Người Việt ăn nhanh hay chậm?

Chủ Nhật, 05/07/2020, 10:43
Bố tôi thường bảo tôi rằng, con ăn nhanh quá. Ăn nhanh thì vất vả, muốn nhàn và yên, ăn chậm mới được. Tôi biết bố không phải người mê tín, nói thế là ông có cái lý của ông, thậm chí là kinh nghiệm đúc rút từ lâu đời.

Ăn chậm thì yên và nhàn, tôi ngẫm nghĩ cái ý ấy của bố tôi. Làm việc vất vả mới được bữa cơm, việc gì phải hộc tốc, ăn lấy nhanh, lấy được. Ăn chậm, ngoài cái việc tốt cho sự tiêu hoá và hấp thụ dinh dưỡng, nó còn là quãng thời gian để hưởng cái thành quả lao động của mình.

Một bữa ăn đáng sợ bậc nhất trong lịch sử văn học có lẽ là tiệc Hồng Môn. Hạng Vũ mời Lưu Bang đến dự tiệc, thực chất là phe Hạng Vũ muốn giết Lưu Bang. Hạng Trang múa kiếm làm vui để nhân tiện giết Lưu Bang. Phàn Khoái biết thế liền mang kiếm xông vào, tức giận nhìn Hạng Vũ đến rách cả khoé mắt. Hạng Vũ thấy Phàn Khoái lẫm liệt quá liền thưởng cho một vai lợn sống. Phàn Khoái liền ung dung ngồi xuống, tuốt kiếm xẻo thịt mà nhai!

Hãy chú ý hành động này của Phàn Khoái, tôi nghĩ Phàn Khoái làm động tác ăn rất bình thản, ngon lành. Một bữa tiệc nhuốm màu sát khí như thế mà tráng sĩ ăn như không, người thường tất không làm nổi. Và có lẽ kinh sợ một thái độ oai dũng của Phàn Khoái mà Hạng Trang và Hạng Võ không dám ra tay, Lưu Bang được thoát!

Không phải ai cũng ăn chậm được. Muốn ăn chậm được phải có thần thái, rèn luyện. Ăn là thưởng thức thành quả lao động, là trân trọng công sức người nấu nướng, là sẵn sàng dành một khoảng thời gian cho những việc cơ bản nhất của cuộc sống. 

Cứ thử nghĩ mà xem, người vợ hiền tất bật đi chợ, công phu nấu nướng cả buổi sao cho món ăn thật ngon, thật khéo, bưng lên cho chồng mà người chồng lại ăn quá nhanh, liệu đấy có phải điều vô tâm đáp lại sự hiền thục của người vợ? Hoặc ở một bữa tiệc lớn, hàng chục món cầu kì, bao nhiêu dao dĩa, bao nhiêu cốc chén, bao nhiêu người phục vụ đứng xung quanh mà khách quý ăn loáng một cái đã xong, liệu có phải đã phụ cái lòng hiếu khách của chủ nhà?

Ăn nhanh thường là đặc tính của động vật ăn thịt hoặc những loài thú thiên về cướp phá. Con sói, ăn nhanh như bão, ngốn một cú là xong một con gà, con thỏ hoặc nửa con dê, con cừu. Sói ăn cho nhanh bởi vì sợ người đến đuổi bắt, sợ những loài khác đến cướp hoặc sợ chính đồng loại ăn hết. Linh cẩu cũng ăn ngấu nghiến, ăn lấy được, vì linh cẩu tự mình săn lấy mồi thì khó, chúng thường cướp phá của loài khác, mà thứ ăn cướp thì không ăn nhanh sao được. 

Ngược lại, những loài mãnh thú lớn tự tin với sức mạnh và oai phong của mình, chúng ăn khá chậm rãi và thưởng thức. Trên phim thế giới động vật, ta có thể dễ dàng nhìn thấy những con sư tử, con hổ nhẩn nha nhai miếng thịt, miếng xương. Chúng ăn tốc độ vừa phải, thưởng thức thì đúng hơn.

Các loài gặm cỏ đa phần là ăn chậm. Cứ nhìn con trâu, con bò mà xem, chúng ăn khá chậm rãi, vừa phải. Tất nhiên chúng còn có một khoảng thời gian để nhai lại nữa nhưng cơ bản khi miếng ăn không phải sự tranh cướp hay báo thù không việc gì phải vội.

So sánh loài người với loài thú về việc ăn uống nghe chừng không được phải lắm, nhưng dẫn dụ ra để thấy rằng, nhanh hay chậm thường có một cái lí nhất định và thêm một sự ngạc nhiên nữa, các loài thú ăn thịt, ăn nhanh, chuyên cướp vồ như sói và linh cẩu, sư tử và hổ báo thường có tuổi thọ kém các loài ăn cỏ và ăn chậm như trâu, bò…

Người Việt thường ăn nhanh quá, cũng bởi do nghèo đói, mấy khi được một bữa đầy đủ mà không chén cho nhanh. Hoặc khi đã giàu có khá giả rồi, thói quen từ thuở hàn vi vẫn không bỏ được. Ăn nhanh thì mới thấy ngon, thấy thú. Nhưng ăn nhanh thì hại dạ dày, dinh dưỡng hấp thụ được ít hơn và đôi khi còn bất lịch sự trong những khi trang trọng. Trong một bữa cơm thân mật, người khác mới vào giai đoạn giữa mà mình xong xuôi cả rồi, ngồi yên thì vô duyên mà đứng lên thì cũng hơi bất nhã.

Tất nhiên ăn chậm không phải kề cà, lai rai cả buổi. Đó là sự lề mề, chậm chạp, tốn thời gian. Ăn chậm là sự vừa phải, từ tốn, vừa ăn vừa ngửi mùi vị, ngắm màu sắc, xem cái dư vị thức ăn trong miệng nó thế nào. Món này khác món kia ra sao, hôm nay khác hôm kia thế nào. Ăn bình tĩnh vừa gợi sự ấm cúng, vui vẻ, tốt cho sức khoẻ thì đương nhiên rồi và lại thấy mình nhàn hạ, sung sướng hơn một chút. 

Cho nên nhiều người thấy một anh nhà nghèo mà cách ăn uống như một vị cự phú, mấy ông văn sĩ kiết xác mà bộ dạng ăn uống khác gì bậc khanh tướng thuở trước. Thế mới biết, thức ăn đôi khi không quan trọng bằng cách ăn. Về việc ăn uống thì Tản Đà đã từng khái quát rất đầy đủ. Chỗ ngồi ngon, thời tiết ngon, bạn ngồi ngon, món ăn ngon… cộng hưởng tất cả những thứ ấy mới gọi là bữa ăn ngon. Tất nhiên đòi hỏi được như Tản Đà cũng khó, nhưng đó cũng là một tiêu chuẩn làm tham khảo.

Ngày nay người ta càng ngày càng ăn nhanh, nhanh quá. Sự nhanh này đến mức người ta chế ra những món gọi chung là fast food, món ăn nhanh. Những món này, độ tươi ngon, giàu dinh dưỡng thì ít nhưng tiện lợi. Ra cửa hàng fast food mua một gói đồ mang về hoặc ăn tại chỗ là xong, hoặc khui đồ hộp, pha gói mì ăn liền cũng được. 

Bảy phút, mười phút là kết thúc một bữa ăn hoặc thậm chí ba phút, năm phút đã hoàn tất. Ăn nhanh thế nên nhiều bệnh tật, ung thư, béo phì rất nhiều. Con người lúc nào cũng gấp gáp. Ăn nhanh còn làm việc khác, càng hiện đại, càng bận rộn con người càng trở thành nô lệ cho công việc, miếng ăn bị đẩy xuống hàng thứ yếu, ăn qua loa, vội vã. Ăn để sống thôi mà!

Tất nhiên sự ăn chậm cũng phải tuỳ vào hoàn cảnh. Thời chiến thì không ăn chậm được, phải ăn cho nhanh mà đi giết quân thù. Người ta đưa ra các dự đoán về những cuộc hành quân thần tốc của vua Quang Trung khi ra Bắc diệt giặc. Quân Quang Trung đi nhanh thì đương nhiên rồi, phải tìm một cách nào đó thật hiệu quả, ví dụ hai người khiêng võng một người, sau đó thì đổi phiên cho nhau để ai cũng được nghỉ. Vừa dưỡng vừa làm. 

Thế còn ăn, phải ăn cho nhanh, cho tiện, không thể kề cà dựng lều bạt nấu nướng mất thời gian được. Có người cho rằng nhà vua sai người chuẩn bị sẵn cơm khô và bánh tráng mang cùng. Hai thứ ấy, chỉ cần cho vào nước, mềm ra là ăn được, vừa không sợ thiu thối, vừa gọn nhẹ, chế biến nhanh và tiện lợi. Có phải chính vua Quang Trung mới là người khởi nguồn chế ra và cho sử dụng những món kiểu fast food ấy đầu tiên ở nước Việt, còn  người Nhật sau này chế ra mì ăn liền cũng chỉ là một bước đi sau?

Nước Việt chiến tranh liên miên, nghèo đói nhiều năm, ăn nhanh là đương nhiên. Không những ăn để kịp thời thế mà thực sự cũng không có nhiều  thứ để ăn, ít món gắp thì ăn chậm sao được. Ăn nhanh kẻo hết.

Thời bao cấp trong các doanh trại quân đội, cơ quan tập thể lưu truyền công thức kinh điển  thế này: “đầy - vơi - đầy.” Nghĩa là bát cơm thứ nhất xúc thật đầy để ăn cho mau, bát thứ hai vơi một chút. Để làm gì, đó là chiến thuật, vơi để và cơm cho nhanh, để kịp xúc bát thứ ba cũng là bát cuối cùng. Nếu bát thứ hai cũng đầy thì khả năng sẽ không có bát thứ ba vì nồi cơm đã hết! Lại một chuyện vui, trong lịch sử nước Việt Thánh Gióng có lẽ là người ăn nhanh và lớn nhanh nhất. Tất nhiên rồi, lúc ấy giặc  đang xâm phạm bờ cõi, Thánh Gióng phải ăn nhanh, lớn nhanh để đủ sức lực đánh giặc. Sức ăn, sức lớn của Thánh Gióng là cộng hưởng sự đoàn kết của xóm làng, dân tộc, là sự cấp thiết phải làm ngay không chậm chễ. Sự ăn như thần ấy chấp nhận được.

Dễ thấy người Việt thường nói ăn cơm ba bữa. Vì nghèo quá, cơm là món chủ lực, các thứ khác như thịt cá, rau canh chỉ thêm vào chút ít. Mãi đến gần đây, kinh tế khá giả, người ta mới nói ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, ăn đêm. Cái từ “cơm” tạm thời không quá quan trọng, sự dịch chuyển về từ ngữ cũng đồng thời dịch chuyển về món ăn và túi tiền.

Cũng tất nhiên, không phải bây giờ chúng ta mới bàn tới việc ăn chậm. Người xưa đã nói điều này lâu rồi, chỉ vì chúng ta bận rộn quá mà lại hay quên.

“Ăn có nhai, nói có nghĩ”.

“Nhai kĩ no lâu, cày sâu tốt lúa”.

Ngày nay khoa học đã chứng minh rõ ràng việc ăn chậm có lợi cho sức khoẻ rất nhiều, thậm chí người ta còn nói rằng ăn càng nhanh bao nhiêu càng chết sớm bấy nhiêu. Ăn không những từ tốn, uống cũng phải khoan thai. Ngày xưa thấy các cụ nhấp chén trà, chiêu ngụm rượu thấy bình thản và ung dung lắm. Giờ thì uống lấy nhiều, lấy thành tích, lại cực nhanh nữa. Một cốc bia vại to ực một hơi là xong, một chén rượu tống cũng cạch một tiếng là cạn tới đáy. Phàm tục, nhồm nhoàm đầy cả miệng. 

Tất nhiên có người sẽ bảo, ông làm gì mà khó tính thế. Bia uống sạch cả vại mới ngon, rượu uống cạn tới đáy mới vui. Tất nhiên, mỗi người có sở thích và quan điểm riêng của mình, nếu thấy thế là vui, là hay thì cứ tiếp tục, chỉ có điều tôi trông thấy việc ấy thì cảm tưởng rằng như chúng ta vẫn ở thời kì đói khát quá mà ăn lấy được, uống lấy được để khoe thành tích. Tôi đã từng đọc ở đâu đó, câu ca vui thế này:

“Ăn nhanh, đi chậm hay cười

Hay mua đồ cổ là người Việt Nam”.

Tất nhiên, sự ăn uống là muôn hình vạn trạng, đủ các cung bậc, không ai giống ai, không dân tộc nào trùng khít với kẻ khác. Không phải khi nào ta cũng ăn nhanh quá và không phải khi nào cũng chậm quá, phải tùy thời, tùy thế nhưng tổng thể thì tôi nghĩ rằng, khi nào dân ta ăn chậm lại một chút thì cuộc sống mới sung túc, khấm khá được chăng?

Uông Triều
.
.