của giới truyền thông: Từ thảm họa Y2K đến vụ Bakhtin

Thứ Ba, 29/09/2015, 10:20
Trong một bài viết cách đây không lâu, tác giả bài viết có nhắc một cuốn sách đáng đọc, đó là cuốn Flat Earth News (Tin tức trong thế giới phẳng) của Nick Davies. Đáng đọc, vì nó gợi lên rất nhiều điều đáng suy nghĩ về ứng xử giới truyền thông, trong đó có hiện tượng nhai lại thông tin một cách vô trách nhiệm. 

Ở đây chúng tôi không muốn bàn đến những tin tức giật gân vẫn được các báo chí lá cải không ngừng phóng đại và phát tán. Chúng tôi muốn bàn đến những thông tin có vẻ nghiêm túc, khoa học, nhưng thật ra lại vô căn cứ về mặt trí tuệ. Có thể nói, đó là một vấn đề đáng lưu tâm trong đời sống tinh thần của thế giới đương đại.

Một ví dụ điển hình là “sự kiện Y2K” - từng là chủ đề tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông về một thảm họa công nghệ thông tin toàn thế giới được dự báo sẽ diễn ra vào khoảnh khắc đầu tiên của năm 2000. Đầu đuôi câu chuyện như sau: Tháng 5/1993, tờ Financial Times (Thời báo tài chính) của thành phố Toronto đăng một bài báo ngắn về lời cảnh báo của Peter de Jager, rằng vào đêm giao thừa thế kỷ, hàng triệu chiếc máy tính trên thế giới - phần nhiều chỉ dùng hai chữ số để chỉ năm - có thể sẽ gặp trục trặc khi chuyển từ năm 99 sang năm 00.

Mặc dù ngay cả người cảnh báo cũng không lấy gì làm tự tin, thông tin này nhanh chóng lan truyền và trở thành một cơn sốt. Năm 1995, thông tin này vượt ra khỏi Bắc Mỹ và tràn vào châu Âu, Australia và Nhật Bản.

Đến năm 1997, câu chuyên về con bọ máy tính đã trở thành chủ đề của hầu như tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Ngay cả ở một nước như Việt Nam, khi đó còn ở vị trí rất thấp trong lĩnh vực tin học, báo chí cũng đăng nhan nhản những tin tức và dự báo bi quan về sự kiện Y2K. Người ta tin rằng có máy bay sẽ rơi, có nhà máy điện hạt nhân sẽ nổ tung, có tàu ngầm sẽ chìm, có ngân hàng sẽ sụp đổ kéo theo sự sụp đổ toàn bộ nền kinh tế…

Để chống lại thảm họa Y2K, một số quốc gia bỏ ra những khoản tiền khổng lồ. Báo chí đưa tin Chính phủ Anh bỏ 396 triệu bảng Anh, rồi nâng lên 430 triệu bảng, rồi nâng tiếp lên 788 triệu bảng. Họ đưa tin rằng Hoa Kỳ bỏ ra 600 triệu dollars, rồi nâng lên 858 triệu dollars. Trong khi đó, rất nhiều nước - như Nga, Ucraine, Belarus, Moldova… thật liều lĩnh, chẳng bỏ ra đồng nào.

Thế rồi cái đêm 31/12/1999 khủng khiếp ấy cũng trôi qua. Yên tĩnh. Tuyệt đối không có một sự cố nào. Điều đáng nói hơn cả sự yên tĩnh là điều này: buổi sáng đầu tiên của thế kỷ 21, cả thế giới nhìn nhau, im lặng, tảng lờ, và nhanh chóng quên đi những cảnh báo thảm họa có một không hai của thế kỷ. Như thể báo chí chưa bao giờ viết gì về Y2K!   

Câu chuyện về Y2K chỉ là một ví dụ. Còn vô số ví dụ khác. Chẳng hạn, về chủ nghĩa khủng bố. Về vũ khí giết người hàng loạt của Saddam Hussein. Về Gangnam Style… Danh sách này chắc chắn dài vô tận, nhưng tôi xin đưa ra một ví dụ khác - một ví dụ liên quan đến giới học thuật - những người thường được cho là tỉnh táo nhất, có suy nghĩ độc lập nhất và có tinh thần phê phán cao nhất. Đó là vụ “Bakhtin”.

Câu chuyện như sau. Hồi thập niên 1920, ở Liên Xô có một nhóm các nhà nghiên cứu trẻ, đầu tiên ở Nevel, sau đó chuyển đến Vitebsk, và cuối cùng đến Leningrad. Trong số các thành viên có Bakhtin (một nhân viên kế toán sùng đạo, chống chủ nghĩa Marx) và hai giảng viên đại học tên là Medvedev và Voloshinov. Medvedev và Voloshinov cùng tham gia một chương trình nghiên cứu về ngôn ngữ và văn học Viện Lịch sử so sánh văn học và ngôn ngữ Đông Tây.

Medvedev khi đó là một thủ lĩnh văn hóa, hiệu trưởng đại học, tổng biên tập tờ Iskusstvo (Nghệ thuật), tác giả của nhiều công trình, trong đó có cuốn Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học (1928). Voloshinov không chỉ nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ và tâm lý học, mà còn sáng tác và giảng dạy âm nhạc. Ông là tác giả của nhiều công trình, trong đó có Học thuyết Freud: Một phác thảo phê phán (1927) và Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ (1929). Bakhtin chưa tốt nghiệp phổ thông, chưa học đại học, chỉ công bố vẻn vẹn một bài báo 300 chữ về nghệ thuật và trách nhiệm, in trên một tờ báo địa phương (1919).

Minh họa: Lê Phương.

Năm 1929, khi Bakhtin đã bị bắt và sắp bị đi đày vì tội chống chính quyền, nhờ sự tổ chức của Medvedev, một cuốn sách mang tên Bakhtin được xuất bản với nhan đề Những vấn đề sáng tác của Dostoievski, trong đó Bakhtin đột ngột chuyển sang xu hướng Marxist với những ý tưởng về ngôn ngữ rất giống các ý tưởng của Medvedev và Voloshinov. Nhờ cuốn sách và sự vận động của bạn bè, Bakhtin được giảm án.

Năm 1936, Voloshinov mất vì bệnh lao phổi, còn Bakhtin được phép rời nơi lưu đày. Bakhtin về Leningrad và được Medvedev xin cho một chân dạy học đại học sư phạm ở Saransk mới được thành lập năm 1931 cho các dân tộc thiểu số (nên chấp nhận cả những người chưa có bằng đại học). Năm 1938, Medvedev bị Stalin xử tử. Năm 1946, Bakhtin bảo vệ Luận án Phó tiến sĩ về Rabelais. Sau đó, cả Medvedev, Voloshinov và Bakhtin đều bị lãng quên cho đến năm 1963, khi cuốn sách của Bakhtin về Dostoievski được tái bản có sửa chữa. Năm 1965 - Luận án Tiến sĩ của Bakhtin về Rabelais cũng được xuất bản. Hai cuốn sách này nhanh chóng làm cho Bakhtin nổi tiếng khắp thế giới.

Trong hai thập niên 1960-1970, với sự hỗ trợ của các học trò, Bakhtin tuyên bố rằng ông là tác giả đích thực của hai cuốn sách Học thuyết Freud: một phác thảo phê phán, Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ của Voloshinov cùng với cuốn Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học của Medvedev và hầu hết các bài báo quan trọng của hai tác giả này. Vì Medevedev và Voloshinov đã chết từ lâu, mọi thông tin đều xuất phát từ Bakhtin. 

Tuy không hề có bằng chứng, giới học giả đã nhanh chóng tin tưởng và lan truyền huyền thoại này, biến Bakhtin thành nhà tư tưởng vĩ đại bậc nhất thế kỷ XX không chỉ trong nghiên cứu văn học mà còn cả về triết học, tâm lý học, ngôn ngữ học, ký hiệu học… Còn Voloshinov và Medvedev, bị biến thành học trò của Bakhtin, những tác giả xoàng xĩnh, xu thời, thậm chí vô liêm sỉ. Voloshinov còn bị cho là đến khi chết vẫn chưa bảo vệ được luận án tiến sĩ.

Trong thập niên 1980, khi sự sùng bái Bakhtin lên đến đỉnh điểm, hàng loạt công trình “tái phát hiện” của Bakhtin được công bố, làm người ta phải nghi ngờ: Các tác phẩm ký tên Bakhtin thường rối rắm, tối nghĩa, lỏng lẻo, thậm chí là tự mâu thuẫn, trong khi đó cuốn Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học của Medvedev và các tác phẩm của Voloshinov lại rất chặt chẽ, mạch lạc và nhất quán về tư tưởng.

Không những thế, trong các tác phẩm của Bakhtin trước 1929 không hề có bóng dáng những “luận điểm Bakhtin” như nguyên lý đối thoại, diễn ngôn, thể loại lời nói, liên văn bản…, trong khi các luận điểm này lại được trình bày rất sớm, rất hệ thống và khúc chiết, trong các tác phẩm của Voloshinov và Medvedev.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, hàng loạt nghiên cứu của các tác giả Nga và phương Tây (hồ sơ, văn bản, phong cách, thư từ, phỏng vấn Bakhtin…) buộc người ta phải bác bỏ những tuyên bố của Bakhtin. Toàn tập Bakhtin đã in xong đã buộc phải từ bỏ ý định đó dành riêng một tập để in những tác phẩm của Medvedev và Voloshinov.

Nhưng điều gây kinh ngạc nhất là sự dối trá có hệ thống của Bakhtin: về xuất thân, về học vấn, về danh sách tác phẩm, về thời điểm sáng tác… và nhất là về các bạn ông.

Chẳng hạn, theo C.A. Leibovich, người biên tập các tác phẩm của Bakhtin, Bakhtin kể lại những lý do khiến ông cho phép hai người bạn đứng tên để in tác phẩm của mình: “Trước hết, M.M giải thích, cả hai người bạn tôi đều cần phải có tác phẩm công bố - để thăng tiến về mặt nghề nghiệp, có thể nói vậy. Voloshinov – để đăng ký làm nghiên cứu sinh, còn Medvedev – để được bảo vệ luận án. Và M.M., như tôi hiểu, sẵn sàng trao tác quyền của mình cho họ”#.

Về tuyên bố này, Vasiliev viết: “Xin lưu ý rằng Voloshinov được nhận làm nghiên cứu sinh từ năm 1926 (…) Ngoài ra, làm gì có chuyện in sách là điều kiện bắt buộc để được nhận làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án”. Xin lưu ý: cuốn sách của Voloshinov mà ta đang nói đến in năm 1929! Còn Medvedev được phong học vị Phó giáo sư (ĐH Sư phạm Leningrad), phụ trách môn văn học Nga thế kỷ XX, từ năm 1927, mà cuốn sách Bakhtin “tặng” in năm 1928!

Kháo sát toàn diện và thuyết phục nhất là cuốn Lột mặt nạ Bakhtin, câu chuyện về một kẻ lừa dối, một chuyện bịp bợm và một cơn mê sảng tập thể, của J- P Bronckart và C. Bota (2011). Trong bài Từ vụ Bakhtin đến trường hợp Vưgotski.

Marx, nhà tư tưởng về cá tính con người, nhà triết học Pháp Lucien Sève nhận xét: “Trong mọi trường hợp, kết quả đã rõ, ngay cả với những môn đệ hiếu chiến của Bakhtin: Bakhtin, người đã đích thân tham gia vào trò bịp bợm văn học kếch xù này, không phải là tác giả của Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học - cuốn sách đó chắc chắn là của Pavel Medvedev - cũng không phải là tác giả của Học thuyết Freud và Chủ nghĩa Marx và triết học ngôn ngữ - những cuốn sách này là của Valentin Voloshinov, không thể phủ nhận (…) Có thật là J-P Bronckart và C. Bota đã “không chứng minh được gì”? Thật vậy ư? Ít nhất, họ cũng đã khẳng định được điều này: chúng ta đã chứng kiến một sự đánh tráo phi thường”.

Tuy nhiên, Lucien Sève nhận xét: “Một điều đáng lưu ý: các tổ chức truyền thông lớn đã hào hứng chừng nào khi đóng góp vào vinh quang đang lên của Bakhtin, thì đến nay, họ lại nín thinh chừng ấy về sự bùng vỡ của quả bong bóng đầu cơ văn hóa này”.

Một lần nữa, chúng ta lại chứng kiến sự lảng tránh vô trách nhiệm của giới truyền thông. Nhưng còn có lý do khác. Tôi cho rằng trong sự thần thánh hóa Bakhtin, bầu không khí của thời Chiến tranh Lạnh đã đóng một vai trò quan trọng: khi đó, những gì “ngoài luồng”, hay “lề trái” như cách nói ngày nay, ở Liên Xô rất dễ được tung hô.

Lucien Sève cũng có cách tiếp cận tương tự: đầu thế kỷ XX, ở Liên Xô có hai thứ chủ nghĩa Marx, một là chủ nghĩa Marx sáng tạo, đầy sức sống của Medvedev, Voloshinov, Eisenstein, Vưgotski… và một thứ chủ nghĩa Marx giáo điều bị Stalin hóa. 

Khi chủ nghĩa Marx sáng tạo bị tiêu diệt, cũng là lúc lên ngôi của “một thứ logic đơn giản nhưng khá phổ biến: Chủ nghĩa Marx là chủ nghĩa Stalin. Chủ nghĩa Stalin là máy móc, giáo điều. Những tác phẩm ký tên Voloshinov và Medvedev không những không máy móc, giáo điều, mà còn cực kỳ sáng tạo, vậy chúng không thể là tác phẩm Marxist, mà phải do một người khác, chống Marx viết ra. Người đó là Bakhtin, vì Bakhtin chống Marx…”.

Sự lảng tránh của truyền thông, ngoài sự vô trách nhiệm, còn có lý do này: Người ta vẫn chưa thoát khỏi cái nhà tù của thứ lôgic lỗi thời đó.

Ngô Tự Lập
.
.