NSA giải mật tài liệu mật mã: Hoài nghi về “viên đạn bạc”
Cái tên Lambros Callimahos xuất hiện, gợi nhắc đến vị chuyên gia mật mã huyền thoại được cho là đã tạo ra hệ thống kí hiệu đặc biệt thách thức nhiều thế hệ tình báo.
Hé lộ quan trọng
Lambros Callimahos có quá khứ gắn liền với trường mật mã quốc gia Mỹ. Nhiều tài liệu tiết lộ nơi đây dường như đánh dấu khởi điểm cho sự nghiệp của Callimahos khi ông tham gia các chương trình đào tạo nhân viên cho Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) và cộng đồng tình báo.
Lambros Callimahos là một kẻ lập dị, ưa thích lối phục trang không tay của giới cảnh sát Paris, chuộng trà kiểu Anh cổ điển và luôn đội mũ nồi trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ông tạo ra một thế giới huyền bí với ngôn ngữ riêng và hệ thống mật mã mà sinh viên phải giải chúng.
Đầu năm 2021, NSA chính thức giải mật phần thứ 3 của MILCRYP, bất chấp nguy cơ MILCRYP tiết lộ năng lực phá mã của cơ quan này. Một trong những chương quan trọng nhất của tài liệu có tiêu đề “Nguyên tắc của phân tích mật mã”, được Lambros Callimahos viết cực kỳ chi tiết về cách phá tất cả các loại mã thường được quân đội sử dụng.
Truyền thông cực kỳ quan tâm đến cách tiếp cận mã hoá ba bước để giải một tin nhắn thông qua phương pháp bí ẩn Callimahos ghi là “tôi không muốn đặt tên”.
Như Callimahos trình bày chi tiết, phá mã phải bắt đầu với tất cả dữ liệu cần thiết. Điều này bao gồm ba yếu tố: bản mã, văn bản thuần tuý trước khi mã hóa được áp dụng, và bối cảnh.
Đối với các tin nhắn quân sự bí mật, người giải có thể nghi ngờ một số từ nhất định đã được mã hóa thành bản mã, dựa trên kiến thức trong quá khứ.
Quá trình sắp xếp và tái lập dữ liệu diễn ra liên tục, cho đến khi xuất hiện các chi tiết “cố định”, trở thành căn cứ tìm ra phương pháp dịch mã để bẻ khoá các mật mã.
Lambros Callimahos tham gia các chương trình đào tạo mật mã cho nhân viên NSA và cộng đồng tình báo. |
Một trong những hé lộ quan trọng của MILCRYP xoay quanh suy luận Bayes, vừa đáng sợ lại vừa hấp dẫn. Lambros Callimahos cho rằng, suy luận Bayes sử dụng các khía cạnh của phương pháp khoa học, trong đó có việc thu thập các bằng chứng nhất quán hoặc không nhất quán với một giả thuyết nào đó. Khi các bằng chứng tích lũy, mức độ tin tưởng vào một giả thuyết thay đổi.
Giới mã thám truyền tai nhau rằng MILCRYP là tinh hoa của cuộc đời Lambros Callimahos, đem tới chìa khoá “bẻ code” từ mật mã quân sự cho đến trò chơi ô chữ đơn giản xuất hiện hàng tuần trên các trang báo hay tạp chí.
Hai phần đầu tiên của MILCRYP được Lambros Callimahos hoàn thiện chỉ sau một năm, rồi bí mật gửi cho chính phủ Mỹ nghiên cứu và sử dụng trong giai đoạn 1957-1977, tập trung chủ yếu vào mã hoá cổ điển (bao gồm mã hóa thay thế và hoán vị).
Trên thực tế là, các lý thuyết Callimahos xây dựng là phiên bản nâng cấp từ bộ sách Military Cryptanalysis của William Frederick Friedman - “người khổng lồ” trong ngành mật mã học của Mỹ. Callimahos là trợ lý thân cận của Friedman tại trường mật mã, nên đã học được nhiều bí kíp về phân tích các hệ thống đa biểu.
Trong một bài báo xuất bản vào năm 1987, Callimahos tuyên bố đã lên ý tưởng cho phần 4, 5 và 6 của MILCRYP, tập trung miêu tả các khoá mã hoá và xây dựng thế hệ máy giải mật mã.
Tuy nhiên, cho đến khi ông qua đời vào năm 1977, không một ai biết tung tích thực sự của ba phần này, khiến chúng trở thành “mật mã không thể phá của Callimahos”.
Mối liên hệ mơ hồ
Khi NSA giải mật các tài liệu của Lambros Callimahos, nhiều chuyên gia ngay lập tức nhắc lại bí ẩn của người đàn ông này với nhiều hồ sơ NSA khác về người ngoài hành tinh.
Hai cái tên được triệu hồi nhiều nhất chính là “Chìa khoá hoá giải thông điệp ngoài hành tinh”, và “Trí thông minh đến từ vũ trụ”, dưới tên tác giả Howard H. Campaigne. Mối quan hệ của NSA, trường mật mã và Lambros Callimahos đủ lớn để làm xuất hiện thuyết âm mưu: rất có thể Callimahos liên quan tới hai đầu sách này, và cả tác giả kia nữa.
Rõ ràng, các tín hiệu bí ẩn đến từ không gian có cơ chế tương tự mật mã nhân tạo, và rằng để bẻ khoá chúng cần tới bộ não mã thám của Lambros Callimahos.
Quay trở lại cách đây hơn 50 năm, sau hội nghị về quân sự và tác chiến điện tử ở Washington DC ngày 23-9-1965, Lambros Callimahos đã hoàn thành một tài liệu cho đến giờ vẫn chưa được NSA giải mật hoàn toàn.
“Tiếng nói của vũ trụ” mở ra bí ẩn về sự sống ngoài hành tinh, trình bày cách Callimahos giải mã các tín hiệu thu được qua vệ tinh, bằng những hệ mã hoá đặc biệt.
Vị chuyên gia nhắc tới cụm từ “mã hoá nghịch đảo”, coi đây là cách phổ biến nhất con người có thể liên lạc với sinh vật vũ trụ, nhưng không tiết lộ thêm bất cứ chi tiết nào.
Trang 18 tài liệu MILCRYP dẫn các chuỗi thông tin xuất hiện trình tự bí ẩn ABCD, ABCDE, DEFG,... rồi kết thúc bằng ba ký tự STV. Lambros Callimahos kết luận, bất cứ nền văn minh nào có thể gửi thông điệp xuyên vũ trụ chắc chắn phải sở hữu nhiều giá trị tương đồng về ngôn ngữ, văn hoá và tư duy.
Ông cũng nhấn mạnh, phải tìm cách chung sống hoà bình với họ nếu không muốn “bị nuốt chửng”, hay không lâu nữa một nền văn minh siêu cấp sẽ chạm tới chúng ta.
Theo Lambros Callimahos, chìa khoá để giải mật mã là tư duy theo quan điểm của kẻ ra đề. |
Cây bút Micah Hanks cho rằng giải mật phần 3 của MILCRYP chẳng khác nào... một giọt nước, chỉ trích NSA che giấu nhiều tài liệu khác về Callimahos.
Dư luận vẫn còn nhớ rất rõ vụ kiện NSA đình đám bởi một tay luật sư ở Arizona, cùng mớ thủ tục hỗn loạn, chỉnh sửa liên tục trong suốt gần 7 năm trước khi hai phần đầu của MILCRYP xuất hiện trên truyền thông.
Nội dung tài liệu của Callimahos cũng khiến cánh nhà báo hoài nghi: ngoài hành tinh và phá mã. Phải chăng MILCRYP còn mang theo các sáng tạo của chính Callimahos về cách trò chuyện với vật thể bay không xác định (UFOs), hoặc chính MILCRYP là một bản mật mã khổng lồ về thông tin liên hành tinh mà NSA đang che giấu?
Đi tìm sức mạnh
Những năm gần đây, dư luận lên án mạnh mẽ hành vi thu thập dữ liệu của NSA, biến cơ quan này trở thành tâm điểm trong cuộc tranh luận về quyền riêng tư và an ninh quốc gia.
Quyết định công khai phần 3 tài liệu MILCRYP không hẳn xoa dịu dư luận, mà tiếp tục làm dấy lên nghi ngờ NSA bí mật tìm kiếm Lambros Callimahos phiên bản 2.0 để hoàn thiện bản thảo các phần 4,5 và 6, vốn được đồn đoán là do NSA giữ kín từ sau khi Callimahos qua đời. Từ đó, NSA có thể gia tăng sức mạnh trong trận chiến mật mã trên toàn cầu.
Quả thực, NSA luôn khao khát nhân tài để giải những mật mã hóc búa của thời đại, chẳng hạn như thông điệp thứ tư K4 ẩn sau tác phẩm điêu khắc Kryptos 1.800 ký tự nằm tại đại bản doanh CIA.
Trong quá khứ, NSA từng bỏ lọt John Byrne, một nhà văn rất đam mê mã hóa. Khi John Byrne tuyên bố đã tạo ra mã Chaocipher không thể phá giải được, ông bị NSA tước bỏ cơ hội đến học tại trường mật mã để trở thành nhà mã thám chuyên nghiệp. NSA bẽ mặt, khi Byrne mang mật mã Chaocipher xuống mồ.
Tất nhiên, chưa có bất ngờ nào xuất hiện. MILCRYP vẫn chưa đủ sức để tạo nên bất ngờ, chí ít là với Kryptos, khi thông điệp cuối K4 quá ngắn và tạo nên “đỉnh Everest của các mật mã thời hiện đại”.
Ở cuối phần 3, Lambros Callimahos thừa nhận ông chỉ cố gắng tích lũy tất cả các quy tắc giải mật mã để phục vụ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia.
Ông nhấn mạnh bài học quan trọng cho thế hệ mã thám tương lai: muốn giải mã thành công thì cần đặt mình vào ma trận mật mã, tìm quy luật ẩn bên trong những gợi ý và tư duy dựa trên quan điểm của kẻ ra đề.
Những trang ký tự bên trong MILCRYP hé lộ cách phá các loại mật mã. |
Lambros Callimahos cũng gợi lại trong trí tưởng tượng người đọc sự khắc nghiệt của trường mật mã. Các lớp học cực kỳ khủng khiếp, đến mức nếu làm rơi một chiếc bút chì xuống đất thì cũng không dám cúi nhặt vì sợ bỏ lỡ mất một chuỗi các hệ thống mã hoá. MILCRYP không chỉ dạy cho sinh viên (và sau này là nhân viên tình báo) những kỹ năng mới, mà còn định hướng lối tư duy đậm chất Lambros Callimahos.
Tức là, mỗi ngày khi lên lớp, ông sẽ hỏi mấy câu đại loại như “ý nghĩa mật mã hôm nay là gì?”, hay “các cậu đã thấy ký tự nào lặp lại hay chưa?”. Sau khi giải mật hai phần đầu, NSA coi MILCRYP như một chiến binh giấy thầm lặng, gọi Lambros Callimahos là nhà mã thám mặc thường phục, đã cứu mạng cơ quan này trong nhiều vụ án.Khi ấy, Lambros Callimahos chỉ cười và đáp lại: “thế giới mật mã vô hạn, chỉ hi vọng tài liệu của tôi giúp ích cho nhân loại, và được sử dụng đúng mục đích mà tôi đã mã hoá trong từng trang viết”...