Những âm thầm hy vọng về cuộc sống thứ hai

Thứ Tư, 20/05/2015, 11:11
Đối với nhiều người, cuộc sống sau cái chết chính là sự tồn tại của linh hồn và vô thể xác. Điều đến nay khoa học vẫn chưa thể chứng minh và lý giải bởi nó quá huyền bí. 

Bất tử là giấc mơ bấy lâu của biết bao người và thực tế khoa học đã tìm ra cách giúp con người có thể hồi sinh trong tương lai. Giới nghiên cứu đang ngầm thử nghiệm một phương pháp tưởng như chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng: Kỹ thuật đông lạnh bảo tồn xác chết trong ni tơ lỏng ở nhiệt độ -196 độ C.

Phương pháp này được khởi đầu từ thập niên 60, tạo nên những âm ỉ hi vọng về “cuộc sống thứ hai” của thế kỷ trước, hay chính xác hơn là sự tái sinh mà con người bấy lâu nay vẫn luôn tìm cách theo đuổi. Thế nhưng, mọi diễn biến vẫn còn trên lý thuyết, và giới khoa học vẫn đau đầu tìm cách hiện thực hóa giấc mơ hồi sinh người đã chết. Những cá nhân ủng hộ “thuyết đông lạnh” vẫn tin rằng một ngày nào đó trong tương lai, các xác chết nằm bất động trong băng có thể… sống lại nhờ vào kỹ thuật đông lạnh và các kỹ thuật hỗ trợ hiện đại đi kèm.

Bé gái “bất tử”

Vừa qua, thi thể bé gái 2 tuổi người Thái Lan Matheryn Naovaratpong được đưa đến bảo quản tại công ty Alcor ở Mỹ và được xem là người trẻ nhất thế giới xưa và nay có thể “bất tử” nhờ kỹ thuật đông lạnh. Vào thời điểm qua đời do bệnh u não dạng hiếm gặp, 80% não trái của Matheryn bị liệt, khiến nửa trái cơ thể bị bất động. 

Để giúp con mình có điều kiện hồi sinh, gia đình quyết định nhờ đến Alcor để bảo quản xác với hy vọng khi khoa học phát triển có thể mang lại sự sống hoặc ít ra cũng là cách giúp khoa học nghiên cứu tìm ra cách chữa các loại bệnh tương tự trong tương lai. Hợp đồng bảo quản xác cho Matheryn được tiến hành ngay khi cô bé vừa ngưng thở, sau đó hoàn tất các thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan và xử lý não. Xác của Matheryn hiện được bảo quản trong trạng thái tiềm sinh hoàn toàn (anabiosis).

Quy trình bảo quản xác Matheryn gồm nhiều khâu và đòi hỏi phải chính xác, tỉ mỉ. Ban đầu tim của Matheryn được khởi động nhân tạo bằng thiết bị hồi sức tim-phổi, dùng hàng chục loại thuốc khác nhau, thoát máu và thay thế bằng chất chống đông cấp y học. Sau hai tuần, cơ thể Matheryn sẽ về mức làm lạnh triệt để -196 độ C. Tất cả phần công việc này đều do một bệnh viện nhi có các trang thiết bị hiện đại ở California đảm nhận theo sự chỉ định của Alcor.

Người ta tiến hành khoan 2 lỗ qua hộp sọ, đủ rộng để có thể quan sát phần não bên trong bằng mắt thường. Nếu não co ngót có nghĩa kết quả diễn ra tốt đẹp, chất chống đông phát huy tác dụng làm khô não, và cũng nhờ các lỗ khoan này, người ta đưa các dụng cụ đo lường vào bên trong để kiểm tra nhiệt độ.

Alcor là công ty lớn nhất thế giới cung cấp dịch vụ làm đông lạnh người chết, hoạt động từ năm 1972, với khoảng 2.000 người trên khắp thế giới đăng ký tham gia dịch vụ này (đã có 250 người hiện trong tình trạng đông lạnh). Khách hàng của công ty Alcor bao gồm rất nhiều người nổi tiếng, trong đó Matheryn Naovaratpong là thành viên trẻ nhất “ngủ đông” tại Alcor, còn thành viên cao niên nhất đã 102 tuổi. Điều kinh ngạc hơn là nhiều người không chỉ đặt chỗ trước cho mình mà còn đóng tiền cho cả... thú cưng.

“Thần dược tuổi trẻ” Telomerase được xem là hi vọng mới về sự hồi sinh người đã chết.

Trong danh sách của Alcor thì chó mèo chiếm lượng lớn và quy trình xử lý cho chúng cũng giống như người. Chi phí  trở thành thành viên được bảo quản lạnh tại Alcor không hề rẻ, từ 80.000 USD (nếu thực hiện bảo quản não), cộng thêm 200.000 USD cho việc bảo quản cơ thể, tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng, chưa kể chi phí bảo trì 770 USD/năm.

Triển vọng và trở ngại

Nói về quá trình thực hiện phương pháp hồi sinh bằng đông lạnh, người ta dễ dàng hình dung đến phương pháp ướp xác thô sơ của người Ai Cập. Khi một người chọn cách đông lạnh cơ thể được tuyên bố đã chết về mặt pháp y, Alcor sẽ cử đội phản ứng nhanh tới để giúp cho máu của người quá cố tuần hoàn khắp cơ thể nhờ bộ thiết bị hồi sức tim phổi. Sau đó, cơ thể sẽ được tiêm hóa chất và ướp lạnh để ngăn chặn hiện tượng đông máu và tổn thương não.

Sau khi trải qua các bước chuẩn bị cần thiết, họ sẽ hút máu khỏi cơ thể trước khi các chất giúp bảo vệ nội tạng được đưa vào thay thế. Thuốc đặc biệt được tiêm vào các mạch máu nhằm ngăn chặn sự hình thành các tinh thể băng bên trong lục phủ ngũ tạng và phần mô của người được đông lạnh. Cuối cùng, cơ thể đã được xử lý sẽ được đưa vào bảo quản ở một bể chứa ni tơ lỏng có nhiệt độ -196 độ C trong tư thế đầu lộn xuống đất. Và công việc của các khách hàng chỉ là chờ đợi, với tâm nguyện rằng còn xác nguyên vẹn thì còn hy vọng!

Cho đến nay chưa ai có thể kiểm chứng được hiệu quả của công nghệ này cũng như thử hồi sinh một cơ thể đông lạnh. Các nhà khoa học có thể tái sinh những bệnh nhân bị làm lạnh tạm thời nhưng một cơ thể bị đóng băng qua nhiều thập niên là câu chuyện khác. Nhiệt độ -196 độ C khiến cơ thể vô cùng mong manh, ngay cả sự biến đổi nhiệt độ bất thường cũng làm cho các tế bào trong cơ thể phân hủy nhanh chóng. Giống như thủy tinh, xương dễ dàng vỡ vụn khi nhiệt độ thay đổi bất thường. 

Trong khi đó, liên kết giữa các nơ-ron thần kinh trong não bộ rất dễ bị tổn hại trong quá trình làm lạnh hoặc sưởi ấm, khiến nỗ lực tái sinh gặp muôn vàn thách thức. Cuối cùng, thể trạng của người được đông lạnh đã không còn khả năng tự hỗ trợ sự sống cho người đó, nên việc tái sinh sẽ phức tạp hơn nhiều.

Mặc dù có nhiều người được bảo quản xác tại Alcor nhưng công nghệ này cũng đang gặp phải không ít trở ngại, kể cả rào cản pháp lý, đặc biệt là ở châu Âu. Trên thực tế, công nghệ đông lạnh không có bất kỳ đảm bảo nào bởi có rất nhiều thứ có thể không như ý muốn.

Ngoài ra, xuất hiện những lo ngại về các hạt bong bóng khí trơ trong mạch máu khi nhiệt độ được nâng lên đến 0 độ C và cả những sự cố chưa lường hết nếu hỗn hợp khí làm lạnh có thêm helium và các tạp chất khác. Rõ ràng, hồi sinh nhờ kỹ thuật đông lạnh cơ thể là hy vọng vô lý trong thế giới hiện tại.

Khác với khoa học chính thống, những nhà khoa học theo thuyết bất tử nhờ đông lạnh thường tự chế công cụ họ cho là có thể phục vụ được mục tiêu mà họ theo đuổi. Công nghệ đông lạnh chẳng có mấy tiến triển trong suốt nhiều thập kỷ qua, nhưng đối với những người trong ngành, bất cứ kỹ thuật khoa học mới nào cũng có thể liên quan đến công việc của họ.

Những thi thể đang nằm trong dung dịch ni tơ lỏng cũng chẳng thể thúc giục những người chịu trách nhiệm phải nhanh chóng hồi sinh cho mình. Dù sao đi nữa, ai đã ký vào thỏa thuận đông lạnh cơ thể đều được cảnh báo trước là có thể mất từ 20 đến 50 năm, hay 200 năm trong trường hợp viễn cảnh mà họ luôn mơ tưởng thành hiện thực.

Giấc mơ còn dài

Hồi sinh là niềm khao khát của nhân loại, và giới khoa học đang tìm mọi cách để hiện thực hóa giấc mơ tái sinh. Bước đầu, họ đã đạt được những thành tựu lớn với việc nhân bản. Qua việc sinh sản vô tính, một cá thể sống với cấu tạo đa bào được hình thành, di truyền y hệt bản gốc về gần như mọi mặt. Cấu tạo cơ thể thì y hệt, nhưng khác về trí não. Nếu không cần đến một cá thể sống hoàn chỉnh, con người vẫn có thể nhân bản các cơ quan nội tạng và cấy chúng vào cơ thể của nguyên bản. Khao khát được sống mãi của con người có thể sẽ được đáp ứng nhờ kỹ thuật tiên tiến này.

Trong quá trình nghiên cứu nhân bản, các nhà nghiên cứu vô tình phát hiện ra chất Telomerase - được xem là “thần dược tuổi trẻ”. Đây lại trở thành khởi nguồn cho một hi vọng mới về sự hồi sinh người đã chết. Đó là một loại nhiễm sắc thể có chứa loại DNA có khả năng “hồi phục” phần đuôi. Mỗi khi các tế bào bắt đầu phân chia, chất Telomerase bên trong chúng sẽ bị giảm sút, và cuối cùng sẽ khiến chúng ngưng phân chia và chết.

Nếu như có thể tái kích hoạt chất enzyme đó trong những tế bào đang chết dần, con người có thể làm chậm lại, ngăn chặn hoặc ngay cả đảo ngược quá trình lão hóa. Các nhà khoa học đã nghiên cứu thành công chất Telomerase trên cơ thể của những chú chuột “gần đất xa trời”, chứng minh được rằng những chú chuột được thay thế chất enzyme nói trên đã khỏe mạnh trở lại.

Trong khi giới khoa học đang “điên cuồng” nghiên cứu và thử nghiệm, thì nhiều người cuồng tín cho rằng còn nhiều kỹ thuật khác… dễ thành công hơn. Họ lùng sục công thức của thuốc vạn ứng, mà theo truyền thuyết Hy Lạp, có tác dụng chữa mọi loại bệnh (kể cả cái chết và sự lão hoá).

Các nhà giả kim đã từng tốn nhiều công sức săn lùng và chế tạo phương thuốc này qua nhiều thế kỉ nhằm mục đích kéo dài sự sống đến mức vô định, song đều thất bại. Rõ ràng, sự sống nằm gọn trong một viên thuốc hay một ly dung dịch nghe có vẻ viển vông. Vậy mà không ít cá nhân vẫn tin rằng con người sẽ tìm ra loại thuốc vạn ứng kì diệu này trong tương lai.

Cá biệt, có nhiều nhóm người khẳng định cần hoán đổi thân xác để sống thêm lần thứ hai. Đây là một phương pháp tiếp cận cuộc sống vĩnh hằng theo chiều hướng tâm linh và liên quan đến về việc đầu thai hoặc việc linh hồn chuyển từ cơ thể này sang cơ thể khác, giúp con người tiếp tục cuộc sống.

Theo đạo Hindu, con người có thể sống nhiều kiếp, và mỗi kiếp sẽ bị ảnh hưởng bởi những hành động ở kiếp trước. Nếu sống tốt, nhân quả sẽ cải thiện và khiến vòng đời tiếp theo tốt hơn. Cái chính ở đây là: linh hồn người vẫn còn nguyên vẹn, và chỉ di chuyển từ hình dạng này sang hình dạng khác. Thế nên, chiểu theo lý thuyết này thì không cần tìm ra cách để hồi sinh nữa vì linh hồn đã bất tử sẵn rồi.

Tóm lại, có những ước mơ chỉ là mơ ước, bởi vì mơ đâu có bị đánh thuế. Con người có quyền hi vọng về sự tồn tại của “cuộc sống thứ hai”, tin vào những thành tựu khoa học và kỹ thuật vượt trội trong tương lai có thể giúp họ quay trở lại cuộc sống. Suy cho cùng, dù là ai, con người cũng cần phải trân trọng cuộc sống và luôn cố gắng để xây dựng một thế giới hòa bình, hạnh phúc hơn. Điều này đáng quý và thực sự cần thiết, thay vì chạy theo những ham muốn viển vông mà rồi phải sống trong cảnh chiến tranh và khổ đau trên địa cầu…

Lâm Anh
.
.