Miền ngọc đẹp dưới núi Côn Luân

Thứ Ba, 03/02/2015, 15:03
Hơn 2000 năm qua, Khotan hay còn gọi là Hoà Điền, miền đất xanh tươi nằm dưới chân núi Côn Luân giáp ranh với Tây Tạng luôn luôn là một vùng đất vô cùng hấp dẫn khách thương muôn nẻo tìm đến để mua bán và chiêm ngưỡng nhiều loại ngọc quý giá nhất thế giới.

Vì muốn thấy ngọc đẹp, tôi đã liều mạng băng mình qua sa mạc Taklamacan trên một chuyến xe bão táp tràn ngập gió đêm lạnh lùng. Gió lạnh đến nỗi, chỉ một thoáng chốc khi tôi vừa hé mở cửa xe để gảy tàn thuốc đã thấy gió xộc vào cánh mũi làm máu tươi tuôn ra mặn chát, đôi môi khô khát, loang tràn xuống cả vạt ngực. Quấn mình trong chiếc áo khoác, tôi nằm lăn lóc trên sàn xe nghiêng ngả, không khác gì những lữ khách xa xưa lê mình đi trong đêm, mặc gió mưa máu tuôn vẫn không nản lòng đến với Khotan.

Ngày còn ở Tây Tạng, tôi không ngờ có ngày mình lại đến với quốc gia cổ đại một thời xưng hùng xưng bá dưới chân núi Côn Luân. Khotan, chính là nước Vu Điền thời Tây Hán như trong Hán thư miêu tả “Quốc vương Vu Điền cai trị Tây thành”, tức là thành phía tây con sông Ngọc Long Ca Thập. Vu Điền xa xưa không chỉ nổi tiếng về ngọc mà đây còn là một vùng đất của nghệ thuật ca vũ và hội họa, trong đó có hai cha con Úy Trì  Ất đã trở thành danh bất hư truyền với phương pháp vẽ “vựng nhiễm pháp” thể hiện bức tranh theo hình khối của không gian ba chiều đầu tiên ở Trung Quốc.

Buổi sáng, ra chợ Khotan, tôi không thể tin vào mắt mình khi thấy cả một khu phố rộn ràng người mua kẻ bán hằng hà sa số các loại ngọc đẹp đúng như sách xưa Thiên Công Khai Vật (Sản vật tạo hoá) nói, phàm ngọc được quý trọng nhất phải là ngọc Vu Điền! Trên lòng phố, bên vỉa hè, trong cửa hiệu, người ta thong thả mua bán, trao đổi từng viên ngọc nhỏ như hạt mắt cho đến từng tảng ngọc nặng hàng chục kg với đủ các loại ngọc chủng, bạch ngọc, hoàng ngọc, hồng ngọc, hắc ngọc, tử ngọc, thanh ngọc, bích ngọc... trong đó quý nhất là bạch ngọc! Bạch ngọc mịn màng, chất đá sáng trong, sinh ra từ núi Côn Luân theo dòng sông Ngọc Long Ca Thập trôi về Khotan. Vì vậy dòng sông này còn có tên là sông Bạch Ngọc. Theo Tân Đường thư và Ngũ đại sử viết thì trên sông Bạch Ngọc, cứ nơi nào nước sông sáng lên tựa ánh trăng mọc từ đáy cát thì nơi ấy ắt có ngọc đẹp và vì vậy, thay vì làm lễ xuống đồng cày ruộng cầu chúc xã tắc yên ấm một mùa màng mới, vào mùa thu, vua Vu Điền xắn quần, lội xuống sông, vớt ngọc trên sông sau đó dân chúng mới được bước vào một mùa vớt ngọc!

Ngoài vớt ngọc hay đào ngọc giữa lòng sông Bạch Ngọc, người dân Vu Điền còn cưỡi bò rừng Tây Tạng, một loại bò lông dài phủ xuống 4 chân, tôi đã có dịp cưỡi đi qua đỉnh đèo Kamala trên đường từ Lhasa đến tu viện Tashilhunpo, lên núi Côn Luân, dùng bốn chân khỏe mạnh của con vật đạp lui đạp tới làm bật lên những viên ngọc.  Không biết, trong những viên ngọc đã phơi bày trên phố này, có viên nào được lấy từ cách “đạp ngọc” trên núi Kôn Luân hay được vớt từ sông Bạch Long.

Ngọc bán ở đây, khách muôn phương đến mua rồi mang đến Trung Quốc, mang ra miền Tây Á. Chính từ vùng đất Vu Điền cổ đại, khách thương đã mang ngọc theo con đường tơ lụa đến với đất Trung Nguyên, cái cửa ải từ Tây Vực vào Trung Nguyên có tên Ngọc Môn Quan là xuất phát từ việc chở ngọc vào nội địa ngày trước.

Hơn 2000 năm trước, Trương Khiên cũng đã đến đây đem ngọc quý về dâng vua, trước Trương Khiên, vào thời Mục Vương nhà Chu cũng đến Côn Luân lấy ngọc. Mục thiên tử truyện chép rằng, năm 943 trước công nguyên, thiên tử leo lên mặt bắc núi Thung Sơn nhìn ra tứ phía rồi nói Thung Sơn là núi cao nhất thiên hạ. Thiên tử nhặt được hai thứ ngọc gọi là “vinh ngọc” và “chi tư”. Thung Sơn trong mắt Chu Mục Vương hơn 3000 năm trước chính là núi Thông Lĩnh trên cao nguyên Pamia ngày nay.

Mục Chu Vương, Trương Khiên đã thành thiên cổ, danh xưng Vu Điền đã thành Khotan hay Hoà Điền, nhưng ngọc quý Côn Luân vẫn trong sáng dưới ánh mặt trời sa mạc Taklamacan. Tôi đi trên phố ngọc, những viên bạch ngọc mát rượi mười ngón tay, lòng vui tươi như đứa trẻ đang cầm linh hồn quý giá của núi Côn Luân rong chơi trên con đường tơ lụa. Nhưng tôi không hay biết, đúng như lời Mamutal, tôi vẫn là một con lừa khi ở Hoà Điền còn có một thứ rất đỗi giản dị nhưng quý hơn cả ngọc quý Côn Luân. Đó chính là những viên đá cuội nằm dưới dòng sông Ngọc Long Ca Thập và những đường tơ mong manh suốt hàng ngàn năm nay không phai nhạt màu sắc trong đôi tay người dân Hoà Điền.

Một góc chợ phiên Hòa Điền.

Đứng trên bờ sông Ngọc Long Ca Thập, nhìn những viên đá cuội nằm phơi mình giữa dòng nước cạn, thật sự tôi không ngờ, những hình hài câm lặng của đất kia lại mang một tầm vóc lớn lao đối với sự sinh tồn của Hoà Điền. Cao tăng Huyền Trang, lúc đến Khotan, cũng đứng bên sông mà kể lại cho nhân thế nghe một huyền sử bi hùng xảy ra trên sông. Rằng thuở xa xưa, một hôm thấy dòng sông không dưng mà cạn dòng nên vua nước Vu Điền sợ hãi ngỡ là trời phạt vì những lỗi lầm của mình; nhưng một vị cao tăng đã giải thích, lỗi này không phải do vua mà bởi một con Hà long gây ra. Vua lập tức dâng lễ vật cúng tế Hà long trên sông thì một người con gái hiện ra.

- Chồng tôi chết quá sớm - người con gái cúi xin nhà vua - xin đại vương chọn một viên quan kết nghĩa phu thê với tôi thì dòng nước sẽ hoàn nguyên như cũ!

Mất một viên quan đại thần, vua rất lấy làm đau thương nhưng vì sự sống muôn dân, ông liền chấp nhận. Viên quan mặc đồ trắng, cưỡi ngựa trắng nhảy xuống sông, rồi vạch kiếm tách nước thành đường đi về cõi hà bá. Chỉ trong giây lát, dòng nước lại tuôn trào trở lại. Dòng nước mát vẫn còn chảy đến ngày nay, không bao giờ khô cạn dưới ánh mặt trời nóng bỏng màu nắng sa mạc là bởi đáy sông được lót bằng những viên đá cuội! Dân gian thấy vậy cũng bắt chước dòng sông, lượm từng viên đá cuội, xây thành hàng ngàn mương nước tưới xanh khắp chốn Khotan.

Là nơi có khí hậu cực kỳ nóng nực với lượng mưa bình quân hàng năm chỉ có từ 30-40mm, trong khi lượng bốc hơi lại cao hơn 2700 mm, dòng nước rất dễ thẩm thấu vào đất cát sa mạc nên mỗi khi làm mương dẫn nước, người dân phải chắt chiu từng viên đá cuội để lót lòng mương, giữ cho nguồn nước khỏi bị tiêu tan trong cát bụi; do đó dân gian sa mạc thường nói quý nước hơn vàng, quý đá hơn ngọc là vậy. Khotan ngày tôi đến đã có hàng ngàn km đường dẫn nước bằng đá cuội, mang nguồn nước tưới mát cho khắp 6 huyện Bì Sơn, Hắc Ngọc, Lạc Phủ, Dân Phong, Sách Lặc, Vu Điền. Được nuôi dưỡng bởi nguồn nước tinh khiết của núi Côn Luân nên người dân Khotan đều là những giai nhân quốc sắc thiên hương, ngay cả một Cao tăng như Huyền Trang cũng phải rời trang kinh mà thốt lên: Vu Điền quả là một vùng đất quyến rũ biết bao!

Đi trên đường phố Hoà Điền, ngày nay không còn cảnh tượng những đoàn sư tăng rước đón Đức Phật bằng những cỗ xe dát ngọc lỗng lẫy, thay vào đó là những tòa thánh đường Hồi giáo cao vút trời xanh nhưng sắc đẹp trên nét mặt thiếu nữ Hoà Điền thì vẫn long lanh từng bước chân. Dù ẩn mình trong những vạt váy dài thêu hoa của xứ Hồi nhưng dáng người và khuôn mặt của con gái Hoà Điền vẫn ngỡ ngàng tâm tư những kẻ xa lạ như tôi bởi màu mắt xanh và làn da mịn màng trong sáng. Làn da trắng đến nỗi, trên môi của nhiều cô gái, những hàng lông tơ xanh đậm như tô một màu son diệp lục nào đó.

Nước và đá cuội không chỉ sinh ra người đẹp mà còn nuôi dưỡng một loài cây quý giá, đó chính là cây dâu tằm, loài cây không phải nơi nào trên vùng sa mạc cũng trồng được. Do nhiều lần thỉnh cầu nhưng các vua miền Trung Nguyên không chịu truyền giao nghề nuôi tằm dệt lụa đồng thời lại kiểm tra hết sức ngặt nghèo tại các cửa ải nhằm ngăn chặn những hạt giống dâu tằm lọt ra nước ngoài nên nước Vu Điền vẫn không có cách gì để học được nghề tơ lụa.

Vua Vu Điền liền nghĩ cách xin cầu hôn công chúa nhà Đường rồi thầm lệnh cho sứ giả xin công chúa mang hạt giống dâu tằm về nước Vu Điền. Vì thương chồng yêu dân nên công chúa nhà Đường đã  lén cất giấu hạt dâu tằm vào người trước khi lên kiệu hoa về quê chồng, ra đến cửa ải mặc dù bị lục soát rất gắt gao nhưng vì được cất giấu bí mật trong chiếc mũ đội trên đỉnh đầu công chúa nên cuối cùng những hạt giống ấy cũng theo nàng, vượt qua hàng vạn dặm trường về đến Vu Điền.

Từ những hạt giống đầu tiên của công chúa nhà Đường,  Khotan đã trở thành một lục châu xanh tươi ngàn ruộng dâu tằm và cũng từ đó, nghề tơ lụa của người Khotan bắt đầu phát triển cho đến hôm nay.

Người Khotan có cách bán lụa và thảm quý thật là lạ kỳ. Khi tôi đến một hàng bán thảm trong khu chợ nằm bên cạnh một ngôi thánh đường, anh chàng chủ quán nói tiếng Anh như gió tên là Zakir lần lượt lấy ra nhiều tấm thảm trải rộng trước mặt tôi. Hết tấm này đến tấm khác, tôi vẫn không vừa ý, Zakir cũng không vì thế mà phiền lòng, cuối cùng Zakir mới leo lên tận mái nhà, lấy từ trong góc khuất ra một cuộn thảm. Tấm thảm trên tay Zakir mở ra đến đâu tôi ngạc nhiên xuýt xoa đến đó bởi vẽ đẹp kỳ ảo của nó.

- Đây là tấm thảm quý nhất trong quán hàng của tôi - Zakir giới thiệu - Anh hãy đi vòng quanh nó mới hiểu được.

Theo lời Zakir, tôi bước một vòng ngắm nhìn tấm thảm liền phát hiện ra màu sắc của tấm thảm thay đổi theo từng góc nhìn và độ sáng. Những hoa văn hoạ tiết của nghệ thuật Hồi giáo, đơn giản nhưng tinh tế vô cùng cứ lần lượt ẩn hiện, lúc mờ lúc tỏ trong mắt tôi.

- Một phân vuông trên thảm này có đến 800 mũi kim thêu dệt - Zakir tự hào nói với tôi - Để làm tấm thảm rộng hơn 1m2 này phải mất đến 3 tháng trời. Nó được làm bằng tay, chất liệu của nó là bằng tơ. Anh nên nhớ là bằng tơ chứ không phải là sợi. Giá của nó là 1000 USD!

Tôi thẫn thờ ngắm nhìn tấm thảm như người mộng du trong nuối tiếc bởi dù muốn tôi cũng không thể khi mà túi tiền đang cạn dần sau một chuyến đi dài trên sa mạc. Nhưng Kazir lại làm tôi ngạc nhiên khi anh nói:

- Anh là người Việt Nam đầu tiên tôi gặp nên tôi sẽ giảm giá còn 700 USD - Kazir lại càng làm tôi ngạc nhiên hơn - Nếu anh không đủ tiền thì cứ mang về quê nhà rồi gửi tiền cho tôi sau cũng được! Tôi tin rằng cha tôi sẽ đồng ý bởi anh là người biết giá trị của tấm thảm này.

Sau khi được sự đồng ý của người cha Zakir, tôi hồ hởi ôm tấm thảm vào lòng như ôm nòi giống của những hạt dâu tằm xa xưa công chúa nhà Đường liều thân vượt qua cửa ải mang về Hoà Điền. Tấm thảm quý và sự chân thành của cha con Zakir đã mang đến cho tôi một niềm xúc động sâu xa có tên gọi là tấm tình giang hồ mà nhân loại ngày này dường như đã tuyệt tích.

- Dưới bầu trời của Allah, chúng tôi chẳng nô lệ thứ gì, kể cả tiền bạc - Zakir chia tay tôi với nụ cười - Tấm thảm này là tấm lòng, là niềm tin của gia đình tôi. Nếu anh quý trọng nó thì nó sẽ không bay mất. Còn nếu anh không có tấm lòng, anh không gửi tiền cho cha con tôi thì cũng vậy thôi. Buôn bán là thú vui của cuộc sống chứ không phải vì tiền mà quan trọng!

Văn Cầm Hải
.
.