Ngăn chặn dịch Ebola: Những tia sáng lạc quan
Hiện nay, thông tin về các chủng virus mới tiếp tục được cập nhật đến các nhà khoa học để điều chế ra vaccine theo công nghệ kỹ thuật gien. Nhiều loại vaccine chống Ebola đã và đang được thử nghiệm tại Mỹ, Thụy Sĩ, Nga hay Canada, và cho kết quả khả quan ban đầu. Bên cạnh đó, nhằm giảm thiểu thiệt hại do dịch Ebola gây ra, chính phủ nhiều quốc gia đang cân nhắc thực hiện thêm các biện pháp thắt chặt an ninh, hay dự án dùng robot thay người để kiểm soát Ebola, giống cứu hộ trong sự kiện khủng bố hay trong các thảm họa thiên tai.
Những tín hiệu lạc quan
Hãng dược phẩm Okairos (Ý) vừa thông báo đã thành công bước đầu trong thử nghiệm vaccine chống Ebola từ adenovirus (virus gây bệnh khá phổ biến trên người và động vật) của khỉ, được cấy protein mang virus Ebola. Quá trình thử nghiệm vaccine này tại Mỹ đã không phát hiện những tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc các vấn đề mất an toàn khác.
Dù tác dụng của vaccine còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan nhưng loại vaccine mới này nhiều khả năng sẽ có vai trò tích cực trong việc ngăn chặn dịch bệnh Ebola đang lây lan mạnh tại các nước Tây Phi. Trong thời gian tới, khi các kết quả thử nghiệm được công nhận chính thức, Okairos sẽ cùng đối tác sản xuất hàng chục nghìn liều vaccine trong năm 2015, và con số này sẽ tăng lên hàng trăm nghìn liều trong năm 2016.
Song song với thành công này, một loại vaccine dạng phun sương vừa được phát triển bởi các nhà khoa học tại Đại học Texas (Mỹ). Đây là liều thuốc đầy hứa hẹn trở thành “vũ khí” hiệu quả trong phòng ngừa Ebola sau khi được thử nghiệm thành công trên khỉ. Vaccine này được tìm ra khi các nhà nghiên cứu tìm cách tăng cường hệ miễn dịch của các loài linh trưởng từ 67% lên 100% sau khi tạo ra miễn dịch chủng ngừa đối với dòng virus Ebola Zaire sau 150 ngày. 50% loài linh trưởng được tiêm chủng ngừa vào cơ bắp đã sống sót sau thử thách. Ưu thế của loại vaccine mới này so với các loại đang thử nghiệm lâm sàng khác là bảo vệ lâu dài và chỉ dùng một liều xịt duy nhất.
Bên cạnh đó, phương pháp xịt sẽ giản đơn hơn nhiều so với một mũi tiêm với các chi phí dành cho ống tiêm, kim tiêm an toàn và việc xử lý các dụng cụ sau tiêm. Phát hiện này có ý nghĩa toàn cầu, giúp kiểm soát sự bùng phát của dịch bệnh trong tương lai bởi việc bảo quản, vận chuyển và quản lý rất đơn giản, không gây ra bất kỳ trở ngại nào như vaccine dạng tiêm.
Học sinh tiểu học ở Nigeria được hướng dẫn rửa tay đề phòng dịch Ebola. |
Đóng góp vào nỗ lực chung của thế giới nhằm kiểm soát Ebola, Cơ quan năng lượng hạt nhân Pháp vừa hoàn chỉnh một dụng cụ xét nghiệm, cho phép phát hiện virus Ebola 15 phút sau khi thực hiện trên người tình nghi nhiễm bệnh. Dụng cụ xét nghiệm này là có thể được dùng ngay trên hiện trường, không cần thiết bị đặc biệt và dựa trên mẫu máu, mẫu huyết thanh plasma hay mẫu nước tiểu. Đây là một bước tiến đáng kể vì cho đến nay, các phương thức xét nghiệm hiện hành đòi hỏi ít nhất 2 giờ mới cho kết quả và chỉ có thể thực hiện trong phòng thí nghiệm.
Giữa tháng 11, trong cuộc thảo luận giữa Nhà Trắng và 3 trường đại học chuyên về robot và tự động hóa của Mỹ, robot sẽ được dùng cho khống chế dịch Ebola tại khu vực Tây Phi và ngay tại Mỹ nếu dịch bùng phát. Đây là công cụ có thể tiếp cận nhanh mục tiêu nguy hiểm từ xa mà con người không thể tới được, giải cứu được các nạn nhân hoặc cung cấp các thông tin quan trọng giúp con người giải quyết thiệt hại ở mức nhỏ nhất.
Cụ thể, robot điều khiển từ xa được dùng cho mục tiêu hỗ trợ khử trùng, bằng cách tăng cường các téc chứa lắp trên thân để phun mù khử trùng từ xa, không cần đến con người như các phương pháp hiện có mặc dù Ebola không lây lan qua đường không khí. Một số công ty hiện cũng đang bắt tay vào sản xuất các loại robot bay không người lái siêu nhẹ để giám sát dịch Ebola, thực hiện nhiệm vụ trinh sát liên tục trên không và thu thập thông tin liên lạc trong phạm vi ấn định. Nó có thể gửi hình ảnh và âm thanh thu được về nạn nhân Ebola đang bị cô lập, tạo ra một mạng di động giúp chuyên môn xử lý và đưa ra các giải pháp điều trị nhanh nhất.
Nhà Trắng cũng đã thảo luận đến một giải pháp mới, sử dụng robot giúp thay quần áo và xử lý quần áo bị ô nhiễm cho các nhân viên y tế khi làm nhiệm vụ. Đây là quy trình tự động, độc lập nên rất an toàn cho con người, nhất là trong bối cảnh dịch bùng phát nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, dịch vụ robot “xe tang” để chôn cất nạn nhân Ebola khi dịch bùng phát nhằm hạn chế nguy cơ lan truyền bệnh cũng là ý tưởng rất độc đáo. Công nghệ trên có tác dụng hạn chế lây nhiễm và tử vong cho con người, nó xua tan nỗi lo của người bệnh vì sợ bị kỳ thị, và làm giảm stress mà vẫn khống chế được dịch bệnh.
Nhiệm vụ không dễ dàng
Ebola lây lan qua tiếp xúc gần với các chất dịch của cơ thể người nhiễm. Tháng 3/2014, ca nhiễm đầu tiên được xác nhận tại Guinea. Ngay sau đó, các quốc gia Tây Phi như Liberia, Sierra Leone và Nigeria liên tiếp ghi nhận các ca nhiễm mới. Riêng Liberia được đánh giá là “tử địa” của bệnh nhân nhiễm Ebola với hơn 50% số ca tử vong.
Không chỉ dừng lại ở vùng dịch Tây Phi, Ebola hiện đã xuất hiện tại một số quốc gia khác như Tây Ban Nha, Anh hay Mỹ. Sau 8 tháng bùng phát dịch, dịch Ebola đang nhấn chìm những tiến bộ phát triển kinh tế - xã hội và không quốc gia, không tổ chức nào có thể một mình giải quyết được dịch bệnh này.
Ở góc độ kinh tế, dịch bệnh Ebola có thể gây thiệt hại cho khu vực Tây Phi hơn 30 tỷ USD trong 2 năm tới. Một trong những tác động lớn nhất đối với các nước bị ảnh hưởng bởi dịch Ebola là thị trường lao động. Ngành công nghiệp khai khoáng chủ lực của Sierra Leone và Liberia chủ yếu dựa vào lao động thủ công nhưng nhiều công nhân trong thời gian gần đây đang lựa chọn nghỉ việc do lo ngại bị nhiễm Ebola.
Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại cũng bị suy giảm khi một số quốc gia như Bờ Biển Ngà hay Senegal (láng giềng của các nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Ebola) phải đóng cửa biên giới, nhằm hạn chế sự lây lan. Đây là nguyên nhân khiến giá các mặt hàng thiết yếu tại các nước chịu ảnh hưởng của Ebola tăng từ 10-15%. Do lo ngại về dịch Ebola, chính phủ Ấn Độ vừa quyết định sẽ không tổ chức Hội nghị cấp cao Diễn đàn Ấn Độ - Châu Phi theo dự kiến vào ngày 4/12, tại New Delhi.
Giờ đây, khi những trường hợp nhiễm Ebola đã lần lượt xuất hiện tại phương Tây thì những tác động về kinh tế mà virus Ebola gây ra sẽ không chỉ gói gọn trong khu vực Tây Phi. Thậm chí tại Hội nghị thường niên diễn ra vừa qua của 2 tổ chức kinh tế lớn trên thế giới là Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB), việc ngăn chặn dịch bệnh Ebola lại là một trong hai chủ đề chính được đề cập.
Mặc dù cuộc chiến chống lại dịch Ebola vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều tín hiệu tích cực đã xuất hiện, đặc biệt là “điểm sáng” Nigeria. Thời gian qua, Ebola đã bùng lên tại Nigeria với 20 ca lây nhiễm và 8 trường hợp tử vong, nhưng cuối cùng quốc gia Tây Phi này tuyên bố đã dập tắt hoàn toàn dịch bệnh, và trở thành một niềm hy vọng cho toàn thế giới.
Đây là sự thành công ngoạn mục. Nigeria đã không thực sự chuẩn bị đối phó với sự bùng nổ dịch bệnh, nhưng sự phản ứng nhanh chóng từ chính phủ liên bang, chính quyền bang và tổ chức quốc tế là cần thiết. Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan kêu gọi người dân Nigeria để thống nhất về mục đích và phương pháp tiếp cận chống lại Ebola ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống quốc gia. Sự thành công của Nigeria đối với Ebola là một minh chứng cho những gì người Nigeria có thể làm được nếu họ bỏ qua mọi khác biệt và đồng lòng làm việc cùng nhau.
Câu chuyện thành công này cho thấy: nếu một quốc gia bị cản trở bởi các vấn đề an ninh nghiêm trọng như Nigeria có thể khống chế được Ebola, thì không lý gì những quốc gia khác lại không làm được. Các quan chức hy vọng “tấm gương” Nigeria sẽ làm thay đổi suy nghĩ của các nước phương Tây, nơi mà hiện nay nhiều người đang phải chịu kìm kẹp trong một cơn hoảng loạn về một đại dịch từ châu Phi.
Trước thực tế chưa có phác đồ điều trị hiệu quả, hàng ngàn người mắc bệnh với tỷ lệ tử vong lên tới 90%, Liên Hiệp Quốc ước tính sẽ cần phải chi khoảng 1 tỷ USD để ứng phó với dịch Ebola.
Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Sam Kutesa khẳng định, các nước thành viên cần nhân đôi nỗ lực thông qua các cam kết tài chính để đương đầu với dịch bệnh chưa từng có này. Việc gấp rút nghiên cứu để bào chế ra vaccine phòng Ebola đang được nhiều nước tiến hành, song song với thiết lập rào chắn an toàn trước những diễn biến nghiêm trọng hơn của dịch bệnh.
Rõ ràng, cộng đồng quốc tế phải hợp sức để tìm ra những giải pháp sáng tạo nhằm ngăn chặn sự lây lan rộng hơn của Ebola. Đây thực sự là nhiệm vụ không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh loài người đang chạy sau virus chết người này…